Là người sáng lập, bồi dưỡng và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vai trò của đạo đức trong sự nghiệp cách mạng. Sức mạnh của đạo đức cách mạng ở chỗ nó xóa đi những gì lỗi thời và phát huy mạnh mẽ những tiềm năng tinh thần, những phẩm chất đạo đức đang tồn tại. Sự nghiệp cách mạng đòi hỏi phải có con người cách mạng với tinh thần cách mạng. Đạo đức cách mạng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và bản thân nó cũng tạo cho mình một sự chuyển biến mang tính cách mạng.
Đạo đức cách mạng khác hẳn với đạo đức cũ. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu cần, kiệm, liêm, chính nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính là cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để cho nước, cho dân” (1).
Ngày 17-1-1946, tại cuộc họp Giám đốc và Chủ tịch các Ủy ban Công sở ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vậy để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có bốn đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính. Cần, là anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người...; kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu, đồ dùng trong các công sở... Có cần, có kiệm (...) mới trở nên liêm chính để cho người ngoài kính nể được”. (2)
Hơn 70 năm qua, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã chỉ rõ, làm người cách mạng, làm cán bộ, công chức, viên chức phải có bốn đức tính: cần-kiệm-liêm-chính. Bốn đức tính đó phải được thể hiện cụ thể bằng hành động, việc làm hàng ngày chứ không phải là những lời nói suông, hô hào lấy lệ. Cán bộ, công chức phải gương mẫu về đạo đức. Sự gương mẫu về đạo đức là một trong những chuẩn mực đặc trưng của nền công vụ. Người có quyền lực càng lớn, địa vị càng cao thì càng phải thường xuyên tu dưỡng và làm gương sáng về đạo đức. Những điều đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị!
Đạo đức cán bộ, công chức theo tư tưởng của Hồ Chí Minh còn có nghĩa là Chính phủ, cán bộ phải lấy tinh thần là công bộc của dân, là đầy tớ của dân mà đối xử với dân. Cách hiểu này có thể coi là một đặc trưng tiêu biểu của đạo đức công vụ. Tinh thần đầy tớ của dân một mặt có ý nghĩa là tôn trọng quyền dân chủ của Nhân dân, mặt khác có ý nghĩa người được giao trách nhiệm đại diện cho Nhân dân phải tận tâm, tận tụy với công việc, với Nhân dân, phụng sự Nhân dân hết mình như giữ đạo hiếu với cha mẹ vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh công việc chung cho dân, chứ không phải là để đè đầu cưỡi cổ Nhân dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. (3)
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chỉ thành hiện thực khi có sự đóng góp của mỗi người, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức và tài năng. Mỗi người chỉ đóng góp tốt cho xã hội khi người đó thực sự làm tốt chuyên môn của mình theo sự phân công lao động xã hội trên nền tảng tất cả đều vì con người, vì tương lai, hạnh phúc của con người. Xây dựng nền hành chính hiệu quả, chuyên nghiệp và trong sạch là mục tiêu của công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam và ở Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Để thực hiện mục tiêu này, trước tiên phải có một đội ngũ cán bộ, công chức chính quy, chuyên nghiệp và có đạo đức trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Đạo đức cán bộ, công chức phải được đặt trên lập trường của giai cấp công nhân; vì cuộc sống ấm no, vì hạnh phúc của nhân dân; bằng tinh thần tận tụy hy sinh vì dân, vì nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) nêu rõ: Tăng cường rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong rèn luyện đạo đức, lối sống. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác sát với đặc điểm địa phương, đơn vị; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ; xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh. Thực hiện tốt các bước tiếp theo sau khi quy hoạch cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; tập trung nắm tình hình và giải quyết đúng đắn, hiệu quả vấn đề chính trị hiện nay, nhất là vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng tình hình mới, yêu cầu mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục thực hành, rèn luyện đạo đức công vụ; đồng thời không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là các mặt công tác sau đây:
Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tuyệt đối “trung với nước, hiếu với dân”; trung thành vô hạn đối với mục tiêu lý tưởng của Đảng, của dân tộc, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích của đất nước, của dân tộc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ cán bộ, công chức phải luôn quan tâm đến lợi ích của Nhân dân, tôn trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh; phải giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đồng thời phải biết tập hợp Nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức phải có ý thức giữ gìn đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng trước mọi âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, có lương tâm nghề nghiệp trong sáng, không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, chuyên môn, ngoại ngữ và biết ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiết kiệm không đơn thuần chỉ là tiền bạc, vật chất, thời gian mà còn là sắp xếp, bố trí, phân phối công việc bởi nói đến tiết kiệm là nói đến năng suất, hiệu quả, là gắn liền với chống lãng phí. Cán bộ, công chức phải luôn luôn thực hành chữ liêm, chống tham ô, tham nhũng. Thực hành đạo đức công vụ là phải tẩy sạch bệnh quan liêu.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng. Bản thân cán bộ, công chức phải thực hiện tốt chính sách của Nhà nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân; tổ chức thực hiện đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống có hiệu quả. Lấy chất lượng cuộc sống của nhân dân và sự tiến bộ, phát triển của xã hội làm thước đo năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức phải là những người có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và trước nhân dân.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ, công chức phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân, kiên quyết khắc phục thói vô cảm trước công việc, với Nhân dân. Coi trọng tự phê bình và phê bình, “phải nghiêm khắc với chính mình”. Phê bình có mục đích trong sáng, có lý, có tình. Khắc phục bệnh chuộng hình thức, tâng bốc nhau, không dám nói thẳng, không nói thật, nói trước sau, trong ngoài bất nhất,... để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đồng thời, cần phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân, vụ lợi mà “đấu đá”; nhân danh phê bình để đả kích, lôi kéo, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ.
Thứ năm, cán bộ, công chức cần phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tôn trọng độc lập, chủ quyền tòan vẹn lãnh thổ của các nước, mở rộng hợp tác cùng nhau phấn đấu vì hoà bình, hữu nghị và cùng phát triển; chống chiến tranh, chống đói nghèo, chống bất công, chống cường quyền áp đặt trong quan hệ quốc tế. Phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy nguồn lực bên trong và tận dụng nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những yêu cầu, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) rất thiết thực, mang hơi thở cuộc sống, sát với tình hình hiện nay. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiêm túc học tập, tự phê bình và phê bình, nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống; không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong từng cơ sở đảng và ngay chính trong gia đình mình, bản thân mình. Đó là đòi hỏi hết sức nghiêm túc, cấp thiết, đồng thời cũng là kỳ vọng của Đảng bộ và nhânhân dân Thành phố mang tên Bác kính yêu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thành phố.
---------------------------------
Trích dẫn và tham khảo:
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, (1996), Tập 6. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.320- tr.321.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập (1995), Tập 4. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 158.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, (1995), Tập 4. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.56 – tr. 57.
TẤT THÀNH CANG
Ủy viên Trung ương Đảng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM