|
Ngân hàng tự động Agribank Digital giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các dịch vụ tiện ích.
|
Định hướng mục tiêu
Thế giới đã bước vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng công nghiệp ở đó xét theo nhiều góc độ đều là những yếu tố mang tính biến đổi sâu rộng xã hội, trong đó yếu tố bùng nổ về công nghệ là yếu tố đặc trưng. Nếu cách mạng công nghiệp lần thứ nhất có đại diện là máy hơi nước, Cách mạng công nghiệp lần thứ hai được đại diện bởi máy phát điện, Cách mạng công nghiệp lần thứ ba được đại diện bởi máy tính thì Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đại diện bởi công nghệ - công nghệ 4.0 hiện nay trên thế giới có khoảng 40 công nghệ đại diện cho cuộc cách mạng này, trong đó có 12 công nghệ đột phá. 40 công nghệ này phối, kết hợp rất nhiều ngành với nhau tạo thành tính lan toả, và tạo nên một khả năng đột phá trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặc trưng bởi 4 nhóm công nghệ: công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng và công nghệ vật lý. Đó là những công nghệ trước đây chưa từng có (như: in 3D, tế bào gốc, sinh con không cần bố mẹ), hoặc thực hiện công nghệ cũ theo cách hoàn toàn mới để ra những sản phẩm chưa từng có ví dụ như xe tự lái, lưới điện thông minh, điều khiển giao thông thông minh... Đây là các công nghệ mang tính đột phá - xây dựng lại toàn bộ cách thức vận hành xã hội hiện nay.
Với sự phát triển bùng nổ của thời đại In-tơ-nét, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những phát minh thay đổi hoàn toàn cách các ngân hàng vận hành thông thường thông qua các công nghệ như: (1) Big Data (Cloud Data) cho phép con người có thể thu thập, chứa đựng được một lượng dữ liệu khổng lồ. Đối với chiến lược bán hàng của ngân hàng, người ta có thể thu thập được một lượng lớn thông tin bao gồm thông tin cá nhân của từng khách hàng. Điều này giúp ngân hàng nhận ra các xu hướng, nhu cầu, mong muốn.. của khách hàng một cách hiệu quả, và từ đó giúp ngân hàng có thể tạo ra những chiến lược đúng đắn và hiệu quả trong mỗi giai đoạn; (2) Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính, tạo ra những cỗ máy thông minh hoạt động và phản ứng như con người, đặc biệt trong các lĩnh vực nhận dạng giọng nói, học tập, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. AI giúp hoạt động của ngân hàng có thể thực hiện tối ưu hóa cho từng cá nhân, đây là mục tiêu thiết yếu mà các ngân hàng đang hướng đến; (3) Internet of Things (vạn vật kết nối) là sự kết hợp của In-tơ-nét, công nghệ vi cơ điện tử và công nghệ không dây. In-tơ-nét giúp kết nối các thiết bị hỗ trợ từ công việc tới cuộc sống thường nhật (điện thoại, máy tính, tivi, lò vi sóng thông minh, xe ô tô tự lái,…) với con người, thu thập và truyền dữ liệu trong thời gian thực qua một mạng In-tơ-nét duy nhất…
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến xu hướng phát triển tất yếu của Cách mạng công nghiệp 4.0 từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.
Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và In-tơ-nét đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phối hợp số 01 của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an: Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06 nhằm đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhằm mục tiêu đẩy mạnh việc ứng dụng sâu rộng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động ngân hàng như làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, Đẩy mạnh ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, Xác thực trực tuyến, An sinh xã hội, hỗ trợ phòng chống tội phạm,…Ngày 24-4-2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kết và ban hành Kế hoạch phối hợp số 01, gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể (16 nhiệm vụ liên quan đến các tổ chức tín dụng), nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và cung ứng dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN, ngày 18-12-2023 để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Về bản chất của các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên căn cước công dân do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng với mục tiêu hiện đại hoá toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các tổ chức tín dụng trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Kế hoạch đặt ra là đến năm 2025 ít nhất 50% nghiệp vụ tài chính cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số và 70% giao dịch thuộc về kênh số. Để hiện thực hoá mục tiêu này, trong thời gian tới cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; hiện đại hoá hạ tầng, các nền tảng dữ liệu số và phát triển hệ sinh thái số; nâng cao nhận thức về quá trình chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Những kết quả quan trọng
Trước xu hướng tất yếu của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngay từ sớm, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban điều hành Agribank đã có định hướng, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động từ đó đem lại sự tiện ích tốt nhất cho khách hàng, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định "Tập trung nguồn lực hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành và cung ứng dịch vụ ngân hàng tự động theo hướng số hóa, đa kênh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong đó ưu tiên xây dựng và triển khai dự án thay thế hệ thống ngân hàng cốt lõi (Corebanking) và các phần mềm gắn với công tác quản trị, điều hành" là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, Đảng ủy Agribank đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó giải pháp "Quyết liệt đổi mới, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực hoạt động đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại hướng đến mục tiêu ngân hàng số, trong đó trọng tâm là xây dựng, triển khai phần mềm ngân hàng lõi; tập trung nguồn lực hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ tốt cho công tác quản trị điều hành, tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng tỷ trọng thu ngoài tín dụng" được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Với tầm nhìn trong tương lai gần, các ứng dụng công nghệ sẽ phát triển mạnh mẽ sang các mảng hoạt động khác như bảo hiểm, tài chính cá nhân, tự động hóa dịch vụ tín dụng, tạo sức ép lên các hoạt động ngân hàng truyền thống, Đảng ủy Agribank đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/ĐU-NHNo, ngày 25-12-2020 về "Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại". Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho Agribank trong thời gian tới như: (1) Thực hiện thành công Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, ban hành theo Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 8-7-2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17-4-2020 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ Agribank lần thứ X; (2) Xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025, đáp ứng yêu cầu quy định của Ngân hàng Nhà nước về lộ trình các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel II; (3) Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng lõi và các giải pháp công nghệ gắn với công tác quản trị điều hành, cung ứng dịch vụ ngân hàng, tăng cường tính bảo mật và bảo đảm an toàn hệ thống; (4) Đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số trong quản trị hoạt động ngân hàng và cung ứng sản phẩm dịch vụ đến khách hàng; (5) Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm chủ khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của Agribank trước thách thức của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số.
Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban điều hành đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai trong toàn hệ thống các nghị quyết, kết luận, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về thực hiện chuyển đổi số; động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Agribank và ngành Ngân hàng. Với đặc thù là Ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, mạng lưới hoạt động trải rộng trên toàn quốc, doanh số cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn xấp xỉ 70%, Agribank cũng có không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban lãnh đạo, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của hơn 40 nghìn người lao động, trong hơn 3 năm qua Agribank đã quyết liệt triển khai và đạt được một số kết quả nổi bật:
Thứ nhất, xây dựng, triển khai Đề án chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.
Đây có thể coi là kim chỉ nam của Agribank cho sự phát triển công nghệ hóa, ngân hàng số tại Agribank và quyết định đến sự phát triển của Agribank trong tương lai.
Đề án Chiến lược Công nghệ thông tin bao gồm 61 giải pháp, trong đó có 30 giải pháp thuộc nhóm ứng dụng và 31 giải pháp thuộc nhóm hạ tầng công nghệ, an ninh bảo mật. Nhằm cụ thể hóa và nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc đã thành lập 21 Ban triển khai giải pháp nằm trong hệ thống giải pháp Đề án Chiến lược công nghệ thông tin và Kế hoạch chuyển đổi số của Agribank (Ban Triển khai dự án Kho dữ liệu doanh nghiệp và công cụ phân tích thông minh EDW&BI, Ban triển khai giải pháp quan hệ khách hàng, Ban triển khai giải pháp khởi tạo khoản vay, Ban triển khai giải pháp nhóm điểm chạm,..) chịu trách nhiệm triển khai 27/30 giải pháp thuộc nhóm ứng dụng. Đối với các giải pháp/dự án thuộc nhóm hạ tầng công nghệ, an ninh bảo mật giao Trung tâm Công nghệ thông tin đầu mối thực hiện. Tính đến tháng 8-2024, theo lộ trình triển khai các giải pháp thuộc Đề án chiến lược công nghệ thông tin, có 23/30 giải pháp thuộc nhóm giải pháp ứng dụng và 18/31 giải pháp thuộc nhóm hạ tầng công nghệ, an ninh, bảo mật đang trong lộ trình triển khai. Nhiều ban triển khai giải pháp trọng điểm (giải pháp hệ thống lõi, giải pháp dữ liệu, giải pháp biểu mẫu,…) đã có kết quả triển khai tích cực: phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi… và chuẩn bị bước vào giai đoạn thực hiện. Các ban triển khai giải pháp khác đang khẩn trương thực hiện theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra: Hoàn thành việc khảo sát thị trường, nghiên cứu tổng thể về dự án, đăng ký doanh mục kế hoạch vốn của năm, làm việc và nghe tư vấn của các đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực cung cấp gói giải pháp ngân hàng. Đây là bước khởi đầu thành công, tạo nền móng cơ bản vững chắc cho việc phát triển toàn diện Đề án chiến lược Công nghệ thông tin trên toàn hệ thống Agribank.
Ngoài ra, Agribank cũng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai Hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking) mới. Có thể nhận định đây là dự án quy mô toàn ngân hàng, mức độ khó, phức tạp cao nên Agribank sẽ mất nhiều thời gian tìm hiểu phương pháp thực hiện, giải pháp của các nhà cung cấp và kinh nghiệm triển khai các ngân hàng khác để chuẩn bị sẵn sàng quản lý, triển khai dự án tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và của Agribank. Là một dự án công nghệ thông tin đặc thù, khó khăn lớn nhất của dự án nằm ở việc huy động, tuyển dụng, đào tạo nhân sự công nghệ thông tin, nghiệp vụ phù hợp với đặc thù công nghệ và nghiệp vụ của giải pháp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Hội đồng Thành viên, Ban điều hành Agribank, dự án Corebanking đang được triển khai với tốc độ nhanh nhất. Dự án đã được đăng ký danh mục, kế hoạch vốn năm 2023, tổ chức nghe giới thiệu một số giải pháp Corebanking lớn trên thế giới, xây dựng phương án thuê tư vấn, tổ chức thẩm định giá thuê tư vấn Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà thầu thuê tư vấn xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang nghiên cứu Báo cáo tiền khả thi.
Thứ hai, về Kế hoạch Chuyển đổi số tại Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Song song với đó, việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của Agribank đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Việc vinh danh khen thưởng: 9 năm liên tiếp đạt giải Sao Khuê - Giải thưởng về khoa học và công nghệ, nhằm biểu dương các doanh nghiệp, cơ quan, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam cùng với các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như: Ngân hàng hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tỉ lệ giao dịch thanh toán chạm Chất lượng Thanh toán xuất sắc, Giải thưởng về Sản phẩm công nghệ và Chuyển đổi số; Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards),…
|
Đại diện Agribank nhận giải thưởng Sao Khuê 2023 cho sản phẩm Agribank Digital.
|
Đối với 5 nhóm nhiệm vụ với hơn 50 giải pháp đề ra tại Kế hoạch Chuyển đổi số, đến hết tháng 6-2024 đã hoàn thành, triển khai 24/51 nhiệm vụ, cơ bản đạt khoảng 47% khối lượng công việc. Trong đó, hoàn thành 17 nhiệm vụ thuộc nhóm công việc có thời hạn cụ thể; triển khai có hiệu quả 7 nhiệm vụ thuộc nhóm công việc thường xuyên. 27 nhiệm vụ đang được toàn hệ thống tập trung nguồn lực để thực hiện. Một số các giải pháp đã được hoàn thành và đang tiếp tục mở rộng có thể kể đến như sau: Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cho toàn hệ thống Agribank, hoàn thành triển khai dự án đầu tư ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ và tiếp tục triển khai mở rộng giai đoạn 2, triển khai và nâng cấp hệ thống văn bản định chế; nghiên cứu và chuẩn bị các giải pháp cho phép một số hệ thống sẵn sàng chuyển đổi từng phần/toàn phần vận hành và phát triển lên môi trường điện toán đám mây (Cloud); triển khai giải pháp công nghệ nhằm giảm các giao dịch trực tiếp vào hệ thống IPCAS gắn với phát triển ngân hàng lõi dựa trên công nghệ số cho khách hàng cá nhân; giải pháp cổng thanh toán 24/7 và kết nối doanh nghiệp cho Agribank; dịch vụ thanh toán thương mại điện tử qua tài khoản; giải pháp hóa đơn điện tử tại Agribank; triển khai giải pháp thanh toán qua tài khoản ảo; chuyển đổi kết nối đến hệ thống Corebanking cho hệ thống Agribank Plus (tên gọi cũ là E-Mobile Banking) từ EI sang ESB; nghiên cứu và triển khai nâng cấp hệ thống BillPayment theo kiến trúc Microservices; giải pháp Open API hướng đến Open Banking; giải pháp Tích hợp kênh (Omni-channel) và nâng cấp, bổ sung các tính năng mới trên Mobile banking và Internet banking cho khách hàng cá nhân; giải pháp tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (Capital Adequacy Ratio – CAR); giải pháp tổng thể Văn phòng điện tử cho Agribank,…
Một số thành tựu chuyển đổi số đã đạt được đến hiện tại: Số lượng giao dịch tự động, giao dịch của khách hàng qua kênh số đạt khoảng 94% (Tỷ lệ giao dịch trên kênh quầy chiếm 6%); tỷ lệ nghiệp vụ cho phép khách hàng thực hiện trên môi trường số là khoảng 38% (Mở tài khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn dịch vụ, các dịch vụ thẻ, mua bán bảo hiểm, chứng khoán,…); 36% tỷ trọng doanh thu qua kênh số trên tổng thu phí dịch vụ; 47% tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ số của Agribank; khoảng 60% số lượng hồ sơ công việc được xử lý, lưu trữ trên môi trường số trong đó: tỷ lệ hồ sơ được số hoá lưu trữ trong quá trình tác nghiệp thông qua các hệ thống hỗ trợ (Hệ thống Văn phòng điện đử - ioffice, hệ thống Văn bản định chế, các máy chủ, mạng nội bộ, công cụ lưu trữ của các đơn vị) đạt trên 70% (trừ các hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tỷ lệ văn bản được số hoá, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ đạt 41%; tỷ lệ văn bản số hoá lưu trữ tại các Chi nhánh đạt khoảng 30-50% (Theo dữ liệu đánh giá của các Chi nhánh).
Về công tác đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa tiện ích, sản phẩm dịch vụ số: Tích cực đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã triển khai kết nối thanh toán thêm với hơn 1.500 nhà cung cấp dịch vụ mới là các trường học, bệnh viện, công ty điện nước, viễn thông, chứng khoán, bảo hiểm, công ty fintech, các sàn thương mại điện tử, ví điện tử. Số lượng giao dịch đạt trên 32 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt trên 31 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa tiện ích nhằm nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng: Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số đối với tất cả các nhóm sản phẩm dịch vụ (Huy động vốn; thanh toán trong nước; thẻ; thanh toán quốc tế; kinh doanh ngoại hối; kiều hối; ngân hàng điện tử; ngân quỹ và quản lý tiền tệ; uỷ thác đại lý; sản phẩm dịch vụ liên kết, bảo hiểm…). Đối với các nền tảng số cho khách hàng cá nhân (Agribank Plus, Agribank Retail eBanking): Liên tục triển khai nâng cấp chức năng tiện ích mới (với gần 90 dịch vụ tiện ích) như thu thập dữ liệu khách hàng từ thẻ CCCD gắn chip và làm sạch với C06 – Bộ Công an, hiển thị thông tin khách hàng VIP, quản lý tài khoản bằng mã định danh (Alias),…cung cấp các dịch vụ số hiệu quả, chất lượng tới khoảng 12 triệu khách hàng tại Agribank. Đối với nền tảng số cho khách hàng doanh nghiệp (Agribank Corporate eBanking): Đã phát triển gần 50 chức năng, tiện ích, cung cấp dịch vụ tới hơn 25.000 khách hàng doanh nghiệp tại Agribank; Phát triển và triển khai 7 gói sản phẩm Open API hướng tới Open Banking cho phép Agribank và các đối tác thanh toán có thể nhanh chóng tích hợp, triển khai và mở rộng dịch vụ tới khách hàng thông qua mạng lưới của nhiều đối tác khác nhau trong nền kinh tế. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm dịch vụ thanh toán theo hướng đa kênh, đa tiện ích tạo hệ sinh thái dịch vụ cung cấp cho khách hàng đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai vận hành hệ thống trong nước trên một nền tảng tập trung đồng nhất (Trục thanh toán – Payment Hub có khả năng phân luồng hệ thống thanh toán linh hoạt (CITAD, TTSP, ACH). Tập trung đầu tư thử nghiệm vào các công nghệ, sản phẩm dịch vụ mới như: nghiên cứu phát triển, quản trị vận hành các hệ thống, ứng dụng trên nền tảng Điện toán đám mây (Agribank hiện đang thử nghiệm, ứng dụng cho hệ thống đặt lịch giao dịch trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chăm sóc khách hàng), phát triển và triển khai thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ cho vay trên môi trường số. Chuyển đổi phương thức quản lý và lưu trữ dữ liệu văn bản trên môi trường số thông qua các hệ thống nội bộ như Văn phòng điện tử (iOffice), Văn bản định chế (VBĐC),…Xây dựng và triển khai khung quản lý rủi ro tổng thể. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, Agribank đã kịp thời triển khai ứng dụng công nghệ cho phép khách hàng có nhu cầu mua vàng tại Agribank có thể chủ động đặt lịch giao dịch trên ứng dụng với ngân hàng (Booking Online) giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu tình trạng xếp hàng chờ đợi tại các chi nhánh trong hệ thống.
Thứ ba, Đề án 06 của Thủ tướng chính phủ và thực hiện quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước.
Việc thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng chính phủ đạt được một số kết quả. Đối với công tác đầu tư, nâng cấp hạ tầng, hệ thống, Agribank đã triển khai đầu tư, nâng cấp hạ tầng và công cụ phục vụ công tác kết nối và triển khai thu thập dữ liệu khách hàng từ thẻ CCCDGC và làm sạch với BCA. Đối với nâng cấp hạ tầng, hệ thống, các đơn vị liên quan đã phối hợp xây dựng và nâng cấp các chức năng cho phép thu thập dữ liệu khách hàng từ thẻ CCCDGC và làm sạch với BCA trên các ứng dụng ngân hàng điện tử của Agribank (Agribank Plus, Agribank Retail eBanking). Về phát triển phần mềm, ứng dụng cho phép cài đặt trên điện thoại để giao dịch viên có thể thu thập và làm sạch trên kênh Quầy cho khách hàng. Đồng thời, ban hành hướng dẫn để toàn bộ Chi nhánh trong hệ thống triển khai đầu tư trang cấp các máy điện thoại cho giao dịch viên tại tất cả các chi nhánh của Agribank trên cả nước để triển khai thu thập STH và làm sạch dữ liệu khách hàng tại Agribank tại quầy; xây dựng và phát triển hệ thống Quản lý xác thực và làm sạch thông tin khách hàng. Tính đến hết ngày 5-7-2024, Agribank đã triển khai thu thập STH và làm sạch thành công với Bộ Công an cho gần 1.800.000 khách hàng. Trong đó khoảng hơn 1.400.000 khách hàng tự xác thực bằng ứng dụng trên điện thoại; khoảng hơn 350.000 khách hàng thực hiện xác thực tại quầy.
Đối với việc thực hiện quyết định 2345, ngày 27-6-2024, Tổng Giám đốc Agribank đã ban hành số văn số 8579/NHNo-KHCN trong toàn hệ thống về thông báo triển khai thu thập dữ liệu và xác thực (STH) theo yêu cầu của Quyết định 2345. Kết quả triển khai cụ thể như sau: Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, hiện đã có hơn 1.800.000 khách hàng thực hiện thành công việc thu thập dữ liệu sinh trắc và làm sạch với Bộ Công an (C06). Trong đó 1.400.000 khách hàng tự thực hiện bằng điện thoại di động; hơn 300.000 được hỗ trợ thu thập dữ liệu sinh trắc và làm sạch với C06 tại các quầy giao dịch của Agribank trên cả nước. Yêu cầu phân loại và yêu cầu xác thực đối với hơn 2.600.000 nghìn trường hợp thuộc Nhóm C, D theo quy định tại Quyết định 2345 (Khoảng 240.000 giao dịch/ngày) ;
Về công tác hỗ trợ khách hàng, tính đến hết ngày 1-7-2024 Trung tâm Chăm sóc khách hàng đã tiếp nhận hơn 2.000 cuộc gọi đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến công tác STH và Quyết định 2345; Ban Ngân hàng số đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 600 trường hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thu thập dữ liệu sinh trắc và làm sạch với Bộ Công an (C06) trên quầy.
Về công tác truyền thông, đã triển khai hơn 100 các tin bài, phóng sự, clip hướng dẫn,… trên các phương tiện truyền thông của Agribank (Website, Fanpage,..), các kênh truyền thông đại chúng (VOV, VTV,…) và các báo mạng (CafeF, Thị trường Tài chính tiền tệ, Kinh tế nông thôn,…) với tổng số lượng hơn 100 bài đăng liên quan đến triển thu thập STH, Quyết định 2345 của Agribank; hơn 1.600 lượt chia sẻ bài viết về hướng dẫn thực hiện trên Fanpage, trên 200.000 lượt xem trên Youtube.
Thứ tư, việc thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, giao dịch thanh toán
Liên tục cập nhật, cải tiến ứng dụng Agribank Plus: Agribank đã tập trung nghiên cứu giải pháp nâng cấp, cải tiến ứng dụng Agribank Plus về hình ảnh giao diện hiện đại, thân thiện và hướng tới khách hàng, hoàn thiện, bổ sung tính năng trong ứng dụng (hiển thị khách hàng VIP, tích hợp chức năng thông tin giao dịch Agriseco,…); Xây dựng kế hoạch, lộ trình, phân công công việc cụ thể về việc triển khai giải pháp ngân hàng lõi để giảm tải tắc nghẽn hệ thống Agribank Plus.
Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số như Digital Banking, thanh toán quét mã QR, rút tiền bằng mã QR tại ATM, với phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm”, xây dựng sản phẩm xung quanh khách hàng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Có cơ chế chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư qua cung cấp chính sách ưu đãi, bảng lương riêng dành cho nhân sự thuộc khối Công nghệ thông tin. Đổi mới cơ chế khuyến khích, đổi mới công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đổi mới chương trình đào tạo nghiệp vụ ngân hàng theo định hướng chuyển đổi số
Tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch của Văn phòng Chính phủ. Hợp tác chặt chẽ với các khách hàng là tổng công ty, doanh nghiệp lớn để cung cấp các giải pháp thanh toán ngân hàng hiện đại: Triển khai nghiệp vụ thanh toán điện tử giữa EVN và Agribank; tích hợp bổ sung phương thức thanh toán học phí Đại học Kiến trúc Đà Nẵng qua QR code động gắn với từng sinh viên; tích hợp hệ thống kết nối lên Payment Hub để triển khai dịch vụ thanh toán điện tử với Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT); cung cấp dịch vụ thu hộ học phí qua cổng kết nối Jetpay...
Quyết liệt, khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán: Phân tải xử lý lệnh chuyển tiền liên ngân hàng đến Agribank qua hệ thống ACH và các hệ thống thanh toán song phương 24/7; phát triển phần mềm, nghiệm thu nghiệp vụ, trình triển khai tích hợp chức năng chuyển khoản liên ngân hàng đi qua TTSP, ACH, Citad trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking; phát triển phần mềm, nghiệm thu nghiệp vụ, trình triển khai dịch vụ đăng ký và giao dịch qua mã định danh trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking.
Thứ năm, việc triển khai hệ thống văn phòng điện tử tại Agribank (I-Office)
I-Office là dự án với mục tiêu công nghệ hóa, chuyển đổi số trong việc quản lý, lưu hành văn bản nội bộ, ứng dụng chữ ký số trong hoạt động điều hành tại Agribank. Dự án sẽ giúp thực hiện quản lý văn bản điện tử theo hướng hiện đại, kết nối trực tuyến giữa Trụ sở chính và các đơn vị trực thuộc Agribank, xử lý và luân chuyển văn bản điện tử trong toàn hệ thống, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, kịp thời, tránh sai lạc và bảo mật thông tin. Lưu trữ, tra cứu và quản lý toàn bộ các công văn đã ban hành một cách có hệ thống, nhanh chóng và mang tính toàn ngành. Tiết kiệm chi phí văn phòng và nhân lực xử lý văn bản giấy. Quản lý tập trung toàn bộ các hồ sơ, văn bản, giấy tờ được luân chuyển trên hệ thống và các văn bản được số hóa đưa lên hệ thống. Hiện đại hóa, hỗ trợ công tác điều hành tại Trụ sở chính và các đơn vị trong hệ thống Agribank. Văn phòng điện tử I-Office đã được thực hiện xây dựng hoàn thành, dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại Trụ sở chính của Agribank ngay trong thời gian tới. Việc triển khai Ngân hàng điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian đáng kể cho việc lưu trữ, vận chuyển tài liệu và theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được Ban lãnh đạo giao.
Thứ sáu, công tác đảm bảo an toàn bảo mật thông tin
Agribank đã chỉ đạo và quán triệt đến toàn thể cán bộ trong hệ thống thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước và của Agribank về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin. Trong đó, Tổng Giám đốc trực tiếp phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của Agribank và giao trưởng các đơn vị/chi nhánh trực tiếp chỉ đạo và phụ trách công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tại đơn vị, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tổng Giám đốc nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật, Agribank hoặc để xảy ra mất an toàn thông tin, lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, bí mật của Nhà nước và Agribank.
Ban hành các văn bản chỉ đạo để tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, tổ chức rà soát, phân loại, phê duyệt cấp độ và tổ chức triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn bảo mật cho hệ thống thông tin theo cấp độ. Báo cáo theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước về kết quả rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Agribank.
Rà soát, siết chặt chính sách an ninh mạng trên các thiết bị an ninh để kiểm soát kết nối In-tơ-nét, kết nối quản trị và kết nối giữa các lớp, phân vùng mạng, ngăn chặn tấn công leo thang giữa các hệ thống, đặc biệt là các hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống cung cấp dịch vụ ra bên ngoài In-tơ-nét của Agribank.
Tăng cường giám sát, theo dõi, phân tích tình hình an toàn bảo mật: Bố trí thêm nhân sự làm về lĩnh vực an ninh bảo mật để theo dõi, giám sát hoạt động hệ thống điều hành an toàn thông tin SOC, trang thiết bị an ninh bảo mật (Firewall/IPS, WAF,…), chủ động săn lùng các mối nguy hại (qua hệ thống giám sát mối đe dọa thông minh - Threat Intelligence), đặc biệt là ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; đào tạo và bổ sung nhân sự giám sát an toàn thông tin mức 1 ngoài giờ hành chính (ngoài giờ làm việc các ngày trong tuần và thứ 7, chủ nhật) để giám sát, phát hiện và cảnh báo kịp thời rủi ro mất an toàn thông tin (nếu có).
Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống dự phòng thay thế cho hoạt động của hệ thống chính bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Triển khai áp dụng tiêu chuẩn an toàn thông tin tiên tiến. Tháng 3-2024, Agribank đã hoàn thành tổ chức áp dụng, đánh giá và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 27001:2022 cho các trung tâm dữ liệu, đồng thời xây dựng lộ trình áp dụng ISO 27001:2022 cho các chi nhánh trực thuộc.
Tăng cường truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dùng: Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27001:2022 cho 2.623 cán bộ làm công tác quản lý an toàn thông tin, kiểm tra giám sát nội bộ tại các đơn vị, chi nhánh trong toàn quốc. Phối hợp Trường đào tạo cán bộ xây dựng video bài giảng nâng cao nhận thức an toàn để triển khai học tập trong toàn hệ thống qua hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning.
|
Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng giám đốc Agribank (thứ 2 từ trái qua) nhận bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác chuyển đổi số Ngành Ngân hàng.
|
Để đạt được những thành tựu trên, Agribank đã đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Hội đồng Thành viên, Ban điều hành, vai trò của Công đoàn, Đoàn thanh niên trong việc phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu phương thức tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường thông tin tuyên truyền về mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xây dựng Agribank hiện đại và hội nhập, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, quản trị ngân hàng hiện đại. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình tổ chức (thành lập 21 Ban triển khai giải pháp) để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc triển khai, ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng và phát triển ngân hàng số. Phát triển hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, ưu tiên xây dựng và triển khai các giải pháp giảm tải cho hệ thống Corebanking, chuẩn bị các điều kiện để đổi mới hệ thống Core khi có điều kiện, tăng cường phát triển các phần mềm, ứng dụng gắn với công tác quản trị điều hành.
Giải pháp trong thời gian tới
Với sự nhận thức và quyết tâm sâu sắc, Agribank sẽ xung kích, sáng tạo và đi đầu để ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn 16 nghìn đoàn viên thanh niên Agribank, gần 22 nghìn đảng viên Agribank đã, đang và sẽ khẳng định vai trò “hạt nhân” chủ đạo trong việc đóng góp ý tưởng, sáng kiến, triển khai thực hiện thành công các mục tiêu Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành đề ra về đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại. Để đạt được điều đó, Agribank nhìn nhận rõ và tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Một là, tiếp tục thực hiện Đề án Chiến lược Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số. Các Ban triển khai giải pháp/dự án thường xuyên cập nhật kế hoạch và thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo tuần đến Ban Công nghệ. Các kế hoạch dự án cần cụ thể hóa gắn với kết quả công việc cụ thể của giải pháp/dự án theo từng mốc thời gian rõ ràng. Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp Ban chuyên môn thành lập bộ phận chuyên trách về mua sắm thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin để hỗ trợ các Ban triển khai giải pháp/dự án trong các thủ tục đấu thầu, mua sắm, quản lý hợp đồng, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án.
Hai là, thực hiện Quyết định 2345 và Đề án 06: Theo dõi, đánh giá liên tục và kịp thời đề xuất với đối tác và các đơn vị liên quan triển khai phương án cần thiết để giảm thiểu tỷ lệ lỗi cho khách hàng; tiếp tục theo dõi, giám sát, bố trí nguồn lực để kịp thời hỗ trợ các chi nhánh trên toàn hệ thống triển khai việc thu thập và xác thực trên kênh quầy; nghiên cứu và xây dựng và ban hành phương án/quy trình thu thập cho các khách hàng cá nhân chưa có CCCDGC hoặc khách hàng nước ngoài để sớm triển khai thu thập dữ liệu cho nhóm khách hàng tại kênh quầy; phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp và cập nhật/ban hành các hướng dẫn thực hiện mới (nếu cần thiết) cho kênh Agribank Plus đến khách hàng quá trình thực hiện được hiệu quả, giảm thiểu vướng mắc phát sinh; triển khai phương án kỹ thuật để thu thập dữ liệu cho các khách hàng cá nhân chưa có CCCDGC hoặc Khách hàng nước ngoài trên kênh quầy để có thể sớm triển khai cho nhóm khách hàng này; tổng hợp và cảnh báo khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông về việc lợi dụng thông tin triển khai Quyết định 2345, thực hiện các hành vi giả danh ngân hàng để lừa đảo; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó đẩy mạnh việc truyền thông công tác thu thập STH và làm sạch trên kênh quầy tới khách hàng để giảm tải cho kênh trực tuyến, giảm thiểu tỉ lệ lỗi và hạn chế tình trạng lừa đảo khách hàng qua điện thoại
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hệ thống thanh toán. Tiếp tục thực hiện các giải pháp khác để nâng cao chất lượng công nghệ thông tin, cải thiện thanh toán như khởi tạo khoản vay có bảo đảm bằng số dư tiền gửi trực tuyến trên ứng dụng Agribank Plus; phối hợp triển khai gói giải pháp gồm Open Smartbank, Omni Chanel, quản lý khách hàng thân thiết (Glamor); phân tách hệ thống tài trợ thương mại; phân tách hệ thống quản lý kinh doanh vốn (Thay thế module Treasury trên IPCAS); nghiên cứu giải pháp thay thế hệ thống Corebanking,…
Bốn là, tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống thông tin. Tăng cường giám sát, theo dõi hoạt động bảo đảm hệ thống thông tin hoạt động an toàn ổn định. Thực hiện dò quét đánh giá, cường hóa an ninh (Hardening), săn tìm mã độc, săn tìm các mối đe dọa tiềm ẩn trên hệ thống và kiện toàn an ninh bảo mật cho các hệ thống. Tổ chức thực hiện diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, thực hiện chuyển đổi hệ thống dự phòng thay thế cho hoạt động của hệ thống chính. Tổ chức sao lưu dữ liệu bảo đảm an toàn; thực hiện kiểm tra về an toàn thông tin các đơn vị. Đẩy nhanh triển khai các dự án thuộc nhóm giải pháp an ninh bảo mật thuộc Đề án chiến lược Công nghệ thông tin để bổ sung tăng cường các giải pháp an ninh bảo mật tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống công nghệ thông tin. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Bộ Công an - Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Thông tin và Truyền thông - Cục An toàn thông tin, Ngân hàng Nhà nước - Cục Công nghệ thông tin, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, Mạng lưới VNCERT/CC, Mạng lưới SBVCERT) để cập nhật tình hình mới, nắm bắt xu hướng, thông tin các đợt tấn công, lỗ hổng an ninh mạng... để từ đó sớm triển khai rà soát, kiện toàn cho các hệ thống công nghệ của Agribank.
Năm là, việc truyền thông tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, người lao động Agribank. Cần lan tỏa nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số hướng tới ngân hàng hiện đại tại Agribank đối với toàn thể người lao động Agribank, đặc biệt là thế hệ cán bộ trẻ mới vào ngành là nguồn năng lượng tiếp nối quan trọng cho quá trình công nghệ hóa, hiện đại hóa ngân hàng. Nhận thức đúng mới có hành động đúng, đây là một quy luật trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới của con người. Mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động và phát triển không ngừng, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là kết quả tất yếu của sự phát triển trí tuệ con người trên lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng vào ngành Ngân hàng nói chung cũng như hoạt động của Agribank nói riêng.
Sáu là, thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng. Cần liên tục động viên, khuyến khích, có hình thức khen thưởng phù hợp đối với các cá nhân, tổ chức đề xuất những đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, không ngần ngại thay đổi và tiếp thu cái mới. Tích cực cống hiến những đề tài khoa học, chương trình phát triển sản phẩm cho chính Agribank và đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các ứng dụng hiện đại luôn được cập nhật, triển khai nhanh nhất nhằm đem lại giá trị trải nghiệm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Vì vậy, không ai khác, các đảng viên, đoàn viên thanh niên Agribank luôn luôn phải cập nhật, ứng dụng công nghệ mới nhất để nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
Tiếp bước các thế hệ đi trước, kế thừa những kết quả đã đạt được, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành, lãnh đạo các đơn vị, sự đồng lòng, nỗ lực của hơn 4 vạn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động trong toàn hệ thống Agribank sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt thể hiện tốt vai trò “hạt nhân” trong thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại Agribank, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã đề ra: “Phát huy vai trò lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, toàn diện; đổi mới sáng tạo, tiếp tục xây dựng Agribank hiện đại và hội nhập, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với đổi mới mô hình tổ chức hướng tới ngân hàng số; chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại cổ phần; phấn đấu đứng trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản; hoạt động an toàn, hiệu quả; giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn”.
Trần Quốc Khánh