Tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ công ơn của Đảng và Bác Hồ đã quan tâm chăm sóc từ khi tôi mới chập chững bước vào đời, cho nên tôi viết những dòng này với lòng thành kính biết ơn Đảng và Bác Hồ.
Tác giả vinh dự được bắt tay Bác Hồ (trong ảnh) tại Hội nghị công tác của Bộ Giao thông vận tải vào tháng 6-1956 (Ảnh: Đinh Đăng Định).
Tuy chỉ được may mắn được phục vụ Bác Hồ 3 lần nhưng tôi đã được Bác dạy bảo rất nhiều. Thứ nhất, Bác dạy tôi phải học tập suốt đời vì chữ Trung Quốc nhiều lắm, học cả đời không hết. Nhưng Bác lại bảo “Biển Hán học” rộng bao la cho nên phải chọn những gì tinh túy nhất mà học, học để sau này có tác dụng giúp cho việc cải cách và chấn hưng đất nước. Nhờ được Bác dạy bảo, tôi quyết tâm học tiếng Trung Quốc hằng ngày. Khi đi công tác hễ có lúc nào rảnh rỗi là tôi lại mang sách tiếng Trung ra học. Đồng chí Nông Đức Mạnh (sau này làm Tổng Bí thư) thấy thế nói vui: “Anh đã bắt đầu chuẩn bị bước lùi rồi đấy”. Tôi nói: “Thưa anh, có ai tiến mãi được đâu, có tiến thì phải có lùi, cho nên phải chuẩn bị để lùi thế nào cho đúng...”. “Nhờ có sự chăm chỉ học tập đó mà trong 26 năm nghỉ hưu, trừ 3 năm vào dạy tiếng Trung trong Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, còn 23 năm tôi đã dịch và biên soạn xuất bản được 18 cuốn sách (trong đó có 3 cuốn xuất bản ở Mỹ ) và sáng tác được 3 tập thơ.
Thứ hai là phải quyết tâm học cho được phương pháp tư duy mẫn tiệp của Bác. Nhờ có phương pháp tư duy này mà Bác đã ứng phó nhanh nhạy, sắc sảo, sáng tạo và rất kịp thời những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám mới thành công, chính quyền còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, muôn vàn khó khăn, đất nước ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc". Bác đã rất bình tĩnh nhận định đại ý: Trước hết phải đuổi cho được mấy chục vạn quân Tàu về nước. Thứ hai là phải làm cho các cường quốc công nhận ta. Thứ ba là ta phải bằng mọi cách kéo dài tình trạng hòa hoãn để có thời gian xây dựng lực lượng và chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến sau này. Cục diện của đất nước đã diễn ra đúng như thế và Người đã làm đúng như thế. Ta đã ký Hiệp định sơ bộ với Pháp tạo hành lang pháp lý đuổi quân Tàu về nước, nhưng bọn Tàu lại đòi phải có tiền lộ phí mà chúng lại đòi lấy bằng vàng. Bác đã cho tổ chức Tuần lễ vàng cứu quốc, để huy động vàng trong cả nước, nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô cùng một số nhà tư sản yêu nước khác đã hiến cho Nhà nước hàng ngàn lượng vàng... Như vậy là ta vừa có vàng để trả “lộ phí” cho quân Tàu, đồng thời còn có vàng đề mua vũ khí.
Trước khi đi Pháp, Bác đã dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng (lúc đó là Quyền Chủ tịch nước) một câu nói bất hủ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đây là phương châm xử thế mang màu sắc triết học. Ta có thể hiểu nôm na ý của Bác lúc đó như sau: Bất biến có nghĩa là mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân thì không bao giờ thay đổi, nhưng để giữ cho được cái bất biến đó thì có rất nhiều sóng gió, giông bão mà ta phải ứng phó linh hoạt để vượt qua”. Câu nói này của Bác cũng rất đúng cho rất nhiều trường hợp trong thực tiễn hằng ngày, nếu ta biết vận dụng.
Sở dĩ Bác có được những chủ kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề sống còn của đất nước là do Bác đã có một phương pháp tư duy mẫn tiệp, phương pháp tự duy biện chứng đúng đắn, phù hợp với quy luật diễn biến và phát triển của sự vật. Chính vì có được cách tư duy khoa học đó mà những nhận định của Bác phần lớn là những dự báo, những dự đoán mang tính tiên tri. Bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu năm 1969 - bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác là một ví dụ sinh động.
Bác viết:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”.
Trong bài thơ này Bác nhận định: Năm nay tiền tuyến sẽ càng thẳng to và Bác đã tái khẳng định rõ mục tiêu của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là giành độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Bác đã chỉ rõ phương châm chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Bác đã kêu gọi và động viên chiến sĩ và nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi cuối cùng để hai miền Bắc Nam sum họp một nhà, để cả nước có một mùa Xuân vui nhất trong lịch sử. Bài thơ của Bác chỉ có 6 câu với 84 chữ, nhưng đã dự báo, đã tiên tri cả một giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước, đã khẳng định sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và đã báo trước ngày toàn thắng.
6 năm sau - năm 1975, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực hiện thắng lợi lời tiên tri của Bác, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thế nói đây là một bài thơ mang tính tiên tri toàn diện về xu thế phát triển của đất nước trong một giai đoạn lịch sử vẻ vang của nhân dân ta. Bài thơ vừa mang tính dự báo, vừa mang tính chỉ đạo động viên nhân đân ta xốc tới giành thắng lợi hoàn toàn công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bác đã đi xa nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ của Bác ta càng thêm kính yêu Bác, càng thêm quyết tâm học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, ta thấy Người đã vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo quy luật nhân quả - một quy luật phổ biến cả trong tự nhiên và trong xã hội, đặc biệt Người đã rất thành công trong việc biến sức mạnh của sự thống nhất ý chí, tư tưởng thành sức mạnh vật chất – một sức mạnh vô địch của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Mặt khác, phải học cho được ở Bác một tinh thần bình tĩnh, kiên cường trước những sóng gió thử thách của cuộc đời. Trong mọi thời cuộc, loạn thời, loạn thế nhưng cái tâm của Bác không bao giờ loạn. Bác vẫn ung dung, tự tại đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Bác ngồi đó ung dung châm lửa hút/ Trán mênh mông thanh thản một vùng trời”.
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng những lời dạy của Bác trong nhiều lĩnh vực vẫn mang tính thời đại và mãi mãi là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như tâm nguyện của Bác.
Xuất phát từ cái tâm trong sáng, tất cả vì nước, vì dân, cho nên Bác đã có những ý tưởng siêu phàm. Tôi xin kết luận bài viết bằng câu 2 thơ: “Tâm tĩnh, tâm an, tâm sinh tuệ/ Trí tài, trí tuệ, trí hiến minh”.
Trần Trọng Thanh
Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Dân tộc, nguyên Trợ lý Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc