Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đặng Việt Khoa, nhân viên Quân lực đảo Song Tử Tây, người có 22 năm tuổi đảng, hơn 40 tháng công tác ngoài quần đảo Trường Sa và đã có 3 lần anh đón Tết ở nơi này. Tôi biết Đặng Việt Khoa cách đây đã 15 năm, khi anh là lái xe thiết giáp ở Lữ đoàn M1, Vùng 4 Hải quân. Tôi là Trung đội trưởng, còn anh là cán bộ đoàn. Không chỉ là một đảng viên gương mẫu, một người lính luôn có tác phong nhanh nhẹn và kỷ luật cao, anh còn là một người lính đa tài và có một gia đình hạnh phúc.
Là đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu
Cách đây 15 năm, tôi vẫn nhớ như in những buổi tham gia huấn luyện cùng với đồng nghiệp Khoa. Chương trình huấn luyện hải quân đánh bộ là một chuỗi tổng hợp các hoạt động chiến đấu và phối hợp chiến đấu trên biển và trên đất liền, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, lái xe, pháo thủ phải nắm rất chắc về nội dung, trình tự thực hành và phải huấn luyện trong mọi điều kiện thời tiết (trên bộ cũng như trên biển), đêm và ngày. Trong huấn luyện hỏa lực, các bài lái, bài bắn từ xe thiết giáp là những khoa mục khó, đòi hỏi phải phối hợp tốt giữa lái xe và kíp chiến đấu trong các tình huống. Mặc dù đơn vị có đủ biên chế lái xe nhưng không phải ai cũng có tay lái vững, bản lĩnh xử lý các tình huống, nhất là tình huống lái xe bơi biển, lái phục vụ bắn đạn thật như Đặng Việt Khoa. Là người chịu khó học hỏi, thường xuyên rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh nên trong các khoa mục huấn luyện, Khoa luôn là người được chỉ huy tin cậy giao cho thực hành mẫu để các kíp xe quan sát rút kinh nghiệm. Kíp xe của Đặng Việt Khoa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy lữ đoàn khen ngợi. Nói ít, làm nhiều, đối với nhiệm vụ là phải hoàn thành với chất lượng cao nhất, đúng thời gian. Với tư chất đó, trong quan hệ giữa tôi và Khoa dường như không còn khoảng cách giữa chỉ huy và cấp dưới, với anh em đồng đội trong kíp xe, Khoa được ví như người anh cả. Có lần hai anh em ngồi tâm sự trong lúc giải lao, Khoa nói với tôi: Mình là đảng viên nên phải cố gắng hơn, phải làm tốt mọi việc để làm gương trước đồng đội. Trong khó khăn, gian khổ, mình là đảng viên phải vững vàng, đi trước, làm trước, là hạt nhân đoàn kết, thì việc khó mấy cũng thành công, việc to mấy cũng thành nhỏ. Tấm gương của Đặng Việt Khoa đã truyền rất nhiều năng lượng và cảm hứng cho tôi trong chỉ huy và điều hành đơn vị.
Giờ đây Đặng Việt Khoa không còn là lái xe nữa, bởi đức tính cẩn thận, chăm chỉ, kỷ luật nghiêm, chỉ huy lữ đoàn đã điều động Khoa lên cơ quan quân lực và năm 2017, anh nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây. Vẫn con người ấy, ở bất kỳ vị trí công tác nào đồng đội vẫn thấy ở anh sự tận tụy, mẫn cán và trách nhiệm.
Người lính đảo đa tài
Thật đúng là cơ duyên, sau hơn 10 năm chúng tôi lại được gặp nhau. Tôi nhận ngay ra người đồng đội cũ lúc anh trên sân khấu giao lưu văn nghệ với đoàn công tác. Anh vẫn thế, trẻ trung, năng động và rất có khiếu văn nghệ. Vừa làm MC, vừa đàn, hát và cả đánh trống nữa… Giọng hát khỏe, đầy sức lôi cuốn của anh đã khiến cho đêm diễn giao lưu trở nên sôi động. Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây nói: Đây là anh lính đa tài của đảo, mặc dù nhiệm vụ là nhân viên quân lực nhưng cái gì cũng giỏi. Nấu ăn, trồng hoa, trồng rau, tập văn nghệ, cắt kẻ vẽ… cái gì cũng làm tốt. Các đợt hội thao, hội thi lữ đoàn chúng tôi giật được giải là có công của đồng chí ấy. Các hoạt động phong trào bề nổi của đảo chúng tôi đều giao cho anh ấy phụ trách. Phong trào văn nghệ của đảo sôi động không thua kém gì ở đất liền, nhờ đó tinh thần bộ đội luôn phấn khởi và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng ủy, chỉ huy đảo luôn đánh giá đồng chí Khoa là một đảng viên gương mẫu, trách nhiệm và nhiệt huyết. Cán bộ, đảng viên trong đơn vị luôn coi anh là tấm gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm để học tập và noi theo. Đó là người đảng viên “2 trong 1”, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ người đảng viên, vừa là trung tâm đoàn kết, xây dựng phong trào của đơn vị.
Gặp lại nhau sau bao năm xa cách, Khoa tâm sự: Năm 2014 đi đảo An Bang và đó là lần đầu tiên đón tết ở đảo. Tết ở Trường Sa đúng là rất đặc biệt, trước đây ở bờ không hình dung được. Lính đảo thường đùa là họ được đón hai cái tết, đó là tết sớm và tết đúng. Tết sớm là khi tàu từ đất liền ra mang theo thực phẩm, quà tết ra đảo, anh em trên đảo làm thịt heo, gói bánh ngay vì thực phẩm không để chờ đến tết đúng được, hơn nữa cũng là để có không khí và hương vị Tết đón các đoàn đến thăm và chúc tết quân và dân nơi đảo xa. Tôi được chỉ huy đảo giao nhiệm vụ tổ chức các chương trình vui xuân, đón tết, tổ chức các cuộc thi nấu ăn, thi gói bánh, thi văn nghệ giữa các cụm chiến đấu… Tết đúng, chúng tôi tổ chức đêm giao thừa, lập cầu truyền hình với đất liền, nối tình quân dân, tình đất liền với biển, đảo thân yêu. Đón giao thừa ở đảo rất nhiều cảm xúc. Ở trên đảo chúng tôi có tình đồng đội gắn bó như một gia đình. Và mỗi người còn có gia đình luôn đồng hành trong những thời khắc ý nghĩa nhất. Ai cũng được gọi điện về nhà để gia đình động viên, chúc mừng những lời chúc đầu năm may mắn nhất.
Hạnh phúc đón đợi nơi bến bờ
Ngồi trên bờ kè ngắm hoàng hôn Trường Sa và nghe người bạn cũ hát: “Chiều nay anh nghe tiếng sóng đang thì thầm âu yếm tiếng hát ai. Em trở về An Bang, lòng xao xuyến như muốn chờ đợi ai. Bồi hồi bao nỗi nhớ bóng dáng em trên bốn bể An Bang…”, trong tôi trào lên niềm xúc động, thấy biển, đảo đất nước mình đẹp và hùng vĩ lạ thường. Đúng là bạn tôi đã thuộc về nơi đây, sóng và gió biển đã trở thành một phần trong tâm hồn của người lính biển đa tài này. Phía sau, nơi bến bờ, Đặng Việt Khoa có một gia đình rất hạnh phúc. Một người vợ chịu thương, chịu khó, hai đứa con ngoan, học giỏi. Tết này là tết thứ 4, ngôi nhà nhỏ của gia đình tại khu tập thể của Lữ đoàn 101 lại chỉ có 3 mẹ con, cái tổ ấm bình yên và hạnh phúc ấy được giữ vững bởi niềm tin, người ở bờ đã quen với sự đón đợi. Với người lính đảo, gia đình cũng giống như bến cảng nơi con tàu trở về sau mỗi chuyến khơi xa. Trường Sa không xa - những người lính như Đặng Việt Khoa luôn biết cách truyền gửi tình cảm của mình về tổ ấm.
Phạm Quang Tiến