Kỳ 1: Đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý – cơ sở lý luận và thực tiễn
|
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng.
|
Vai trò của đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý
Cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) trong hệ thống chính trị là nhân tố đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị là quá trình đưa ra nhận định về phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”[1]. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân”[2].
Đánh giá cán bộ LĐQL là bước đầu tiên trong quy trình công tác cán bộ, đóng vai trò quan trọng để xác định mức độ cống hiến của cán bộ, đưa ra các quyết định về công tác cán bộ ở các khâu tiếp theo. Đánh giá đúng cán bộ LĐQL phát hiện được điểm mạnh của cán bộ để khuyến khích phát huy, phát hiện điểm hạn chế của cán bộ để giúp đỡ cán bộ sửa chữa, khắc phục. Qua đó củng cố niềm tin của cán bộ vào công tác tổ chức, cán bộ, có thêm động lực cống hiến, đóng góp tích cực cho tổ chức. Đánh giá đúng cán bộ LĐQL đảm bảo công tác cán bộ được công bằng, công khai, minh bạch; góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ngược lại, đánh giá cán bộ LĐQL không đúng dẫn đến sử dụng, cất nhắc không đúng cán bộ, “không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”[3].
Những yếu tố tác động đến đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý
Đánh giá cán bộ LĐQL phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối: tiêu chí đánh giá, nguyên tắc đánh giá, phương pháp đánh giá, những người tham gia vào quá trình đánh giá (tự đánh giá của cá nhân và những người có liên quan với cán bộ được đánh giá).
1. Về tiêu chí đánh giá
V.I.Lê-nin chỉ rõ: “Người lãnh đạo cơ quan nhà nước cần phải có ở mức độ cao, khả năng lôi cuốn mọi người và có đủ trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật vững vàng để kiểm tra công tác của họ. Đó là điều cơ bản. Không như thế thì công tác không thể tiến hành đúng đắn được. Mặt khác, một điều rất quan trọng là người lãnh đạo ấy phải biết quản lý về mặt hành chính và có được người giúp việc hoặc những người giúp việc xứng đáng trong công việc đó”[4]. Khi đánh giá cán bộ cụ thể, V.I.Lê-nin yêu cầu đánh giá bốn tiêu chí: “(a) về mặt trung thực, (b) về lập trường chính trị, (c) về mặt hiểu biết công việc, (d) về năng lực quản lý”[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”[6]. Người cũng khẳng định: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe”[7]. Sức khỏe (cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất) là yếu tố quan trọng đảm bảo khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra đột phá: “Xây dựng đội ngũ cán bộ LĐQL, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân”.
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có nêu: “cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ LĐQL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.
Cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị đáp ứng được yêu cầu trên cần có các tiêu chí cụ thể về phẩm chất, năng lực, tác phong làm việc, uy tín và sức khỏe:
Phẩm chất của người LĐQL bao gồm phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức. Phẩm chất chính trị thể hiện ở sự tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng; tuyệt đối trung thành, trung thực với Đảng và Chính phủ; tuân thủ kỷ luật Đảng và Chính phủ; đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; nhiệt tình cách mạng; có tinh thần trách nhiệm với công việc được Đảng, Chính phủ giao và sẵn sàng hy sinh khi Đảng, Chính phủ cần. Phẩm chất đạo đức thể hiện ở đạo đức cách mạng: lòng yêu nước; tinh thần tự tôn dân tộc; khát vọng tự lập, tự cường; thái độ kính trọng và lễ độ với Nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhân, lễ, nghĩa, trí tín, gương mẫu, tinh thần tự phê bình và phê bình.
Năng lực của cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị bao gồm năng lực chính trị, năng lực chuyên môn và năng lực LĐQL. Năng lực chính trị thể hiện qua trình độ lý luận chính trị được đào tạo; khả năng nhận thức, bảo vệ và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ở lĩnh vực chuyên môn phụ trách; năng lực cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng và Chính phủ cho phù hợp với đơn vị mình. Năng lực chuyên môn được thể hiện qua trình độ chuyên môn được đào tạo, khả năng độc lập hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, khả năng tự học để ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Năng lực LĐQL thể hiện qua năng lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho quần chúng; năng lực lập chiến lược phát triển ngành; năng lực dự báo thời cơ và thách thức; năng lực ứng phó với thay đổi; năng lực lập kế hoạch công việc, tổ chức thực hiện khoa học; chỉ đạo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; năng lực đánh giá và sắp xếp cán bộ; năng lực sáng tạo, đổi mới; năng lực xử lý tình huống; năng lực truyền cảm hứng tích cực, năng lực phối hợp công tác; phát huy được sức mạnh tập thể; xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó. Năng lực LĐQL thể hiện rõ nhất qua kết quả thực hiện công việc của cá nhân và tập thể; tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ.
Uy tín của cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị được tạo bởi vị trí công tác, phẩm chất và năng lực của cán bộ; được thể hiện qua sự tín nhiệm của cấp trên, đồng nghiệp cùng cấp, cấp dưới và quần chúng về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực cá nhân. Cán bộ LĐQL có phẩm chất chính trị đúng đắn, có đạo đức cách mạng, có uy tín và sức khỏe là yếu tố quan trọng để Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc.
2. Nguyên tắc đánh giá
Một là, việc đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị cần đảm bảo được thực hiện theo các nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ khi đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị để đảm bảo tính thống nhất, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh và tính chiến đấu của tổ chức đảng. Đồng thời thực hiện nghiêm Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Thực hiện nguyên tắc giữ gìn đoàn kết nội bộ khi đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị đảm bảo quá trình đánh giá mang tính xây dựng cho cá nhân và tập thể. “Kiên quyết không để xẩy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ” như Tổng Bí thư yêu cầu.
Thực hiện nguyên tắc gắn bó chặt chẽ với nhân dân trong đánh giá cán bộ LĐQL vì “Với một sự nhạy cảm rất tài tình, quần chúng cần lao nắm được sự khác nhau giữa những đảng viên cộng sản trung thực, tận tụy và những kẻ đang làm cho những người sinh sống bằng mồ hôi nước mắt của mình, những người không có chút đặc quyền đặc lợi, không có “đường thăng quan tiến chức”, phải chán ghét”[8].
Hai là, lấy ý kiến đánh giá nhiều chiều của những người có quan hệ công việc với cán bộ. Các Mác khẳng định: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”[9]. Càng có nhiều người trực tiếp có quan hệ với cán bộ đánh giá thì thông tin càng nhiều chiều và khách quan, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không”[10].
Ba là, đánh giá toàn diện, cả trong công việc và sinh hoạt, cả ngôn ngữ và hành động, nói đi đôi với làm, xem xét thái độ cư xử của cán bộ đối với mọi người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ”[11]; “Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào”[12].
Bốn là, đánh giá công tâm, công bằng, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định, chặt chẽ, thận trọng để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đánh giá là sử dụng, cất nhắc đúng người, phát huy sức mạnh cá nhân, tăng cường sức mạnh tập thể, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm là, đánh giá thường xuyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán việc không thường xuyên đánh giá cán bộ là một khuyết điểm to vì: “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”[13]. “Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”[14].
Sáu là, đánh giá linh hoạt, biện chứng, không chấp nhất vì: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”[15]. Có người vì động cơ cá nhân, vì lợi ích nhóm nên làm việc rất hăng. Nếu không xem xét kỹ càng thì dễ lầm là người LĐQL tốt. “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che dấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”[16].
Bảy là, đánh giá trên cơ sở hoạt động thực tiễn. V.I.Lê-nin khi xem xét con người: “không căn cứ vào bộ áo hào nhoáng họ tự khoác cho họ hoặc vào cái tên khá kêu họ tự đặt cho họ, mà căn cứ vào cách họ hành động, vào những tư tưởng mà họ thực tế truyền bá…”[17]. Sự kiện ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong Đại tướng cho Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rõ tư duy đánh giá nhân tài lãnh đạo qua năng lực hoạt động thực tiễn của Hội đồng Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội: Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng.
3. Phương pháp đánh giá
Tự đánh giá. Cá nhân tự đối chiếu mình với các quy định của Đảng, các nhiệm vụ được giao, kiểm điểm lại công việc và ứng xử của bản thân để tự nhận xét, đánh giá về điểm mạnh, điểm cần khắc phục của bản thân.
Quan sát. Cấp trên trực tiếp LĐQL cán bộ được đánh giá qua quan sát cách làm việc, cách ứng xử của cấp dưới để đánh giá, nhận xét về phẩm chất và năng lực.
Phân tích kết quả hoạt động thực tiễn, qua sản phẩm công việc. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo “không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”[18].
Phân tích tiểu sử cá nhân. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo “không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”[19].
Lấy ý kiến những cá nhân, tập thể có liên quan trực tiếp tới cán bộ như đồng nghiệp có quan hệ công tác theo bề dọc, bề ngang; cấp ủy và chính quyền địa phương nơi cán bộ sinh sống; đặc biệt chú ý xem xét nếu phát sinh dư luận xã hội liên quan đến cán bộ.
Nghiên cứu trường hợp điển hình. Những người tham gia đánh giá cán bộ, nhất là cấp ủy, tập thể lãnh đạo cần phân tích một số sự việc điển hình đã diễn ra để hiểu rõ hơn về thái độ cũng như cách xử lý công việc của cán bộ được đánh giá.
Toán thống kê. Cá nhân, tổ chức làm công tác tham mưu về công tác cán bộ sử dụng toán thống kê để tính toán các yếu tố lặp lại trong lịch sử cá nhân được đánh giá, qua đó có thêm thông tin đánh giá về phẩm chất và năng lực của cán bộ được đánh giá; đưa ra dự báo về chiều hướng, triển vọng phát triển cán bộ được đánh giá.
4. Thành phần đánh giá
Đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Do vậy, để đánh giá đa chiều, cần có sự tham gia của nhiều thành phần: Tự đánh giá của bản thân, đánh giá của cấp trên, đánh giá cùng cấp, đánh giá của cấp dưới, đánh giá của quần chúng nhân dân từ đảng ủy, chính quyền địa phương và dư luận xã hội (nếu có).
Một là, cán bộ tự đánh giá. “Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ”[20]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “cần tự giác, trung thực, đánh giá mình cho thật khách quan”[21].
Hai là, người trực tiếp LĐQL: Cấp trên trực tiếp là người định hướng, theo dõi và chịu trách nhiệm về kết quả công việc của cán bộ được đánh giá nên rất cần thiết phải có sự đánh giá của cấp trên trực tiếp. Tuy nhiên, “muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”[22].
Ba là, đồng nghiệp cùng cấp. Đồng nghiệp cùng cấp có quan hệ phối hợp trong công việc có thể nhận định được những đặc điểm của cán bộ: tinh thần trách nhiệm, khả năng phối hợp công tác, tinh thần tương trợ, kỹ năng giao tiếp, khả năng sáng tạo, khả năng xử lý tình huống của cán bộ.
Bốn là, cấp dưới trực tiếp. Cấp dưới có thể nhận định rõ một số đặc điểm của cấp trên trực tiếp như phong cách LĐQL; sự công bằng trong đối xử; khả năng bao quát công việc; khả năng phát huy, tập hợp sức mạnh tập thể, tạo môi trường đoàn kết tập thể. Đánh giá của cấp dưới đối với cấp trên trực tiếp phản ánh nguyện vọng của cấp dưới đối với cấp trên. Tuy nhiên, tâm lý e ngại khi cấp dưới đánh giá cấp trên có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả đánh giá.
