Từ khát vọng độc lập tự do của Bác Hồ đến tầm nhìn xây dựng đất nước hùng cường

1- Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hải trình đi tìm đường cứu nước bằng công việc phụ bếp. Người ra đi mang nỗi đau của người nô lệ mất nước. Người đã dành nửa cuộc đời vượt qua ba đại dương đến bốn châu lục, 28 nước, bôn ba ròng rã trên một đoạn đường ước tính 20 vạn km, từ những nơi trung tâm văn minh nhất của thế giới, tới những nơi bần cùng và đau khổ nhất của nhân loại thời ấy. Người đã đi đến kết luận rằng ở đâu chủ nghĩa thực dân cũng tàn ác, ở đâu các dân tộc thuộc địa cũng đau khổ. Thương nước, thương người dân Việt Nam, thương nhân loại, đã hun đúc thành niềm khao khát cháy bỏng của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước gửi kiến nghị đến Hội nghị hoà bình Véc - xây bản yêu sách 8 điểm, đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Đây là một hình thức đấu tranh của Bác Hồ đòi quyền bình đẳng, quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân ta. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, một người Việt Nam chưa có tên tuổi, giữa sào huyệt kẻ thù dám đưa yêu sách về “quyền của các dân tộc” là một hành động yêu nước, dũng cảm, tài trí. Người ý thức được rằng phải lấy sức ta mà giải phóng cho ta.

Năm 1941, Bác Hồ từ nước ngoài về nước để lãnh đạo cách mạng. Người viết thư Kính cáo đồng bào “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Bác thành lập Mặt trận Việt Minh với mục tiêu là “Cờ treo độc lập, xây nền bình quyền”. Trong lúc ốm thập tử nhất sinh, Người vẫn thể hiện quyết tâm sắt đá: “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác long trọng khẳng định trước quốc dân đồng bào và trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Trong 30 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước, khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”  không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chân lý bất hủ, có giá trị trong mọi thời đại.

“Độc lập, mà không đem lại tự do cho dân thì độc lập cũng không có nghĩa gì”. Đây là đúc rút của Bác khi Người đi đến nhiều nước tuy có nền độc lập mà dân không được tự do. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam trải qua hàng thế kỷ dưới ách thực dân phong kiến, sống một cuộc sống không có được  một tự do tối thiểu nào, bị nô dịch và nghèo đói đến cùng cực. Với Người, khát vọng tự do cho dân tộc đã trở thành mục đích thiêng liêng của độc lập dân tộc. Giải phóng dân tộc là để đem lại tự do cho nhân dân. Nhà nước của ta có sứ mệnh lịch sử tạo ra tự do cho nhân dân, nhân dân lập ra quyền lực để bảo đảm an ninh và tạo môi trường tự do cho hoạt động sáng tạo của từng cá nhân, mưu cầu một cuộc sống ngày càng đầy đủ, hạnh phúc hơn. Đó là khát khao cháy bỏng suốt cả cuộc đời Người.

2- Trước lúc đi xa, Bác còn để lại những lời tâm huyết ước nguyên thiêng liêng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Sau khi dân tộc được giải phóng, đất nước thống nhất, chúng ta phải bắt tay vào xây dựng đất nước trong điều kiện rất khó khăn. Cả nước có 3 triệu người đói. Hằng năm Nhà nước vẫn phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực, bình quân lương thực chỉ đạt 280kg/người/năm. Năm 1988 Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý nông nghiệp, chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa. Năm 1998, sản lượng lương thực đã đạt 31,7 triệu tấn, đưa mức bình quân lương thực lên 400kg/người/năm, rồi 435 kg/người/năm. Năm 2000, nước ta trở thành nước thứ hai trên thế giới xuất khẩu gạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8% theo chuẩn cũ. Cuộc chiến về an ninh lương thực là cuộc đấu trí, đấu lực của toàn Đảng, toàn dân, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân trên mặt trận cam go này.

Ngày nay, “xoá đói giảm nghèo”  không còn là vấn đề của mỗi quốc gia riêng biệt mà đã trở thành vấn đề chung, vấn đề mang tính toàn cầu, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn nhân loại. Với tinh thần đó, năm 2000, Tuyên bố thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc có sự tham gia của 150 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ, đã quyết định lấy ngày 17-10 hằng năm, ngày mà 55 năm trước đó (17-10-1945) Chủ tich Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi chống giặc đói ở nước ta là “Ngày thế giới chống đói nghèo”.

Nhân dân ta thực hiện đường lối của Đảng đã hiện thực hóa niềm mong ước của Bác Hồ từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến tuyên bố trước Quốc hội khóa đầu tiên mùa xuân năm 1946: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành ”. Sứ mệnh của toàn Đảng, toàn dân ta phải phát triển không ngừng, phát triển bền vững đưa nước ta trở thành quốc gia tự lực, tự cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, người dân được tạo không gian để phát triển cao nhất năng lực và sức sáng tạo của mình, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn 7%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 44 trên thế giới theo GDP danh  nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương quốc tế. Quy mô nền kinh tế năm 2018 tăng gấp 17,4 lần so với năm 1985 (từ 14 tỷ USD lên 244 tỷ USD). Thu nhập đầu người từ 230 USD (năm 1985) lên 2540 USD (năm 2018). Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Một điểm đáng chú ý là có tới 13% người Việt Nam đã tiến lên tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tầng lớp này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Việt Nam đã quan tâm tăng trưởng cả tốc độ và chất lượng, tính bền vững giảm nghèo, bảo vệ môi trường, luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội.  

Kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng ứng phó, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay bất kỳ thách thức, mối đe dọa nào có thể xảy đến. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

3- Còn hơn một năm nữa chúng ta sẽ bước sang một thập niên mới cũng là năm Đại hội XIII của Đảng được tổ chức với những định hướng, bước đi tới quan trọng mang tính lịch sử cho sự phát triển của thập niên thứ 3 thế kỷ 21. Đây là thời gian rất quan trọng trên con đường hiện thực hóa khát vong của các bậc tiền nhân cũng như 100 triệu đồng bào ta cả trong và ngoài nước về một Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tương lai phụ thuộc vào mỗi chúng ta ngày hôm nay, mỗi cánh én mang mùa xuân mới, hợp lại thành đàn chim tung cánh bay lên mang khát vọng thịnh vượng mạnh mẽ của mỗi người dân Việt Nam, đóng góp thực hiện mục tiêu vào thời điểm 100 năm Quốc khánh, thu nhập của người dân Việt Nam đạt hơn 18.000 USD, không món quà nào có ý nghĩa hơn món quà này mừng Tết Độc lập của dân tộc.

Hành trình của dân tộc ta còn rất dài và còn nhiều thách thức phía trước. Chặng đường phát triển là không để một người nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới và hải đảo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ giai đoạn khó khăn hay thuận lợi, tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng lòng Dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước của dân tộc ta.

Việt Nam là một đất nước trẻ trung với hơn 24 triệu người (hơn một phần tư dân số) đang độ tuổi đi học. Một lực lượng tràn đầy năng lượng, sức sống của tuổi thanh xuân. Tuổi trẻ là mùa xuân, tuổi trẻ là niềm kiêu hãnh và kỳ vọng. Đã đến lúc lực lượng trẻ của chúng ta phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam. Một giấc mơ quốc gia thịnh vượng hùng cường sẽ trở thành hiện thực bởi những người trẻ - giàu năng lượng, biết biến khát vọng thành hiện thực. Đó chính là lý do tồn tại và phát triển trong chặng đường phía trước.

Không có thể quên được hình ảnh dòng người mang sắc đỏ từ thôn quê hay thị thành, từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh hay bất kỳ địa phương nào, người dân thuộc mọi lứa tuổi, không phân biệt tầng lớp, nghề nghiệp, đổ ra tràn ngập đường với dòng người tay trong tay, cờ đỏ sao vàng rợp trời, những khuôn mặt rạng rỡ, tiếng hò reo dậy đất - “Việt Nam vô địch”. Đó là những dòng năng lượng khổng lồ, trẻ trung, tươi mới – dòng năng lượng tích cực. Làm sao để Đảng ta, Nhà nước ta, cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân kích thích, giải phóng khối năng lượng khổng lồ đó cho phát triển. Đó chính là năng lượng sức xuân mang khát vọng thịnh vượng, hùng cường nâng cánh cho dân tộc ta vươn tới đỉnh vinh quang./.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất