Năm 2016, với tinh thần đổi mới: tư duy đột phá, sáng tạo, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, hành động quyết liệt, hiệu quả, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn lâu dài trong toàn Đảng. Nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017, Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu ý kiến phát biểu của các đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh bên) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)
Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng đặc biệt của TCCSĐ, nơi trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy đảng đã thường xuyên quan tâm xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, công tác xây dựng TCCSĐ vẫn còn nhiều yếu kém. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; chất lượng sinh hoạt đảng chưa cao và tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình yếu”. Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng đảng, năm 2017 và những năm tiếp theo cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng. Đồng thời, hằng năm người đứng đầu cấp ủy và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Hai là, lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và công chức phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở. Khắc phục triệt để tình trạng quan liêu, xa dân. Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó. Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn để giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đề xuất cấp có thẩm quyền sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Khi đề xuất bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ, ngoài đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao cần phải đánh giá kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình, nêu gương; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế…
Ba là, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải tự “soi mình”. Nhận diện và xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hằng năm, người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác kiểm điểm để cấp dưới làm theo. Xác định trọng tâm, trọng điểm tập trung chỉ đạo, nói ít làm nhiều. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Trong quá trình kiểm điểm nếu phát hiện cá nhân có biểu hiện nghiêm trọng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần kiểm tra, thanh tra, kết luận làm rõ và xử lý kịp thời theo quy định. Sau kiểm điểm, cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biển”, “tự chuyển hóa” phải xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và báo cáo cấp ủy. Cấp ủy có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ và đánh giá kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của cá nhân.
Bốn là, bổ sung nội dung sinh hoạt chi bộ. Ngoài những nội dung sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương, cần bổ sung một số nội dung sau: Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Tăng cường sinh hoạt chuyên đề để lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tích cực làm theo. Thường xuyên tự phê bình và phê bình những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong chi bộ thực hiện cam kết về việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân ban hành văn bản không đúng, quán triệt không nghiêm túc các nội dung nghị quyết, kết luận của Đảng; khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả. Công khai kết quả kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp có nhiều dư luận xấu.
Hà Ban
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương