Quảng Ninh: Hiệu quả của mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu dân cư
Ban Thường vụ Huyện uỷ Bình Liêu làm việc với xã Hoành Mô về công tác triển khai Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống chính trị của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có Nghị quyết số 19 ngày 3-3-2015 “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Sau 2 năm thực hiện, những kết quả tích cực trên các lĩnh vực cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức; sự phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, sự ổn định xã hội đã khẳng định chủ trương, cách làm đúng đắn, được nhân dân trong tỉnh và cả nước ghi nhận.

Hiện nay Đảng bộ tỉnh có 21 đảng bộ trực thuộc (8 đảng bộ huyện, 2 thị xã, 4 thành phố, 7 đảng bộ tương đương) với 805 TCCSĐ (458 đảng bộ cơ sở, 347 chi bộ cơ sở ); 5.097 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó có 1.565 chi bộ thôn, khu phố (684 khu phố và 881 thôn, bản; 3.532 chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế với trên 94.000 đảng viên). Từ những kết quả về nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và một số huyện, Tỉnh ủy chủ trương thực hiện thống nhất bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 28-12-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 12-CT/TU về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020 hướng đến hiện thực hóa mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố thống nhất toàn tỉnh.

Trước khi thực hiện Chỉ thị số 12, toàn tỉnh chỉ có 513/1.565 thôn, bằng 32,8% trưởng thôn là đảng viên. Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố cũng chỉ có 336 người, bằng 21,5%. Thực hiện Chỉ thị số 12, đến ngày 23-7-2017 toàn tỉnh đã tiến hành bầu xong trưởng thôn, khu phố, trong đó trưởng thôn là đảng viên 1.558/1.565, chiếm 99,6%. Đặc biệt, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố lên tới 1.513 người, chiếm 96,7%. Hiện chỉ còn 35 đồng chí là đảng viên dự bị và 7 trưởng thôn đang hoàn thiện hồ sơ để kết nạp vào Đảng, phấn đấu đến hết 2018 sẽ nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố. Trong số trưởng thôn được bầu có 221 nữ (14,1%), nhiệm kỳ trước chỉ có 7,3%; là người dân tộc thiểu số 353 (22,6%) nhiệm kỳ trước chiếm 23,3%; là người đã nghỉ hưu 544 (34,8%) nhiệm kỳ trước (30,2%).

Để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc làm tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, công tác tư tưởng được chú trọng hàng đầu. Khó khăn nhất khi thực hiện nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn, khu phố là hạn chế về nhận thức. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thấy rõ việc kiêm nhiệm là nhằm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vai trò lãnh đạo, tính chất nhiệm vụ của chi bộ thôn, khu phố ở địa bàn dân cư. Đó là tư tưởng nặng nề về dòng tộc, cục bộ, đố kỵ, phân quyền; bản thân tư tưởng đồng chí bí thư chi bộ không muốn làm trưởng thôn do sợ va chạm hoặc trưởng thôn không muốn làm bí thư chi bộ vì ngại còn hạn chế về nghiệp vụ công tác đảng, băn khoăn về khối lượng công việc nhiều, ít có thời gian chăm lo cho gia đình… Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn đó, các cấp ủy đã coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, để nhân dân đồng tình, cấp ủy, chi bộ và cả đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức đầy đủ, thống nhất và quyết tâm thực hiện. Đồng thời, phải làm tốt công tác tư tưởng đối với những đồng chí đang giữ chức vụ bí thư chi bộ hoặc trưởng, phó thôn, bản, khu phố nhưng tuổi cao, sức khỏe yếu, học vấn thấp, năng lực hạn chế. Động viên những nhân tố mới, tâm huyết, có triển vọng; chia sẻ những khó khăn về hoàn cảnh gia đình, điều kiện công tác đối với các nhân sự có năng lực tham gia ứng cử để bầu trưởng, phó thôn, khu phố. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác nhân sự trưởng thôn, khu phố gắn với nhân sự bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch... với phương châm “Dân có tin, Đảng mới cử” và “Đảng cử, dân bầu”, các địa phương đã rà soát nhân lực hiện có, tìm những đảng viên được nhân dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn, tiến tới bầu là bí thư chi bộ.
   
Hai là, phát triển đảng viên là những người dân tín nhiệm làm trưởng thôn được chú trọng. Ở một số nơi, trưởng thôn có năng lực, nhiệt tình trách nhiệm, uy tín cao nhưng chưa phải là đảng viên hoặc chưa thể kết nạp vào Đảng vì nhiều lý do. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ cần thiết mà Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện là quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn kết nạp đảng viên. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho chi ủy, trưởng, phó thôn các địa phương đã tích cực bồi dưỡng, tạo nguồn và kết nạp vào Đảng những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố. Các cấp ủy chủ động phương án kết nạp vào đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với dân và có khả năng làm trưởng thôn, khu phố để thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh này. 

Ba là, công tác bồi dưỡng cán bộ để đảm trách được cả hai chức danh được tiến hành khẩn trương. Một số thôn, khu phố có ít đảng viên, phần lớn lại là đảng viên cao tuổi. Nhiều chi bộ có đảng viên trẻ nhưng chưa đủ năng lực để kiêm nhiệm các chức danh ở thôn, khu phố... Một số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố mới được bầu tuổi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại thôn, khu phố, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều hạn chế, nếu kiêm nhiệm cả 2 chức danh sẽ gặp khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, một số huyện, thành ủy đã chủ động có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ chi ủy viên và bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tiêu biểu ở Hoành Bồ, Đầm Hà, Móng Cái, Hạ Long, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn... và tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ chi ủy viên và bí thư chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2017-2020.

Bốn là, phát huy vai trò của chi bộ khi thực hiện nhất thể hóa hai chức danh bí thư chi bộ và trưởng khu dân cư. Chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa coi trọng những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các chi bộ tập trung nêu giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong tháng, giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề nổi cộm của địa phương, cơ quan, đơn vị; bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc về chủ đề “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”. Mỗi thôn, bản, khu phố được trang bị 3 quyển (1 quyển dự thảo của chi ủy, 1 quyển ghi nghị quyết chi bộ, 1 quyển nghị quyết của thôn, khu họp với nhân dân); giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì nghiên cứu mẫu, nội dung (trích một số văn bản của Đảng, Nhà nước, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, một số nội dung chỉ số PAPI để chi bộ, trưởng thôn tuyên truyền cho nhân dân). Vì vậy, các chi bộ thôn, khu phố thực sự giữ vai trò lãnh đạo thông qua đảng viên (trưởng thôn) và trưởng thôn cũng có chỗ dựa tinh thần vững chắc là chi bộ; chi bộ thông qua đảng viên (bí thư chi bộ) để phân công đảng viên thực hiện tốt những nhiệm vụ của thôn, khu phố.

Năm là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu trưởng thôn và đại hội chi bộ được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện bài bản, nghiêm túc. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác này, ngay khi có chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã có Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU về đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, nhiệm kỳ 2017-2020; đồng thời phân công cán bộ theo dõi từng địa phương nắm tình hình, tiến độ, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bầu trưởng thôn, bản, khu phố. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và tổ chức bầu trưởng thôn và đại hội chi bộ được các cấp ủy thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sâu sát; có kế hoạch, hướng dẫn bảo đảm qui định, sát thực tế của các địa phương, đơn vị.

Trình tự lựa chọn qua các bước: Bầu trưởng thôn, khu phố trước, bầu bí thư sau; người được bầu làm trưởng thôn, khu phố sẽ được giới thiệu bầu bí thư tại đại hội chi bộ. Các bước giới thiệu nhân sự đều được thông qua ban công tác mặt trận để trao đổi, lấy ý kiến người dân, đảng viên. Ngoài việc cấp ủy lựa chọn, giới thiệu, thì nhân dân, đảng viên có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm cho khu phố, cho chi bộ. Các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể theo dõi, hướng dẫn, giám sát quy trình tổ chức bầu cử trưởng thôn, khu phố diễn ra theo đúng luật định. Định kỳ 3 tháng 1 lần các địa phương duy trì giao ban giữa thường trực cấp ủy, HĐND, UBND cấp huyện với bí thư chi bộ thôn, khu phố để nắm bắt và chỉ đạo kịp thời mọi lĩnh vực trên địa bàn.

Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội chi bộ đư­ợc chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm trang trọng, đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên. Công tác chuẩn bị nhân sự chi ủy đồng thời với trưởng thôn, khu phố khoá mới đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, đúng quy trình, nguyên tắc, thảo luận dân chủ và đư­ợc cấp ủy cấp trên thông qua, phù hợp với đặc điểm, thực tiễn của địa phương. Trong quá trình chuẩn bị, việc giới thiệu, hiệp thương, ứng cử, đề cử và thống nhất biểu quyết danh sách nhân sự chi ủy và trưởng thôn, khu phố khoá mới được thảo luận công khai, dân chủ tại chi ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận và hội nghị nhân dân.

Sáu là, thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu dân cư  phải gắn với việc thực hiện chính sách cán bộ. Chính sách đãi ngộ cho đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố còn khá thấp. Trung ương chưa quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, thôn, khu phố; chưa có quy định về khen thưởng bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố. Những người giữ hai chức danh bí thư kiêm trưởng khu dân cư hiện chỉ được hưởng 100% phụ cấp cho chức danh thứ nhất và 50% phụ cấp cho chức danh thứ hai. Thậm chí người giữ ba chức danh cũng chỉ được hưởng phụ cấp như vậy. Trong khi đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ, những đồng chí này phải dành hết thời gian cho công việc được giao.

Thực hiện Quyết định số 515/2007/QĐ-UBND ngày 8-2-2007 của UBND tỉnh; Công văn số 457-CV/TU ngày 25-10-2016 của Tỉnh ủy, các địa phương đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng nghỉ trước ngày 31-12-2016. Tuy nhiên, vẫn còn các trường hợp đến ngày 4-10-2013 đã công tác đủ 10 năm nhưng đến nay mới nghỉ hoặc tiếp tục công tác nhưng chưa được giải quyết, tổng số có 291 người.

Đã có nhiều nơi đề xuất về việc nâng mức khoán phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố loại I từ 6,8 mức lương cơ sở/tháng lên 8,0 mức lương cơ sở/tháng; thôn, bản, khu phố loại II từ 6,5 mức lương cơ sở/tháng lên 7,0 mức lương cơ sở/tháng. Tăng mức khoán kinh phí hoạt động cho khu phố từ 35 triệu/khu/năm lên 50 triệu/khu/năm đối với các khu phố trên 500 hộ dân; 45 triệu/khu/năm đối với các khu phố trên 200 hộ dân; 35 triệu/khu/năm đối với các khu phố dưới 200 hộ dân.

Việc thực hiện thành công Chỉ thị số 12, đặc biệt là nhất thể hoá chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở. Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu dân cư sẽ sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao. Với mô hình này cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu chi ủy, chi bộ và ban lãnh đạo thôn, khu phố nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại cơ sở, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu thôn, khu phố, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tạo ra những khoảng trống trong lãnh đạo, điều hành. Nghị quyết của chi bộ sát thực, hiệu quả và đi vào đời sống; phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên nhất là người đứng đầu (bí thư chi bộ - trưởng thôn, khu phố) đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư. Phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của bí thư chi bộ, quản lý điều hành của thôn, khu phố trên các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ việc chưa biết, chưa hiểu hoặc có nhận thức chưa đầy đủ về vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn, khu phố, bí thư chi bộ, đến nay, đảng viên và nhân dân đã nhận thấy rõ hiệu quả, vai trò của chi bộ đối với mọi hoạt động ở thôn, khu phố, càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất