Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I và việc hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở nước ta

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội). Bác đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945 về tổ chức Tổng tuyển cử. Trên cơ sở sắc lệnh đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6-1-1946 và thành công tốt đẹp. 65 năm từ Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2011) đến nay, việc hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt.
 
Những quy định về thể lệ bầu cử, nguyên tắc bầu cử trong các văn bản pháp lý đầu tiên về Tổng tuyển cử đã được tiếp tục khẳng định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946, thông qua tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa I ngày 9-11-1946 và được phát triển, hoàn thiện trong các Hiến pháp tiếp theo, được cụ thể hóa trong các Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1960, 1964, 1980, 1997, 2001 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác bầu cử. Tư tưởng xuyên suốt trong Hiến pháp năm 1946 và các hiến pháp tiếp theo của Nhà nước ta luôn khẳng định và hoàn thiện các quy định về quyền bầu cử, ứng cử của công dân, những nguyên tắc cơ bản trong bầu cử. Đó là quyền bầu cử, ứng cử của công dân không phân biệt trai, gái, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo; bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín…

Ngay từ khi chuẩn bị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…”. Bác Hồ nói: “… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân…”.

Mặc dù trong điều kiện đất nước hết sức khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cuộc Tổng tuyển cử đã thành công tốt đẹp, cử tri cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào “Nghị viện nhân dân”- cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hiến pháp năm 1992 đã có những đổi mới quan trọng, trong đó có những nội dung mới về chế định bầu cử, là cơ sở pháp lý quan trọng để sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, năm 2001, với những quy định rõ hơn, cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, về quy trình lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội để tiến hành các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, XII, đạt kết quả với cơ cấu thành phần, chất lượng đại biểu đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn cách mạng mới.

Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát huy quyền dân chủ của công dân, pháp luật về bầu cử đã quy định về quyền tự ứng cử của công dân. Đây là tư tưởng thể hiện mở rộng dân chủ trong bầu cử, ngoài việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập thể đề cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội thì pháp luật cũng bảo đảm cho công dân quyền được tự ứng cử đại biểu Quốc hội nếu thấy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vừa qua, thực hiện quy định này, nhiều công dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội bảo đảm tiêu chuẩn đã được lựa chọn đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội để cử tri bầu và đã trúng cử.

Việc có những người tự ứng cử được cử tri lựa chọn bầu làm đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm, chú trọng những người đủ đức, đủ tài để bầu vào Quốc hội của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là sự kế thừa và tiếp tục chủ trương của Bác hồ trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới là đòi hỏi cấp thiết. Trong đó, yêu cầu về nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội là một trong những vấn đề rất quan trọng. Để bầu được đại biểu Quốc hội thật sự xứng đáng, bảo đảm tiêu chuẩn, đóng góp được nhiều cho Quốc hội, cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử là nội dung cần phải được quan tâm thường xuyên. Qua thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội trong các cuộc bầu cử vừa qua và thực tế hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, cho thấy một số vấn đề cần quan tâm trong bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta hiện nay:

1. Tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu Quốc hội - mối quan hệ hữu cơ trong tổ chức, hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là nội dung quan trọng trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã ngày càng được nghiên cứu hoàn thiện và quy định cụ thể hơn. Với tính chất là cơ quan đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, Quốc hội nước ta gồm các đại biểu Quốc hội là những người do cử tri cả nước bầu ra, là người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Để làm tròn nhiệm vụ của người đại diện của nhân dân trong Quốc hội, đại biểu Quốc hội trước hết phải là những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội: lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Để có được những đại biểu như vậy thì yêu cầu về mối quan hệ giữa tiêu chuẩn đại biểu và cơ cấu đại biểu phải được quan tâm đúng mức. Tiêu chuẩn và cơ cấu phải được xác định như hai mặt của một vấn đề luôn được chú trọng như nhau. Trong nhiều thời kỳ trước đây, do điều kiện và hoàn cảnh đất nước, để phù hợp với giai đoạn cách mạng lúc đó, vấn đề tiêu chuẩn và cơ cấu chưa được giải quyết một cách hợp lý, thường nặng về cơ cấu, xem nhẹ tiêu chuẩn đại biểu, cho nên phần nào có ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu Quốc hội, hoạt động của Quốc hội còn ít nhiều mang tính hình thức, chất lượng chưa cao. Trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường chất lượng đại biểu góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về bầu cử, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến yêu cầu bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu, xác định tiêu chuẩn là chính và có cơ cấu hợp lý trên cơ sở tiêu chuẩn.

Trên cơ sở kinh nghiệm trong việc lựa chọn, giới thiệu và bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa trước đây, để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã quy định rõ 5 tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, đó là: Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống mọi biểu hiện tham ô, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật; có trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia Quốc hội.

Thực hiện các quy định về tiêu chuẩn đại biểu, kết hợp hài hòa với yêu cầu về cơ cấu thành phần đại biểu trong quá trình chuẩn bị bầu cử nên chất lượng đại biểu Quốc hội đã ngày càng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt vai trò của người đại biểu đại diện cho nhân dân trong Quốc hội (1).

Trong cơ cấu, tổ chức của Quốc hội, vấn đề đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng được quan tâm. Từ Quốc hội khóa X, XI, XII, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên với tỷ lệ hợp lý, khóa sau nhiều hơn khóa trước (khóa XI, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm tỷ lệ 25% tổng số đại biểu Quốc hội; khóa XII, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm tỷ lệ 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội). Việc tăng thêm một bước số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội đã ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong những khóa Quốc hội tới, cần tiếp tục tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách một cách hợp lý (lên khoảng 35 - 40% tổng số đại biểu Quốc hội) để làm nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu mới.

2. Phát huy dân chủ trong quá trình lựa chọn hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, theo một quy trình, cách thức, thủ tục tiến hành cụ thể, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng tiến độ thời gian để giới thiệu được những người đúng tiêu chuẩn xứng đáng làm đại biểu Quốc hội.

Để việc thực hiện các bước hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tiến hành dân chủ, thuận lợi, chu đáo, chất lượng, không vội vàng cập rập, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, quỹ thời gian để thực hiện các công tác chuẩn bị bầu cử dần dần được tăng lên. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 quy định thời gian công bố ngày bầu cử chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001 quy định thời gian công bố ngày bầu cử chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử. Đến luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII cũng đã đặc biệt quan tâm đến thời gian công bố ngày bầu cử theo hướng có thể công bố ngày bầu cử sớm hơn thời gian tối thiểu là 105 ngày như quy định trong luật. Trong quy trình lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, các quy định về Hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú, lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, quy định việc xem xét, xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, cũng ngày càng được hoàn thiện, cụ thể hơn.

3. Quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu giai đoạn hiện nay
 
Quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu dân chủ và sự phát triển của xã hội trong điều kiện dân trí ngày càng cao. Các luật bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây (1960, 1980, 1982) quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử chưa được cụ thể, rõ ràng, chỉ có một điều rất chung chung. Đến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001 đã có quy định tương đối cụ thể hơn về tuyên truyền và vận động bầu cử. Theo đó, người ứng cử đại biểu Quốc hội thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình kế hoạch và việc thực hiện chương trình kế hoạch hoạt động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Để vận động bầu cử có tính chất như hoạt động tranh cử (mức độ và phạm vi phù hợp với cơ chế, điều kiện của nước ta), pháp luật cần quy định cụ thể hơn về cơ chế, mở rộng hình thức vận động bầu cử, tạo điều kiện cho những người ứng cử có thể tranh cử trong phạm vi và điều kiện theo quy định, bảo đảm cơ chế vận động bầu cử vừa dân chủ, vừa công khai, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo để cử tri có thể hiểu biết nhiều hơn, nắm được ý tưởng, chương trình hành động của người ứng cử một cách tường tận, đầy đủ hơn làm cơ sở cho việc lựa chọn bầu được những người thực sự xứng đáng làm đại biểu Quốc hội.

Sáu mươi lăm năm qua, với sự phát triển chung của đất nước, Quốc hội nước ta ngày càng trưởng thành, hoàn thiện, đổi mới về tổ chức và hoạt động, thực hiện ngày càng có hiệu quả, chất lượng hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Có được kết quả đó, trước hết là do có sự lãnh đạo, có đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; có sự nghiên cứu hoàn thiện không ngừng đối với hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về bầu cử, tạo hành lang pháp lý quan trọng để bầu được những người đại biểu, người đại diện xứng đáng của nhân dân, thay mặt nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả các chức năng quan trọng là lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong điều kiện mới, với đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu Quốc hội, các quy định của pháp luật về cơ chế bầu cử phải được tiếp tục nghiên cứu để có sửa đổi, bổ sung một cách hoàn thiện hơn, phù hợp hơn nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay.

--------------

(1) Quốc hội khóa X có 91 % tổng số đại biểu có trình độ đại học trở lên (trong đó có 20% trình độ trên đại học; Quốc hội khóa XI có 93,37% (trong đó có 25,3% đại biểu có trình độ trên đại học); Quốc hội khóa XII có 95,94% (trong đó có 33,27 % đại biểu có trình độ trên đại học).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất