Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng; là một nguyên tắc, nội dung sinh hoạt chi bộ; là vũ khí sắc bén để xây dựng chi bộ luôn trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sửa đổi lối làm việc, lối sống, nếp sống, ý thức tổ chức, kỷ luật của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thực tế vừa qua ở nhiều chi bộ, chất lượng phê bình và tự phê bình còn hạn chế dẫn tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, của đội ngũ cán bộ, đảng viên yếu, không giải quyết tốt những khuyết điểm, yếu kém ngay từ chi bộ, dẫn tới không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, trước hết cần quán triệt sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình với những nội dung cơ bản sau: Tự phê bình và phê bình nhằm mục đích giúp nhau cùng tiến bộ, nên động cơ phải đúng đắn, trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Khi phê bình người khác không được áp đặt, xoi mói mang tính “bới lông, tìm vết”, “hạ bệ" lẫn nhau; phê bình việc chứ không phê bình người, tránh công kích cá nhân, trả thù. Thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt. Phải có thái độ kiên quyết, “ráo riết, triệt để”, đúng mức, không nể nang, thêm bớt, hời hợt, quanh co, chiếu lệ, sai đúng rõ ràng. Nhờ đó, giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa, người khác thấy đó mà phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Tự phê bình và phê bình muốn hiệu quả tốt cần có phương pháp tốt, phải được tiến hành trong tổ chức, phê bình đúng lúc, trong hoàn cảnh thích hợp, không phải gặp đâu nói đó. Người đứng đầu, người chủ trì sinh hoạt chi bộ phải rất công minh, tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “thậm thà, thậm thụt”, cũng không “việc bé xé ra to”. Phải có thái độ chân tình, cầu thị, cởi mở; nói đúng ưu điểm và khuyết điểm; biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu, tránh cho người bị phê bình nản chí, chán ghét…
Từ đó, để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê binh trong sinh hoạt chi bộ hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Muốn vậy, phải thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên quán triệt, học tập và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, có nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp của tự phê bình và phê bình, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tế sinh hoạt cấp ủy, chi bộ.
Hai là, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh các quy chế, quy định, chế độ công tác, lề lối làm việc của chi bộ, của đơn vị làm cơ sở cho tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, định kỳ cấp ủy, chi bộ tổ chức cho quần chúng góp ý kiến với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là với người đứng đầu. Cán bộ chủ chốt phải thực sự gương mẫu tự phê bình trước chi bộ, trước đơn vị và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình để sửa chữa khuyết điểm nếu có. Cấp ủy cấp trên tăng cường giám sát, kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên cấp dưới thực hiện tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm.
Ba là, chi bộ, chi ủy viên phát huy dân chủ, tránh áp đặt, bệnh hình thức trong tự phê bình và phê bình. Đảng viên phải nêu cao tính chiến đấu, khắc phục tâm lý tự ti, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh hoặc sợ bị trả thù, trù dập của người mình phê bình, nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo, chủ chốt của cơ quan, đơn vị. Cấp ủy đảng có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý những đảng viên và tổ chức đảng có hành vi trả thù, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phê bình để bôi nhọ, nói xấu, vu cáo, hạ uy tín của đảng viên, tổ chức đảng.
Bốn là, bí thư chi bộ, người đứng đầu chính quyền phải gương mẫu tự phê bình và phê bình trước tập thể lãnh đạo, trước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện nghiêm túc phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào” để bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, triệt để trong phê bình và tự phê bình. Coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và có biện pháp thực hiện tự phê bình và phê bình phù hợp với thực tế, có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Tăng cường tuyên truyền, nêu gương đảng viên, tổ chức đảng, quần chúng tích cực trong đấu tranh phê bình và cả những người dũng cảm nhận thiếu sót, khuyết điểm để sửa chữa, phấn đấu vươn lên.
Bùi Thị Oanh, Lương Thị Tâm Uyên
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội