Các cấp ủy khu vực Tây Nguyên quan tâm xây dựng tổ chức đảng ở buôn, làng
Ngày hội của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên.
Cách làm                        

Tây Nguyên có 5 đảng bộ cấp tỉnh gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, với 89 đảng bộ cấp huyện và tương đương, có 3.549 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và 7.805 chi bộ buôn, làng; còn 28 buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa có chi bộ (chiếm 0,36%) và 17 buôn, làng chưa có đảng viên (chiếm 0,22%). Đảng viên trong toàn vùng có 194.107 đồng chí, trong đó 114.197 đảng viên sinh hoạt tại các TCCSĐ khu dân cư (chiếm 59%); 35.370 đảng viên người DTTS (18,22%); 63.114 đảng viên nữ (32,52%); 5.835 đảng viên là người có đạo (3,02%); 48.307 đảng viên trong độ tuổi thanh niên (chiếm 24,89%); 18.797 đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về sinh hoạt đảng tại địa phương (chiếm 9,9%).                 

Ngày 24-10-2011, Bộ Chính trị có Kết luận số 12-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”. Từ khi có Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, các tỉnh ủy ở Tây Nguyên đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch thực hiện quý, năm với những chỉ tiêu, nội dung, biện pháp, mốc thời gian cụ thể. Đồng thời phân rõ trách nhiệm từng cấp, ngành và đảng viên thực hiện. Các cấp ủy thực hiện chỉ đạo điểm trong bồi dưỡng, phát triển đảng một số buôn, làng gắn với thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Các cấp uỷ đã chuyển trọng tâm đi xuống địa bàn dân cư, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã và buôn, làng. Kết hợp triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như điều chuyển đảng viên nơi khác về sinh hoạt đảng tại chi bộ buôn, làng; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên tại chỗ gắn với việc chia tách chi bộ hiện đang sinh hoạt ghép (có nơi từ 2-3 buôn, làng/chi bộ); thành lập chi bộ độc lập ở từng buôn, làng khi có đủ điều kiện (tối thiểu mỗi buôn, làng phải có từ 3-4 đảng viên chính thức).                    

Tỉnh uỷ Gia Lai cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội bằng việc ban hành các văn bản để chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên và củng cố tổ chức cơ sở đảng; chỉ đạo việc phân công cấp uỷ viên cấp huyện, cấp xã thường xuyên tham dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, làng. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc việc tiến hành đồng bộ các giải pháp, như: tập trung củng cố, kiện toàn chức danh phó bí thư phụ trách cơ sở tại 42 đảng bộ xã thuộc 11 huyện; yêu cầu các đảng bộ cấp xã định kỳ 6 tháng rà soát, lập danh sách, phân loại đối tượng quần chúng ưu tú đưa vào nguồn phát triển đảng viên báo cáo ban tổ chức huyện uỷ, để giám sát, đôn đốc thực hiện. Đẩy mạnh phát triển đảng viên là người tại chỗ và coi đây là những điều kiện bắt buộc trong công tác xây dựng đảng khi chia tách, thành lập mới buôn, làng.                    

Tỉnh Lâm Đồng triển khai Kế hoạch chuyên đề số 12-KH/TU của BTV Tỉnh uỷ đến các huyện, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc. Các cấp ủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt, triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Giao trách nhiệm cho các đồng chí huyện uỷ viên phụ trách địa bàn đảng bộ khối xã, phường, thị trấn chỉ đạo quán triệt đến từng chi bộ. Coi trọng kết nạp đảng viên ở khu dân cư và vùng đồng bào DTTS sinh sống; vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng khó khăn.                     

Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV xác định chỉ tiêu: “Kết nạp 4.000 đảng viên mới; đến năm 2015, 100% thôn làng có tổ chức đảng”. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ có Công văn số 2018-CV/BTCTU, ngày 29-3-2013 giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ về xoá thôn làng chưa có đảng viên và chưa có chi bộ đảng trong 3 năm (2013-2015). Tỉnh ủy Đăk Lăk ra Nghị quyết “Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2010-2015, 100% thôn buôn, tổ dân phố, trường học có chi bộ; hằng năm kết nạp trên 3.500 đảng viên mới; có 75-80% TCCSĐ đạt TSVM, trong đó có 65-70% TCCSĐ khối xã, phường và doanh nghiệp”.

Tỉnh ủy Đăk Nông đã đề ra một số chỉ tiêu cơ bản: Hằng năm có trên 75% số tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM; 100% chi bộ khu dân cư có kết nạp đảng viên; đến năm 2015, 100% chi bộ thôn bộ có đảng viên tại chỗ… Trên cơ sở chỉ tiêu, các tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy có biện pháp phù hợp để triển khai thực hiện.           


Kết quả                       

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị với sự nỗ lực của cấp ủy các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, bằng nhiều cách làm quyết liệt từ năm 2011 đến tháng 6-2015, các tỉnh ở Tây Nguyên đã thành lập được 793 chi bộ buôn, làng (bao gồm 604 buôn, làng đang “trắng” chi bộ và 217 buôn, làng thành lập mới), đến nay còn 28/7.833 buôn, làng chưa có chi bộ. Các chi bộ từng buôn, làng được thành lập trong thời gian qua đã thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng; bước đầu phát huy được vai trò lãnh đạo địa phương, khắc phục tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép, buôn, làng không có đảng viên.                       

Toàn vùng Tây Nguyên có 2.410 chi bộ buôn, làng có chi uỷ chiếm 30,88% trong tổng số buôn, làng có chi bộ. Việc thành lập được chi uỷ ở các chi bộ buôn, làng là thành quả của quá trình quyết tâm phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kết nạp đảng viên mới, nền tảng để nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực điều hành của cấp uỷ và Bí thư chi bộ trong các hoạt động và sinh hoạt chi bộ; tăng cường sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên để xây dựng buôn, làng an toàn và phát triển.                         

Các tổ chức cơ sở đảng đã chăm lo phát triển đảng viên đủ số lượng và bảo đảm chất lượng ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi. Nhờ đó, đã bổ sung đủ đội ngũ đảng viên tại chỗ, từng bước rút dần số đảng viên trước đây điều động đến, nay trở về sinh hoạt đảng tại nơi công tác; các chi bộ đủ điều kiện để thành lập chi uỷ, chi bộ theo quy định Điều lệ Đảng để lãnh đạo buôn, làng ổn định, phát triển.                  

Một số kinh nghiệm                  

Một là, cấp uỷ đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu phải nhận thức rõ công tác phát triển đảng viên, thành lập chi bộ ở buôn, làng chưa có đảng viên và tổ chức đảng giữ vai trò đặc biệt quan trọng để lãnh đạo xây dựng Tây Nguyên phát triển.                  

Hai là, các cấp ủy đảng phải đánh giá đúng thực trạng địa phương cơ sở buôn, làng, nhất là năng lực lãnh đạo của cấp uỷ và tổ chức đảng; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động của mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở buôn, làng đối với quần chúng.                 

Ba là, tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng phải theo đúng những nội dung cơ bản, thiết thực, chất lượng và phương pháp giảng dạy cần điều chỉnh cho phù hợp với từng nhóm đối tượng quần chúng theo học. Ở những xã vùng sâu, vùng xa, nơi có đông quần chúng nên tổ chức các lớp bồi dưỡng theo từng xã, cụm xã.                             

Bốn  là, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp uỷ cơ sở trong việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu phát triển đảng; giúp cơ sở đảng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Chủ động biểu dương những tổ chức đảng, cá nhân có thành tích xuất sắc, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.      

Năm là, phát huy vai trò, chức năng phối hợp của các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân tại địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị tham gia với cấp uỷ, chính quyền trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân xoá đói giảm nghèo, ổn đinh cuộc sống... tạo động lực để các quần chúng phấn đấu vào Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất