Ngay từ khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có không ít kẻ bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thế giới của cuộc cách mạng vĩ đại này. Ngày nay, sau sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, những kẻ cơ hội và những lý luận tư sản lại lớn tiếng thóa mạ, bôi nhọ, phủ nhận giá trị và ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Tháng Mười. Họ mô tả những gì diễn ra trong Tháng Mười năm 1917 ở nước Nga như là “một sự kiện ngẫu nhiên”, “là sự chệch hướng lịch sử”; Cách mạng Tháng Mười chỉ là một thứ “đẻ non”! Và, nó “đã chết”! Cho dù họ có cố tình phủ nhận, xuyên tạc lịch sử, song cũng không thể làm lu mờ được giá trị và ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Năm 1920, trong tác phẩm “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản”, V.I.Lê-nin đã khẳng định: “Ngày nay, chúng ta đã có trước mắt một kinh nghiệm quốc tế phong phú chứng thực hiển nhiên rằng một số đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng của ta không phải có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt dân tộc, ý nghĩa riêng biệt cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế”(1). Đánh giá về giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(2).
Giá trị và ý nghĩa quốc tế lớn nhất của Cách mạng Tháng Mười Nga là ở chỗ, cuộc cách mạng đó là kết quả hợp quy luật của sự phát triển tư tưởng và thực tiễn đấu tranh trong suốt quá trình lịch sử của nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười là bước ngoặt lịch sử của loài người, từ đó mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười chứng tỏ CNTB đã suy yếu, bị loài người lên án và sớm muộn sẽ phải nhường chỗ cho một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn - chế độ XHCN. Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại là kết quả của những điều kiện lịch sử - cụ thể, khách quan và chủ quan ở nước Nga vào đầu thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Mười là cuộc nổi dậy của toàn dân, lôi cuốn được tất cả quần chúng lao động Nga, bao gồm giai cấp công nhân, nông dân, binh lính cách mạng và các dân tộc bị áp bức ở Nga. Đó là cuộc cách mạng thể hiện rất rõ tính năng động của những người cộng sản Nga, khi thì dùng phương pháp hoà bình, khi thì dùng bạo lực cách mạng để tiến hành cách mạng XHCN. Những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười - tư tưởng chống áp bức dân tộc, giai cấp, bảo vệ hoà bình thế giới và chống chiến tranh đế quốc, giải phóng người lao động - vẫn sống mãi. Đến hôm nay, không nơi nào trên hành tinh của chúng ta, những người lao động lại không thực hiện những tư tưởng nhân văn ấy.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, CNXH từ lý luận đã trở thành hiện thực. Chế độ Xô-viết và CNXH hiện thực - thành quả của Cách mạng Tháng Mười, đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của xã hội loài người. Ngày nay, mặc dù CNXH hiện thực ở quê hương của Cách mạng Tháng Mười và ở Đông Âu đã đổ vỡ, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là những thành quả, ảnh hưởng, giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười không còn nữa. Những gì đã và đang diễn ra ở Nga, các nước Cộng hoà trong Liên bang Xô-viết trước đây và ở các nước Đông Âu đã chứng minh rằng, trên thực tế sự nghiệp của Cách mạng Tháng Mười vẫn đang sống trong lòng nhân dân ngay tại các nước mà chế độ XHCN ở đó bị đổ vỡ. Chỉ đến bây giờ, sau sự đổ vỡ của CNXH, những người lao động ở Nga và các XHCN Đông Âu trước đây đang ngày càng ý thức ra việc họ đã có được những gì và đã bị mất đi những gì. Sự phục hồi các đảng cộng sản và cánh tả ở những nước này ngày càng lấy lại được niềm tin trong quần chúng là bằng chứng hùng hồn về sự bất diệt của Cách mạng Tháng Mười. Những tư tưởng và sự nghiệp của Cách mạng Tháng Mười vẫn sống và đang phát triển tốt đẹp trong sự nghiệp đổi mới, cải cách và cập nhật hóa mô hình kinh tế -xã hội ở một số nước khác như Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba nhằm khẳng định những giá trị đích thực của Cách mạng Tháng Mười.
Một thực tế không thể phủ nhận là, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và tiếp sau đó là thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai, CNXH từ khuôn khổ một quốc gia, một liên bang đã phát triển thành một hệ thống XHCN thế giới đầy sức sống và hùng mạnh, đã có vai trò to lớn và có tính chất quyết định đến vận mệnh và sự phát triển của thế giới. Sự lớn mạnh của CNXH hiện thực đã trở thành một đối trọng, đã thách thức và buộc CNTB thế giới phải tìm cách điều chỉnh bản thân nó. Cách mạng Tháng Mười đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ của đông đảo nhân dân ở các nước TBCN. CNXH hiện thực ở Liên Xô đã từng giải quyết thành công những vấn đề hết sức phức tạp của xã hội loài người như vấn đề dân tộc, tôn giáo, đã đoàn kết được mọi dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân thực hiện lý tưởng chung là xây dựng một xã hội tốt đẹp, bình đẳng, công bằng mang lại hạnh phúc cho tất cả quần chúng lao động. Sự phát triển của CNXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của văn minh nhân loại, làm thay đổi cách thức phát triển của xã hội, làm tăng lòng tự tin của các dân tộc nhỏ yếu, lạc hậu, thúc đẩy quần chúng lao động bị áp bức đứng lên tự giải phóng mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “CNXH, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại trở thành hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(3). Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và sự giúp đỡ, tác động của hệ thống XHCN thế giới, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến những năm 70 của thế kỷ XX, hàng loạt các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc đã đứng lên giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng sâu sắc đến các dân tộc thuộc địa. Ngay từ ngày đầu thành lập, Nhà nước Xô-viết đã tuyên bố xoá bỏ mọi hình thức áp bức bất bình đẳng, tạo điều kiện phát triển tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc. Cách mạng Tháng Mười và toàn bộ sự nghiệp của chính quyền Xô-viết đã chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới thấy rằng, chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản mới có khả năng giải quyết triệt để vấn đề dân tộc.
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, một số bài học kinh nghiệm cơ bản được rút ra:
Một là, phải không ngừng sáng tạo, nắm vững nguyên tắc, không ngừng bổ sung và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là bài học lớn nhất, mang tính thời đại, được rút ra từ Cách mạng Tháng Mười và từ sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Sáng tạo, đó là một đặc trưng nổi bật, là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với mọi cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Giáo điều, máy móc, dập khuôn, thiếu sáng tạo và không nghiên cứu bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin khi điều kiện lịch sử đã thay đổi sẽ làm cho cách mạng khủng hoảng và đổ vỡ. Bài học về sự sáng tạo không ngừng có ý nghĩa soi sáng cho việc phân tích làm rõ nguyên nhân của những vấn đề nảy sinh hôm qua, cung cấp phương pháp luận cho hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ mới, trong quá trình tiến hành cách mạng XHCN. Thực tế đã diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh rằng, nếu không sáng tạo hoặc “sáng tạo” một cách vô nguyên tắc, từ bỏ những nguyên tắc cơ bản, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự đổ vỡ của CNXH hiện thực ở các nước này.
Hai là, Cách mạng Tháng Mười đã nêu lên những kinh nghiệm phổ biến, những mẫu mực về chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng mà các nước đều có thể vận dụng trong quá trình tiến hành cách mạng. Đó là những bài học kinh nghiệm về giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng của đảng cộng sản; về không ngừng củng cố và tăng cường khối liên minh công - nông - trí thức; về xây dựng phải đi đôi với bảo vệ thành quả cách mạng; về không ngừng củng cố và xây dựng chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong sạch và vững mạnh; về phát huy sức mạnh tổng hợp, về phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo vô cùng to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...
Ba là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu, cách mạng Việt Nam đã đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười. Có thể khẳng định rằng, không có Cách mạng Tháng Mười thì không có Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Con đường cứu nước và phát triển của dân tộc ta gắn liền với sự nghiệp Cách mạng XHCN Tháng Mười. Những bài học rút ra từ Cách mạng Tháng Mười đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện lịch sử, cụ thể của nước ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những bài học thành công trong quá trình xây dựng CNXH hiện thực ở Liên Xô trước đây cũng như bài học được rút ra từ những sai lầm, thất bại trong quá trình cải tổ ở đó đã được Đảng ta kịp thời nghiên cứu, học tập và rút kinh nghiệm trong quá trình tiến hành đổi mới ở nước ta.
Thế giới đã thay đổi, nhưng ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười vẫn luôn tỏa sáng, những bài học rút ra từ Cách mạng Tháng Mười vẫn là những chỉ dẫn đúng đắn cho mỗi bước phát triển của cách mạng Việt Nam. Kiên định giương cao ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười vẫn sẽ là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến những thắng lợi mới to lớn hơn.
-----
(1) V.I.Lê-nin: Toàn tập, tập 41, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr.3. (2) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 2, NXB Sự thật, H.1980, tr.461. (3) Hồ Chí Minh: sách đã dẫn, tr.465.
PGS, TS. Bùi Đình Bôn
Hội đồng Lý luận Trung ương