Học và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND), Công an tỉnh Đồng Tháp luôn hết lòng, hết sức cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, vì dân phục vụ, vì bình yên của đất nước. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép năm 2021, các lực lượng Biên phòng, Công an, dân quân tự vệ, tổ nhân dân tự quản đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập mầm bệnh từ vùng có dịch vào địa bàn tỉnh. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, từng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) luôn nhận thức rõ trách nhiệm, tầm quan trọng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm được giao.
Những mô hình, phần việc ý nghĩa, thiết thực
Công an tỉnh Đồng Tháp xác định “xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng. Vì thế, hầu hết cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đều nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND, đều thực sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong việc chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh, điều lệnh CAND, quy trình, quy chế công tác, ứng xử văn hóa; thái độ ứng xử của CBCS thường xuyên tiếp xúc với nhân dân được chấn chỉnh; công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ CBCS sai phạm phải xử lý kỷ luật giảm đáng kể; xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, gương CBCS dũng cảm, kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhiều đồng chí có những hành động, nghĩa cử cao đẹp, được nhân dân khen ngợi, chính quyền các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng… Những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp của CBCS Công an tỉnh Đồng Tháp đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
Thời gian qua, các cấp ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các mô hình, phần việc thiết thực, hiệu quả như: Diễn đàn “Công an Đồng Tháp nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Câu lạc bộ người hoàn lương, Trạm dừng chân nghĩa tình, Móc khóa an ninh, Tin nhắn an ninh; Ca-mê-ra giám sát an ninh, “Công an xã, phường, thị trấn lắng nghe ý kiến nhân dân”… Các phần việc đăng ký làm ngoài giờ, làm thứ bảy, chủ nhật để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ xử lý vi phạm cho nhân dân; trực tiếp đến nơi cư trú cấp Căn cước công dân cho người già yếu, vùng sâu, vùng biên giới; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp tiền để cấp học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; giúp dân khắc phục thiên tai, gia cố đê bao, gặt lúa, chống lũ…
Nhiều mô hình, phần việc thực sự đã xây dựng được hình ảnh chiến sỹ CAND thức cho dân ngủ yên, vì bình yên cuộc sống trong lòng bà con đầy tin tưởng, tự hào. Ví như mô hình diễn đàn “Công an Đồng Tháp nghe dân nói, nói dân biết, làm dân tin” đã tập trung xây dựng đội ngũ CBCS Công an từ tỉnh đến cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư thế, lễ tiết tác phong chuẩn mực, phong cách ứng xử có văn hóa, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân tại cơ sở. Tiêu chí “5 tăng, 3 giảm” được lấy làm thước đo kết quả thực hiện. “5 tăng”: Tăng tỷ lệ điều tra, khám phá án với phương châm “lấy phòng là chính”. Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tăng số lượng, chất lượng cán bộ về cơ sở. Tăng các hoạt động tình nguyện giúp dân, an sinh xã hội, hoạt động tình nghĩa, tri ân. Tăng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. “3 giảm”: Giảm tội phạm, tệ nạn xã hội. Giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo. Giảm tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật có liên quan đến lực lượng Công an. Hiệu quả của mô hình này thể hiện rõ nét trong việc chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh, điều lệnh CAND, quy trình, quy chế công tác, ứng xử văn hóa, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm trong công việc được nâng lên; giảm đáng kể tỷ lệ CBCS sai phạm phải xử lý kỷ luật; công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đi lại và chi phí cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giám sát, phản ánh việc thực hiện công vụ của CBCS, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Thực hiện hiệu quả Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng và mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương”, UBND tỉnh thành lập Qũy phát triển tái hòa nhập cộng đồng với tổng số tiền 15 tỷ đồng, đã giải ngân cho 565 trường hợp chấp hành xong án phạt tù có nguồn vốn sản xuất, làm ăn và có việc làm ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, sớm hòa nhập cộng đồng. Hiện tại tỉnh có 43 câu lạc bộ người hoàn lương với 506 thành viên tham gia, sử dụng vốn đúng mục đích, sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả chiếm 91,8%. Hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương” đã góp phần kéo giảm tỷ lệ tái vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Hay như mô hình “Trạm dừng chân nghĩa tình” được thực hiện trong dịp lễ, tết tại điểm Trường THCS An Bình B thuộc tỉnh lộ ĐT842 với 2 nội dung chính là: Cấp phát miễn phí nước suối, khăn lạnh, bố trí chỗ nghỉ ngơi (võng, bàn, ghế) và tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho mình và mọi người. Mô hình đã xây dựng được hình ảnh đẹp, thân thiện, nhân văn của người chiến sỹ Công an Đồng Tháp trong lòng nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ Công an khen ngợi. Mô hình đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng trên tuyến đường ĐT842.
Vững vàng trên tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19
Học và làm theo lời Bác Hồ dạy CAND, tiếp tục phát huy chương trình “Công an tỉnh Đồng Tháp chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID19”, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động ý nghĩa, tích cực hỗ trợ CBCS làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu và các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 5-4-2021, Công an TP. Cao Lãnh đã trao tặng 72 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Cao Lãnh. Đây là số tiền mà CBCS trích từ tiền lương để chia sẻ khó khăn với những người lao động nghèo có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Công an TP. Cao Lãnh cũng đã đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp trao tặng các nhu yếu phẩm gồm gạo, mì, khẩu trang… hỗ trợ cho các khu cách ly. Công an TP. Cao Lãnh cũng trao 130 phần quà với tổng số tiền gần 50 triệu đồng mà các Mạnh Thường Quân ủng hộ cho các gia đình nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trên địa bàn. Tại mỗi nơi đến, CBCS đều ân cần thăm hỏi, động viên các gia đình, đồng thời tuyên truyền cho người dân về cách phòng ngừa dịch bệnh, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay với nước sát khuẩn, hạn chế ra đường khi không cần thiết. Đoàn Thanh niên Công an huyện biên giới Tân Hồng đã tiếp nhận, trao tặng 10.000 khẩu trang y tế và khẩu trang vải, 20 thùng mì, 20 thùng sữa tươi, 1.000 chai nước rửa tay, 1.000 chai nước súc miệng và 1.000 găng tay y tế với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng cho CBCS làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu và các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Công an huyện Tân Hồng cũng đã phân công CBCS tham gia Tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực chốt, trạm biên giới và địa bàn giáp ranh; tổ chức đo thân nhiệt, phát khẩu trang, nước rửa tay và tờ rơi tuyên truyền cho người dân đến liên hệ giải quyết công việc. Nhằm hỗ trợ cho các lực lượng ở tuyến đầu đang làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19, Công an TP. Sa Đéc đã phối hợp với nhà tài trợ hỗ trợ Bệnh viện dã chiến Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp 1 tấn gạo, 50 thùng mì cùng nhiều nhu yếu phẩm khác với tổng kinh phí khoảng 25 triệu đồng…
Lực lượng Công an Đồng Tháp luôn chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị với mục tiêu ngăn ngừa và xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch; phối hợp với ngành chuyên môn phun thuốc khử trùng tại trụ sở làm việc, các đơn vị nghiệp vụ, nơi thường xuyên tiếp công dân như: Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảnh sát giao thông. Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở; chú trọng công tác quản lý nhân, hộ khẩu, tập trung rà soát những người trở về từ vùng dịch để có biện pháp cách ly, kịp thời xử lý theo quy trình. CBCS luôn chủ động điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng đăng tải, chia sẻ nội dung sai sự thật về dịch bệnh; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Cùng với các lực lượng khác trong hệ thống chính trị, Công an tỉnh Đồng Tháp luon tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là đối với vùng nông thôn trong thời gian giãn cách xã hội. Trong quá trình siết chặt kiểm soát các cửa ngõ vào tỉnh, thực hiện phong toả, giãn cách, nâng nguy cơ tại các điểm nóng, các CBCS công an tỉnh Đồng Tháp đều không nề hà, không sợ hiểm nguy, luôn có mặt 24/24 để bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả nhất theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, hết lòng hết sức vì nhân dân, cùng nhân dân, cùng cả nước quyết chiến thắng đại dịch COVID-19.
Những kinh nghiệm
Từ thực tiễn tổ chức, triển khai các mô hình, phần việc thực hiện “xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, Công an tỉnh Đồng Tháp rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương cần có nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung thực hiện mô hình và nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong việc thực hiện; thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, chú trọng đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát nhằm chuyển từ nhận thức sang tự giác thực hiện của mỗi CBCS.
Thứ hai, việc thực hiện mô hình, phần việc phải được duy trì thường xuyên, liên tục, phải cụ thể hóa nội dung, mô hình thành chương trinh, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị và nhiệm vụ chính trị được giao; cần xây dựng các khẩu hiệu thành hành động, dễ nhớ để CBCS dễ thực hiện. Phát huy vai trò nòng cốt, tinh thần xung kích sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ ba, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự lan tỏa trong xã hội; thường xuyên tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn trong triển khai thực hiện.
Thứ tư, cần chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, định kỳ đánh giá những mặt làm tốt để phát huy và có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để bảo đảm mô hình, phần việc có hiệu quả lâu dài. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện hiệu quả các mô hình, phần việc; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không tốt dẫn đến sai phạm, kỷ luật.
Học và làm theo lời Bác Hồ dạy CAND, thực hiện tốt các mô hình, phần việc, hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an trong lòng nhân dân đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, tạo được mối quan hệ gắn bó với nhân dân, từ đó nhân dân tích cực hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng CAND trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần vào thành tích chung của toàn lực lượng CAND. Từ 0h ngày 14-7, Đồng Tháp tiến hành giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trước bối cảnh tổng số ca mắc Covid-19 trong tỉnh lên tới 620 ca, hầu hết lây nhiễm trong cộng đồng, công việc của CBCS Công an tỉnh Đồng Tháp càng nặng nề. Chúng ta tin rằng, với sự chung tay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đồng Tháp sẽ nhanh chóng đẩy lùi, chiến thắng đại dịch COVID-19.
Minh Anh