1. Chủ động cụ thể hoá đường lối giải phóng dân tộc của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải hết sức quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa địa phương và cả nước
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9-1939), đế quốc Pháp tăng cường đàn áp cách mạng Đông Dương, đồng thời ra sức vơ vét bóc lột, làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc ở Đông Dương với đế quốc xâm lược và tay sai ngày càng gay gắt. Đảng kịp thời rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Ngày 29-9-1939, Trung ương Đảng gửi toàn Đảng một thông báo quan trọng, chỉ rõ: “Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”(1). Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939) tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) khẳng định: Trong điều kiện lịch sử mới, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách nhất của cách mạng Đông Dương. Nghị quyết của Hội nghị được phổ biến xuống cơ sở. Mặc dù bị khủng bố dữ dội, phong trào đấu tranh của quần chúng vẫn được duy trì và phát triển, các tổ chức phản đế được thành lập ở khắp nơi. Tại Nam kỳ, phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng lan rộng. Theo chủ trương của Xứ ủy, một kế hoạch khởi nghĩa vũ trang được gấp rút chuẩn bị. Sau khi Võ Văn Tần, Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ và một số cán bộ trong Thường vụ Xứ uỷ bị bắt (21-4-1940), Tạ Uyên đảm nhiệm công việc lãnh đạo chủ chốt của Xứ uỷ. Căn cứ vào yêu cầu mới của cách mạng, tháng 5-1940 đồng chí đã viết bản Đề cương cách mạng ở Nam kỳ, xác định phương hướng, nhiệm vụ phải tiến tới giành chính quyền cách mạng(2). Trước những biến chuyển mau lẹ của phong trào cách mạng Nam kỳ, tháng 7-1940 Tạ Uyên triệu tập Hội nghị toàn xứ gồm 24 đại biểu đến từ 19 tỉnh (trong tổng số 21 tỉnh). Hội nghị đề ra một số công việc cần kíp: kiện toàn cơ quan lãnh đạo các cấp, phát triển mạnh các đoàn thể quần chúng để tiến tới thành lập một mặt trận phản đế toàn xứ; tổ chức lực lượng du kích, mua sắm vũ khí và luyện tập quân sự, đẩy mạnh công tác binh vận, khẩn trương chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa. Hội nghị bầu Ban Thường vụ Xứ uỷ gồm Tạ Uyên, Phan Văn Khoẻ và Lê Văn Khương, do Tạ Uyên làm Bí thư. Hội nghị đại biểu toàn xứ tại làng Xuân Thới Đông (nay là xã Tân Xuân, Hóc Môn, Gia Định) họp từ ngày 22 đến 23-9-1940, nhận định: Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng “nếu không khởi nghĩa thì lại có hại, quần chúng sẽ tan rã tinh thần. Và nếu ta lùi bước, quần chúng sẽ xa rời Đảng, sẽ mất ảnh hưởng và mất tín nhiệm trong quần chúng. Pháp, Nhật sẽ chia rẽ nội bộ ta, làm cho nội bộ ta tan rã… Tiến hành khởi nghĩa thì sẽ có lợi, biểu thị được một cách hùng hồn lực lượng đấu tranh giành độc lập..., giữ vững được Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế, góp phần xây dựng mặt trận quốc tế và ủng hộ cách mạng Trung Hoa”(3). Hội nghị đã vạch rõ đường hướng cho cuộc khởi nghĩa, Sài Gòn - Chợ Lớn được chọn là nơi sẽ phát lệnh khởi nghĩa chung cho toàn xứ.
2. Sức mạnh của Đảng là ở quần chúng, vì thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải luôn giữ vững mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng
Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ, công tác chuẩn bị lực lượng được xúc tiến mạnh mẽ. Các tổ chức quần chúng ngày càng phát triển, nhất là nông hội, phụ nữ, thanh niên, tạo điều kiện tập hợp và giác ngộ quần chúng. Ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân Nam kỳ. Theo Báo cáo Chính trị 10-1940 số 2293C/API ngày 21-11-1940 của Thống đốc Nam kỳ gửi toàn quyền Đông Dương: “có đến 30% quần chúng nhân dân có xu hướng cộng sản… Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế đã thống nhất từ các làng đến tỉnh và đương đi đến thống nhất toàn xứ”(4).
Xứ ủy Nam kỳ xác định binh vận là một khâu quan trọng trong chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp là con em nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc, có thể trở thành một lực lượng khởi nghĩa nếu được giác ngộ. Xứ uỷ thành lập hai uỷ ban chuyên môn binh vận. Những nỗ lực trong công tác binh vận làm cho số lượng binh sĩ có cảm tình với cách mạng ngày càng nhiều. Phát hiện thấy những điều khác lạ trong anh em binh sĩ người Việt, ngày 16-10-1940, Thống đốc Nam kỳ Vơ-bê (Veber) gửi thông tri mật nhắc nhở các tỉnh phải kiểm tra an ninh, chú ý đề phòng việc lấy cắp vũ khí, đạn dược, thuốc nổ. Ngày 11-11-1940, Vơ-bê lại gửi báo cáo khẩn lên cấp trên, rằng trong tài liệu mà y vừa bắt được ở Vĩnh Long có nội dung phân tích những thời cơ thuận lợi phát động cuộc nổi dậy của cộng sản. Tài liệu cũng nhắc tới những tổ chức cộng sản sẵn có trong binh lính phải nhằm vào các kho vũ khí, đạn dược và chuẩn bị đánh chiếm khi được lệnh. Đến tháng 11-1940, nhiều đơn vị binh lính người Việt ở Nam kỳ đã ngả về phía cách mạng, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa. Việc thực dân Pháp định điều động binh sĩ người Việt đi để bảo vệ quyền lợi của chúng ở vùng biên giới với Lào và Căm-pu-chia đã gây bất bình đối với họ. Xác định thà hy sinh trong một cuộc khởi nghĩa dân tộc còn hơn là chết trong một cuộc chiến tranh vì quyền lợi của bọn thực dân, họ yêu cầu cán bộ cách mạng cho khởi nghĩa sớm. Tuy nhiên, phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường, thực dân Pháp đã kịp thời thu vũ khí và cấm trại binh sĩ người Việt. Vì thế, anh em binh lính không có cơ hội tham gia khởi nghĩa.
Nhờ nỗ lực xây dựng các tổ chức chính trị quần chúng và kiên trì công tác binh vận, Xứ uỷ Nam kỳ không chỉ tập hợp, giác ngộ đông đảo quần chúng nhân dân mà cả anh em binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp; tạo được sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng, kể cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Đó là yếu tố bảo đảm sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với phong trào cách mạng.
3. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ đảng về những quyết định của mình, nhất là phải nhận rõ khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa
Tình hình Nam kỳ lúc đó hết sức căng thẳng, trong khi Phan Đăng Lưu ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương vẫn chưa về. Ngày 15-11, Tạ Uyên triệu tập cuộc họp Xứ uỷ. Sau khi đánh giá tình hình quân đội Pháp và tình hình chuẩn bị của các địa phương, thấy quần chúng rất hăng hái, lực lượng vũ trang cách mạng quyết tâm nổi dậy, Ban Thường vụ Xứ uỷ quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy giành chính quyền. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ và Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn, các cơ sở đều khẩn trương chuẩn bị và chỉ còn đợi lệnh thực hiện. Trưa ngày 22-11, Hội nghị Thành uỷ mở rộng được tổ chức gồm các thành uỷ viên, Ban khởi nghĩa thành, bí thư và trưởng ban cán sự quận, phụ trách các bộ phận chuyên trách của Thành uỷ để nghe truyền đạt mệnh lệnh và kế hoạch khởi nghĩa. Ngay sau Hội nghị, mật thám Pháp bố trí bao vây, lùng sục. Đến 16 giờ cùng ngày, chúng bắt được Tạ Uyên, đồng thời thu được một bản kế hoạch viết tay giấu trong người, nhờ đó thực dân Pháp đã biết gần như toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa của Xứ uỷ. Việc những người lãnh đạo cao nhất của Xứ uỷ và Thành uỷ Sài Gòn bị bắt trước một ngày khi cuộc khởi nghĩa nổ ra là một tổn thất lớn lao. Sau 18 ngày bị tra tấn dã man bằng nhiều thủ đoạn, đồng chí Tạ Uyên đã anh dũng hy sinh tại bốt Ca-ti-na (10-12-1940), giữ vững khí tiết của người cộng sản. Do địch kịp thời ứng phó, cuộc khởi nghĩa không nổ ra được ở nội thành Sài Gòn, nhưng quần chúng các vùng ngoại ô như Gò Vấp, Hóc Môn, Cần Giuộc, Đức Hoà... cùng các tỉnh Nam kỳ, nhất là Mỹ Tho, đã nổi dậy theo kế hoạch của xứ uỷ. Mặc dù thực dân Pháp có sự chủ động đề phòng, nhưng khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, chỉ huy và binh lính nhiều đơn vị đối phó lúng túng. Nhiều bức điện từ khắp nơi gửi về cho bọn cầm quyền ở Sài Gòn báo rằng cộng sản đã nổi dậy chiếm đồn, lấy súng... và cầu cứu quân lính hỗ trợ. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa. Với lực lượng đông và những thủ đoạn tàn bạo, đế quốc Pháp đã dìm cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ trong biển máu, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề và gặp khó khăn trong nhiều năm sau.
Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại vì nổ ra chưa đúng thời cơ, khi những điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi. Chịu trách nhiệm là Xứ uỷ Nam kỳ, mà chủ yếu là Bí thư Xứ uỷ Tạ Uyên. Đó là kết luận thẳng thắn của Hội nghị Xứ uỷ tháng 12-1940 ở xã An Phú Tây. Sự nghiêm khắc của Xứ uỷ Nam kỳ khi nhận rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa là do sự lãnh đạo chưa đúng của Xứ uỷ thể hiện trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Một tổ chức đảng cách mạng không phải ở chỗ không có sai lầm, khuyết điểm, mà ở chỗ có dám nhìn nhận thực tế để tìm ra nguyên nhân và kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm hay không. Đó chính là thái độ của những người cộng sản chân chính. Và nhờ đó, Đảng Cộng sản đã giữ được niềm tin trong quần chúng nhân dân và tích luỹ thêm kinh nghiệm để đưa cách mạng đến thắng lợi.
PGS. TS. Vũ Quang Hiển
Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
-----
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, H.2000, tập 7, tr.756. (2) Theo lời kể của Nguyễn Thị Liên - tức Bé Liên, liên lạc viên của Xứ uỷ Nam kỳ. Dẫn theo bài của Lưu Phương Thanh ngày 23-11-1986 nhân kỷ niệm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ gửi cho gia đình ông Tạ Hồng Xuân - con trai của Tạ Uyên. (3) Lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ, Đề tài khoa học cấp nhà nước do Trần Giang, chủ trì, nghiệm thu tháng 12-2000, tr.52. (4) ĐCSVN: Sđd, tập 7, tr.62-63.