Nhóm lợi ích đã làm tha hóa hàng loạt cán bộ ở tất cả các cấp. Nhiều người phải chịu hình phạt của pháp luật, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Tuy nhiên, ngăn ngừa, phòng chống nhóm lợi ích là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, cần tiến hành tích cực và đồng bộ nhiều giải pháp.
1. Nhận diện nhóm lợi ích
Một là, tạo mối quan hệ với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết có thể hối lộ dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án… cho đơn vị, địa phương, làm tổn thất lợi ích chung của đất nước. Móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí vào các chức vụ mong muốn có lợi cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó. Người có chức quyền, thoái hóa, biến chất, chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân từ kết quả phê duyệt của mình cho người thân quen. Họ cố kết “chăm lo lợi ích” cho nhau.
Hai là, trong xây dựng, ban hành văn bản về quản lý, phát triển kinh tế- xã hội, nhóm lợi ích có thể xuất hiện trong tất cả các công đoạn, các khâu, các bước, từ đề xuất ý tưởng, lập kế hoạch, khảo sát nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, kết luận…ra chủ trương, quyết sách, hướng dẫn thi hành có lợi cho địa phương, đơn vị, quên đi hoặc bất chấp lợi ích cộng đồng. Một số địa phương, đơn vị thông qua nhiều hình thức “chạy” để được cấp có thẩm quyền kết luận, ra nghị quyết, quyết định “đặc thù” để được “ưu đãi” bất chấp lợi ích của các đơn vị khác, của đất nước. Các địa phương, đơn vị nhà đầu tư, doanh nghiệp đó trở thành “sân sau” của cán bộ tham mưu và người có quyền quyết định.
Ba là, trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, một số địa phương, đơn vị đã tìm cách lách luật, ban hành, thực hiện những chủ trương của địa phương không đúng với cơ chế, chính sách, quy định chung của Trung ương, gây thiệt hại chung cho nền kinh tế đất nước.
Bốn là, móc nối các cơ quan, cán bộ, nhân viên có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát; cơ quan điều tra … để che chắn, vô hiệu hóa công tác thanh, kiểm tra vì vụ lợi.
2. Sự nguy hại của nhóm lợi ích
Nhóm lợi ích có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gây tác hại cả về vật chất, tài chính, tư tưởng, đạo đức.
Nhóm lợi ích bòn rút ngân sách, tài nguyên, tài sản nhà nước, làm nghèo đất nước. Theo dõi các vụ đại án về làm trái, không chấp hành pháp luật, tham nhũng như các vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng ở Tập đoàn Dầu khí; lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như, Hà Văn Thắm ở OceanBank; tham ô, rửa tiền ở Vinashin; Dương Chí Dũng ở Vinaline; Lê Nam Trà ở Mobifone và hàng loạt vụ đại án trong lĩnh vực bất động sản như định giá đất công, định giá nhà công làm thất thoát ngân sách nhà nước như vụ Vũ "nhôm" ở Đà Nẵng, vụ công ty đầu tư và xây dựng Tân Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh và những liên kết định giá thu hồi đất ở Thủ Thiêm...
Điều đáng nói nữa là các vụ phát hiện sau đều thiệt hại lớn hơn nhiều so với các vụ trước. Nếu so sánh thiệt hại tài chính vụ PMU 18 hay vụ Huỳnh Ngọc Sĩ ở dự án Đại lộ Đông Tây thì vụ án Dương Chí Dũng của Vinaline có mức độ thiệt hại ngân sách nhà nước gấp 10 lần vụ PMU 18. Vụ tham nhũng của Vũ "nhôm" hay ở Thủ Thiêm đang nằm trong vòng điều tra vì số người “tham gia” đông và rất phức tạp.
Nhóm lợi ích đã làm tha hóa hàng loạt cán bộ ở tất cả các cấp. Nhiều người phải chịu hình phạt của pháp luật, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Những vụ thu hồi đất của nhân dân, định giá đất không phù hợp đã gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định xã hội.
Hoạt động của nhóm lợi ích làm chệch hướng mục tiêu XHCN chân chính, lái đất nước theo CNTB thân hữu, đó là con đường không có tiền đồ và nguy hiểm, để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân cách thì nhóm lợi ích lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực chất nhóm lợi ích là đồng tiền chi phối quyền lực, trực tiếp tham gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu XHCN.
Lợi ích nhóm làm đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy lợi ích nhóm có thể làm cho cán bộ, đảng viên mất tính chiến đấu, đồng lõa làm trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên. Lợi ích nhóm tấn công vào đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng lợi ích cục bộ, bản vị, tham nhũng, hối lộ… làm thoái hóa, biến chất, mất vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên. Thúc đẩy sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thờ ơ trước đời sống chính trị và vô cảm trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ. Tính nguy hại của lợi ích nhóm này luôn đi ngược lại với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân.
3. Đấu tranh, ngăn ngừa, chống nhóm lợi ích
Phòng, chống nhóm lợi ích là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, cần tiến hành tích cực và đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tập thể lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự nêu gương, gương mẫu trong việc đấu tranh chống nhóm lợi ích.
Hai là, Đảng và Nhà nước sớm xây dựng những giá trị chuẩn mực chung, những cơ chế hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo sự đồng thuận của xã hội. Khắc phục sự thiếu minh bạch trong chính sách, thông tin, trong hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Ba là, thực hiện nghiêm các quan điểm, nhiện vụ và những bước đột phá về công tác cán bộ theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ cương, kỷ luật với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy đổi mới phát huy sáng tạo của cán bộ. Phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra giám sát ràng buộc quyền hạn và trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn “chạy chức chạy quyền”, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, bệnh phường hội, nhóm lợi ích, thân hữu dòng tộc người nhà cánh hẩu. Thực hiện tranh cử đối với các chức danh bầu cử, thi tuyển, công khai đối với các chức vụ quản lý, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống nhóm lợi ích.
Bốn là, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp chú trọng, tăng cường, đổi mới phương thức, biện pháp, nội dung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt coi trọng kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ, bằng chế độ quy định cụ thể đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, cơ quan, đơn vị kể cả cán bộ tham mưu cấp chiến lược, cấp tỉnh trở lên (chú ý những cán bộ sắp hết nhiệm kỳ) trong việc tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước.
Năm là, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát, phản biện đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trần Công Huyền