Xuân mới, Xuân Giáp Thìn 2024 đã về!
“Ôn cố nhi tri tân” (ôn lại cái cũ, cái đã qua để hiểu biết cái mới).
Nhớ lại những giai đoạn thăng trầm của đất nước, nhất là những phức tạp của thế sự cũng như đã bao phen vận nước lâm nguy, chúng ta luôn thấy ở Người - Lãnh tụ Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta - ánh sáng và niềm tin để vững bước tiến lên.
Thuở dân ta nước mất nhà tan, đất nước chìm trong tăm tối, bao người con ưu tú của dân tộc vật vã tìm đường cứu nước, nhưng bâng khuâng muôn ngả biết về đâu? Bí quyết thành bại là đâu? Ai là người dẫn dắt đồng bào, dân tộc? Trong tình cảnh ấy, dân ta cần một đảng dẫn đường và chính Người - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đem đến cho nhân dân ta vũ khí để bước lên Đường kách mệnh, tự giải phóng mình, giành lấy độc lập - tự do - hạnh phúc. Muốn đạt mục đích cao đẹp vô cùng khó khăn ấy thì phải có sức mạnh đoàn kết dân tộc thành một khối vững chắc. Người nói: “Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”(1).
Nước ta đầu thế kỷ XX đã từng có các đảng phái của các giai cấp, các tầng lớp xã hội phi vô sản, cách mạng nửa vời, yếu ớt và non kém, không đảm đương được sứ mệnh lịch sử dẫn đường cho dân tộc trong sự nghiệp giành độc lập, tự do. Ba tổ chức đảng của giai cấp công nhân ở ba kỳ Bắc, Trung, Nam tuy có cùng một mục tiêu nhưng chia rẽ, phân tán không trở thành sức mạnh. Dân biết hướng về ai? Lúc đó cần tập hợp những người con ưu tú nhất của dân tộc thành một tổ chức, một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo phong trào. Đó là ý nguyện của nhân dân. Đó là đòi hỏi khách quan của lịch sử. Tổ quốc này, Nhân dân này, hoàn cảnh này không thể tương dung với mọi hình thức chính trị đa nguyên, tựa như con thuyền đi biển chỉ cần một người thuyền trưởng vững vàng chèo lái để mọi người cùng ý hợp, tâm đầu.
94 năm đã đi qua, cả dân tộc tiến lên dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng được vũ trang bằng học thuyết khoa học và cách mạng của thời đại: Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng Cộng sản Việt Nam tập hợp trong tổ chức của mình những người con ưu tú nhất của giai cấp và dân tộc. Kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước lên vũ đài chính trị với lực lượng hùng hậu, thực sự là người đại diện cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của Nhân dân ta. Lấy phục vụ giai cấp và dân tộc làm mục đích hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành ánh sáng, niềm tin và hy vọng của Nhân dân.
Đảng đã dẫn dắt dân tộc. Đảng đã đem lại vinh quang cho giống nòi. Đảng luôn luôn chịu trách nhiệm trước Tổ quốc trong mọi bước thăng trầm của lịch sử.
Có một đảng chân chính cách mạng lãnh đạo - Đảng Cộng sản Việt Nam - Việt Nam ta mới có mùa thu dựng nước huy hoàng cùng nền cộng hòa dân chủ ra đời; mới có một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mới có thủa ban đầu dân ta dám đánh và biết cách thắng Mỹ, đất nước sau hàng trăm năm nô lệ đã sạch bóng quân thù; mới có ngày đổi mới để tiếp tục tiến lên.
Thế giới có nhiều đổi thay phức tạp nhưng Đảng ta vẫn vững vàng chèo lái dẫn đường. Đảng Cộng sản Việt Nam, người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đang hướng dẫn ta đi tiếp con đường mà Bác Hồ đã chọn. Lịch sử vẫn không ngừng tiến về phía trước, dân ta luôn cần một đảng cộng sản dẫn đường.
Nhân dân ta tin Đảng bằng những bài học được rút ra từ suốt mấy mươi năm đấu tranh gian khó, quật cường và bằng cả trí tuệ sáng suốt tạo nên bởi một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến đang vươn mình tiến lên một xã hội văn minh. Học hỏi nhân loại để càng hiểu rõ về mình, để sáng mãi một niềm tin. Cái tất yếu của đường đời, của sự nghiệp, của Nhân dân ta là vậy. Dân tin Đảng, cần có Đảng. Đảng gánh trọng trách trước toàn dân. Sứ mệnh lịch sử của Đảng không ai thay thế được.
Trong lời tựa viết cho các lần tái bản cuốn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Ph.Ăng-ghen đã nhắc: Bất cứ ai, ở bất cứ đâu nếu phủ định vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản và đi chệch những tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn thì đều phải trả giá đắt. Lời tiên đoán của Ph.Ăng-ghen vẫn hoàn toàn đúng. Ai phủ định sự tất yếu, người đó sẽ bị sự tất yếu phủ định. Lịch sử đã và vẫn diễn ra như thế...
“Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”(2). Đó là học thuyết Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trí tuệ của một đảng cách mạng là ở sự đúng đắn của học thuyết mà đảng ấy nhận làm nền tảng tư tưởng của mình.
Thế giới đầy đau thương của chúng ta do các chế độ bóc lột gây ra đã xuất hiện bao học thuyết, chủ nghĩa để kiến giải nguyên nhân và tìm kiếm con đường giải phóng cho những người lao động. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). Lịch sử Việt Nam và thế giới đã và đang chứng minh lời khẳng định nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết sống động và phát triển, nó kế thừa những tri thức của nhân loại, nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm của các phong trào cách mạng của nhân dân. Nó không phải là những nguyên tắc do một hai đầu óc thiên tài tạo ra để “ứng vào” giới tự nhiên và lịch sử loài người, mà “được rút ra từ trong giới tự nhiên và lịch sử loài người. Không phải giới tự nhiên và loài người thích ứng với các nguyên tắc mà trái lại, nguyên tắc chỉ đúng nếu nó phù hợp với tự nhiên và lịch sử” (Ph.Ăng-ghen: Chống Đuy-rinh).
Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã phê phán những kẻ giáo điều, rập khuôn, muốn biến học thuyết của các ông thành kinh thánh, coi nó là những chân lý cuối cùng, bất biến, mong tìm thấy ở đó lời giải đáp cho tất cả mọi công việc của ngày hôm nay, rồi khi khó khăn, thất bại, họ hốt hoảng la lên “Chủ nghĩa Mác-Lênin lỗi thời rồi”. Không! Chủ nghĩa Mác-Lênin, sức sống bất diệt của nó là ở sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa tất cả những tri thức của loài người đã tích lũy được từ trước. V.I.Lê-nin là người bảo vệ và phát triển, làm phong phú Chủ nghĩa Mác trong thời đại của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ cái “cẩm nang thần kỳ” là Chủ nghĩa Mác-Lênin mà làm nên lịch sử. Và chính hoạt động lịch sử của Người đã góp phần to lớn làm cho học thuyết Mác-Lênin tiếp tục phát triển. Nhưng nói như C.Mác, thế hệ sau phải biết đứng lên vai thế hệ trước mà tiến lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói con khôn hơn cha thì nhà có phúc, nếu con không khôn hơn cha là bệt, là lạc hậu. Thời đại cách mạng 4.0 với nền kinh tế tri thức như hiện nay đã chứng minh tính đúng đắn của những lời dạy ấy. Trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là trung thành với lý tưởng nhân đạo nhất, cách mạng nhất để nhân dân ta xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hòa bình, ấm no, hạnh phúc trên cơ sở sức sản xuất phát triển cao và một chế độ xã hội công bằng, nhân ái, trong đó con người được hoàn toàn tự do. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng luôn biết tự phê phán, tự chỉnh đốn, biết học hỏi và lắng nghe, biết vì Nhân dân mà phục vụ, luôn luôn tâm niệm và tuân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(4). Đảng cùng Nhân dân ta đã, đang và sẽ từng bước thực hiện lý tưởng cao đẹp đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”(5). Đảng ta trung thành với sự nghiệp vĩ đại đó. Nhân dân ta đã hy sinh, chiến đấu vì mục tiêu cao cả đó. Lý tưởng của Đảng và ý chí, nguyện vọng của Nhân dân hoàn toàn thống nhất với nhau.
Nhưng trên bước đường đi lên, Đảng ta đã mắc một số sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước. Khuyết điểm ấy trước hết là do sự non kém về lý luận, chưa nắm vững quan điểm tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và điều kiện cụ thể của đất nước. Trên con đường khám phá, sáng tạo để xây dựng một chế độ xã hội mới thì những sai lầm mắc phải cũng là lẽ đương nhiên. V.I.Lê-nin đã viết: “Về mặt lý luận: Trong thời kỳ cách mạng cũng như trong bất cứ lúc nào, người ta đều mắc những điều ngu xuẩn, Ăng-ghen đã nói như thế và đã nói đúng - cần cố gắng làm sao để mắc thật ít những điều ngu xuẩn và sửa chữa thật nhanh chóng những điều ngu xuẩn đã mắc phải”(6). Lịch sử ngót một thế kỷ vừa qua, Đảng ta đã không tránh khỏi điều nghiệt ngã đó. Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc ta từ khi có Đảng là lịch sử của đấu tranh cách mạng kiên cường, cũng có không ít sai lầm, khuyết điểm nhưng Đảng đã dũng cảm nhận ra và quyết tâm khắc phục. Đảng và dân tâm đầu ý hợp, vấp ngã lại đứng lên, trung thành và sáng tạo, đi tiếp từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cốt lõi của vấn đề là Đảng đã ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Phải giữ chủ nghĩa cho vững”. Bởi vì “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(7). Người khẳng định: “Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”(8). Con thuyền Việt Nam nhất định vượt qua thác ghềnh hiểm trở để cập bến bờ thắng lợi bởi nó có Đảng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng của Bác Hồ chèo lái chỉ đường.
Bác đã đi xa, nhưng Người vẫn còn sống mãi cùng Đảng và Nhân dân ta trong tất cả mọi lo toan. Nhà chiến lược thiên tài, Danh nhân văn hóa thế giới ấy đã lường trước những khó khăn, phức tạp của công cuộc xây dựng đất nước. Người đã căn dặn: “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(9).
Gần 55 năm kể từ ngày Bác đi xa, tất cả những gì chưa làm được, hoặc làm chưa tốt chứng tỏ rằng sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục cần được đổi mới để ngang tầm các nhiệm vụ của giai đoạn mới. Nhiều năm qua, chúng ta đã có khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ít TCCSĐ và đảng viên (kể cả cán bộ trung, cao cấp) chưa làm tròn nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức và năng lực chưa tương xứng với chức, quyền được giao.
Từ trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tìm thấy lẽ sống ở đời. Những Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) không phải là sự khám phá ra những chân lý mới mẻ. Nó là sự khẳng định những chân lý đã được trí tuệ và công sức, máu xương của mấy chục triệu người con ưu tú của dân tộc chứng minh. Nó là sự định hướng cho tư duy của toàn Đảng, toàn dân trong những tình huống bộn bề, phức tạp. Nó khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên những điều tốt đẹp để nghĩ suy và hành động. Nó làm thức dậy trong ta ánh sáng và niềm tin. Nó giúp ta tìm đến những tư tưởng cao đẹp của Bác Hồ, tựa như những cánh đồng khô cạn tìm về dòng sông lớn đầy nước trong lành.
-----
(1), (2), (3), (7) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 2, tr.289. (4) Sách đã dẫn (sđd), tập 5, tr.502. (5) Sđd, tập 13, tr.78. (6) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tập 44, tr.277. (8), (9) Sđd, tập 15, tr.391, tr.616.
PGS. Trần Đình Huỳnh