|
Ảnh minh họa.
|
Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (tháng 11-1939) do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã nhấn mạnh mục tiêu chuyển hướng chiến lược “đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng các dân tộc Đông Dương” và quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, chủ trương tập trung xây dựng Đảng ở các đô thị, khu công nghiệp lớn, nơi có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị…, chống tả khuynh, xa rời quần chúng chậm tiến; chống hữu khuynh rơi vào “chủ nghĩa hợp pháp” vi phạm nguyên tắc hoạt động bí mật, không lo bảo vệ cơ sở bí mật và tổ chức quần chúng trung kiên… Các Nghị quyết của Hội nghị được thực hiện đã mở ra thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng nước ta.
Cuối năm 1939, địch khủng bố mạnh, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở nhiều nơi trước đó có thiếu sót, như quá “say sưa với công khai” nên khi thực dân Pháp thẳng tay đàn áp đã không kịp chuyển sang hoạt động bí mật. Vì vậy, nhiều tổ chức đảng và tổ chức quần chúng bị phá vỡ, nhiều chiến sỹ cách mạng bị địch bắt. Ở trong nhà tù, nhiều chi bộ bí mật đã được thành lập, nhiều đảng viên đã xây dựng và lãnh đạo các tổ chức quần chúng, các tổ trung kiên hoạt động, tiếp tục biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, phát huy kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù ở các giai đoạn trước.
Năm 1951 (Tân Mão): Từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng, quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Các nghị quyết của Đại hội đã chỉ rõ mục tiêu của công tác xây dựng Đảng ở thời kỳ này là bảo đảm cho Đảng “tăng cường lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo quân đội và lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ” đến thắng lợi hoàn toàn; “phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. Báo cáo về công tác tổ chức và sửa đổi Điều lệ Đảng đã phân tích, làm rõ các vấn đề về tính chất giai cấp công nhân của Đảng, về mở rộng dân chủ, tăng cường tập trung và phát triển tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, ngày 16-4-1951 BCH Trung ương (khóa II) đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về thành lập các Ban và Tiểu ban của Trung ương, trong đó có Ban Tổ chức Trung ương và cử đồng chí Lê Văn Lương làm Trưởng Ban. Ban Tổ chức Trung ương trực thuộc BTV Trung ương có cơ cấu bộ máy và nhân sự chuyên trách; có chức năng và nhiệm vụ tương tự như Ban Tổ chức Trung ương các thời kỳ sau này để giúp BCH Trung ương và BTV Trung ương về công tác tổ chức. Ban từng bước được kiện toàn, góp phần to lớn vào công tác xây dựng Đảng và những thắng lợi chung của cuộc kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta.
Năm 1963 (Quý Mão): Thời gian này, công tác tổ chức tập trung phục vụ việc triển khai thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, tiến hành các cuộc vận động lớn: Xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở theo yêu cầu “4 tốt” (sản xuất, chiến đấu tốt; chấp hành chính sách tốt; công tác quần chúng tốt và củng cố Đảng tốt) gắn với các cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến quản lý xí nghiệp, “ba xây, ba chống” (ba xây: nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, cải tiến kỹ thuật; ba chống: chống tham ô, chống lãng phí, chống quan liêu); chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần tạo ra nhiều phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội như: Thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, học tập và thi đua với các điển hình tiên tiến: “Sóng Duyên Hải” (trong công nghiệp), “Gió Đại Phong” (trong nông nghiệp), “Cờ Ba Nhất” (trong Quân đội), “Trống Bắc Lý” (trong Ngành Giáo dục)… Đảng cũng quan tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn, thiếu sót, khuyết điểm của ta, gây chia rẽ bè phái, chống Đảng.
Năm 1975 (Ất Mão): Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam: Cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước ta đứng trước nhiều thuận lợi mới nhưng cũng gặp nhiều khó khăn lớn, như: Hậu quả của chiến tranh và tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới còn để lại nặng nề; bị các thế lực đế quốc bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới ở phía Bắc và Tây Nam; viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa bị cắt giảm; thiên tai liên tiếp xảy ra.
Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, thực hiện các nghị quyết của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, công tác tổ chức của Đảng đã nhanh chóng giải quyết hàng loạt những vấn đề cấp bách trước mắt, như xây dựng và củng cố hệ thống chính trị thống nhất của cả nước, trong đó bao gồm việc xây dựng và củng cố các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp trong các vùng mới được giải phóng; thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, bầu cử Quốc hội của cả nước. Trung ương đã điều động và tăng cường hàng vạn cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn cho miền Nam, bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trước mắt, xây dựng các cơ sở chính trị ở các vùng mới được giải phóng và đáp ứng yêu cầu lâu dài của đất nước.
Năm 1987 (Đinh Mão): Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ này tập trung vào việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách đổi mới; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa V về kiện toàn tổ chức; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 29-9-1987 của Bộ Chính trị về “làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”. Mở đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết bằng đợt tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng theo Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 3-12-1987 của Ban Bí thư. Trong khóa này, BCH Trung ương có Phiên họp lần thứ 5 ra Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng trên các mặt: Đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng; đổi mới công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của TCCSĐ; nâng cao ý thức bảo vệ Đảng; chống đa nguyên, đa đảng…
Năm 1999 (Kỷ Mão): Trong nhiệm kỳ Đại hội VIII, BCH Trung ương Đảng đã đề ra nhiều nghị quyết quan trọng về công tác tổ chức, trong đó có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) ngày 2-2-1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 ngày 16-8-1999 “Về một số vấn đề tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước”. Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết đó, Đảng tiếp tục được củng cố về chính trị, tư tưởng và tổ chức; Nhà nước tiếp tục được tăng cường về chức năng quản lý, nền hành chính được cải cách một bước; mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng tiếp tục được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực được phát huy.
Thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình đã có tác dụng bước đầu trong việc giáo dục, nâng cao ý thức về Đảng của cán bộ, đảng viên; ngăn ngừa sự suy thoái, biến chất trong Đảng, sửa chữa khuyết điểm, xử lý kỷ luật những người có sai phạm, chấn chỉnh tổ chức và các khâu quản lý, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển. Tuy vậy, công tác tổ chức xây dựng Đảng vẫn còn nhiều khuyết điểm và yếu kém, chưa đáp ứng được “yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước trong thời kỳ mới”.
Năm 2011 (Tân Mão): Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, với tinh thần vượt khó, đoàn kết và sáng tạo, đội ngũ những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng cả nước đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản, toàn diện nhiệm vụ công tác năm. Trong đó, đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự sau Đại hội XI như tham mưu phân công công tác đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 trong cùng một ngày, thời gian rất gấp nhưng cuộc bầu cử đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Chuẩn bị nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước, giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, tạo được sự tập trung, thống nhất cao. Tham gia xây dựng các chương trình, đề án công tác của Trung ương, nhất là những việc liên quan đến công tác tổ chức - cán bộ, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị… Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì hoặc phối hợp tham mưu để Bộ Chính trị trình BCH Trung ương thông qua Quy chế làm việc, Chương trình toàn khóa, Quy định về thi hành Điều lệ Đảng; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương sơ kết, tổng kết một số nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tiếp tục quan tâm, giải quyết các công việc còn lại của khoá trước, trong đó có việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, thực hiện chế độ nghỉ hưu đúng quy định đối với các đồng chí đến tuổi, kể cả cán bộ cấp cao.
Bá Thắng (tổng hợp)