Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Đình Hạnh Chi bộ 2 – Đảng bộ phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (Ảnh tư liệu).

 

Ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp đã diễn ra liên tục, sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương mang theo ý thức hệ phong kiến do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896) rồi sang thế kỷ XX phong trào nông dân tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam chìm trong khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước cho đến khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911. Người đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: “Chủ nghĩa tư bản, đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa”.

Năm 1917, Người trở lại nước Pháp và gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 7-1920, Người đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lê-nin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, tháng 2-1920 Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III tức Quốc tế Cộng sản do V.I.Lê-nin sáng lập và Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là sự kiện lịch sử trọng đại không những đưa Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại là Chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin là tất yếu lịch sử không còn con đường nào khác. Từ đây người thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, xúc tiến truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.

Ngày 19-8-1945, khi ấy Đảng Cộng sản Việt Nam mới 15 tuổi đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng 8, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ thực dân và phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại mới – Thời đại Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, đó cũng là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ XX. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công là thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong suốt 30 năm (1945-1975).

Những năm 1945, 1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề chống thù trong giặc ngoài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân, bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6-1-1946, xây dựng hiến pháp dân chủ ngày 9-11-1946. Chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám, thực hành sách lược khôn khéo đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Chúng ta đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Thành công nổi bật của hơn một năm xây dựng chính quyền non trẻ là đã tăng cường được sức mạnh của cách mạng để có thể tự bảo vệ khi chưa có sự giúp đỡ trực tiếp từ bên ngoài. Tháng 12-1946, thực dân Pháp có dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến vào ngày 19-12-1946 với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện, trường kỳ kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy khắp năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp tại nước ta. Mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đảng ta lãnh đạo tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây là đặc điểm mang tính đặc thù của cách mạng Việt Nam cùng với mục tiêu độc lập dân tộc, mục tiêu xã hội chủ nghĩa được đặt ra trực tiếp.

Đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, hất chân thực dân Pháp độc chiếm miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Dân tộc ta lại phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tư tưởng Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước là thắng lợi chói lọi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc từ một nền nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đòi hỏi Đảng ta phải vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa kết hợp giữa lợi ích dân tộc với thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước đã thu được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ năm 1975 đến 1986 sau chiến tranh đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đảng đã tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ mới, việc duy trì lâu dài mô hình cơ chế tập trung bao cấp đã không còn phù hợp và bộc lộ những hạn chế, nhược điểm, mắc sai lầm, khuyết điểm, chủ quan duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của nhân dân, tìm tòi hoạch định đường lối đổi mới qua các mốc: Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 khóa IV (tháng 8-1979), Chỉ thị 100-CT/TW ngày 3-1-1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, Quyết định 25/CP ngày 21-1-1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khoá V (tháng 6-1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa... Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới được bổ sung và phát triển ngày càng hoàn thiện qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua khủng hoảng về tài chính tiền tệ khu vực, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu khi đó. Thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ bước đầu thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt trên 1.000 USD, vượt ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp tại Hà Nội vào sáng ngày 26-1-2021 có 1.587 đại biểu thay mặt cho hơn 5 triệu đảng viên của toàn Đảng. Đại hội khơi dậy tinh thần và ý chí quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ XII hướng tới những dấu mốc phát triển của đất nước: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chúng ta khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa. Tư tưởng và hành động đã nhất trí càng nhất trí hơn nữa”.

Những nội dung nêu trên giúp chúng ta cùng nhau nhớ lại lịch sử vẻ vang của Đảng ta, của dân tộc ta. Mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên dù tuổi đã cao vẫn luôn phải giữ sức khỏe, làm gương cho con cháu phấn đấu theo tinh thần tràn đầy tâm huyết, quyết tâm giữ vững ngọn cờ của Đảng ta mãi mãi tung bay, Đảng ta mãi mãi trường tồn và phát triển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất