Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hơn 30 năm qua, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử về mọi mặt thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực không ngừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng dưới nhiều hình thức rất đa dạng và tinh vi. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở nước ta cũng có những nét đặc trưng, trong đó có đặc điểm nổi bật là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Tuy nhiên, mô hình Ban Chỉ đạo và hoạt động của nó không phải ngay lập tức đã đồng bộ, đạt hiệu quả cao mà phải trải qua những trải nghiệm để khắc phục những hạn chế, bất cập.
Từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập
Trải qua 16 năm kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN được thành lập, cho đến nay, Đảng ta đã từng bước khắc phục được một số hạn chế, bất cập sau đây:
Khắc phụ tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Năm 2006, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã được thành lập. Ban Chỉ đạo giai đoạn này là một cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Một năm sau, các ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh cũng được thành lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2007) và Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12 ngày 27-9-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoá XII. Theo đó, trưởng ban PCTN là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có 1 phó trưởng ban thường trực, chức vụ giám đốc sở; các ủy viên ban chỉ đạo gồm chánh thanh tra tỉnh, giám đốc công an tỉnh, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, chánh án tòa án nhân dân tỉnh, giám đốc sở nội vụ và chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh, thành ủy. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN cũng như thành phần, cơ cấu, bộ máy, bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến nhận thức, sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên, nhất là quần chúng, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước đối với quyết tâm PCTN. Nhiều cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức về hưu và quần chúng, nhân dân, báo chí... đã hưởng ứng, tích cực phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hiện tượng TNTC, nhất là ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, về lý thuyết cũng như về cơ chế vận hành, trong thực tiễn, tổ chức, bộ máy cũng như người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương cũng như ở cấp tỉnh có nhiều hạn chế, bất cập, lúng túng, nhiều khi thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan, vô tư trong phát hiện, điều tra, xét xử những vụ tham nhũng lớn, phức tạp trong khi xu hướng lợi ích nhóm, bệnh thành tích còn rất phổ biến. Với cơ cấu bộ máy của ban chỉ đạo như vậy, nhiều ý kiến ví như hình ảnh "vừa đá bóng, vừa thổi còi", do vậy, công tác PCTN hiệu quả chưa cao. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn điễn biến phức tạp..."(1). Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo mô hình nói trên hoạt động được hơn 6 năm (29-7-2006-1-2-2013) thì chuyển sang mô hình mới.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), ngày 1-2-2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có 16 thành viên, gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban; 5 Phó Trưởng Ban (đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương - Phó Trưởng ban Thường trực); 10 Uỷ viên là các đồng chí đứng đầu các ban, bộ, ngành, lực lượng Công an, Quân đội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 4-2-2013, trong phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Thành viên Ban Chỉ đạo phải là tấm gương về giữ gìn đạo đức, lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào". Kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đổi mới cơ cấu, tổ chức và bộ máy, nhất là vị trí đồng chí Trưởng Ban, đến nay, công tác PCTNTC ở nước ta ngày càng thu được những thành tích quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, rất nhiều vụ án kinh tế lớn, TNTC được phát hiện, điều tra, xử lý, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao, bị kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước. "Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm"(2).
Tuy nhiên, tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trong PCTNTC vẫn là xu hướng phổ biến ở không ít địa phương, cơ sở. "Trên nóng dưới lạnh", "trên quyết liệt" "dưới tê liệt" là những từ được Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nhiều lần nhấn mạnh. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, chủ yếu tập trung vào một số nguyên nhân chính như: thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, nhất quán của Đảng từ Trung ương tới địa phương trong công tác đấu tranh PCTNTC (từ năm 2013, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN); chưa có cơ chế, quy định trách nhiệm, ràng buộc người đứng đầu cấp ủy tỉnh, thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo PCTNTC; ở nhiều địa phương còn phổ biến tình trạng thiếu kiên quyết, chậm phát hiện, chậm xử lý dứt điểm các dấu hiệu TNTC; vẫn còn tình trạng "dĩ hoà vi quý" "bệnh thành tích", tư tưởng cục bộ địa phương trong đấu tranh PCTNTC; chưa có sự tham gia của đông đảo quần chúng, nhân dân, các cơ quan dân cử, các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương trong việc phát hiện, tố giác những biểu hiện TNTC... Từ các nguyên nhân trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC buộc phải chỉ đạo, theo dõi, nhắc nhở, xử lý nhiều vụ, việc TNTC lẽ ra thuộc trách nhiệm của địa phương. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2-6-2022 "Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong công tác PCTNTC, tạo ra sự đồng bộ về sự lãnh đạo của Đảng, về tổ chức, bộ máy, trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế hoạt động, sự thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo v.v.
Đồng bộ, thông suốt
Quy định số 67-QĐ/TW tạo đồng bộ và thống nhất về nhận thức, nhận diện rõ đối tượng của cuộc đấu tranh "chống giặc nội xâm". Hiện nay, Đảng ta gắn tham nhũng với tiêu cực. Nội hàm tiêu cực rất rộng, trong đó có cả lãng phí, quan liêu. Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16-9-2021 của Bộ Chính trị "Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC" đã xác định Ban Chỉ đạo là cơ quan "chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị cả nước". Ban chỉ đạo cấp tỉnh "trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương". Xác định nội hàm, phạm vi của chống TNTC như vậy chẳng những xác định rõ ràng, thống nhất, nhận diện rõ hơn đối tượng đấu tranh mà còn làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm, trọng tâm của chủ thể của cuộc đấu tranh này, đặt ra yêu cầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, xử lý TNTC ở địa phương, cơ sở.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy, thành phần ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC theo mô hình của của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC. Ban chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ; đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ PCTNTC; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định. Định kỳ hằng quý và khi có yêu cầu, ban chỉ đạo cấp tỉnh báo cáo tình hình, kết quả công tác PCTNTC, các vụ án, vụ việc TNTC phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương, kết quả hoạt động và định hướng công tác trong thời gian tiếp theo với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương;
Các quy định về thành phần, cơ cấu tổ chức, bộ máy, quyền hạn, chức trách, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC đồng bộ và thống nhất với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, đặc biệt là các quy định khác Đảng ta ban hành trong mấy năm gần đây liên quan đến TNTC. Đồng thời tạo thông suốt từ Trung ương tới cơ sở. Việc thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát, đôn đốc của các cấp uỷ trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đặc biệt là các quy định của Đảng, sẽ là cơ sở vững chắc, là điều kiện rất quan trọng để thực hiện công tác PCTNTC ở cả Trung ương và địa phương.
Các yếu tố góp phần tạo hiệu quả cao trong công tác PCTNTC
Việc tạo ra sự đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ Trung ương tới địa phương và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương, cấp tỉnh về PCTNTC sẽ khắc phục tình trạng "dưới lạnh" tạo ra hiệu quả trong công tác PCTNTC. Ngoài ra, có một số yếu tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định tới hiệu quả trong công tác PCTNTC mà cấp uỷ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ban chỉ đạo cấp tỉnh cần cụ thể hoá:
Thứ nhất, công tác PCTNTC hai nhiệm kỳ qua đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có kinh nghiệm từ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC. Đó là sự kiên quyết, không có vùng cấm, xử lý bất kỳ cán bộ nào dù là ai khi có những biểu hiện TNTC. Đó là sự nêu gương, sự trong sạch, liêm khiết của Ban Chỉ đạo, nhất là của người đứng đầu. Những người "tay đã nhúng chàm" thì dứt khoát phải được loại ra khỏi danh sách những đồng chí làm công tác PCTNTC; những ai "nản chí thì đứng sang một bên cho người khác làm".
Thứ hai, hiện tượng tiêu cực, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt" hiện nay còn phổ biến ở địa phương, cơ sở. Trong khi đó, ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC bao gồm rất nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt địa phương, trong đó có người đứng đầu cấp uỷ, cần thực nghiêm túc Quy định "Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiến với dân và xử lý những phản ánh kiến nghị của dân”. Điều này sẽ giúp cấp uỷ, Ban Chỉ đạo phát hiện, làm rõ, xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, "tham nhũng vặt" để răn đe, làm gương. Ở địa phương, cơ sở, chính dân là những người biết rõ hơn ai hết cán bộ nào TNTC và TNTC ở đâu, như thế nào.
Thứ ba, các cấp uỷ đảng trực thuộc tỉnh, thành uỷ, giao cho ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC, ban nội chính tỉnh, thành uỷ phối hợp với đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội các ban cán sự đảng các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp trong việc phát hiện, tố giác, cung cấp những chứng cứ, dấu hiệu vi phạm hoặc những biểu hiện cụ thể của hiện tượng TNTC... Đặc biệt, cần tin dân, dựa vào dân, nghe dân, giữ bí mật, bảo vệ những nhân chứng, những người cung cấp thông tin, kiên quyết đấu tranh chống TNTC.
Thứ tư, noi gương Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, giám sát, kết luận, xử lý... những vụ việc nổi cộm liên quan đến TNTC tồn đọng bấy lâu nay, được dư luận xã hội quan tâm. Lấy đó làm "vốn niềm tin" của cán bộ, công chức, đảng viên và đông đảo quần chúng, nhân dân ở địa phương và trong phạm vi cả nước.
Thứ năm, học tập kinh nghiệm của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ định kỳ có thông báo công khai, kịp thời sau mỗi kỳ họp uỷ ban và công bố việc xử lý, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các vụ việc vi phạm Điều lệ, quy định của Đảng liên quan đến TNTC.
Thứ sáu, để khắc phục tình trạng bệnh "cục bộ địa phương", "thành tích chủ nghĩa" các cấp uỷ đảng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ chế để báo chí địa phương, các trang thông tin điện tử công khai, cung cấp những thông tin, kết luận, điều tra, xử lý, kết án những vụ, việc, vụ án tiêu biểu TNTC ở địa phương; tránh tình trạng che giấu, bưng bít thông tin. Báo chí địa phương cần trở thành cầu nối giữa cấp uỷ đảng, chính quyền, ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh với quần chúng nhân dân trong việc phát hiện những hiện tượng TNTC; thực hiện dân chủ, công khai, quyền được thông tin của người dân.
---------------------------------------
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 173.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 76.
Vũ Lân