“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - tiếng gọi của non sông!

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng về tay nhân dân; nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình. Song, chính quyền cách mạng non trẻ đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, đang có nguy cơ bị cướp mất. Tình thế cách mạng lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”, mong manh như “trứng để đầu gậy”, phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc: giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm.  

Một số hiệp ước hòa hoãn của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tỏ rõ thiện chí hòa bình, cố gắng nhân nhượng đến mức có thể, nhằm đẩy lùi chiến tranh. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới! Mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của ta đều vô hiệu! Ngày 20-11-1946, quân Pháp mở cuộc tấn công chiếm đóng Tp. Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và đổ bộ lên Đà Nẵng. Quân đội thực dân Pháp liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16-12-1946 như đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Ngày 17-12-1946, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt, chúng đã gây ra vụ tàn sát nhiều đồng bào ta ở phố Hàng Bún và Yên Ninh, gây xung đột đổ máu ở cầu Long Biên, khu Cửa Đông. Ngày 18-12-1946, tướng Moóc-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự chướng ngại trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô  Hà Nội cho chúng. Pháp tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20-12-1946 quân Pháp sẽ hành động. 

Hành động của thực dân Pháp đã đặt Đảng và Chính phủ ta trước một tình thế không thể nhân nhượng! Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia bị vi phạm. Chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng, vì nhân nhượng lúc này sẽ dẫn đến họa mất nước, nhân dân Việt Nam sẽ trở lại cuộc sống nô lệ. “Sẽ là một tội ác đối với lịch sử nếu chần chừ, do dự để quân dân Hà Nội và các thành phố khác trở thành nạn nhân của “kịch bản đảo chính quân sự” của quân đội Pháp sẽ diễn ra như chúng “đã diễn” ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Tình thế lịch sử buộc chúng ta phải cầm vũ khí đứng lên kháng chiến, bảo vệ chủ quyền đất nước!”(2). 

Đáp ứng yêu cầu bức thiết của lịch sử, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng khẩn cấp tại Vạn Phúc, Hà Đông do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước; đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến chống Pháp xâm lược là kháng chiến lâu dài. Ngay đêm 19-12-1946, tại gia đình ông Nguyễn Văn Du, làng Vạn Phúc, Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chỉ có 200 từ, thể hiện mệnh lệnh của non sông đất nước, thôi thúc cả dân tộc chung sức đồng lòng vùng dậy quyết chiến, quyết thắng quân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi của Bác Hồ phát ra: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”(3).  
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”
 

Lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ là một bản cương lĩnh kháng chiến mang tính khái quát cao, chứa đựng tư tưởng, quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lâu dài, tự lực cánh sinh và nhất định thắng lợi. Từng câu, từng chữ trong “Lời kêu gọi” của Bác Hồ nhanh chóng ăn sâu, bám rễ, thấm nhuần vào sâu tâm khảm nhân dân, trở thành mệnh lệnh trái tim thúc giục triệu triệu quân dân nước Việt, là hiệu lệnh tổng tiến công của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trên khắp dải đất hình chữ S nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.  

Đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, ánh đèn trên các đường phố Hà Nội phụt tắt. Tiếp đó, tiếng súng pháo đài Láng, Xuân Canh… vang dậy khắp thành phố, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng thời sự kiện này đánh dấu ngày đầu tiên Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa, giam chân địch trong lòng thành phố, ngăn chặn địch đánh bung ra các vùng lân cận, phá vòng vây của địch trong nội thành, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân Thủ đô sơ tán trở lại vùng tự do, căn cứ địa cách mạng an toàn, thực hiện sách lược “vườn không nhà trống”. “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc tiếp tục làm sứ mệnh lịch sử là hậu phương, căn cứ địa cách mạng, nơi tập trung cơ quan đầu não của Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Tại đây, bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự sáng tạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân cả nước vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng hậu phương căn cứ địa vững chắc, thực hiện chính sách “thực túc binh cường, ăn no đánh thắng”, vừa kháng chiến vừa xây dựng đất nước - là cơ sở vững chắc để quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.  

Sau 9 năm thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng “nếm mật nằm gai, khoét núi ngũ hầm, mưa dầm cơn vắt, máu trộn bùn non, gan không núng chí không mòm…” làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.  

64 năm đã trôi qua, tinh thần “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thúc giục toàn Đảng, toàn dân ta chung sức đồng lòng tiếp tục đưa đất nước Việt Nam nhanh chóng bước ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững, sánh vai và hội nhập với thế giới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”!

__________________

 

1- Võ Nguyên Giáp – Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H.1977, tr.253.
2- Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, tập 3, tr.48.
3- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội,H.2002, tập 4, tr. 480. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất