Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và Quy định số 90 -QĐ/TW “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Đây là những quy định có nhiều điểm mới. Chẳng hạn, Bộ Chính trị đã đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, trên cơ sở phân loại hai đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Sau 20 năm thực hiện “Chiến lược cán bộ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” do Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (tháng 6-1997) đề ra, mặc dù chúng ta đã tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, nhưng trong thực tế vẫn còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí “lỗ hổng” lớn. Chẳng hạn, nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ vẫn còn chung chung cho tất cả các đối tượng cán bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Do vậy, việc đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, qua việc xét xử một số vụ án lớn mấy năm gần đây, hiện tượng tha hóa quyền lực trong một số cán bộ lãnh đạo, quản lý nổi lên gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân. Chính vì vậy, trong quy định lần này, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, “tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Có thể nói thực tiễn ngày càng đòi hỏi cụ thể hóa, chi tiết hóa những quan điểm của Đảng thành các quy chế, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như những điều luật của Nhà nước. Nhưng trong quá trình thực hiện nghị quyết của Đảng, câu hỏi cứ lặp đi lặp lại là: tại sao các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định rất hay, rất đúng, nhưng khi thực hiện lại có nhiều hạn chế, kém hiệu quả, thậm chí không đi vào đời sống? Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 việc cụ thể. Vào năm 1948, trong bài viết “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay” với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Người còn khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Điều Bác Hồ nói cho đến nay còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, mấy năm gần đây, qua các vụ án kinh tế lớn, qua những vụ lạm dụng chức quyền của cán bộ lãnh đạo một số ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước... được sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số cơ quan chức năng vào cuộc, hàng loạt những sai sót, lộng quyền, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước...bị phanh phui. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời, khi phát hiện thì đã quá muộn, làm mất cả cán bộ lẫn tiền của cũng như niềm tin của nhân dân.
Từ lâu, Đảng ta khẳng định: lãnh đạo phải có kiểm tra; lãnh đạo mà không có kiểm tra coi như không lãnh đạo. Thực hiện quan điểm này, gần 60 năm qua, công tác kiểm tra (nay có thêm giám sát) đã góp phần vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng đảng, ngăn ngừa, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong các tổ chức, cấp ủy đảng, thúc đẩy các nhiệm vụ chính trị của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, của ủy ban kiểm tra các cấp chủ yếu nặng về công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Chỉ riêng việc kiểm tra tổ chức, cấp ủy đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đã “quá sức” đối với nhiều cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Trong khi đó công tác kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra mang tính “phòng bệnh” lại chưa được coi trọng, chưa chu đáo. Do nhiều nguyên nhân, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, không ít nghị quyết, chỉ thị của Đảng được ban hành nhưng lại ít được kiểm tra việc thực hiện. Chỉ đến khi cấp ủy, người đứng đầu, cá nhân cán bộ, đảng viên bị phát hiện “có dấu hiệu vi phạm” mới kiểm tra thì hậu quả đã nặng nề, thậm chí rất nghiêm trọng. Do đó, để nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng được thực hiện nghiêm túc thì khâu kiểm tra là vô cùng cần thiết, không thể thiếu. Kinh nghiệm một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong thời gian quan ở một số bộ, ngành, ban chỉ đạo, địa phương, tổng công ty nhà nước cho thấy khâu kiểm tra, giám sát, dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu Đảng là cực kỳ quan trọng. Qua đây, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm quý, từ đó vận dụng vào công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ lãnh đạo mà Bộ Chính trị vừa ban hành:
Thứ nhất, chuyển trọng tâm công tác kiểm tra, giám sát khi có dấu hiệu vi phạm sang trọng tâm kiểm tra, giám sát mang tính phòng ngừa vi phạm. Nhất thiết không để một tổ chức đảng nào, một cấp ủy đảng nào hay một cán bộ lãnh đạo-đảng viên nào không được đặt dưới sự kiểm tra của tổ chức đảng, của quần chúng, nhân dân. Cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy không được sao nhãng, coi nhẹ, bỏ qua việc kiểm tra, giám sát theo Điều 30 của Điều lệ Đảng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, thường xuyên, định kỳ kiểm tra giám sát các tổ chức đảng, đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Làm được như vậy, những biểu hiện sai phạm tuy rất nhỏ, nhưng nếu được kiểm tra, giám sát thường xuyên, chu đáo sẽ được phát hiện từ rất sớm, tránh được những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng sau này.
Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát cần được kết hợp chặt chẽ với tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Trong quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình có thể không cần kiểm tra, giám sát, nhưng khi kiểm tra, giám sát, nhất thiết phải trên cơ sở tự phê bình và phê bình. Kiểm tra, giám sát không phải “bới bèo ra bọ”, “vạch lá tìm sâu” mà làm công việc như “rửa mặt hằng ngày”, là chỉ cho những ai có “vết nhọ” trên mặt kịp thời lau đi, để giúp nhau cùng tiến bộ.
Thứ ba, người đứng đầu cấp ủy đảng phải tự mình làm công tác kiểm tra, giám sát. Tuy đã có quy định rõ ràng, cụ thể, nhưng trong thực tế không ít người đứng đầu cấp ủy sao nhãng công tác kiểm tra, thậm chí khoán trắng công tác quan trọng này cho cấp dưới, cho ủy ban kiểm tra cùng cấp. Chỉ có tự mình làm công tác kiểm tra, giám sát thì người đứng đầu cấp ủy mới gương mẫu, mới tự cố gắng tu dưỡng, phấn đấu, học hỏi và mới có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, tay phải không “nhúng chàm” thì mới có thể “cầm đuốc” để “soi chân” người khác. Như thế, những người đứng đầu cấp ủy mà không trực tiếp làm công tác kiểm tra, tức là “không lãnh đạo”.
Thứ tư, có cơ chế để kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp trên quản lý. Trong thời gian qua, không ít cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp trên quản lý vi phạm kỷ luật, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực là bởi cấp trên buông lỏng, cấp dưới trông chờ cấp trên. Tình trạng cán bộ lãnh đạo “lọt lưới” kiểm tra, giám sát là do họ không tham gia tự phê bình trước chi bộ cơ sở, cấp trên chỉ quản lý trên giấy tờ, sổ sách, họ không liên hệ với cấp ủy đảng nơi cư trú là cản trở không nhỏ trong công tác kiểm tra, giám sát. Đó là những lỗ hổng để người lãnh đạo dễ lộng quyền, vi phạm kỷ luật, buông lỏng bản thân. Do đó, rất cần có cơ chế phối hợp để làm sao mọi cán bộ, đảng viên đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng, của đảng viên và quần chúng, nhân dân.
Thứ năm, bản thân tổ chức, cấp ủy đảng có nghìn mắt, nghìn tai cũng không nhìn hết, nghe thấu những việc làm của cán bộ, đảng viên thuộc diện mình quản lý. Do đó, nhất thiết phải dựa vào quần chúng, nhân dân để giám sát, kiểm tra cán bộ, đảng viên của mình, nhất là những biểu hiện về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, lộng quyền, để người thân, người quen lợi dụng để trục lợi. Từ tháng 12-2013, Bộ Chính trị đã Quyết định ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước. Tuy nhiên cho đến nay, công tác giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, ở nơi công tác, nơi cư trú còn rất lỏng lẻo, kém hiệu quả. Một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ ách tắc này: là xây dựng cơ chế, quy định để quần chúng, nhân dân tích cực tham gia kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; tin vào vào quần chúng, nhân dân, dựa hẳn vào quần chúng, nhân dân để xây dựng Đảng.
Vũ Lân