Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1). Người cho rằng văn hoá chính là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế xã hội, văn hoá góp phần khẳng định bản sắc dân tộc. Văn hoá Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó chính là lòng yêu nước thương nòi, tinh thần độc lập tự cường, lòng tự tôn dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý; là đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; dũng cảm trong chiến đấu…Và văn hoá là một mặt trận, người hoạt động văn hoá là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Văn hóa còn thì dân tộc còn
Trước xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã định hướng những nhiệm vụ căn bản trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(2). Bên cạnh đó, “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực”(3). Ngày 24-11-2021, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia”, cần “tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…”
|
Gian hàng Agribank tại Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024.
|
Được thành lập ngày 26-3-1988, trải qua 36 năm dựng xây và phát triển, Agribank dần khẳng định vị thế, trở thành một trong những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Quá trình đó đã bồi đắp nên văn hoá doanh nghiệp Agribank giàu bản sắc, trên cơ sở kế thừa và chắt lọc tinh hoa văn hoá của dân tộc. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, môi trường văn hoá của người lao động Agribank ngày một giàu có, đa dạng và phong phú hơn. Nhiều hoạt động hướng tới đời sống văn hoá, tinh thần, lan toả ý thức cộng đồng được triển khai và hưởng ứng rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực. Mạng lưới Agribank với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, hiện diện trên khắp mọi miền Tổ quốc kể cả vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo. Thương hiệu, uy tín của Agribank từng bước được khẳng định, gắn với hình ảnh ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, người lao động Agribank luôn tự nguyện tự giác học tập và làm theo các chuẩn mực đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo nên bản sắc văn hoá Agribank “Trung thực, kỷ cương, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”, đặc trưng văn hóa Agribank “Gắn kết, thân thiện, nghĩa tình, địa phương, tam nông”.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28-4-2023 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng uỷ Agribank đã ra các văn bản: Kế hoạch số 49-KH/ĐU-NHNo, ngày 26-1-2024 về tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024; Kế hoạch số 52-KH/ĐU-NHNo, ngày 26-2-2024 về Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, Chương trình hành động số 28-Ctr/ĐU-NHNo…. Qua đó, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ căn bản về công tác phát triển văn hoá doanh nghiệp, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đất nước.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng về xây dựng và thực hiện văn hoá doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu Agribank, đưa văn hoá Agribank không ngừng lan toả và thực sự trở thành động lực thúc đẩy Agribank phát triển bền vững. Thống nhất về nhận thức, tạo bước chuyển biến tích cực cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu trong triển khai, thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác văn hóa xã hội.
Thứ hai, thông qua các chương trình hành động, hoạt động cụ thể tuyên truyền sâu rộng truyền thống cách mạng, lịch sử vẻ vang, bản sắc văn hoá của dân tộc, chuẩn mực con người Việt Nam phù hợp từng giai đoạn. Các hoạt động triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hoá, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc và điều kiện thực tiễn của từng đơn vị trong hệ thống Agribank.
Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người Agribank phát triển toàn diện, là nguồn lực trung tâm cho sự phát triển bền vững. Tăng cường kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp năng động; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; phát huy giá trị văn hoá doanh nghiệp, văn hoá công sở; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc qua các thế hệ Agribank.
Những kết quả đạt được
Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, định hướng phát triển của Đảng uỷ, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành, đến nay toàn hệ thống Agribank đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, khẳng định vị thế của văn hoá doanh nghiệp, thương hiệu Agribank cũng như góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hoá truyền thống:
Thứ nhất, cấp uỷ các tổ chức đảng trực thuộc đã chú trọng lãnh chỉ đạo công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng về công tác văn hoá. Qua đó phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người lao động về vị trí, vai trò của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiểu được văn hóa dân tộc là tài sản vô giá luôn cần được bảo tồn và gìn giữ.
Hoạt động tuyên truyền, phát triển thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp được Agribank chủ động triển khai, có trọng tâm và bài bản, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động kinh doanh. Tại Nghị quyết số 200/NQ-HĐTV ngày 14-6-2012 Agribank đã bắt đầu triển khai thực hiện Cẩm nang văn hoá Agribank, nhằm định hướng đúng đắn chuẩn mực đạo đức, phong cách ứng xử, hành vi cho các thế hệ cán bộ. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh Agribank - Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, luôn tiên phong thực thi có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ lực trên thị trường tài chính, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chung tay cùng ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đề ra kế hoạch thực hiện các nghị quyết chuyên đề về truyền thông nội bộ, văn hoá doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu như Kế hoạch số 3307/NHNo-TTh ngày 20-3-2024 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/ĐU-NHNo về “Tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ gắn với công tác chính trị, tư tưởng và xây dựng văn hoá Agribank”; Kế hoạch số 15980/NHNo-TTh ngày 25-12-2023 về triển khai chương trình hành động, Nghị quyết số 26-NQ/ĐU-NHNo ngày 8-11-2023 của BCH Đảng bộ Agribank về “Tăng cường lãnh đạo phát triển và thực hiện văn hoá doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu Agribank”. Trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc từ các thế hệ đi trước, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank trở thành một “đại sứ thương hiệu”, truyền tải thông điệp văn hoá của Agribank đến đông đảo khách hàng và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc.
Thứ hai, các chương trình hoạt động thực tiễn, những cử chỉ thiết thực nhằm góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam và văn hoá doanh nghiệp của Agribank đã được triển khai rộng khắp, có hiệu quả nhất định, gây tiếng vang lớn trên phạm vi cả nước.
Rất nhiều các kế hoạch, chương trình hành động được hiện thực hoá, nhằm chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: góp sức lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng qua việc tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam theo QĐ số 1862/QĐ-TTg; các chương trình đồng hành, hợp tác trọng điểm với các địa phương nhằm tôn vinh và quảng bá nét đẹp văn hóa nghệ thuật, du lịch, ẩm thực Việt Nam. Cụ thể, Agribank đã 7 lần tài trợ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, nhiều lần tài trợ Hội chợ trái cây huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, Lễ hội văn hoá du lịch Mường Lò tỉnh Yên Bái…Gần đây nhất, Agribank là nhà tài trợ Bạc trong Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định, đồng hành cùng Lễ hội Vì hoà bình năm 2024 diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải tỉnh Quảng Trị, nơi vĩ tuyến 17 từng chứng kiến nỗi đau chia cắt Bắc - Nam, nơi hàng vạn đồng bào chiến sĩ đã hi sinh anh dũng vì sự nghiệp thống nhất đất nước… Qua đó, thể hiện sự trân trọng của Agribank đối với những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống, tinh thần tôn trọng lịch sử dân tộc, khẳng định Agribank luôn đồng hành, chung tay phát huy những giá trị tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, kích cầu du lịch, phát triển kinh tế, góp sức quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới. Tại các sự kiện văn hoá trên các vùng miền, Đoàn thanh niên được giao nhiệm vụ bố trí các gian hàng đẹp mắt nhằm giới thiệu sản phẩm dịch vụ, hình ảnh và thương hiệu Agribank.
Công tác an sinh xã hội thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” cũng được triển khai đồng bộ và hiệu quả, như: các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7; phối hợp với 28 địa phương có biển, thực hiện tuyên truyền cho ngư dân, hỗ trợ bằng nguồn an sinh xã hội, vốn ưu đãi để đóng tàu, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực có ý nghĩa như tặng áo phao cho ngư dân, tặng tủ thuốc cứu thương cho tàu cá; tài trợ 20 tỷ đồng trong Phong trào thi đua cả nước chung tay “xoá nhà tạm, nhà dột nát” tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình; xây dựng nhà tình nghĩa, trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn; chung tay khắc phục hậu quả thiên tai… Hằng năm, Agribank đều dành từ 400 đến 500 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên cả nước.
Trong hoạt động kinh doanh thường nhật, văn hóa Agribank được thể hiện ở những hành động đơn giản như trả lại tiền thừa cho khách hàng, hỗ trợ kịp thời để khách hàng không bị lừa đảo, luôn tận tình phục vụ nhân dân, ưu tiên đặc biệt cho sự nghiệp phát triển tam nông, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội đất nước.
|
Agribank triển khai Chương trình “Thêm con chữ, bớt đói nghèo” tại 30 địa phương trên cả nước.
|
Thứ ba, hoạt động truyền thông nội bộ được triển khai đa dạng, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, người lao động và tạo môi trường thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị trong doanh nghiệp.
Agribank đã kịp thời tổ chức đào tạo cán bộ, ban hành các quy định về Tiêu chuẩn phục vụ khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hiện thực hoá các mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, góp phần hạn chế tín dụng đen và các mặt tiêu cực khác. Thông tin được kiểm duyệt, kiểm soát kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng; mạng xã hội được theo dõi thường xuyên 24/7 qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự phát tán của những thông tin xấu, độc.
Agribank đã tổ chức tốt công tác truyền thông nội bộ thông qua nhiều hình thức nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu của toàn thể cán bộ đối với lịch sử, văn hoá dân tộc nói chung và văn hoá doanh nghiệp nói riêng, qua đó lan toả và xác định vai trò, trách nhiệm của người lao động Agribank đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhân kỷ niệm ngày thành lập, Agribank phát động “Tuần lễ văn hóa” với chuỗi sự kiện đặc sắc. Các chương trình hành động hằng năm như: Giải chạy Agribank “Vì tương lai xanh”, Cuộc thi viết về công tác xây dựng Đảng, phim tư liệu “Sứ mệnh tự hào”, Chương trình nghệ thuật “Trọn vẹn một niềm tin”, Cuộc thi “Nét đẹp văn hóa ngành Ngân hàng”… có sức lan toả mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tham gia, gắn kết các tập thể đơn vị, công đoàn, đoàn thanh niên và cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống.
|
Ảnh 3: Một trong chuỗi hoạt động “Tuần lễ văn hoá” Agribank.
|
Còn những hạn chế và giải pháp đề ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát triển văn hóa trong hệ thống Agribank còn tồn tại một số điểm hạn chế:
Một là, công tác tuyên truyền, quán triệt, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, nghị quyết của Đảng uỷ đôi khi chưa bảo đảm đồng bộ nhất quán; chưa phối hợp chặt chẽ bài bản và thường xuyên kịp thời trong công tác giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả.
Hai là, các hoạt động phát triển văn hoá doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu ở một số đơn vị trực thuộc còn mang tính hình thức, rời rạc, mang tính thời điểm, theo trào lưu, chưa thực sự đi sâu vào nội dung, chất lượng, chưa đổi mới sáng tạo và bắt kịp xu hướng chuyển đổi số hiện đại.
Ba là, một số bộ phận cán bộ còn thiếu nhiệt huyết, chưa phát huy trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, coi đó là nhiệm vụ mông lung xa vời không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh tiền tệ ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, còn hiện tượng lười nghiên cứu, thực hành văn hoá doanh nghiệp, chưa tuân thủ đúng Cẩm nang văn hoá Agribank dẫn đến giao tiếp, ứng xử kém linh hoạt.
Những hạn chế trên có nguyên nhân trực tiếp đến từ nhận thức còn chưa đầy đủ của một số cán bộ, đảng viên, người lao động; vai trò nêu gương của người đứng đầu còn tương đối mờ nhạt; một số cán bộ vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu, văn hoá Agribank. Để tăng cường lãnh đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện văn hoá doanh nghiệp, góp sức chung tay bảo tồn có hiệu quả văn hóa truyền thống, khiến văn hóa trở thành sức mạnh nội lực và giải pháp quản trị điều hành hữu hiệu cần có sự vào cuộc của cả hệ thống Agribank với các giải pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục lãnh chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn hoá doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong toàn hệ thống, coi trọng văn hóa nêu gương.
Tích cực triển khai rộng rãi tinh thần và nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cùng quan điểm xuyên suốt “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến trong khu vực và quốc tế theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, biến chất về đạo đức lối sống, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW, Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền thông nội bộ của Agribank nội dung Kế hoạch số 390-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 – 30-4-2025). Tăng cường tối đa các tuyến tin, bài phản ánh đậm nét về những giá trị văn hoá, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, bản sắc và đặc trưng văn hoá của Agribank để thu hút sự quan tâm đông đảo. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn hóa doanh nghiệp và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế, chính trị của cơ quan đơn vị.
Chú trọng hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, đánh giá và bình xét thi đua khen thưởng trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại các giá trị di sản văn hóa. Cảnh giác với xu hướng thương mại hóa, tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa tâm linh để vụ lợi, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Hai là, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức trong hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, bảo đảm tính thống nhất, tính khoa học, tính kế thừa, tính thực tiễn và xu hướng phát triển hiện đại.
Khuyến khích các đơn vị đa dạng hóa hình thức thực hiện hoạt động gìn giữ và phát triển văn hóa thường niên, như: xây dựng ấn phẩm truyền thông hiện đại infographic, motion graphics, phim ngắn; đăng tải thông điệp trên các trang mạng xã hội facebook, youtube, tiktok, zalo… Vào các ngày lễ, những sự kiện lịch sử, biên tập, đưa các tin bài, mẩu chuyện về các vị anh hùng dân tộc qua từng thời kỳ với những chiến công lừng lẫy, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Nhân rộng thêm các cách thức hoạt động thông qua tọa đàm, diễn đàn, hội thảo, các buổi sinh hoạt chính trị, giao lưu thể thao văn hóa văn nghệ, truyền miệng, sân khấu hóa…
Phát động đến toàn thể người lao động trong hệ thống tham gia hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật, tham gia giải Búa liềm vàng, Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và các cuộc thi viết do Trung ương, Đảng uỷ Khối và Đảng uỷ Agribank phát động.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông định kỳ hằng năm, quý, tháng có điểm nhấn, tham gia các sự kiện có ý nghĩa chính trị văn hoá của đất nước. “Công tác truyền thông là nhiệm vụ của toàn hệ thống bao gồm các đơn vị tại Trụ sở chính, các chi nhánh, đơn vị sự nghiệp, toàn thể các cấp lãnh đạo và cán bộ người lao động Agribank trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân, bảo vệ thương hiệu và lan toả văn hoá Agribank”(4). Tiếp tục triển khai chủ động, đa dạng các hình thức gắn kết với các cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Tập trung đầu tư, tài trợ có trọng tâm, trọng điểm nguồn kinh phí của đơn vị gắn với các nguồn lực xã hội hóa trong tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Cổ vũ, động viên người lao động tích cực tham gia môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh tại nơi cư trú.
Ba là, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng con người Agribank giàu trí lực, tri thức, có tâm lại có tài; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ý thức cá nhân, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước. Phát huy vai trò của cán bộ toàn hệ thống trong công tác truyền thông, quảng bá văn hoá đất nước, văn hoá Agribank.
Chú trọng hơn nữa việc rèn luyện đạo đức cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ để có thể nuôi dưỡng và phát huy lòng tự hào dân tộc, yêu thích và tôn trọng lịch sử. Qua đó, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc.
Công đoàn Agribank phát huy vai trò trong giáo dục đoàn viên, người lao động nâng cao lập trường giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; phát huy những giá trị cao đẹp, truyền thống văn hóa Agribank, tạo động lực cho việc thúc đẩy các tập thể, cá nhân ngày một tiến bộ. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao nhận thức, ý thức để mỗi cán bộ nhân viên là hạt nhân trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tích cực phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Chú trọng việc phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các giá trị nhân văn, biểu dương các tấm gương điển hình trong việc thực hiện hiệu quả nội dung xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá công sở. Động viên khích lệ, lan tỏa thật nhiều những tấm gương người tốt việc tốt, tích cực bài trừ căn bệnh thờ ơ vô cảm, sống thiếu trách nhiệm trong xã hội hiện nay. Kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hoá.
Toàn thể đoàn viên, người lao động, các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên đóng vai trò trọng yếu trong phát huy sức mạnh tập thể, gia tăng nội lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy “thế trận truyền thông” theo hướng phát huy sức mạnh tổng hợp nguồn nhân lực toàn hệ thống, thông qua tổ chức tập huấn, tập hợp lực lượng cán bộ Agribank tham gia hoạt động truyền thông trên mạng xã hội, thực hiện trên các kênh số Website Agribank, Fanpage Agribank, Fanpage Tuổi trẻ Agribank và 116 fanpage “vệ tinh” của các đơn vị trong hệ thống, gần 30.000 tài khoản mạng xã hội của cán bộ người lao động, tạo hiệu ứng lan toả các chiến dịch Agribank. Gây dựng các nhóm tác giả, một số KOLs của Agribank có năng lực để đào tạo kỹ năng về viết bài, sản xuất nội dung, sáng tạo các video clip ngắn. Huy động lực lượng cán bộ đông đảo của Agribank comment, like, share các bài đăng để lan toả sâu rộng ra toàn xã hội.
Tổ chức đào tạo hoạt động truyền thông tại chi nhánh, hướng dẫn cách thức xử lý khủng hoảng truyền thông, nhận diện tình huống, phương pháp đấu tranh phòng chống thông tin xấu độc, kịp thời tập huấn văn hoá doanh nghiệp cho các cán bộ mới tuyển dụng.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với tình hình thực tiễn, trên cơ sở giữ gìn văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc đồng thời tiếp thu những thành tựu văn minh của nhân loại trong quá trình phát triển, hoà nhập nhưng không hoà tan.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành. Tranh thủ nền tảng công nghệ khoa học hiện đại, biến chúng thành công cụ hữu hiệu để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ gìn giữ, quảng bá văn hoá truyền thống đất nước cho bạn bè thế giới, lan toả tinh thần yêu nước đến các thế hệ người Việt trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam; kết nối tri thức và con người Việt Nam ra phạm vi toàn cầu; lưu giữ những giá trị cốt lõi, ghi lại vẻ đẹp của non sông đất nước, tái hiện và khôi phục các loại hình văn hoá truyền thống có nguy cơ mai một theo thời gian. Song song với đó, cần lên án, loại bỏ kịp thời những hủ tục, văn hoá bẩn, những xu hướng độc hại trên không gian mạng, kết nối với cộng đồng người Việt đang có mặt tại 130 nước và vùng lãnh thổ nước ngoài để duy trì tiếng nói chung, góp phần gìn giữ bản sắc quê hương dân tộc.
Đẩy mạnh việc đấu tranh phòng chống thông tin tiêu cực, giả mạo trên mạng xã hội, coi đây là mặt trận quan trọng của Agribank trong tình hình mới. Lan tỏa ý thức tôn trọng lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó trước những nguy cơ phản cách mạng, những quan điểm, luận điệu sai trái góp phần đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tích cực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Có thể thấy, văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Với sự phát triển toàn diện mọi mặt, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Trong xu thế hội nhập, mặt trái của kinh tế thị trường và sự ảnh hưởng vũ bão của công nghệ số đang tác động đa chiều đến văn hóa, con người Việt Nam. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải chú trọng quan tâm giữ gìn, xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp có từ ngàn đời của dân tộc, đi đôi với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, sáng tạo hiệu quả các giá trị văn hóa mới. Không chỉ riêng hệ thống Agribank, mà tất cả mỗi con người Việt Nam cần không ngừng hoàn thiện bản thân, bồi đắp và lan toả các giá trị chân - thiện - mỹ, cùng chung sức đồng lòng bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa của nước nhà, để những giá trị nhân văn tốt đẹp ấy mãi mãi trường tồn, mỗi một ngày đều nảy nở rực rỡ như hoa mùa xuân.
----------
Tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.458.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33-34.
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.64.
(4) Kết luận Hội nghị đánh giá về công tác truyền thông, thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, VB số 8708/NHNo-TTh, 2024, tr.4.
Nguyễn Thị Thu Trang