Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Hàng ngàn lượt máy bay đã thay nhau trút bom xuống Hà Nội.

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua nhưng giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại và không khí hào hùng của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vẫn in đậm trong ký ức của người dân Việt Nam, nhất là quân và dân Hà Nội. Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”, là biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lớn ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng, chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sâu sắc bản lĩnh, ý chí, tầm cao trí tuệ và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Là thắng lợi của đường lối đúng đắn, tài thao lược của Đảng ta, được biểu hiện cụ thể ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên mặt trận độc đáo, sáng tạo, góp phần đánh bại ý chí xâm lược - bước leo thang chiến tranh với những nỗ lực cuối cùng của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký vào Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, cam kết rút toàn bộ quân viễn chinh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đây không chỉ là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với cách mạng nước ta trong việc thực hiện “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho ngụy nhào” mà còn để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

 

Một là, Đảng ta đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu và hành động chiến tranh của địch, bảo đảm chủ động về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật đối phó thắng lợi khi tình huống xảy ra.

 

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là thực tiễn sinh động thể hiện tư duy chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Đảng ta, trước hết ở khả năng nhận định, đánh giá tình hình. Ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học quy luật chiến tranh, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, đồng thời, căn cứ vào những chuyển biến có lợi đối với ta ở chiến trường miền Nam, nhất là từ sau chiến thắng của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và cuộc tiến công chiến lược 1972, Đảng ta nhận định: với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc, chúng sẽ sử dụng biện pháp quân sự, hòng tạo thế mạnh để buộc ta chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ. Ngược lại, còn chủ động hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, sớm có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả “tinh thần và lực lượng”, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao...

 

Bài học trên còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, cần phải có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ của các cấp, các ngành, các lực lượng, nhất là sự phối hợp giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại. Sự phối hợp này trước đây đã được thực hiện tốt, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay lại càng phải được thực hiện hiệu quả hơn. Yêu cầu đặt ra đối với các lực lượng phải phối hợp thường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp để nắm chắc và đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước, dự báo được xu hướng phát triển và sự tác động của nó đối với nước ta, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ hữu nghị với các nước, nhất là các nước láng giềng, truyền thống, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển toàn diện đất nước.

 

Hai là, luôn kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta để giành thắng lợi quyết định.

 

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là một điểm nhấn trong đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng cùng với ý chí quyết đánh thắng quân xâm lược của quân và dân ta. Đây là cuộc đọ trí, đọ sức quyết liệt giữa quân và dân miền Bắc với lực lượng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ. Việc chúng sử dụng một lực lượng lớn không quân chiến lược máy bay B-52 (một trong bộ ba vũ khí chiến lược của chúng) có sức tàn phá khủng khiếp, hòng hủy diệt Hà Nội đã khiến nhiều người lo ngại, thậm chí có nước bạn khuyên ta tìm một giải pháp “mềm hơn”, thay vì đối đầu với chúng. Song, chúng ta biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của kẻ thù và hiểu rõ sức mạnh tổng hợp của chính mình. Đó là sức mạnh của chính nghĩa, của truyền thống dân tộc, của đường lối chiến tranh nhân dân, sự khát khao hòa bình cháy bỏng của nhân dân... và trên hết là sự gắn bó của nhân dân với Đảng. Từ đó, quân và dân ta nêu cao ý chí quyết đánh và quyết thắng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

 

Trong tình hình hiện nay hơn lúc nào hết, chúng ta phải luôn kiên định với đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Trên cơ sở đó, thực hiện kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, nhằm phục vụ cho mục tiêu cao nhất là tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của nước ta ở khu vực và trên thế giới.

 

Để củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng, cần phải quán triệt và nắm vững quan điểm “dân là gốc”. Thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh cho phù hợp với từng tầng lớp nhân dân, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong quá trình thực hiện, cần hướng mạnh về cơ sở, đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ: thanh niên, sinh viên, học sinh; chú trọng giáo dục mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào, tinh thần tự lực tự cường, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc... Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở.

 

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, lựa chọn cách đánh phù hợp, xác định đúng đối tượng chủ yếu để tập trung tiêu diệt, đạt hiệu quả chiến đấu cao.

 

Nhờ có sự chủ động về chiến lược, nắm chắc âm mưu, hành động chiến tranh của địch, nên chúng ta rất chủ động trong chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật. Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội từ rất sớm; qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh và hoàn thành trước tháng 12-1972. Việc bố trí, sử dụng lực lượng phòng không ba thứ quân và xây dựng thế trận phòng không “liên hoàn, vững chắc” được thực hiện tốt; nhờ đó, đã phát huy cao nhất khả năng chiến đấu của từng lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh không quân địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, liên tục cả đêm lẫn ngày.

 

Ngày nay phải tiếp tục quán triệt, thấu suốt đường lối, quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng. Trên cơ sở đó, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, phải tập trung xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định, bảo đảm cho quân đội nhân dân xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

 

Bốn là, bài học về sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi chung của phong trào cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Nhân dân ta đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Đặc biệt, chúng ta nhận được sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em khác về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và nguồn lực vật chất, tinh thần khác.

 

Sự đoàn kết quốc tế trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa sâu sắc và còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để phát huy hiệu quả bài học này, chúng ta tiếp tục quán triệt, thấu suốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; nắm vững nguyên tắc chiến lược. Trên cơ sở đó, tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phục vụ sự nghiệp phát triển toàn diện đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

Năm tháng trôi qua, nhưng chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cùng những bài học được rút ra vẫn còn nguyên giá trị. Đây mãi là trí tuệ, niềm tự hào, động lực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục nỗ lực không ngững, phấn đấu, hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần vào sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất