Giai cấp công nhân Việt Nam với Ngày “Tết lao động” 1-5

Cách đây 133 năm, vào ngày 1-5-1886 tại thành phố Chi-ca-gô, nước Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hơn 40 nghìn người lao động đã tiến hành bãi công không đến nhà máy. Họ tổ chức mít-tinh, biểu tình với khẩu hiệu “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”. Cùng thời gian đó, tại các trung tâm công nghiệp lớn ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Một số nơi như Niu Oóc, Pi-xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 12,5 vạn công nhân đã đấu tranh giành quyền làm việc 8 giờ một ngày… Ngày 1-5-1886 đã ghi dấu ấn lịch sử đấu tranh đẫm máu nhưng vô cùng oanh liệt của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; là ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động.

Tại Đại hội thành lập Quốc tế II họp ngày 14-7-1889, đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 hằng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới. Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được tổ chức trên quy mô thế giới. Từ đó đến nay, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân với các phong trào Cộng sản, công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam, lớp công nhân đầu tiên xuất hiện gắn liền với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (năm 1897) và thực sự trở thành giai cấp công nhân Việt Nam từ công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ hai (1924-1929). Cùng với quá trình phát triển của cách mạng, giai cấp công nhân Việt Nam sớm trở thành bộ phận của đội ngũ giai cấp công nhân quốc tế.

Thấy được vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam đối với cách mạng, sau khi tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam qua những tác phẩm, giúp họ hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, biểu lộ sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Có ánh sáng soi đường, ngày 1-5-1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô-viết. Tháng 8-1925, công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son, Sài Gòn đã bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải, Trung Quốc. Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy, đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với Chủ nghĩa Quốc tế vô sản, một mốc son chuyển phong trào công nhân Việt Nam phát triển từng bước tự phát đến tự giác.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1-5-1930, đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít-tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của khối liên minh công - nông. Cao trào cách mạng 1936 -1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Đặc biệt là cuộc mít-tinh ngày 1-5-1938 tại Hà Nội có gần 3 vạn công nhân lao động tham gia, công nhân Việt Nam đã cùng cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã làm nên mốc son lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 18-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22-SL công bố ngày 1-5 là một trong những ngày quốc tế lớn của người lao động cả nước và Sắc lệnh số 56 ngày 29-4-1946 quy định người lao động được nghỉ làm có hưởng lương trong Ngày Quốc tế Lao động. Cũng từ đó, ngày 1-5 được coi là “Tết lao động” của giai cấp công nhân Việt Nam, là ngày lễ chính thức ở nước ta hằng năm. Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội với 20 vạn nhân dân lao động tham dự. Tại lễ mít-tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là Ngày Tết Lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Ghi sâu lời dạy của Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và phát huy vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Xây dựng giai cấp công nhân trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; đội ngũ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm đẩy mạnh công tác vận động công nhân. Ngày 24-2-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có kết luận tại Thông báo số 77/TB về việc lấy tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân với mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của tổ chức công đoàn và các cấp chính quyền trong việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp. Từ đó, việc tổ chức các hoạt động trong “Tháng Công nhân” luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn. “Tháng Công nhân” được tổ chức từ năm 2016 gắn với các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 đến nay đã trở thành phương châm công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo cho người lao động, đảm bảo họ có “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”.

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức, tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Trước yêu cầu bức thiết của giai đoạn cách mạng mới đặt ra, Đảng ta đã chú ý đến việc trí thức hóa giai cấp công nhân “công nhân trí thức”, thực chất là công nhân đã được trí thức hóa với các đặc trưng: lao động trong các ngành công nghệ cao, được đào tạo kỹ càng, có bằng cấp, học vấn cao, chuyên môn sâu ngày càng đông đảo. Đặc biệt từ khi ra đời hình thức công ty cổ phần có công nhân lao động tham gia, có các công ty cổ phần mà cổ đông là công nhân chiếm trên 50% tổng số vốn, công nhân trí thức đã tham gia quản lý doanh nghiệp. Lực lượng này có thu nhập cao, bởi lẽ ngoài tiền lương, công nhân còn được hưởng cổ tức, đội ngũ công nhân này ngày càng đông. Đây là lực lượng chủ yếu của nền kinh tế tri thức, bao gồm công nhân kỹ thuật cao, nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia các lĩnh vực. “Trí thức hóa công nhân” nước ta là quá trình nhằm đem lại chất lượng mới cho sự phát triển giai cấp công nhân, xứng đáng với vai trò tiên phong của mình. Là lực lượng nòng cốt, chủ yếu và tiền phong của dân tộc, giai cấp công nhân có trách nhiệm nặng nề là đứng vững, đi lên trong xu thế hội nhập quốc tế.

Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách. Cùng với sự phát triển của giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam với gần 10 triệu đoàn viên, 150 nghìn công đoàn cơ sở, đã đồng hành vì sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động. Trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đứng trước thời cơ mới, thách thức mới, nhất là khi Hiệp định TPP và Hiệp định CPTPP được ký kết và thực hiện, đòi hỏi giai cấp công nhân Việt Nam phải tự nâng mình lên để đáp đứng ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, Nghị quyết số 20/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH”, Đảng ta xác định “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đồng thời đề ra mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân trong thời gian tới là: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu CNXH, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. Đây không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng ta đối với giai cấp công nhân mà còn khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của giai cấp này đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam giai đoạn mới.

Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, kỷ niệm 133 năm Ngày Quốc tế Lao động, “Tết lao động” của Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tự hào về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân quốc tế và thiết thực kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn chung sức đồng lòng, ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ  gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mới nhằm xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hôi lần thứ XII của Đảng đề ra.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất