Chăm lo “gốc của công việc”
V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga”. V.I.Lênin cũng cho rằng: Nếu không có một tổ chức của những người cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Tại nhiều hội nghị Trung ương và diễn đàn chính trị quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác TCCB. Tổng Bí thư cho rằng: Nếu xây dựng Đảng là then chốt thì công tác TCCB là "then chốt của then chốt".
Ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn chăm lo xây dựng tổ chức vững mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi khi phong trào cách mạng trải qua bước ngoặt, đi đôi với việc chuyển hướng, xác định rõ nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cơ bản, phải có sự chuyển hướng kịp thời về đường lối công tác TCCB. Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm, tư tưởng đổi mới công tác TCCB càng được thể hiện rõ hơn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn. Nhiệm kỳ nào, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề hoặc đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác TCCB: Hội nghị Trung ương 3, khóa VII có nghị quyết về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; các hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội VIII ban hành hàng loạt nghị quyết quan trọng về công tác TCCB... Hội nghị Trung ương 6, khóa IX ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII và các Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 7, khóa VIII về công tác TCCB.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhận định: "Bắt đầu từ khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII-nghị quyết chuyên đề về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho đến nay là cả một chặng đường đổi mới về nội dung và cách làm. Nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác TCCB được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định, quy chế, hướng dẫn để thực hiện, đạt nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả trong thực tiễn".
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Trung ương tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về công tác TCCB; nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"; Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”... Các nghị quyết đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với phần việc "then chốt của then chốt".
Những dấu ấn mới
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng".
Khẳng định đó được minh chứng rất rõ bằng thực tiễn. Về công tác tổ chức, những năm gần đây, Đảng đã ban hành một số nghị quyết quan trọng và thường xuyên quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp thực hiện cụ thể. Trong quá trình đó, nội dung đổi mới công tác tổ chức từng bước được hoàn thiện; giúp xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy, cơ chế vận hành và lề lối làm việc ở các cơ quan của Đảng cũng như của cả hệ thống chính trị. Các ban Đảng và cơ quan của Đảng được sắp xếp, tổ chức lại bảo đảm chức năng, nhiệm vụ không chồng chéo, hoạt động hiệu quả; kết thúc hoạt động của nhiều ban, Đảng bộ, ban cán sự Đảng...
Theo PGS, TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì một thành công quan trọng của công tác tổ chức là các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục hoàn chỉnh việc sắp xếp các ban, cơ quan tham mưu theo hướng tinh gọn, hiệu quả, rõ chức năng, nhiệm vụ... Cùng với đó, tổ chức, bộ máy của Quốc hội tiếp tục được kiện toàn; tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách; hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và các ủy ban của Quốc hội được cải tiến về nội dung, phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của các đại biểu. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ bước đầu được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với giai đoạn phát triển mới theo hướng tổ chức bộ máy các bộ và cơ quan ngang bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực... Tổ chức chính quyền ở địa phương tiếp tục được kiện toàn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan được xác định rõ hơn; cải cách hành chính đạt nhiều kết quả ấn tượng. Các tổ chức chính trị xã hội từng bước đổi mới tổ chức gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò của các thành viên trong hệ thống chính trị góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, CTCB luôn được các cấp ủy đặc biệt quan tâm. Dù còn những hạn chế nhất định, nhưng chưa bao giờ đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị phát triển khá toàn diện như hiện nay. Ngay sau Đại hội XII, Trung ương đã lãnh đạo khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, phân công công tác đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng... Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng tiến hành điều động, phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chuẩn bị nhân sự và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; nhanh chóng kiện toàn nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương...
Riêng về CTCB, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xây dựng, ban hành hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung vào khắc phục những hạn chế, sơ hở để CTCB và quản lý đội ngũ cán bộ ngày càng nền nếp, bài bản và hiệu quả hơn; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền trong công tác TCCB. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về cán bộ và CTCB. Chỉ tính hai năm gần đây, Bộ Chính trị ban hành hàng loạt quy định: Về luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử...; đẩy mạnh phân cấp trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát... Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Luật Cán bộ, công chức; Chính phủ ban hành nhiều quyết định, quy định về chế độ, chính sách quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công chức... Như vậy, CTCB thời gian qua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đổi mới và tiến bộ trong từng khâu, từng nhiệm vụ, đầu việc.
Quyết liệt đổi mới “xốc lại” đội ngũ
Bên cạnh nhiều thành quả quan trọng trong công tác TCCB, thời gian qua, việc kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước vẫn còn không ít hạn chế. Việc sắp xếp, tinh giản biên chế giai đoạn đầu tuy giảm đầu mối nhưng còn mang tính cơ học; thậm chí một số nơi có xu hướng tăng biên chế, tăng số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý và đầu mối bên trong... Cùng với đó, CTCB còn bộc lộ những bất cập: Chậm đổi mới phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; thiếu cơ chế để phát huy dân chủ, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, trì trệ; chưa có chính sách hiệu quả để thu hút và trọng dụng nhân tài... Thực tế đó đang đòi hỏi cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác TCCB với những bước đi, cách làm quyết liệt.
Trong khi đó, các thế lực thù địch chống phá đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, đòi đa nguyên, đa đảng, hướng mũi tấn công và đục khoét những hạn chế, tồn tại của công tác TCCB để đả kích, bôi nhọ, kích động... hòng thực hiện mưu đồ làm mục ruỗng nội bộ của Đảng từ bên trong. Do vậy, việc đổi mới về tư duy, cách làm trong công tác TCCB cần kiên định mục tiêu và bám sát đường lối đổi mới của Đảng, vừa kế thừa những thành quả, kinh nghiệm đã đạt được, vừa đáp ứng yêu cầu của tiến trình đổi mới đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc hết sức quan trọng hiện nay là phải tăng cường công tác giáo dục, làm cho toàn Đảng, hệ thống chính trị nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác TCCB đối với sự nghiệp cách mạng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: "Xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Chúng ta càng ngày càng thấm thía "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân".
Các cấp ủy và hệ thống chính trị cần tập trung quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quyết định, hướng dẫn của Trung ương, cấp ủy các cấp về công tác TCCB. Phải đặc biệt coi trọng, phát huy vai trò nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giám sát cán bộ. Ngành tổ chức xây dựng Đảng và các cấp ủy, chính quyền coi trọng việc tiếp tục rà soát, tham mưu bổ sung, sửa đổi hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình về công tác tổ chức xây dựng Đảng, khắc phục hạn chế, yếu kém trong CTCB và quản lý đội ngũ cán bộ; hoàn thiện quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong CTCB; cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp; xây dựng quy chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác TCCB. Các cấp chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; lựa chọn, bố trí những người có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị; hạn chế tối đa việc bố trí nhầm người, sai người, nhầm chỗ, sai chỗ, nhất là người đứng đầu. Thực hiện nghiêm các quy trình trong CTCB; đẩy mạnh phân cấp gắn với trách nhiệm, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong CTCB và quản lý đội ngũ cán bộ. Chúng ta cũng cần làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nhất là những mô hình hay, cách làm mới trong công tác TCCB.
Về trước mắt, theo chương trình kế hoạch công tác xây dựng Đảng năm 2018, tới đây Trung ương sẽ tổng kết Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về CTCB. Tin tưởng rằng Đảng ta sẽ tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả hơn để chăm lo tốt hơn “cái gốc của công việc”, “then chốt của then chốt”, để Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Nguồn: Báo QĐND