Đảng bộ Hậu Giang nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
Các đồng chí trong Đảng ủy xã Vị Tân và Đảng ủy phường IV (thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) trao đổi về công tác xây dựng đảng với cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng

Năm 2012, toàn tỉnh Hậu Giang có 11 đảng bộ trực thuộc với 470 tổ chức cơ sở đảng. Tổng số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 1.576; 25.587 đảng viên. Nhìn chung tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, năm 2012 toàn tỉnh có có 17 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém và 288 đảng viên vi phạm kỷ luật. Việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng chưa thực sự sâu, rộng. Chất lượng xây dựng và ban hành nghị quyết của các cấp ủy trong tỉnh chưa cao. Công tác giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tuy được quan tâm chỉ đạo nhưng phương pháp chậm được đổi mới. Còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống… Trước thực trạng đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đạo các cấp ủy tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của BCH Trung ương (khóa X) về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, đồng thời ban hành Chỉ thị 29-CT/TU ngày 21-3-2013 của Tỉnh ủy về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” của Đảng bộ trong giai đoạn hiện nay.

Ngay sau khi Chỉ thị ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức triển khai, quán triệt trong toàn Đảng bộ, nhất là đối với cấp cơ sở. Các ban đảng của Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tham mưu cho các cấp ủy tiến hành tổ chức triển khai Chỉ thị số 29 sâu rộng trong các tổ chức đảng, đến từng cán bộ, đảng viên một cách đồng bộ. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng nội dung sinh hoạt theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; giúp chi bộ đảng ở ấp nâng cao chất lượng sinh hoạt, trong đó xác định khâu trọng tâm là xây dựng nghị quyết phù hợp thực tiễn. Trong tổ chức sinh hoạt luôn gắn với tự phê bình, phê bình.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, 100% tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 29,  những năm qua năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, xem trọng chất lượng, hiệu quả; các cấp ủy đảng đã đổi mới việc ban hành nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; nội dung nghị quyết đi vào cuộc sống của người dân, việc thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao. Sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, gắn liền với thực tiễn. Nhiều tổ chức đảng đã tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Ở các địa phương được tỉnh chọn xây dựng xã nông thôn mới, tổ chức đảng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tới từng đảng viên, đội ngũ đảng viên khắc phục được những hạn chế, phát huy năng lực và sở trường trong công việc…

Một vài kinh nghiệm:

Sự lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy; công tác tham mưu, đề xuất kịp thời, sâu sát với giải pháp cụ thể, phù hợp giúp các cấp ủy chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 29 đạt kết quả.

Triển khai tốt công tác chính trị tư tưởng, thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Chỉ thị 29.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, sắp xếp bộ máy tổ chức, phân công, bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất