Về cuộc cách mạng đã đi vào lịch sử
Cách mạng Tháng Mười Nga cổ vũ chúng ta
Khi Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (Liên Xô) còn tồn tại với tư cách là một trong hai siêu cường trên thế giới, người ta đã dành không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, cuộc cách mạng đã sinh thành ra nhà nước ấy. Nhưng từ khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã (1991), không ít người a dua hò hét, chửi bới cuộc cách mạng này một cách bất công. Nếu họ không phải là những kẻ cơ hội thì cũng là một sự lầm lẫn khó chấp nhận. Cần tỉnh táo để phân biệt rạch ròi giữa sự sinh thành với sự nuôi dưỡng và kế tục. Có hai câu hỏi đặt ra cần được xem xét một cách khách quan:
1. Cuộc Cách mạng Tháng Mười và Nhà nước kiểu mới đã làm được gì, đã có sức mạnh cổ vũ, thức tỉnh những gì cho loài người và nó đã để lại một di sản tinh thần như thế nào?
2. Những thế hệ tiếp nối đã làm được gì, đã nuôi dưỡng, phát triển nó hay đã tự diễn biến, tự hủ hóa để rồi làm cho nó tiêu vong?
Về câu hỏi thứ nhất, nếu với thái độ tôn trọng sự thật thì sẽ không thể phủ nhận cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, khiến cả nhân loại cần lao đang sống trong tình trạng tăm tối, đói khổ và thất học được bừng tỉnh mà ngộ ra rằng, dường như chỉ có một con đường ấy mới tự giải phóng khỏi cuộc đời cơ cực của chế độ bất công, tàn bạo, mất nhân tính để đi tới độc lập, tự do, hạnh phúc. Cuộc cách mạng ấy thắng lợi, khi giành được chính quyền, về danh nghĩa, nó đã thực sự về tay những người cần lao, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nó như sự minh chứng cho lời kêu gọi: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ, bần hàn!”. Các dân tộc bị mất quyền độc lập, đau khổ và bế tắc, bị bóc lột tàn bạo bởi chủ nghĩa thực dân bỗng tìm thấy ở cuộc Cách mạng Tháng Mười cảm hứng, noi gương và trỗi dậy: “Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà thôi”. Một sức mạnh công - nông liên kết đã đi tới một hành động lịch sử: “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Toàn nô lệ vùng đứng lên đi!”. Những người lao động đói rách, thất học, cơ cực, lầm than dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (b) Nga đã làm cuộc Cách mạng “xông lên tới trời” (C.Mác), hành động đúng đắn và dũng cảm đập tan chế độ cũ - chế độ áp bức, bóc lột và bất công của giai cấp phong kiến, tư bản - thiết lập Nhà nước Xô-viết, giành chính quyền về tay công - nông.
Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử, cách xa chúng ta 98 năm. Thành tựu cụ thể “mắt thấy, tai nghe” là nó đã làm cuộc cách mạng dân chủ tư sản một cách triệt để; triệt để tới mức so với cuộc Đại cách mạng tư sản Pháp cách đó 125 năm thì nó “đã làm một cuộc tẩy rửa đó một cách kiên quyết, nhanh chóng và mạnh dạn hơn nhiều, có kết quả và sâu rộng hơn nhiều”(1). Đó là “xóa bỏ những tàn dư của thời trung cổ, vĩnh viễn tiêu diệt những tàn dư ấy, quét sạch khỏi nước Nga cái hiện tượng dã man, cái ô nhục ấy, cái đã hết sức kìm hãm mọi văn hóa, mọi tiến bộ trong đất nước ta”(2). Đó là “tiến hành triệt để cuộc cách mạng tư sản. Chúng ta tiến bước một cách hoàn toàn tự giác, kiên định và vững vàng tới cách mạng XHCN”(3) dẫn đến sự ra đời một Liên Xô hùng mạnh để sau đó không lâu tham chiến góp phần cùng các nước dân chủ trên thế giới cứu loài người khỏi chế độ phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Đó là yếu tố trực tiếp dẫn đến sự ra đời một loạt nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu và châu Á, hình thành một hệ thống XHCN thế giới.
Nhưng rồi năm 1990 bức tường Béc-lin sụp đổ, năm sau (1991) Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã. CNXH hiện thực, mô hình Xô-viết không còn tồn tại. Nhưng cũng có một sự thật hiển nhiên khác mà người ta đã cố quên đi. “Từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay, đây là lần đầu tiên lời hứa đáp lại cuộc chiến tranh giữa bọn chủ nô bằng một cuộc cách mạng của những người nô lệ chống bọn chủ nô đủ các loại, lời hứa ấy đã được thực hiện một cách triệt để… và đang tiếp tục được thực hiện bất chấp mọi khó khăn”(4). Liên Xô không còn nữa. Nhưng chính sự thất bại ấy đã để lại những bài học xương máu làm nên giá trị kinh điển cho con đường tiếp theo trong cuộc trường chinh nhọc nhằn tìm đến độc lập, tự do, hạnh phúc của loài người. Giá trị, tầm vóc ảnh hưởng và bài học của cuộc cách mạng ấy vẫn còn mãi.
Về câu hỏi thứ hai, thế hệ những người làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã mắc sai lầm ngay sau khi nắm được chính quyền. Nhưng sự vĩ đại của họ là đã nhanh chóng nhận ra sai lầm và có kế hoạch để sửa chữa. V.I.Lê-nin là một người như thế. Người đã tự nhận ra sai lầm về đường lối kinh tế ngay sau khi mới giành được chính quyền và đề ra chính sách kinh tế mới. Đồng thời phát hiện ra những kẻ thù bên trong của cách mạng là bệnh kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, ăn hối lộ, thiếu văn hóa, thiếu ý thức cầu thị, chủ quan và lười học. Người đã đấu tranh quyết liệt để thanh Đảng và xây dựng chính quyền nhà nước.
Những người kế tục ông và các thế hệ tiếp nối đã lãnh đạo Liên Xô tiến hành xây dựng CNXH. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, với tinh thần hy sinh và lòng dũng cảm vô song của nhân dân, Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bảo vệ được chủ quyền, góp phần cứu nhân loại khỏi hiểm họa phát-xít. Kết thúc chiến tranh, Liên Xô tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá, đạt được những thành tựu vĩ đại, đưa Liên Xô trở thành siêu cường thứ 2 trên thế giới.
Nhưng cùng với những thành tựu đạt được thì đồng thời những căn bệnh trong Đảng và bộ máy Nhà nước mà những dự báo về nguy cơ của sự tiêu vong trước đó V.I.Lê-nin đã chỉ ra, không những không được chú ý khắc phục, ngăn ngừa mà còn phát triển trầm trọng hơn. Những di huấn của V.I.Lê-nin về công tác xây dựng đảng, đặc biệt là việc chọn lựa nhân sự cấp cao, gửi Đại hội XV của Đảng Cộng sản (b) toàn Liên Xô đã không được công bố. Trong Thư gửi Đại hội XV, V.I.Lê-nin đã đề cập một số vấn đề quan trọng sau: Về cơ sở giai cấp của Đảng, V.I.Lê-nin cảnh báo: “Đảng ta dựa vào hai giai cấp (giai cấp công nhân và giai cấp nông dân - TĐH chú), vì vậy Đảng sẽ có thể không vững chắc và không thể tránh khỏi sụp đổ nếu không thể có được sự thỏa thuận giữa hai giai cấp ấy. Trong trường hợp đó thì việc… thảo luận về sự vững chắc của BCHTƯ của chúng ta đều là vô ích… không có biện pháp nào có khả năng ngăn ngừa được sự chia rẽ”(5). Đó là vấn đề V.I. Lê-nin coi là rất cơ bản nhưng cũng là nguy cơ trong tương lai. Về nhân sự cấp cao của Đảng, theo V.I. Lê-nin, vấn đề vững chắc của Đảng trước mắt là chống sự chia rẽ trong các uỷ viên Trung ương mà nhân tố cơ bản là I.V.Xta-lin và L.Đ.Tơ-rốt-xki: “Theo tôi, quan hệ giữa hai đồng chí ấy đã gây ra quá nửa nguy cơ chia rẽ… Đồng chí I.V.Xta-lin sau khi trở thành Tổng Bí thư, đã tập trung trong tay mình quyền hành rộng lớn và tôi không chắc rằng đồng chí ấy lúc nào cũng biết sử dụng quyền hạn ấy một cách thận trọng, đúng mực... Nét nổi bật của đồng chí L.Đ.Tơ-rốt-xki… không phải chỉ là những khả năng xuất sắc. Xét về mặt cá nhân có lẽ đồng chí ấy là người có năng lực nhất trong BCHTƯ hiện nay, nhưng lại là người tự tin quá đáng và say mê quá mức mặt thuần tuý hành chính của công việc. Cá tính ấy của hai lãnh tụ xuất sắc của BCHTƯ hiện nay có khả năng vô tình dẫn đến sự chia rẽ, nếu Đảng ta không có biện pháp ngăn chặn điều đó thì sự chia rẽ có thể xảy ra lúc nào không biết”(6).
Sự khủng hoảng lãnh tụ xuất hiện ngay từ sau khi V.I.Lê-nin qua đời và nó càng trầm trọng hơn. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng Cộng sản Liên Xô bị vi phạm nghiêm trọng, quyền lực không được kiểm soát, tình trạng quan liêu, bao cấp, tập trung chuyên chế, lạm dụng quyền lực ngày càng phổ biến, kéo dài nhiều nhiệm kỳ tiếp theo làm cho Đảng ngày càng suy yếu. Những lời cảnh báo của V.I. Lê-nin như một nhà tiên tri, một nhà dự báo chính trị thiên tài đã không được toàn Đảng, trước hết là BCHTƯ chú ý nghiêm túc suy ngẫm, cảnh tỉnh. Ngày 22-11-1922, V.I.Lê-nin đã viết: “… Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó...”(7).
Bởi lẽ: thứ nhất, sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành đảng cầm quyền. Vấn đề lúc này không còn là đập cho tan tành thể chế chính trị của chế độ cũ bằng sự nhiệt tình xông lên mà là quản lý đất nước, là xây dựng và kiến tạo một chế độ mới, một thể chế chính trị, một kiểu nhà nước chưa hề có trong lịch sử. Đây là một vấn đề còn khó hơn nhiều. Vì thế bộ máy của chính quyền Xô-viết phải làm việc chu đáo, phân minh, nhanh chóng thì lại rơi vào tình trạng lộn xộn, làm cho toàn bộ công việc quản lý cũng mang tính chất giả tạo không thực tế. Lãnh đạo và quản lý đòi hỏi phải kiểm tra, phải nắm được thực chất tình hình. Tức là phải nắm được các thông tin phản hồi để kịp thời hoặc là điều chỉnh, sửa đổi những điều đã quyết định sai, không còn phù hợp nữa, hoặc là chấn chỉnh việc thi hành của cấp dưới. Nhưng chính tệ quan liêu đã làm cho người lãnh đạo, quản lý chỉ có thể tiếp nhận được những thông tin ảo, dừng lại ở những phúc đáp tránh né, hình thức và đùn đẩy công việc cho các cơ quan khác. V.I.Lê-nin đã phê phán, tìm giải pháp khắc phục tình trạng không có địa chỉ rõ ràng, không chỉ ra thủ phạm đích thực của sự bê trễ, thói vô trách nhiệm của người đứng đầu ngành, cấp làm sai, làm ẩu, thất thoát tiền của và công sức của nhân dân. Sau khi Người qua đời, tình trạng đó không những không được khắc phục mà còn nặng nề hơn.
Thứ hai, chính quan liêu đã làm cho việc đặt người không đúng chỗ, năng lực và phẩm hạnh của cán bộ không tương xứng với chức quyền mà họ đảm nhiệm, việc theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, uốn nắn, ngăn ngừa... bị xao nhãng. Từ đó, cán bộ làm việc ở đâu thì như “ông tướng, bà tướng” (Bác Hồ) ở đó, thói hư, tật xấu như cỏ dại ngày một lây lan, lấn lướt cả những đức tính tốt đẹp của người cán bộ. V.I.Lê-nin từng chỉ rõ: lãnh đạo và quản lý thì phải kiểm tra. Người làm công tác kiểm tra phải là những người thật tốt, biết cách kiểm tra để tìm ra bọn vi phạm. Nhưng tiếc rằng trong các cơ quan kiểm tra, thanh tra có khi lại lẫn lộn cả bọn quan lại và bọn nhu nhược. Tệ quan liêu còn làm mất cán bộ, người có dũng khí đấu tranh, thẳng thắn, trung thực nhiều khi không được bảo vệ. V.I.Lê-nin cho rằng chính bệnh quan liêu đã làm cho những cán bộ tốt bị “đầy đọa”.
Thứ ba, tệ quan liêu làm cho tham nhũng và hối lộ có đất phát triển. Trong Nhà nước “nếu còn một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được thì cũng không thể nói đến chính trị. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành. Trong những điều kiện đó không thể làm một thứ chính trị nào hết; người ta không có cái điều kiện cơ bản để có thể làm chính trị”(8). Nhiều khi chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tượng hối lộ và tham nhũng mà không thấy căn nguyên của nó là do tệ quan liêu đẻ ra. Hồ Chí Minh đã căn cứ vào thực tiễn của đảng cầm quyền chỉ rõ: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham nhũng. Do vậy, phải công khai lên án tệ quan liêu, thẳng tay trừng trị cán bộ quan liêu. Thường người ta cho rằng hình như tệ quan liêu ít xấu xa, tội lỗi hơn tội tham nhũng, nhận hối lộ. Vì vậy, không thấy ai ra toà vì tội quan liêu mà chỉ “con đẻ” của nó là những kẻ tham nhũng bị đứng trước vành móng ngựa! Chính V.I.Lê-nin đã yêu cầu chính quyền Xô-viết phải công khai lên án tệ quan liêu và hãy “tuyên bố là phạm tội quan liêu giấy tờ, dốt nát, dung túng tệ quan liêu phải cảnh cáo nghiêm khắc và khiển trách trước công luận, để nhắc nhở cho họ biết rằng chúng tôi chỉ xử phạt khoan hồng như vậy lần đầu thôi, còn từ nay về sau nếu phạm tội đó, chúng tôi sẽ bỏ tù không thương tiếc”(9). V.I.Lê-nin chỉ ra tình trạng các toà án Xô-viết thường e dè, nể nang, thiên vị đối với một số nhà quan liêu có “vai vế”, làm cho pháp luật không được thực hiện một cách công minh. “Cần phải truy tố và trừng phạt điển hình một cách nghiêm khắc đúng những người có trọng trách gây ra “những khuyết điểm về tổ chức này”... Đem truy tố trước toà án về tệ quan liêu và xử phạt hết sức nghiêm khắc”(10).
Thế hệ tiếp nối đã không chú ý tới những chỉ dẫn đó, thành tựu vĩ đại của cách mạng không được giữ gìn, tôn tạo, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của số đông trong bộ máy Đảng và Nhà nước chính là nguyên nhân bên trong dẫn tới sự tiêu vong của nhà nước vĩ đại ấy.  Khách quan, khoa học nhìn lại thành công và thất bại của nhà nước Liên Xô để soi rọi vào thực tế hiện nay nhằm tránh sự đổ vỡ là cách kỷ niệm thiết thực nhất cuộc cách mạng từng rung chuyển thế giới

..............................................................................................
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) V.I.Lê-nin, toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1976, t.44, tr.179; tr.179; tr.180; tr.187; t.45, tr.394; tr.395; t.54, tr.235; t.44, tr.218; t.54, tr.11; tr.157.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất