Nhận diện và ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
Cùng với thành tựu đạt được trong 30 đổi mới, cũng như khó khăn thách thức mà đất nước đã và đang vượt qua; trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạnh trong giai đoạn mới với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, phức tạp, hơn bao giờ hết, Đảng cần tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó, nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đồng thời ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Theo Đại Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Nghị quyết đề cập tới là nói về sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên từ thái cực này sang thái cực khác mà hậu quả gây ra hết sức nguy hiểm, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất, nền tảng tư tưởng của Đảng, làm mục ruỗng Đảng từ bên trong, dẫn đến chuyển hóa chế độ.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là quá trình diễn ra sự thay đổi từng bước, từ lượng đến chất về tư tưởng và hành động của cá nhân cán bộ, đảng viên hoặc của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đó là quá trình đấu tranh trong nội tâm cán bộ, đảng viên, trong đó yếu tố tiêu cực dần dần tăng, yếu tố tích cực, cách mạng phai nhạt dần. “Tự chuyển hóa” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, đó là sự thay đổi về chất. Khi quan điểm, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã bị suy thoái đến mức độ nhất định dẫn đến hành động chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có từ các nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng trước hết và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời đề ra 14 nhiệm vụ phải thực hiện ngay. Như vậy, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội có nhiều, song, tập trung ba biểu hiện sau đây:

1. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị: những thay đổi theo hướng phủ định chế độ XHCN, phủ nhận hệ thống chính trị của Việt Nam; phủ nhận đường lối, quan điểm, các chủ trương và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng pháp quyền: phủ nhận tư tưởng, quan điểm pháp quyền của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển hóa thành tư tưởng đối lập.

3. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng văn hóa, đọa đức: sùng bái tư tưởng đạo đức, lối sống tư sản, từ bỏ các giá trị đạo đức, lối sống mang bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao quá mức chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hưởng lạc, hám danh[1]…

Trong các biểu hiện trên, nguy hiểm nhất là sự nhạt phai lý tưởng cách mạng, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm đường lối của Đảng… Từ sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể thể dẫn đến tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đặc biệt, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường xuất hiện khi cách mạng có những “bước ngoặt”, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phân hóa giàu nghèo… dẫn tới sự bất mãn, bất bình trong xã hội; sự kích động, chia rẽ, lôi kéo, mua chuộc, “hà hơi tiếp sức” của các thế lực thù địch… Song, trước hết và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng; thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tranh giành, kèn cựa địa vị, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, vi phạm pháp luật... Khi bị phát giác, xử lý kỷ luật thì bảo thủ, không những không nhận ra sai lầm, khuyết điểm mà lại bất mãn, suy diễn, dẫn đến thay đổi nhận thức, quan điểm, lập trường. Các biểu hiện suy thoái trên có quan hệ tương tác với nhau. Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn tới sự tha hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống và ngược lại, tha hóa về đạo đức, lối sống dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị. Trong khi đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, chặt chẽ và chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin đại chúng và tác động của mặt trái cơ chế thị trường… ngày một gia tăng đã làm nghiêm trọng thêm sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã xác định bốn nguy cơ đối với chế độ ta là: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chủ chỉ đạo thực hiện; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”[2]. Đánh giá về nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” và nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu, về thực chất đã chỉ ra nguyên nhân có thể dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Nhận định của Hội nghị về những nguy cơ đối với chế độ ta và tiếp tục được Đại hội VIII, IX, X, XI của Đảng khẳng định chẳng những vẫn đang tồn tại mà có phần nghiêm trọng hơn. Đại hội XI nêu rõ: “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”[3].

Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đã đưa ra các chủ trương, giải pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đại hội XII đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và sáu nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 - 2020), trong đó, nhiệm vụ trọng tâm số 1 là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện đầy đủ, sắc nét về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa. Nhận diện đúng để hành động. Các cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức sâu sắc, nhận diện đầy đủ, thực hiện các giải pháp phù hợp ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, trách nhiệm, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.

Nhận diện đúng, đấu tranh, khắc phục kịp thời những biểu hiện của suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là biện pháp ngăn ngừa, khắc phục những hiểm họa khôn lường đối với Đảng và chế độ ta góp phần xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

--------------------------------------------
[1] Tài liệu nghiên cứu Các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII,Nxb CTQG, H.2016, tr34-35. [2] Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG, H.2005, tr.404. [3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.185.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất