Vai trò của giảng viên các trường chính trị trong công tác đấu tranh với cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay


Giảng viên Trường chính trị tỉnh Hải Dương thường xuyên viết bài đăng tải trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học với nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhận diện và đấu tranh với các phần tử cơ hội chính trị.

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hải Dương thường xuyên viết bài đăng tải trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học với nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhận diện và đấu tranh với các phần tử cơ hội chính trị.

Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”[1]. Dù ở giai đoạn cách mạng nào, vai trò của người thầy cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là vai trò của đội ngũ giảng viên các trường chính trị đối với sự nghiệp xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị. Mặt khác, đội ngũ này càng phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch và CHCT trong Đảng.

Ở Việt Nam hiện nay, CHCT chưa có đủ điều kiện để hình thành một trào lưu như một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, những biểu hiện và đặc trưng của nó lại hết sức nguy hiểm, đe doạ đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Khi nói đến CHCT hay phần tử CHCT thường đề cập đến những đối tượng đã có quá trình tham gia hoạt động cách mạng nhưng sau đó vì những điều kiện, hoàn cảnh thay đổi, khi mà những lợi ích cá nhân của họ không được đáp ứng, họ hình thành những tư tưởng bất mãn, chống đối, quay lại nói xấu Đảng, nói xấu chế độ. Bên cạnh đó, còn có những nhóm CHCT khác đang công tác hoặc đã nghỉ hưu; các phần tử chống đối, bất mãn với chế độ hoặc các chức sắc tôn giáo có tư tưởng chính trị cực đoan… Khi yêu cầu cá nhân không được đáp ứng hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, dụ dỗ, những đối tượng này quay lại chống phá, nói xấu chế độ, có tư tưởng, quan điểm sai trái hoặc thái độ thù địch, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Họ còn lôi kéo một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, không có lập trường chính trị để gây ra xung đột, chống đối và bạo động.

Chính vì vậy, việc nhận diện, đấu tranh phòng, chống CHCT hiện nay là vấn đề hết sức cấp bách, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giảng viên các trường chính trị phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

Giảng viên các trường chính trị là những người được đào tạo bài bản, chính thống, chính quy về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên có nền tảng về lý luận hết sức phong phú, nhạy bén với thời cuộc. Họ có đủ năng lực để nhận biết, đánh giá những biểu hiện, đặc trưng của CHCT; sẵn sàng dùng những lý luận sắc bén của mình phản bác, đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm thù địch của các thế lực thù địch, các tổ chức chống Cộng, góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi những biểu hiện suy thoái và CHCT.

Giảng viên các trường chính trị là những nhà tuyên truyền, “cánh tay phải” đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Giảng viên là người trang bị cho học viên những vấn đề liên quan đến lý luận chính trị, chỉ ra phương pháp, cách thức để học viên nhận diện, đấu tranh phòng, chống CHCT, giúp học viên có được cái nhìn sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân trong đấu tranh với những phần tử CHCT.

Giảng viên các trường chính trị là những người kế tục sự nghiệp vinh quang của những nhà mác-xít chân chính trong công cuộc giác ngộ lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa xã hội. Trong đó, thông qua việc truyền thụ kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với học viên góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đẩy lùi những tư tưởng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần phòng, chống CHCT.

Giảng viên các trường chính trị luôn tích cực, chủ động trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, có bài viết đăng tải trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Trong đó có rất nhiều bài viết có nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhận diện và đấu tranh với các phần tử CHCT. Các bài viết đã lên án những luận điệu xuyên tạc, chống phá, phản động của các thế lực thù địch, những kẻ “xét lại” và những kẻ CHCT. Những năm gần đây, giảng viên các trường chính trị trong cả nước đã tích cực viết bài tham gia Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; qua đó thể hiện được vai trò trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ số hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử CHCT luôn tìm mọi cách sử dụng các công cụ truyền thông, nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, tạo dư luận tiêu cực đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân, âm mưu phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc mà mối liên hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân. Trước tình hình đó, đội ngũ giảng viên các trường chính trị bằng những kiến thức, lý luận của mình đã tích cực đăng tải thông tin, bài viết lên các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những luận điệu “xét lại”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần đấu tranh với những phần tử CHCT, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tuyên truyền về ý thức đạo đức, lý tưởng cách mạng chân chính cho thế hệ trẻ, củng cố lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Thông qua các bài giảng trên lớp, giảng viên các trường chính trị lồng ghép nội dung về vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, từ đó học viên thấy được trách nhiệm của mình đối với công tác này. Mặt khác, giảng viên cũng chủ động lồng ghép chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để củng cố về mặt tinh thần cho cán bộ, đảng viên, răn đe với những phần tử suy thoái, CHCT đang “núp bóng” đảng viên, chưa lộ rõ bộ mặt chống phá Đảng và Nhà nước.

Nâng cao hơn nữa vai trò của giảng viên

Để phát huy hơn nữa vai trò của giảng viên các trường chính trị trong công tác đấu tranh với CHCT ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, giảng viên các trường chính trị phải tự xác định cho mình các tiêu chí trên tất cả các mặt chính trị tư tưởng, tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt, năng lực chuyên môn, kiến thức thực tiễn... để nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Phải luôn rèn luyện sự tâm huyết, say mê, tận tụy với công việc, trau dồi, tích lũy kiến thức lý luận, thực tiễn; rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm để chuyển tải đến học viên một cách hiệu quả nhất. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng bài giảng, đồng thời nhận diện và đấu tranh tốt hơn với các biểu hiện và những phần tử CHCT.

Hai là, song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực thực tiễn thì việc rèn luyện khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện. Chỉ khi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn thì giảng viên mới có thể tiếp cận được với những tài liệu, những vấn đề liên quan đến CHCT và phương pháp đấu tranh chống lại CHCT trong Đảng. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp, bổ sung cho nhau. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên, định hướng cho giảng viên lựa chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp với hoạt động chuyên môn của nhà trường, có nhiều giá trị thực tiễn, có thể sử dụng làm nguồn tài liệu tham khảo bổ ích trong dạy và học.

Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, củng cố bổ sung, lý giải những vấn đề đặt ra ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần phải cử giảng viên đến những “điểm nóng” về chính trị - xã hội để giảng viên tiếp cận và cọ xát với tình hình thực tế, từ đó có được những kinh nghiệm trong xử lý các tình huống thực tiễn, vận dụng vào hoạt động giảng dạy và tuyên truyền.

Ba là, trong công tác giảng dạy, các giảng viên cần lồng ghép vào bài giảng những phân tích, giảng giải cho người học thấy rõ âm mưu, hình thức, chiêu trò chống phá của thế lực thù địch, các phần tử CHCT. Chúng thường lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, lợi dụng những hiện tượng, việc làm sai trái của một số người để rêu rao, kích động, cho rằng Việt Nam vi phạm về quyền con người, quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo. Thủ đoạn của chúng là chống phá về chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ; dùng ngoại giao, đầu tư kinh tế hỗ trợ, hậu thuẫn chống phá. Vì vậy, người giảng viên các trường chính trị cần thông qua nội dung bài giảng để định hướng về tất yếu khách quan của lịch sử; tính quy luật trong sự vận động phát triển quá trình sản xuất vật chất, của sự phát triển kinh tế - xã hội cho học viên. Trên từng nội dung bài giảng, mỗi giảng viên cần phân tích luận giải rõ ràng, đánh giá vấn đề bảo đảm tính khách quan, khoa học để học viên có nhận thức đúng, tư tưởng đúng.

Bốn là, Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của các trường chính trị. Mở các lớp bồi dưỡng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó lồng ghép nội dung nhận diện và đấu tranh phòng, chống CHCT một cách thường xuyên, liên tục. Có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho giảng viên các trường chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với CHCT trong Đảng.

Năm là, cần tổ chức các hội thảo khoa học; cử cán bộ, giảng viên các trường chính trị đi tham quan, học tập, nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và những phần tử CHCT. Đây là một trong những biện pháp hết sức cần thiết bởi vì rất nhiều quốc gia trên thế giới có những kinh nghiệm hết sức phong phú trong công tác nhận diện, đấu tranh với CHCT. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà chúng ta có thể học tập, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào tình hình thực tiễn của Việt Nam.

***

Công tác đấu tranh với CHCT ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị. Muốn vậy thì bên cạnh trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ thì cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập lý luận chính trị, phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tiếp thu tư tưởng, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong mỗi cán bộ, đảng viên, thông qua đó góp phần không nhỏ vào việc đấu tranh với CHCT trong Đảng. 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tập 10, tr. 345.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất