Việc nghiên cứu, xem xét bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng đều được Đảng ta thực hiện qua mỗi kỳ đại hội để phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng đảng và đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Lần này, quan điểm bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng được Đảng ta xác định:
Một là, phải kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng và xây dựng Đảng trên cơ sở Chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển, thể chế hoá những quan điểm mới có tính nguyên tắc về xây dựng Đảng, nhất là những quan điểm mới thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển).
Hai là, nghiên cứu bổ sung vào Điều lệ Đảng một số nội dung trong các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng; các văn bản quy định thi hành Điều lệ Đảng; một số vấn đề thí điểm mà thực tiễn xây dựng Đảng thời gian qua đã khẳng định là đúng đắn, cần thiết, chín muồi, thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội Đảng toàn quốc.
Ba là, phát huy dân chủ, trí tuệ trong thảo luận, tập hợp đầy đủ, trung thực ý kiến tham gia của đảng viên, cán bộ, của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các thành viên trong hệ thống chính trị, nhất là các ý kiến đã được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng, có sự thống nhất cao trong toàn Đảng để bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
Dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) được các tổ chức đảng, đảng viên, đại biểu đại hội đảng bộ các cấp thảo luận kỹ, góp ý kiến cụ thể về từng nội dung.
Qua tổng hợp ý kiến của đại biểu đại hội 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương cho thấy một số nội dung được các đại biểu, đại hội quan tâm thảo luận và có ý kiến bổ sung hoặc tán thành cao là:
Tại khoản 1 Điều 1 cần bổ sung cụm từ: nhân dân lao động và dân tộc, diễn đạt cụ thể như sau: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; ...”. Điều này vừa tiếp tục khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng vừa phù hợp với thực tiễn mối quan hệ gắn bó giữa giai cấp, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về giới thiệu người vào Đảng, đa số ý kiến đồng ý với đề xuất: "Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mà có tổ chức công đoàn, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu". Như vậy, vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn vừa khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động trẻ tuổi phấn đấu vào Đảng. Do đó, việc bổ sung để: Ban chấp hành công đoàn cơ sở được thay một đảng viên chính thức giới thiệu đối với đoàn viên công đoàn trong độ tuổi thanh niên ở những cơ sở không có tổ chức Đoàn thanh niên là phù hợp.
Đa số ý kiến đồng tình với đề nghị cần bổ sung vào khoản 2, Điều 2, Điều lệ Đảng sửa đổi: Đảng viên có nhiệm vụ: ... Chấp hành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Một số ý kiến còn đề nghị nên có một điều riêng trong Điều lệ Đảng quy định cụ thể những điều đảng viên không được làm để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.
Về tính tuổi đảng: Điều lệ Đảng hiện hành quy định tuổi đảng của đảng viên được tính từ ngày ghi trong quyết định công nhận đảng viên chính thức. Tuy nhiên, nguyện vọng của nhiều đảng viên và cũng là ý kiến của nhiều đại biểu dự đại hội đề nghị: Khi đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên nên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp. Điều đó vừa là vinh dự đồng thời cũng nâng cao hơn trách nhiệm và ý thức phấn đấu của người đảng viên ngay khi đang còn là đảng viên dự bị. Mặt khác, nó còn có ý nghĩa khi Đảng ta thực hiện việc trao huy hiệu đảng cho đảng viên.
Về tổ chức cơ sở đảng: Do số lượng đảng viên không ngừng tăng lên, nhiều loại hình tổ chức đảng được thành lập, nhất là trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các hội quần chúng.v.v... nên tình trạng có quá nhiều tổ chức cơ sở đảng cùng trực thuộc cấp uỷ cấp huyện, quận và tương đương, vừa khó khăn cho công tác lãnh đạo, vừa không phù hợp về mặt tổ chức. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, đa số ý kiến đề nghị nên bổ sung, sửa đổi theo hướng phân cấp cho cấp uỷ có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức đảng thì có thẩm quyền xem xét đặt tổ chức đảng này trực thuộc cấp uỷ nào cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của tổ chức đảng và thực tiễn của địa phương, đơn vị. Vì vậy, đồng tình với bổ sung, sửa đổi tại khoản 2 Điều 21 Điều lệ Đảng được đề xuất bổ sung như sau: “Ở xã, phường, thị trấn có từ 3 đảng viên chính thức trở lên thì thành lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp uỷ huyện). Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ 3 đảng viên chính thức trở lên thì lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở); cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp uỷ cấp trên nào cho phù hợp”.
Về nhiệm kỳ của những đảng bộ chia tách, thành lập mới: Thực tế công tác xây dựng đảng thời gian qua cho thấy việc chia tách, sáp nhập, thành lập mới các đảng bộ, chi bộ thường diễn ra ở một số nơi trong nhiệm kỳ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Quy định của Điều lệ Đảng hiện hành thì tổ chức đảng được thành lập mới: “cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ lâm thời; chậm nhất trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định chỉ định, tổ chức đảng đó phải tiến hành đại hội; nếu kéo dài thêm thời gian phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý”. Tình trạng đó dẫn tới nhiệm kỳ đại hội của những chi bộ, đảng bộ này không khớp với nhiệm kỳ của cấp uỷ cấp trên và Đại hội toàn quốc của Đảng, gây khó khăn, lúng túng trong xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và hoạt động của cấp uỷ. Vì thế, đa số ý kiến đồng tình với đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 5 Điều 13 Điều lệ Đảng như sau: Đối với tổ chức đảng thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập giữa nhiệm kỳ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung phương hướng, nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ của các cấp uỷ này không nhất thiết phải là 5 năm.
Trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư đã quy định giao cho Ban Bí thư chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới. Tuy nhiên, trong Điều lệ Đảng chưa nêu nội dung này, để có căn cứ pháp lý cao hơn, giúp Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới phục vụ yêu cầu phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung vào Điều 17 là “Căn cứ tình hình thực tế, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thực hiện thí điểm một số chủ trương mới”.
Về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng, đảng đoàn: Vấn đề này đang đặt ra một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Qua thảo luận ở đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, đa số ý kiến đề nghị không nên quy định đảng đoàn, ban cán sự đảng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng mà chỉ nên là lãnh đạo công tác kiểm tra hoặc là không giao nhiệm vụ này vì đảng đoàn, ban cán sự đảng không có bộ máy chuyên trách giúp việc như các cấp uỷ đảng. Thực tế vừa qua, các ban cán sự đảng, đảng đoàn không thực hiện được và không đủ điều kiện để thực hiện công tác kiểm tra.
Điều lệ Đảng hiện hành quy định: Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao). Tuy nhiên tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 của Điều lệ Đảng lại chưa có quy định giao cho cấp uỷ từ cấp huyện và tương đương trở lên thẩm quyền này để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung như khoản 1 cho thống nhất. Cũng có một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành nhưng phải sửa và bổ sung ở các khoản 5 Điều 36, khoản 2 Điều 38 cho phù hợp.
Về thẩm quyền kỷ luật cán bộ có chức vụ: Qua thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa phương án nào đạt được tỷ lệ quá bán. Một số ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 4 Điều 36 Điều lệ Đảng hiện hành về thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên là cán bộ có chức vụ theo nguyên tắc cấp nào quản lý, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý của cán bộ mới có thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ đó. Một số ý kiến khác thì đề nghị cần giữ như quy định của Điều lệ Đảng hiện hành. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 đã xem xét và cho rằng: Đây là nội dung quan trọng, ý kiến đối với các phương án còn khác nhau nên đề nghị giữ các phương án như Dự thảo bổ sung, sửa đổi trình Đại hội Đảng XI quyết định.
Những năm qua cơ chế Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt không ngừng được bổ sung, hoàn thiện bảo đảm xây dựng Quân đội và Công an trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Nhằm làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với lực lượng vũ trang, Điều lệ Đảng sửa đổi, bổ sung lần này đã đề xuất bổ sung 2 nội dung vào khoản 1 Điều 25, trong đó nội dung 1 là: Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và Công an được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản về xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Và nội dung thứ 2 là: Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nhiều ý kiến cũng đồng tình với đề xuất nêu cụ thể một số chức danh lãnh đạo đảng tham gia cấp uỷ Quân đội như: Tổng Bí thư là Bí thư Quân uỷ Trung ương; bí thư cấp uỷ địa phương trực tiếp làm bí thư đảng uỷ quân sự cùng cấp. Đồng thời đề nghị thay cụm từ Đảng uỷ Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân uỷ Trung ương) bằng cụm từ “Quân uỷ Trung ương”.
Việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng là vấn đề quan trọng của mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc nhằm đáp ứng yêu cầu về lý luận và thực tiễn công tác xây đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta. Những nội dung đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng lần này trình Đại hội XI của Đảng xem xét, quyết định là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, đảng viên, của đại biểu đại hội đảng và cấp uỷ các cấp với mong muốn góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao trí tuệ lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Hải Triều