Nhiều năm qua, bác sĩ Phạm Hữu Lộc, Phó trưởng liên chuyên khoa Bệnh viện C-Đà Nẵng, là một tấm gương điển hình về các hoạt động nhân đạo từ thiện. Anh thường nói với các y, bác sỹ trong khoa rằng: “Chúng ta hãy coi người bệnh như người thân của mình và bệnh của người khác cũng như bệnh của chính mình”.
Được bầu làm Phó chủ tịch Thường trực Hội từ thiện quận Sơn Trà, ở cương vị này, bác sỹ Lộc cùng với Ban Chấp hành Hội đã vận động kinh phí xây dựng 68 căn nhà tình thương tặng hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà cho 50 trường hợp khác, trao tặng hàng trăm suất học bổng, tiền, quà, xe lăn cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Riêng cá nhân bác sĩ đã hỗ trợ 25 triệu đồng để làm một nhà tình thương tặng bà Nguyễn Thị Thêm là hộ nghèo ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Đặc biệt, mỗi tháng bác sỹ Lộc tự nguyện ủng hộ 1 triệu đồng cho Quỹ hoạt động nhân ái của Hội. Người thầy thuốc này còn vận động đồng nghiệp và các nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo ở nhiều địa phương trong thành phố. 5 năm qua đã có 1.590 lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.
Trong việc khám chữa bệnh, bác sĩ Lộc không những giỏi chuyên môn mà còn luôn tỏa sáng y đức của người thầy thuốc. Bất kể bệnh nhân là cán bộ hay dân thường đều được anh thăm khám, điều trị ân cần, chu đáo và giải thích, dặn dò hết sức tỉ mỉ. Anh thường nói với các y, bác sỹ trong khoa rằng: “Chúng ta hãy coi người bệnh như người thân của mình và bệnh của người khác cũng như bệnh của chính mình”.
Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB), bác sĩ Lộc cũng tiến hành nhiều hoạt động nhân đạo, kịp thời giúp đỡ, chia sẻ với những cán bộ, nhân viên gặp khó khăn, hoạn nạn. Hội viên Lê Công Hiền bị liệt do tai biến và vết thương tái phát, được anh vận động Hội CCB và đoàn viên thanh niên ủng hộ 6 triệu đồng, một chiếc xe lăn cùng với nhiều tặng vật khác. Mặt khác, anh đã tổ chức nhiều chương trình về nguồn kết hợp khám, chữa bệnh cho đối tượng chính sách và người nghèo ở các vùng căn cứ cách mạng năm xưa như Hoà Phú, Hòa Quý, Sơn Trà (Đà Nẵng), Điện Bàn, Trà My (Quảng Nam)... Chuyến đi nào cũng được chuẩn bị công phu, chu đáo, có sức hấp dẫn đối với lớp trẻ và được Đảng ủy, Lãnh đạo Bệnh viện hết sức ủng hộ. Nguồn kinh phí, thuốc men để khám, chữa bệnh cho các đối tượng là do CCB cùng cán bộ, công nhân viên bệnh viện thực hành tiết kiệm trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo bác sĩ Lộc, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho đối tượng chính sách và người nghèo ở các vùng căn cứ là một điểm nhấn trong mỗi chuyến về nguồn nhằm giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và tình yêu thương nhân ái cho thế hệ trẻ.
Trong chuyến Về nguồn năm 2009, bác sĩ Lộc đã đưa CCB và đoàn viên thanh niên Bệnh viện C Đà Nẵng đến làm Lễ tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị và dâng hoa bên bờ sông Thạch Hãn, đồng thời tổ chức khám, chữa bệnh cho tất cả cán bộ, nhân viên Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và CCB già yếu ở xã Gio Việt (Gio Linh-Quảng Trị).
Những hoạt động từ thiện của bác sỹ tại địa phương đã được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng khen thưởng về thành tích hoạt động nhân đạo, từ thiện trong giai đoạn 2005-2009; là CCB duy nhất ở Đà Nẵng được chọn đi dự Hội nghị “CCB Việt Nam làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực miền Trung và Nam Bộ.
Bài và ảnh: Lê Văn Thơm
80 Hùng Vương-Đà Nẵng