Đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Tham nhũng hình thành cùng nhà nước. Nó là khuyết tật của một nền quản trị yếu kém kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, mất niền tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền và gây bất ổn về chính trị.

Đại hội XII của Đảng ta nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị”(1). Đảng chỉ rõ 4 nguy cơ vẫn  tồn tại, trong đó có nguy cơ tham nhũng, lãng phí diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi.

Thời gian gần đây có nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui. Cùng với những vụ án lớn mà cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm, những vụ tham nhũng vặt, nhũng nhiễu không hiếm nhưng xử lý chỉ là kiểm điểm sâu sắc, phê bình nghiêm khắc rút kinh nghiệm hoặc kỷ luật hành chính không có tính răn đe, giáo dục. Đối tượng tham nhũng đa số là đảng viên có chức vụ, quyền hạn và vi phạm trong khi thực hiện công vụ.

Có nhiều nguyên nhân tham nhũng: Pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở hoặc quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng. Không ít cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng chưa trung thực, làm sai lệch hồ sơ, thiếu công tâm, khách quan, bưng bít, che giấu thông tin hoặc thanh tra, kiểm tra chiếu lệ. Nhiều người tố cáo tham nhũng chưa được bảo vệ, thậm chí bị trả thù. Người đứng đầu cấp ủy chưa quan tâm đúng mức trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình kém, không nghiêm túc, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến. Một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Quản lý cán bộ chưa tốt. Việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ còn nhiều sơ hở. Chưa khai thác tối đa sức mạnh giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và cử tri...

Để phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, theo tôi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật sao cho dễ áp dụng, đủ sức răn đe, giáo dục. Những tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tránh đùn đẩy, né trách nhiệm, bao che không giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu tình, đạt lý, tạo hiện tượng “nhờn” pháp luật. Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải được làm thường xuyên, liên tục. Kết hợp lồng ghép việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, người đứng đầu cấp ủy phải thực sự gương mẫu, có quyết tâm chính trị trong phòng, chống tham nhũng. Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ cấp dưới đối với những vị trí việc làm dễ phát sinh tham nhũng. Khi phát hiện tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đúng pháp luật. Người đứng đầu dung túng, bao che, ngăn cản, tiếp tay tham nhũng, trù dập người tố cáo, người phát hiện tham nhũng thì cấp trên phải xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật. Kết quả phòng, chống tham nhũng của cấp dưới phải được cấp trên coi đó là một thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu cấp dưới.

Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đồng chí bí thư chi bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, thực hiện thật nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân. Bí thư phải gần gũi các đảng viên, cởi mở, thân thiện, nắm được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên. Từ đó đảng viên nói suy nghĩ, sự thật để bí thư nghe, biết, hiểu và điều chỉnh phương pháp lãnh đạo phù hợp và định hướng tư tưởng đảng viên, phản bác quan điểm sai trái, lệch lạc. Đảng viên dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật nhằm phát huy sức mạnh của tập thể, tạo sự đồng thuận cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Bốn là,
nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ. Vì đánh giá cán bộ không chính xác, thiếu công tâm, khách quan dẫn đến sử dụng sai cán bộ, do đó hiệu quả công việc không đạt như mong đợi. Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, đạo đức, những thành tích đã đạt được, năng lực, sở trường công tác, mức độ đam mê, yêu thích công việc, quá trình lịch sử… không được bổ nhiệm những cán bộ đã từng vi phạm đến công tác tài chính làm cấp trưởng. Để làm được việc này những người làm công tác tổ chức cán bộ phải là những người giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức cách mạng trong sáng, có kinh nghiệm trong công tác quản trị nhân sự bảo đảm chất lượng tham mưu sáng suốt cho ban thường vụ cấp ủy quyết định đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển.

Việc kê khai tài sản nhằm phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng. Do đó việc kê khai tài sản ngoài việc công khai trong chi bộ và nộp lên cấp trên (UB Kiểm tra, Thanh tra Nhà nước, Nội vụ) thì phải có một cơ quan độc lập xác minh ngay và công khai kết luận về sự minh bạch tài sản của đảng viên đó mà không phải chờ đến khi có khiếu nại, tố cáo, bầu cử, bổ nhiệm… mới tiến hành xác minh. Hằng năm nếu có biến động về tài sản thì phải tiến hành ngay việc xác minh, kết luận về sự biến động đó.

Năm là, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quyết định 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị; phải tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về tham nhũng của các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương. Một kênh thông tin có hiệu quả là phát huy vai trò của báo chí trong việc phát hiện tham nhũng. Có ngay các hình thức động viên, khen thưởng, giữ bí mật thông tin cho những người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng, cung cấp thông tin tham nhũng và xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân có hành vi trù dập, trả thù người tố cáo, người cung cấp thông tin về tham nhũng.

---------------------------------------------
1) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.211.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất