Về học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị Nghệ An
Một buổi hội thảo bổ sung, cập nhật kiến thức mới trong giảng dạy lý luận chính trị của Trường Chinh trị Nghệ An.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra một trong những biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là lười học tập lý luận chính trị. Một trong những căn nguyên của tình trạng này là người học thiếu hứng thú học tập lý luận chính trị. Bài viết này tập trung làm rõ vấn đề này và đề xuất giải pháp khắc phục tại Trường Chính trị Nghệ An. 

Thực trạng

Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy – UBND tỉnh giao, trong năm học 2016 - 2017, Trường Chính trị Nghệ An đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng: tổng số 70 lớp với 5343 học viên, tăng 7 lớp so với năm học 2015-2016. Số lượng học viên lớn nhưng chất lượng chưa cao, trong số này có khoảng 10 – 20% đạt loại giỏi, có hơn 70% học viên đạt kết quả học tập trung bình và khá.

Nhìn chung, hầu hết học viên đều nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị. Họ đều hiểu rằng học tập lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận của nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ cách mạng.

Qua thực tiễn giảng dạy ở Trường Chính trị Nghệ An chúng tôi thấy một bộ phận học viên có biểu hiện hời hợt, chiếu lệ, có không ít người chưa thực sự nghiêm túc trong học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, động cơ học tập không đúng đắn, học cốt để “tiêu chuẩn hóa”, sử dụng bằng cấp là lớp “tráng men” bảo đảm đủ điều kiện quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, tăng lương, chuyển ngạch...những dấu hiệu đó cho thấy học viên chưa có hứng thú học tập lý luận chính trị, chưa có sự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập.

Một số học viên chưa có thái độ tích cực trong học tập lý luận chính trị. Một số học viên chỉ đến để tranh thủ điểm danh, chưa thực sự chú ý lắng nghe và suy nghĩ về những vấn đề mà người giảng trình bày. Nhiều học viên không chịu cập nhật những nội dung kiến thức mới, những nghị quyết mới của Đảng. Tính tích cực trong học tập biểu hiện không đồng đều, học viên chưa chú ý nghe giảng, chưa tự giác làm việc với giáo trình trước khi lên lớp; thường nghe giảng một cách thụ động. Không ít học viên chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để thi hết môn đạt yêu cầu, ngay cả đối với những học viên có kết quả học tập khá cao, vẫn thường có tâm lý ngại phát biểu ý kiến xây dựng bài, ít tìm hiểu tài liệu để nghiên cứu và gần như không chủ động dành thời gian để tự học...Hầu hết học viên chỉ dừng lại ở việc nghe giảng trên lớp và đối phó một cách tối đa với yêu cầu của giảng viên.

Nguyên nhân

Thứ nhất, hầu hết là cán bộ, đảng viên đi học nhưng chưa xác định đúng đắn mục đích, động cơ học tập. Học không vì mục đích tự thân, không phải vì mục đích phụng sự Tổ quốc, nhân dân, mà học để lấy bằng cấp, vì lý do thăng tiến, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm, để làm quan, phát tài... Do động cơ học tập lý luận chính trị không trong sáng, vì tư lợi cá nhân nên việc học không thể có chất lượng, hiệu quả.

Thứ hai, do nội dung học tập khô khan, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, lý luận khuôn mẫu trong khi đời sống thực tế phong phú, muôn hình muôn vẻ làm cho học viên khó vận dụng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình công tác. Học viên chỉ thích học các môn học có nội dung tương đối cụ thể, gần gũi như: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; nhà nước pháp luật. Những môn học chứa đựng nhiều khái niệm có nội dung trừu tượng như triết học …thì học viên “chán” học, không chịu tư duy, tìm tòi. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 80% học viên không thích học các môn học này, thậm chí có một bộ phận cho rằng, nó không liên quan gì đến thực tiễn công tác, hoặc là không cần thiết phải học nhiều. Nó phản ánh các môn lý luận chính trị nói chung chưa thực sự hấp dẫn, chưa có sức lôi cuốn mạnh mẽ người học. Nếu vào đầu khóa học học viên háo hức, chờ đợi, nhiệt tình nhưng càng về sau càng mệt mỏi, uể oải, không tha thiết.

Thứ ba, phương pháp giảng dạy của giảng viên khô cứng, thiếu kiến thức thực tiễn, chưa cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn của đất nước và địa phương. Trường Chính trị Nghệ An hiện có trên 40 giảng viên cơ hữu, có học vị thạc sỹ, nghiên cứu sinh nhưng phần lớn là trẻ tuổi, có số mới tuyển dụng nên thiếu kinh nghiệm giảng dạy, thiếu thực tiễn và đặc biệt là vị thế “tuổi tác”, không đủ uy tín để thuyết phục học viên. Phân phối chương trình chưa hợp lý, có sự chồng lẫn giữa thời gian đi học và công việc ở cơ quan cũng làm cho học viên bị động.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nên chưa quan tâm đúng mức. Cử cấp dưới đi học nhưng không tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm học tập, sẵn sàng điều về cơ quan làm việc giữa buổi, can thiệp với trường để học viên được nghỉ học.

Thứ năm, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo chưa đầy đủ, trong điều kiện thời tiết nóng, phòng học chật chội, thiếu điều hòa nhiệt độ, thiếu phương tiện dạy học…làm cho thầy và trò mệt mỏi. Cơ chế chính sách dành cho người học chưa phù hợp cũng tác động đến hứng thú học tập lý luận chính trị của học viên.

Giải pháp

Quy định cụ thể, chặt chẽ về học tập nâng cao trình độ. Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị bắt buộc và Chỉ thị về “Tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Nghệ An" nhằm thực hiện chương trình hành động Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) có hiệu quả. Trong đó, quy định rõ: hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội phải chủ động rà soát về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của cán bộ của đơn vị; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, phù hợp; đảm bảo hết nhiệm kỳ thực hiện được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra; gắn kết công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch cán bộ, với thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 15/3/2016 về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020. Chú trọng, ưu tiên đối với cán bộ thuộc diện học tập lý luận chính trị bắt buộc, cán bộ đương chức, cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là cán bộ cấp cơ sở.

Định kỳ năm thứ hai sau đại hội đảng bộ các cấp, trên cơ sở kết quả quy hoạch cho nhiệm kỳ tới, cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nguồn được phê duyệt các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở hệ thống quy chế quy chế, quy định về quản lý đào tạo do Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, Trường Chính trị Nghệ An đã cụ thể hóa cho phù hợp với nhà trường và địa phương bằng 25 quy chế  hoạt động của Trường Chính trị Nghệ An. Trong đó có những quy chế quan trọng như: Quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý học viên, quy chế tuyển sinh; quy chế đánh giá kết quả học tập của học viên. Thực hiện biên soạn và tổ chức giảng dạy phần “Tình hình, nhiệm vụ của địa phương” trên cơ sở Hướng dẫn số 167/HD-HVCTQG ngày 06/11/2015 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh; xây dựng, biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo tiêu chuẩn kiến thức ngạch và kỹ năng theo vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, đúng quy định của Đảng, Nhà nước; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại.

Hàng năm, tăng chỉ tiêu mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chú trọng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên theo chương trình học tập lý luận chính trị bắt buộc; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo từng lĩnh vực, đối tượng vùng miền, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng đặc thù. Tăng cường tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm thực tiễn, đi thực tế cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Quá triệt giảng viên thường xuyên áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tích cực, hiện đại. Tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên môn cấp trường nhằm thống nhất phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng bải giảng, rèn luyện kỹ năng cho đội ngũ giảng viên. Thực hiện tốt việc hướng dẫn, ôn thi, tổ chức thi và chấm thi tốt nghiệp đúng quy định.

Tiến hành đánh giá giảng viên, lấy ý kiến phản hồi của học viên. Trong năm học 2016 – 2017 có 14 lượt thăm lớp, dự giờ đối với các giảng viên; tổ chức 46 lượt thao giảng cấp khoa, 10 lượt thao giảng cấp trường; triển khai có chất lượng việc kiểm tra giáo án các giảng viên của 04 khoa chuyên môn; tổ chức tốt việc kiểm tra chất lượng đầu vào đối với học viên các lớp Trung cấp chính trị - hành chính, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn ở các khoa.

Tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, công nhận 1 giảng viên dạy giỏi xuất sắc và 04 giảng viên dạy giỏi. Trên cơ sở này, trường đã chọn cử và bồi dưỡng 03 giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VI- 2017.

Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, theo mô hình trường chính trị chuẩn. Khảo sát, sơ, tổng kết việc thực hiện Quyết định 184 của Ban Bí thư Trung ương để tham mưu tích cực cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành mô hình Trường chuẩn. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Đề án số 12-ĐA/TU về “xây dựng và phát triển Trường Chính trị Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030” và Chương trình hành động thực hiện đề án. Trong đó, xác định đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nhiệm vụ rõ ràng, cơ cấu hợp lý, bao gồm: Ban Giám hiệu có Hiệu trưởng và 02 – 03 Phó hiệu trưởng, 03 phòng chức năng, 4 khoa chuyên môn với tổng số công chức, viên chức dự kiến đến năm 2020 tối đa không quá 90 người, phấn đấu có 5 -10 tiến sỹ, số giảng viên đều đạt trình độ Cao cấp lý luận chính trị.

Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất. Tăng cường cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ như xây dựng khu nhà hành chính quy mô 5 tầng, xây dựng Hội trường 500 đến 700 chỗ, xây dựng thư viện điện tử, lắp đặt đầy đủ hệ thống loa, máy, camera ở tất cả các phòng học. Đồng thời có ý kiến với tỉnh để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, phương tiện phục vụ cho giảng dạy và học tập tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất