Đại hội VI đã khẳng định cần phải đổi mới tư duy lý luận, trước hết là tư duy kinh tế; hai là, đổi mới cơ cấu kinh tế; ba là, đổi mới cơ chế quản lý; bốn là, đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở nhận thức rõ hơn về thời kỳ quá độ, đặc điểm, hoàn cảnh đất nước; năm là, đổi mới quan hệ đối ngoại.
Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng ta đề ra chủ trương đổi mới cơ cấu kinh tế, thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế. Thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Từ quan điểm, chủ trương đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, Việt Nam từ một trong những nước nghèo, kém phát triển, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD trở thành một nước thoát nghèo với thu nhập bình quân đầu người đạt 2.228 USD năm 2015. Trong suốt 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), với mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó. 5 năm tiếp theo 1996-2000, mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm. Năm 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,3%; giai đoạn 2006-2010, mặc dù suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,3%/năm. Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới.
Quan điểm và chính sách đổi mới về kinh tế do Đại hội VI của Đảng đem lại những thành tựu quan trọng: nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã được hình thành, tạo cơ sở và nền tảng để Đại hội VII khẳng định tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế. Từ đó, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, đồng thời là cơ sở để Đảng ta tiếp tục hoạch định đường lối kinh tế qua các kỳ đại hội sau.
Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với 6 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư từ nước ngoài. Đại hội X, Đảng ta nêu rõ: “Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Đây là lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác định chính thức với tư cách là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Lần đầu tiên, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân được Đảng ta chính thức đưa vào Văn kiện Đại hội X của Đảng, khẳng định đảng viên làm kinh tế tư nhân phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Thực tế, vấn đề này đã được đặt ra và tranh luận từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng tới Hội nghị Trung ương 3 khóa X mới thảo luận và thông qua “Quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Tinh thần được nhấn mạnh là bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của Điều lệ Đảng, nghị quyết, quyết định của Đảng và các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời nêu cao tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên trong mọi lĩnh vực, để vừa phát huy được khả năng làm kinh tế của đảng viên, vừa giữ được tư cách, phẩm chất của đảng viên, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng. Quy định này cho thấy Đảng ta rất thận trọng nhưng mở đường cho đảng viên kinh doanh hợp pháp. Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân chính là huy động, phát huy tiềm năng của mọi người dân, trong đó có đội ngũ đảng viên, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đại hội XI, Đảng ta xác định: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Đặc biệt tại Đại hội XII, Đảng đã khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Đây là một bước phát triển mới trong nhận thức lý luận của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Đại hội XII khẳng định: Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh các lĩnh vực mà luật pháp không cấm. Muốn vậy, cần xây dựng, thực thi đồng bộ, hiệu quả cơ chế hậu kiểm, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp, kiểm soát độc quyền kinh doanh.
Đối với kinh tế nhà nước và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với kinh tế tập thể, Đại hội XII xác định: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ. Đồng thời với quá trình hoàn thiện thể chế, cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn trong tổ chức thực hiện.
Về các loại hình doanh nghiệp và kinh tế tư nhân, Đại hội XII nêu rõ: Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong những năm qua, hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân đã tạo nên sự phát triển của nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong quá trình hội nhập, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường thế giới. Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội.
Đối với bộ phận kinh tế nước ngoài, Đại hội XII xác định: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Với quyết sách chiến lược, độc đáo, sáng tạo về đổi mới cơ cấu kinh tế tại đại hội VI tiếp tục được kế thừa, phát triển tại Đại hội XII của Đảng. Cùng với đổi mới kinh tế, Đảng ta luôn đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình thực hiện quyết sách về kinh tế. Trong giai đọan hiện nay với tình hình thế giới và trong nước có những thuận lợi và khó khăn mới, Đảng ta huy tính chủ động, sáng tạo đề ra, thực hiện những quyết sách chiến lược vượt qua nguy cơ, thách thức, chớp thời cơ nhằm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Th.S Thân Thị Cương
Trường chính trị tỉnh Hải Dương
Th.S Nông Thị Hoài Phương
Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I