Trong quá trình sáng lập hệ thống lý luận cách mạng, cũng như trong thời kỳ hoạt động thực tiễn của mình, C.Mác và Ph.Ăng-ghen luôn quan tâm đến việc thành lập đảng cộng sản và các chi bộ cơ sở của đảng. Hai ông cho rằng cần phải thành lập các chi bộ ở các địa phương, trong các hiệp hội công nhân, đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng đặc biệt của các chi bộ cơ sở - tổ chức cơ sở đảng.
Những quan điểm đó được thể hiện thông qua tổ chức “Liên đoàn những người cộng sản” (1847). Lúc đó những chi bộ được thành lập dưới hình thức các hội bí mật trong các hiệp hội công nhân và là nơi kết nạp, quản lý hội viên, nơi tuyên truyền lý tưởng cộng sản và lãnh đạo công nhân đấu tranh chống giai cấp tư sản. C.Mác cho rằng: Đảng Cộng sản đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân là một chỉnh thể có kết cấu chặt chẽ trong một hệ thống tổ chức mà nền tảng là các chi bộ cơ sở, nếu các chi bộ cơ sở buông lỏng và cắt đứt liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương sẽ làm cho Đảng mất chỗ dựa vững chắc và duy nhất. Tuy chưa dùng khái niệm TCCSĐ nhưng quan điểm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về tầm quan trọng của TCCSĐ được thể hiện rất rõ: TCCSĐ là chỗ dựa, là nền tảng của Đảng, là nơi kết nạp, sàng lọc đảng viên, nơi giáo dục, rèn luyện quần chúng, nơi Đảng gắn bó với quần chúng thông qua đó để tổ chức phát động phong trào cách mạng nhằm cải tạo xã hội cũ xây dựng xã hội mới theo mục tiêu lý tưởng của Đảng.
Kế thừa những quan điểm, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin luôn quan tâm chăm lo xây dựng các chi bộ cơ sở. Khi chuẩn bị thành lập Đảng Dân chủ - xã hội Nga, V.I.Lê-nin chỉ rõ việc thành lập các tổ chức cách mạng trong các xí nghiệp, nhà máy để lãnh đạo phong trào đấu tranh là nhiệm vụ đầu tiên cấp bách của người Dân chủ xã hội Nga. Khi Đảng đã giành được chính quyền, Lênin chỉ rõ: Những chi bộ ấy liên hệ chặt chẽ với nhau và với Trung ương Đảng, phải trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, phải làm công tác cổ động, tuyên truyền, công tác tổ chức... Những chi bộ ấy phải thông qua công tác muôn hình muôn vẻ mà rèn luyện mình, rèn luyện Đảng, giai cấp, quần chúng một cách có hệ thống. Mỗi chi bộ và mỗi ủy ban công nhân của Đảng phải là một điểm tựa để tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động và tổ chức thực hiện trong quần chúng. Khi chuyển sang thực hiện “Chính sách kinh tế mới” Lê-nin cho rằng để giành thắng lợi trong vệc chuyển biến chiến lược này, các tổ chức cơ sở đảng có vai trò hết sức to lớn. Chỉ bằng con đường thực hiện nhiều biện pháp nâng cao vai trò tổ chức đảng, chăm lo xây dựng, phát huy cao tính chủ động sáng tạo của cơ sở, thì những nhiệm vụ và mục tiêu của chính sách kinh tế mới của Nhà nước Xô-viết mới được thực hiện trong thực tiễn và giành được thắng lợi. Là người kế thừa sự nghiệp của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, Lê-nin đã tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng Đảng kiểu mới và chăm lo xây dựng TCCSĐ là nền tảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo phong trào cách mạng.
Vận dụng vào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng Cộng sản và tầm quan trọng của TCCSĐ. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở, đồng thời coi trọng vai trò to lớn quyết định tới thắng lợi cách mạng của TCCSĐ. Người khẳng định trong công tác xây dựng đảng, cái gốc là chi bộ, phải làm sao cho chi bộ vững để lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, họ biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, vững vàng tiến lên; mỗi chi bộ của Đảng là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng.
Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn quan tâm xây dựng các TCCSĐ. Trong điều kiện hoạt động bí mật Đảng chú trọng phát triển các chi bộ cộng sản ở các khu công nghiệp đông công nhân, những vùng nông thôn, trong học viên, sinh viên và trí thức, nhằm tuyên truyền, cổ động quần chúng đấu tranh giành chính quyền. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng CNXH, Đảng ta luôn coi các TCCSĐ là tế bào của Đảng. Chất lượng các TCCSĐ là yếu tố tạo nên chất lượng lãnh đạo của Đảng trong quá trình cách mạng, là uy tín của Đảng trước quần chúng nhân dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng ta khẳng định: “Những thành tựu đã đạt được, những tiềm năng được khai thác, những kinh nghiệm có giá trị đều bắt đầu từ sự nỗ lực phấn đấu của quần chúng ở cơ sở mà hạt nhân là tổ chức đảng. Nhưng mặt khác, sự yếu kém của nhiều TCCSĐ đã làm hạn chế những thành tựu của cách mạng”[1]. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đánh giá: “Nhiều tổ chức cơ sở đảng đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của địa phương, cơ quan, đơn vị”[2].
Điều 21 điểm 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, khóa X, khóa XI ghi rõ: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Từ những quan điểm nêu trên, có thể khái quát vị trí, tầm quan trọng của TCCSĐ trên 3 điểm lớn sau:
Thứ nhất, TCCSĐ là cấp tổ chức trực tiếp đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào quần chúng và tổ chức cho quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách ấy. Vì suy cho cùng thì việc tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương, chích sách của Đảng thành hành động cách mạng của quần chúng là công việc trước hết của chi bộ, đảng bộ cơ sở. TCCSĐ chịu trách nhiệm trước Đảng về đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng nhân dân ở cơ sở.
Thứ hai, TCCSĐ là tổ chức nối liền các cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng với quần chúng, vì TCCSĐ không những lãnh đạo quần chúng phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối, chính sách của Đảng, mà còn làm nhiệm vụ nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phản ánh đúng và đầy đủ tâm tư nguyện vọng ấy của quần chúng lên Đảng.
Thứ ba, TCCSĐ là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, nơi đảm bảo tính tiên phong của đảng viên. Vì TCCSĐ là nơi trực tiếp quản lý đảng viên.
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, dù ở giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, các TCCSĐ luôn là gốc rễ, là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, bảo đảm cho đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, đồng thời là cấp trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng. Do vậy, có thể khẳng định TCCSĐ là nền tảng có vai trò quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Trong những năm gần đây, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp củng cố các TCCSĐ, phát huy vai trò của cơ sở. Từ năm 2004 đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, khóa X, khóa XI, đã xây dựng và ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ, những quy định đó đã quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình TCCSĐ và mối quan hệ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Có thể khẳng định các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có được thực hiện tốt hay không, có đi vào và trở thành hiện thực trong cuộc sống hay không là nhờ vai trò lãnh đạo của các TCCSĐ. Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các chủ trương chính sách của Đảng có đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, có đem lại nguồn cổ vũ, động viên cho nhân dân hay không, đều phụ thuộc vào vào vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và của các TCCSĐ nói riêng. Vì vậy, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến việc thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhâp quốc tế hiện nay.
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB ST 1987, tr.141.
[2] Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, NXB CTQG, H.2008, tr.89.
Nguyễn Hồng Sơn
Khoa Công tác Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội