Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác quản lý nhà nước, tổ chức triển khai và thực hiện toàn diện các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố để hoạt động KH&CN phục vụ và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn. Nhiều đề tài KH&CN được ứng dụng có hiệu quả, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây, giống con mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất.
Tuy nhiên, một số đề tài hàm lượng KH&CN chưa cao, chưa tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác xã hội hoá các hoạt động KH&CN còn hạn chế; việc thực hiện đa dạng nguồn vốn cho hoạt động KH&CN còn nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cơ chế quản lý KH&CN, mặc dù đã được đổi mới nhưng vẫn còn mang nặng tính hành chính; các tổ chức KH&CN chưa mạnh dạn và còn lúng túng khi chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Hoạt động KH&CN những năm tới cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa; tập trung đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách mà thực tiễn đặt ra; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, chính sách… của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Tích cực nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ làm tăng tỉ trọng đóng góp của KH&CN thúc đẩy tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực và nền kinh tế của tỉnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để đạt được mục tiêu này hoạt động KH&CN cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KH&CN. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển KH&CN, tạo ra sự chuyển biến tích cực, cả trong nhận thức và hành động; coi KH&CN là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là quốc sách hàng đầu cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đầu tư. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, việc đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Hoạt động KH&CN là của toàn Đảng, toàn dân, là của các cấp, các ngành, vì vậy, hàng năm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành phải có kế hoạch phát triển KH&CN; động viên mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức tích cực tham gia vào các hoạt động KH&CN và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.
Hai là, tập trung đầu tư cho các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh. Chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng, hình thành khu nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xác định doanh nghiệp là khâu đột phá, đơn vị tiên phong, là chủ thể chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN, như vậy sẽ tạo ra nhiều công nghệ mới, trình độ công nghệ được nâng lên; các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới cần được ưu tiên đầu tư trực tiếp vào sản xuất, thông qua doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KH&CN theo hướng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, coi đó là mục tiêu chủ yếu của hoạt động khoa học & công nghệ. Áp dụng cơ chế khoán gọn thực hiện các đề tài, dự án KH&CN; cơ chế tuyển chọn, đấu thầu công khai các đề tài, dự án KH&CN trọng điểm của tỉnh để thu hút lực lượng cán bộ KH&CN có trình độ cao ở trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện. Xây dựng cơ chế đầu tư tài chính và đánh giá hiệu quả thực hiện các đề tài, dự án KH&CN; từng bước thực hiện cơ chế đầu tư trực tiếp cho các đề tài, dự án KH&CN thông qua Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh để kiểm soát và đánh giá đúng hiệu quả đầu tư cho KH&CN.
Xây dựng chiến lược KH&CN 2011-2020 làm định hướng cho các hoạt động KH&CN trong những năm tới. Rà soát, đánh giá, sửa đổi bổ sung một số chính sách về KH&CN của tỉnh cho phù hợp với tình hình mới, tập trung vào các chính sách: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu hàng hóa; khuyến khích đầu tư phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống; khuyến khích các doanh nghiệp lập Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp,...
Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý KH&CN từ tỉnh đến cơ sở theo hướng linh hoạt, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý; tăng cường đầu mối, phân cấp quản lý KH&CN cho các ngành và cấp huyện.
Bốn là, xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN đạt trình độ tiên tiến so với khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực KH&CN nhất là cán bộ KH&CN có trình độ cao, các nghệ nhân và công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên bậc cao. Hiện nay, Thái Bình có trên 32.000 cán bộ KH&CN có trình độ cao đẳng, đại học trở lên và trên 10.000 công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên; tuy nhiên, số cán bộ KH&CN có trình độ cao, cán bộ KH&CN làm việc trực tiếp ở cơ sở còn thấp, đặc biệt khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn chỉ có trên 6% tổng số cán bộ KH&CN của tỉnh. Sự thiếu hụt này ảnh hưởng lớn đến việc đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ KH&CN hiện có của tỉnh; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KH&CN trẻ, cán bộ làm việc trực tiếp ở cơ sở, công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên bậc cao. Tổ chức cho cán bộ KH&CN và hộ nông dân có trình độ đi tham quan, tìm hiểu công nghệ mới ở một số địa phương và một số nước trong khu vực để tiếp thu, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở tỉnh. Tuyển chọn một số cán bộ KH&CN trẻ công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh, học sinh phổ thông tốt nghiệp loại giỏi và đoạt giải thưởng qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đi đào tạo ở các trường đại học có uy tín ở ngoài nước, bằng kinh phí của tỉnh về địa phương công tác.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài, quan tâm tạo môi trường, điều kiện làm việc, chính sách sử dụng, bổ nhiệm cán bộ KH&CN, chính sách tôn vinh, khen thưởng thỏa đáng cho tài năng sáng tạo KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN, các sáng kiến cải tiến đem lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH&CN công lập để đến năm 2013 chuyển đổi các tổ chức này theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khuyến khích các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân, thành lập tổ chức KH&CN để làm nhiệm vụ ứng dụng các tiến bộ KH&CN, tư vấn, dịch vụ và phản biện về KH&CN.
Xây dựng và phát triển thị trường KH&CN ở địa phương, thông qua việc tổ chức tham gia chợ Công nghệ & thiết bị.Thiết lập website cập nhật thường xuyên các thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; xây dựng cơ sở dữ liệu hình thành ngân hàng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, các đề tài KH&CN đã nghiên cứu thành công ở trung ương & địa phương để áp dụng vào tỉnh. Phấn đấu đến năm 2013 hình thành sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tại Thái Bình.
Năm là, tăng cường quan hệ, hợp tác KH&CN nhằm thu hút các nguồn lực và mô hình quản lý để phát triển KH&CN. Khuyến khích các tổ chức cá nhân liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức KH&CN có năng lực ở trung ương và nước ngoài để tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào tỉnh. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa 4 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Ngày nay, khoa học và công nghệ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của KH&CN, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức, cá nhân bằng hành động và việc làm cụ thể đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Vũ Mạnh Hiền,
Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Thái Bình