Bài 3: NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
Qua kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, ngoài những giải pháp phòng, chống tham nhũng hiện nay Đảng, Nhà nước ta đang chỉ đạo thực hiện, tôi xin nhấn mạnh thêm bốn giải pháp sau:
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự có đức, có tài; người Việt Nam phát triển toàn diện chân, thiện, mỹ
Bác Hồ từng khẳng định: “Cán bộ bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(1). Đội ngũ cán bộ của Đảng là nhân tố quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Song vẫn còn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự có đức, có tài là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, cả trước mắt và lâu dài, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học và hiệu quả. Không chỉ là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, mà chúng ta phải phát hiện, lựa chọn, đào tạo và sử dụng những người có đủ tiêu chuẩn đức và tài từ trong các nhà trường và xã hội để xây dựng thành đội cán bộ có đức - tài, có tâm - tầm.
Bác Hồ kính yêu chỉ rõ, cốt lõi của đạo đức cách mạng là: Cần, kiệm, liêm, chính. Người còn khẳng định: Thiếu một trong bốn đức tính đó thì không thành người. Người có Đức là: Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, lãng phí, vụ lợi. Người có Tài là người: Có quan điểm khách quan, toàn diện, tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; năng lực cụ thể hoá và tổng kết thực tiễn. Đức luôn là cái gốc, đức và tài gắn kết với nhau để tạo thành nhân cách con người cách mạng. Chính từ nguồn lực của đội ngũ cán bộ đức - tài này mà tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, xây dựng Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh như Bác Hồ từng khẳng định; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính; xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, đoàn kết.
Đội ngũ cán bộ có đức, có tài là hạt nhân, là động lực để: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng con người Việt Nam luôn tự hào về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc trong lao động và trong chiến đấu. Truyền thống đoàn kết dân tộc: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao, thương người như thể thương thân. Phát triển con người về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật; Biết trọng danh dự và liêm sỉ, đấu tranh với cái sai, cái xấu, cùng nhau xây dựng cuộc sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không sống quá mức thu nhập.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, cần “Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biêt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài"(25). Thực tế có rất nhiều nhân viên trong cơ quan, các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên chưa là đảng viên, nhưng họ rất có trách nhiệm với công việc, có phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và rất giỏi nhiều lĩnh vực chuyên môn. Nếu chúng ta biết thu hút và trọng dụng họ vào các vị trí lãnh đạo phù hợp sẽ tăng thêm sức mạnh đội ngũ cán bộ lãnh đạo và chuyên môn trong cơ quan đảng, nhà nước. Điều này Bác Hồ đã làm rất thành công. Mặt khác nếu làm được điều đó, còn hạn chế được những phần tử thoái hóa, biến chất, tham danh vọng, tham quyền lực, chui vào Đảng với mục đích được đề bạt, bổ nhiệm.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ tận tâm với công việc, còn cần phải đột phá chế độ tiền lương. Nhằm đảm bảo cán bộ phải sống và sống tốt bằng lương để họ không cần phải tham nhũng. Đây chính là điều kiện quan trọng của công chức Xin-ga-po không muốn tham nhũng. Nước ta đã qua bốn lần cải cách chế độ tiền lương. Nhưng thực tế không đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, đột phá trong cải cách tiền lương là yêu cầu bức thiết cả trước mắt và lâu dài để phòng, chống tham nhũng. Nếu chúng ta không làm được điều này, thì nhiều giải pháp chống tham nhũng đề ra cũng chỉ là hình thức. Tuy nhiên, hiện nay không ít kẻ tham nhũng để làm giàu và rất giàu, nên cùng với đột phá về tiền lương còn phải nghiêm trị những tổ chức, cá nhân sai phạm, tham nhũng.
2. Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
Kiểm soát quyền lực là nhiệm vụ quan trọng của nhà nước pháp quyền. Vấn đề cơ bản của kiểm soát quyền lực nhà nước (KSQLNN ) là làm cho bộ máy Nhà nước vừa có khả năng kiểm soát xã hội, vừa buộc Nhà nước phải tự kiểm soát chính mình. Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản pháp luật để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, vẫn chưa bao quát hết mọi lĩnh vực và vẫn còn kẽ hở trong văn bản pháp luật. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải xây dựng: Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước có hệ thống pháp luật hiện đại, chặt chẽ, và thực hiện nghiêm minh. Hiện nay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Quốc hội cần chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, mà trước mắt tập trung các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng: Quản lý tài chính ngân sách, tài sản công, đất đai, xây dựng, hải quan, thuế, quản lý cán bộ… Để mọi quyền lực đều được kiểm soát bằng cơ chế, như Tổng Bí thư thường nói: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Cần tách hoàn toàn các bộ, ngành, sở, khỏi các đơn vị kinh doanh. Các bộ, ngành là cơ quan quản lý nhà nước, có nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách, quy hoạch ngành và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương đó. Các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh theo pháp luật: Các luật về đất đai, môi trường, doanh nghiệp, ngân sách, tài chính kế toán, thuế, vệ sinh thực phẩm… Chấm dứt tình trạng các đơn vị kinh doanh thuộc bộ, ngành. Đây chính là các doanh nghiệp sân sau của các bộ, ngành và là nguyên nhân của các vụ tham nhũng tập thể. Các ngành kinh doanh cùng mặt hàng phải có nhiều doanh nghiệp cùng cạnh tranh bình đẳng chống độc quyền. Vừa qua có Ngành Viễn thông, Hàng không đã làm khá tốt, dẫn đến thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hạ giá thành. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ càng quan trọng và cần thiết, nhằm kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển… theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xóa bỏ các thủ tục rườm rà. Xóa bỏ tối đa cơ chế “xin - cho”. Đây là điều kiện nảy sinh tham nhũng. Hạn chế tối đa việc chỉ định thầu trong các dự án đầu tư xây có nguồn vốn nhà nước. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào mọi lĩnh vực điều hành Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, quản lý cán bộ. Thực hiện tối đa chính phủ điện tử, chính phủ số. Ứng dụng tối đa công nghệ số vào các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm, chuyển ngạch cán bộ của các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các cuộc đấu thầu dự án thuộc ngân sách nhà nước, nhằm tránh sự áp đặt chủ quan của con người vào kết quả thi tuyển. Vừa qua Ngành Giao thông vận tải ứng dụng công nghệ trong thi bằng lái xe, khai báo thuế, hải quan bằng tờ khai điện tử đã hạn chế nhiều tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh sử dụng thẻ ngân hàng, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch xã hội, nhằm kiểm soát dòng tiền lưu thông vừa hạn chế tham nhũng vừa chống rửa tiền…
3. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội
Công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng của một nền quản trị quốc gia hiệu quả và bảo đảm dân chủ của Nhà nước pháp quyền. Là một trong bốn giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tiêu cực tham nhũng. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chính sách nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch. Song, vẫn còn nhiều kẽ hở, mang nặng tính hình thức. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch mà trước hết tập trung vào công tác quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng: Tài chính ngân sách, các dự án đầu tư công và tài sản công. Trong dự án đầu tư công, cần minh bạch ngay từ khi xét và phê duyệt dự án, hạn chế tối đa việc điều chỉnh nội dung và vốn đầu tư dự án. Hiện nay nhiều dự án vừa phê duyệt đã xin điều chỉnh nội dung dự án, từ đó đẩy tổng vốn đầu tư tăng gấp 2 - 3 lần. Việc chuyển đổi, cho thuê tài sản công đang gây lãng phí rất lớn, chỉ nói riêng về trụ sở của các bộ, ngành, các UBND khi di chuyển thì việc quản lý đã rất lãng phí. Đây đang là mảnh đất màu mỡ của một số quan chức thoái hóa biến chất và nhóm lơi ích nhằm biến tài sản công thành của tư. Công khai quy hoạch các khu đô thị, quy hoạch sử dụng đất. Công khai quy trình thủ tục cấp phép đăng ký kinh doanh, cấp quyền sử dụng đất….
Về công tác cán bộ: Cần công khai số lượng, tiêu chuẩn cán bộ cần tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, đi học, đi nước ngoài… điều này đã được quy định song vẫn chưa thực sự dân chủ, còn mang nặng tính hình thức mà cần phải thay đổi. đặc biệt công khai việc kê khai tài sản của cán bộ phải được cải tiến, hiệu quả hơn, chịu trách nhiêm về việc kê khai, cần công khai rộng rãi hơn để cán bộ và nhân dân giám sát. Sau 5 năm phải được tổ chức kiểm tra, khắc phục tình trạng kê khai chỉ có thủ trưởng cơ quan và cơ quan tổ chức cán bộ biết rồi cất tủ.
Mở rộng các hình thức, quy mô công khai: Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức như việc công khai trong quy hoạch sử dụng đất, nhiều người dân trong vùng quy hoạch cũng không hề biết, hoặc ngược lại quy hoạch chưa được công khai đã bị lộ lọt, nhiều người dân tranh thủ xây nhà tạm, trồng cây để được đền bù …
4. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả tính pháp chế trong thực thi pháp luật
Hiện nay, nhiều quy định pháp luật không được thi hành nghiêm túc. Trong báo cáo nhiều kỳ đại hội của Đảng đều đánh giá: “Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực… chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”(2). Đại hội XIII của Đảng cũng nêu: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy ở rất nhiều khâu và nhiều lĩnh vực. Có thể dẫn chứng như: Luật Đất đai quy định rõ thẩm quyền cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng…nhưng hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố đều có tình trạng chia lô, bán nền, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, kéo dài mà không mấy ai bị xử lý. Nhiều khu đô thị xây dựng trái phép vẫn tồn tại nhiều năm ngay tại các trung tâm tỉnh, thành phố, huyện mà không ai chịu trách nhiệm. Nhiều tỉnh có hàng chục hec-ta rừng nguyên sinh bị chặt phá mà chưa có lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ nào bị kỷ luật. Hoặc trong công tác cán bộ, có nhiều cán bộ được bổ nhiệm thần tốc; nhiều gia đình “cả nhà làm quan”, bổ nhiệm cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn… gây bức xúc trong xã hội và giảm niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên với sự triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước theo Kết luận 21 của BCH Trung ương và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta tin tưởng công cuộc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ thu được kết quả tốt đẹp.
-----------------------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN 2004 tập 5, tr.240, 269.
(2). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, HN 2011, tr.19.
Lê Xuân Lịch