Năm là, đánh giá của đảng ủy, chính quyền địa phương. Đảng ủy, chính quyền địa phương nhận định được mặt thực hiện trách nhiệm công dân, thái độ cư xử của cán bộ đối với nhân dân nơi cư trú; bổ sung thêm thông tin để nhìn nhận, đánh giá toàn diện cán bộ lãnh đạo.
Sáu là, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm về công tác cán bộ trong tổ chức và kết quả hoạt động của đơn vị; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đánh giá cán bộ theo đúng quy định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời xử lý tình huống phát sinh; định kỳ rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định đánh giá cán bộ theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tiễn đơn vị; khen thưởng và xử lý vi phạm trong đánh giá cán bộ.
Bảy là, chuyên gia y tế. Chuyên gia y tế có chuyên môn và chịu trách nhiệm đánh giá sức khỏe tinh thần và thể chất của cán bộ LĐQL đảm bảo cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tám là, cá nhân trực tiếp tham mưu về đánh giá cán bộ. Hồ sơ, tài liệu được chuẩn bị đầy đủ đảm bảo theo quy định là điều kiện cần thiết để quá trình đánh giá cán bộ đảm bảo khách quan như: Kết quả đào tạo, bồi dưỡng; kết quả công tác hằng năm; kết quả đánh giá cán bộ hằng năm; các kết quả nhận định từ các thành phần khác nhau cần được gửi trước để nghiên cứu, phân tích trước khi đánh giá cán bộ. Cá nhân trực tiếp tham mưu đánh giá cán bộ phải nắm vững, thực hiện đầy đủ quy định của Đảng, Nhà nước về đánh giá giá cán bộ; đảm bảo trung thực, cẩn trọng, chặt chẽ trong tham mưu; chịu trách nhiệm về đề xuất của mình và thẩm định hồ sơ cán bộ đầy đủ, chính xác, gửi cho những người đánh giá theo quy định.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người tham gia đánh giá cán bộ dễ đánh giá sai nếu bản thân mình “phạm một trong bốn bệnh”, đó là: Tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình”[23].
Như vậy, đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị là khâu đầu tiên trong quy trình công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ LĐQL trong hệ thống chính trị đóng vai trò quan trọng để thực hiện tốt các quy trình sử dụng, khen thưởng, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức tiếp theo. Kết quả đánh giá cán bộ LĐQL phụ thuộc vào việc xác định đúng vai trò của đánh giá cán bộ; xác định tiêu chí đánh giá rõ ràng; vào việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc đánh giá, thực hiện các phương pháp đánh giá kết hợp đánh giá trực tiếp với đánh giá gián tiếp, kỹ năng tự đánh giá bản thân của cán bộ được đánh giá và sự công tâm, khách quan của những người tham gia vào đánh giá cán bộ LĐQL. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ LĐQL là góp phần thực hiện tốt công tác cán bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
[1], [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H. 2011, tập 5, tr.321.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXBCTQGST, H.2021, tập II, tr.226.
[4] V.I.Lê-nin, Toàn tập, NXBCTQG, H.2005, tập 45, tr.402-403.
[5] Sách đã dẫn, tập 53, tr.126-127.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 13, tr.69.
[7] Sách đã dẫn, tập 12, tr.542.
[8] V.I.Lê-nin, Toàn tập, NXBCTQG, H.2005, tập 43, tr.152.
[9] C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, NXBCTQG, H.1995, tập 3, tr.19.
[10], [11], [12], [13], [14], [15], [16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 5, tr.321, 321, 321, 314, 317-318, 317, 318.
[17] V.I.Lê-nin, Toàn tập, NXBCTQG, H.2005, tập 5, tr. 10, 11.
[18], [19], [20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 5, tr.318, 321, 317.
[21] Nguyễn Phú Trọng, Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn, NXBCTQG, H.2015, tr.84.
[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 5, tr.317.
[23] Tạp chí Chính trị và phát triển. NXBCTQGST, H.2022, Số 01, tr.10.
(Còn nữa...)
Đỗ Thị Thanh Mai
Chánh Văn phòng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương