Sức sống của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được thể hiện ở bản chất dân chủ. Dân chủ không chỉ là hệ quy chiếu đánh giá chất lượng của Đảng, mà còn là sự bảo đảm cho chiều hướng phát triển bền vững và thành công của dân tộc Việt Nam trong suốt hơn tám mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đây cũng là kết quả của cuộc vận động vì dân chủ, bảo đảm cho Đảng bước lên vũ đài chính trị, lãnh đạo dân tộc ta đấu tranh chống chế độ chuyên chế thực dân, phong kiến nhằm giành quyền làm chủ của nhân dân, quyền tự quyết của dân tộc. Đây không chỉ là khát vọng ngàn đời, nguồn sức mạnh của nhân dân Việt Nam mà còn là mục tiêu để mọi người dân cần lao tiến bộ trên thế giới hướng tới. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đáp ứng khát vọng dân chủ cháy bỏng ngàn đời của nhân dân ta vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”[1]; “Nước ta là nước dân chủ… Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2]. Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc và dân chủ được phát huy cao độ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á - mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, không chỉ đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ thành dân tộc bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới, mà còn là cơ sở, nền tảng, pháp lý để dân tộc Việt Nam thực hành dân chủ trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội năm 1946 - lần đầu tiên người Việt Nam được cầm lá phiếu bầu ra người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng thiêng liêng của mình. Những lá phiếu của nhân dân là cơ sở để Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta vào năm 1946.
Qua quá trình lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, người Việt Nam không chỉ nhận rõ vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn cùng Đảng thực thi vị trí, vai trò trung tâm, phát huy sở trường, thế mạnh của mình, tạo động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của dân tộc.Trong cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nước ta, nhân dân luôn ở vị trí tối thượng của quyền lực nhà nước và xã hội. Những vấn đề quan trọng này được Đảng ta đưa ra lấy ý kiến của dân nhằm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Dân chủ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nội dung lãnh đạo của Đảng, hợp thành giá trị quy định bản chất của chế độ chính trị nước ta.
Để phù hợp với xu thế phát triển, Đảng ta không chỉ lấy ý kiến của nhân dân trước mỗi lần sửa đổi Hiến pháp mà còn lấy ý kiến của nhân dân trước các kỳ đại hội của Đảng. Trước Đại hội X của Đảng, hai chữ “dân chủ” chưa được đưa vào hệ thống của mệnh đề mục tiêu chung“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Bởi, Đảng ta coi dân chủ là giá trị mặc nhiên của chế độ chính trị, mục tiêu mặc định của XHCN. Đến Đại hội lần thứ XI của Đảng, dân chủ được thể hiện trong mục tiêu và được đặt trước “công bằng” và “văn minh”: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây chính là điểm nhấn quan trọng của Đại hội XI. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định:“Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm ”[3], nhằm nhấn mạnh, làm rõ thêm thực chất của chế độ chính trị XHCN ở Việt Nam. Trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với kết quả tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới , ngày 6-8-2011, Quốc hội thông qua Nghị quyết dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát huy dân chủ bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Ngày 28-11-2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII chính thức thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 2013. Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ tiếp tục đổi mới đất nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, trong đó Điều 4 Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ta công khai, thẳng thắn chỉ ra: Dân chủ trong Đảng còn hạn chế, kỷ luật không nghiêm, một số nơi mất đoàn kết nghiêm trọng…Không ít cấp ủy và tổ chức đảng thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Không ít cán bộ lãnh đạo chưa quen với ý kiến phản biện, những thông tin ngược chiều, không thích nghe ý kiến khác với ý kiến của mình. Còn thiếu những cơ chế cụ thể có hiệu lực bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Hiện tượng cán bộ lãnh đạo độc đoán, mệnh lệnh, trù dập, ức hiếp quần chúng còn xảy ra ở một số nơi, có khi rất trắng trợn. Trong khi tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức còn nặng thì những biểu hiện dân chủ cực đoan, tự do vô kỷ luật cũng không ít[4]…
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân[5].
Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội XI là việc thực hành dân chủ trong Đảng đã có những bước tiến vượt bậc. Lần đầu tiên, Đảng tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và việc thực hiện chất vấn trong Đảng là những minh chứng cho thấy Đảng đang nỗ lực rất lớn để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng - một tiền đề quan trọng để thực hành dân chủ rộng rãi trong xã hội. Việc thực hành dân chủ trong Đảng được thể hiện rõ nét trong công tác cán bộ, phần nào khắc phục được tình trạng "trên bảo, dưới không nghe".
Thực tế cho thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, tiến trình bầu cử được tuân thủ một quy trình chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, khách quan, với tinh thần thượng tôn pháp luật. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử được thực hiện theo một quy trình thống nhất, trong đó, việc tổ chức hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đây là một sự biểu hiện cụ thể tính chất ưu việt của chế độ dân chủ nước ta trong bầu cử; phản ánh trình độ dân chủ của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, cần nhận thức rõ vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng vừa là mục tiêu, vừa là động lực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Các tổ chức đảng, cấp ủy các cấp, mọi đảng viên phải tự giác thực hiện và kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng, hành vi sai trái vi phạm dân chủ trong Đảng và xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là giữ vững và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.
[3] ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 84 - 85.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22 - 23.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 1, Hà Nội