Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng còn những khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn từ nội tại của ngành.
Quá trình phát triển còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định, GDP toàn ngành qua các năm: năm 2020 tăng 3,04%, năm 2021 tăng 3,27%, năm 2022 tăng 3,36%; năm 2023 tăng 3,83%. Năm 2024, Ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%. Những điểm nghẽn nội tại của ngành mặc dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao, trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm các mặt hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp còn những bất cập.
Công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, nhất là khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh, chủ yếu sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30%; tổn thất sau thu hoạch còn cao, khoảng 10-20% do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đủ chất lượng. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa và giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.
Kết nối liên vùng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn còn rời rạc; kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics cao. Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp. Thị trường xuất khẩu khó khăn, do nhiều nước có thế mạnh nông nghiệp quay lại đầu tư lớn cho nông nghiệp, bảo hộ cho sản xuất. Trong khi các nước nhập khẩu tăng cường các hàng rào kỹ thuật và chuyển sang nhập khẩu chính ngạch.
Vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất chưa phát triển mạnh, hiệu quả chưa thật sự ổn định. Kinh tế hộ vẫn là chủ lực. Kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn.
Hợp tác xã nông nghiệp phát triển chậm và đang có nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp nông nghiệp chưa phát huy vai trò chủ đạo trong dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất; Khả năng chống chịu còn hạn chế, dễ bị tổn thất lớn khi có thiên tai.
Tình trạng lạm dụng phân bón, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước còn diễn ra, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Một số cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chậm ban hành hoặc không có nguồn lực thực hiện như: Khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với vùng nguyên liệu; thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng lao động xã hội; trong khi chất lượng lao động còn thấp, đang là áp lực lớn cho cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nông dân.
Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Các vấn đề phát triển sản xuất, thu nhập, hạ tầng cơ sở, nhất là tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét.
Phát triển văn hóa chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững ở nông thôn. Văn hóa truyền thống có lúc, có nơi bị mai một, pha tạp, làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tệ nạn xã hội nhiều nơi gia tăng, trật tự an toàn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Chất lượng y tế, giáo dục ở nông thôn còn nhiều hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo... Ô nhiễm môi trường làng nghề, điểm công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, cơ sở chăn nuôi… chậm khắc phục. Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
|
Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp; chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo chiếm khoảng 5% số hộ thoát nghèo. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp trong khi chất lượng lao động chưa cao đang là áp lực lớn cho cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nông dân. Cơ hội tiếp cận nguồn lực, dịch vụ công về y tế, giáo dục, cơ hội phát triển của nông dân còn khó khăn, chưa tương xứng với những thành quả đổi mới, phát triển chung của đất nước. Chênh lệch về khả năng tiếp cận giữa nông thôn với đô thị, giữa các vùng miền còn lớn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
|
Hiện nay, có thể đánh giá, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành. Thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển, chưa tạo sự gắn kết hiệu quả giữa nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh. Công nghệ chế biến ở trình độ trung bình so với thế giới, nhiều cơ sở chế biến sử dụng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều khó khăn. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nông hộ còn thấp. Chưa hình thành đồng bộ, đầy đủ các cơ sở dữ liệu lớn để phân tích và cung cấp thông tin về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, vật nuôi, cây trồng, thị trường... một cách chính xác và hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan: ''Chuyển đổi số là giải quyết nỗi đau của Ngành Nông nghiệp và người nông dân, xóa đi những “hố đen” của ngành. Phải xác định chuyển đổi số là một cuộc hành trình, áp dụng liên tục. Đoàn tàu chuyển đổi số còn đang loay hoay ở sân ga. Song, không thể chậm trễ hơn được".
Theo đồng chí Lê Minh Hoan, việc chuyển đổi số sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc hạ giá thành, nâng cao giá trị nông sản. Công cuộc chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn đó hạn chế. Phải xác định, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một hành trình, một cuộc tìm kiếm và áp dụng không bao giờ có điểm dừng.
Tỷ trọng số hoá trong nông nghiệp hiện nay theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông thì mới đạt 2,1%, tức là mức thấp so với thế giới. Đây là một tin vui, vì chúng ta có nhiều dư địa, nhiều cơ hội để làm, để thay đổi. Nhưng cũng là một lo lắng vì mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho Ngành Nông nghiệp trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số là đến năm 2025, tức là chỉ còn gần 2 năm nữa, ngành nông nghiệp phải đạt tỷ trọng kinh tế số là 10%.
Nghiên cứu quốc tế cho thấy, chuyển đổi số (CĐS) của Ngành Nông nghiệp sẽ cho phép lao động nông nghiệp giảm được tới 23% chi phí. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số (CNS), nhất là GPS, giảm được chi phí tới 14%. Dùng CNS để bón phân tuỳ biến theo từng loại cây trồng thì tiết kiệm được tới 12%. Lái xe tự động trong nông nghiệp cũng giúp giảm tới 13% chi phí.
Như vậy, CNS, CĐS, tự động hoá sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm được rất nhiều chi phí. Chi phí cho CNS, CĐS sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với phần chi phí tiết kiệm được. CĐS thì khó ở chỗ xây dựng hạ tầng dữ liệu và phát triển nền tảng số. Nhưng CĐS lại dễ ở chỗ dễ sử dụng và dễ phổ cập. Một phần mềm, một nền tảng số, để tại một chỗ, vận hành khai thác tại một chỗ là hàng triệu người dùng chung, hàng triệu người này lại có thể phân tán ở tất cả các xã, các thôn bản. Sử dụng nền tảng số thì dễ như là dùng Zalo không khó như là dùng các phần mềm CNTT. Như vậy, CĐS là khó ở một nơi mà dễ ở những nơi còn lại.
Ngành Nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng lại là ngành thu thập được ít dữ liệu nhất và vì vậy cũng khó quản lý nhất. Không có dữ liệu thì không có CĐS. Không có dữ liệu thì cũng không có quản lý. Có dữ liệu thì CĐS lại thành việc dễ. Cho nên, việc đầu tiên cần làm để CĐS Ngành Nông nghiệp là xây dựng các CSDL. Và việc này thì Bộ Nông nghiệp phải là người chỉ đạo xây dựng. Dữ liệu của ngành nông nghiệp thì phải là việc của ngành nông nghiệp.
Nhưng dữ liệu để tạo ra các giá trị mới, tạo ra sự tăng trưởng KTS thì lại là các dữ liệu được sinh ra hằng ngày do sử dụng, thí dụ người dân mua bán nông sản hằng ngày, tình hình sâu bệnh, mưa nắng hằng ngày của từng thôn, xã. Cách thu thập dữ liệu ở đây là thông qua các nền tảng số. Một số nền tảng số nông nghiệp dùng chung cần tập trung phát triển và thúc đẩy sử dụng là: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; Nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp; Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng... Các nền tảng số dùng chung này thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên chỉ đạo xây dựng. Các doanh nghiệp CNS Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để xây dựng các nền tảng số này.
Gốc của xoá nghèo cho nông dân là giá nông sản cao. Công nghệ cao thì tạo ra năng suất, chất lượng nhưng sản phẩm thì đại trà và vì vậy khó mà có giá cao. Nhưng mảnh đất, mảnh vườn, làng, xã, cây trồng, người nông dân thì có địa chỉ duy nhất và do vậy, có thương hiệu duy nhất. Thương hiệu thì tạo ra giá cao. Để có được thương hiệu đến từng hộ gia đình nông dân, từng cái cây thì phải truy xuất được nguồn gốc nông sản. CNS có thể giải được bài toán truy xuất nguồn gốc nông sản.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đàm phán, triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ; phát triển mạnh thị trường xuất khẩu nông sản, có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa phù hợp với luật pháp quốc tế; quảng bá, giới thiệu nông sản ở nước ngoài, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu nông sản.
Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ; tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có nông sản, sang Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn thấp, mới chỉ trên 2% quy mô dung lượng thị trường này. Mặt khác, sau 4 năm triển khai EVFTA, tỷ lệ tận dụng ưu đãi mới đạt trên 20%. Như vậy, dư địa để gia tăng xuất khẩu nông sản sang các nước, đặc biệt là EU vẫn còn.
Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp bắt đầu gắn với tín hiệu thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ lớn. Theo tổng hợp của Ngành Nông nghiệp, hằng năm có khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp; trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,7%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%).
Đây sẽ là nguồn nguyên liệu lớn tạo giá trị cho Ngành Nông nghiệp nếu chúng ta tận dụng tốt phụ phẩm này, đưa nó trở thành nguồn tài nguyên tái tạo. Từ phụ phẩm các doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm rất có giá trị như collagen hay một số thực phẩm ăn liền...
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều phụ phẩm đã được tái tạo thành sản phẩm có giá trị. Tuy nhiên có thể thấy, nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn còn lãng phí rất lớn, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường toàn cầu.
Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản của người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp đã có nhiều mô hình rất hay áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản là nguồn tài nguyên tái tạo.
Tại Việt Nam hiện nay, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, điển hình như: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông - lâm kết hợp; mô hình vườn - rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.
Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả cao như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình lúa - tôm, lúa - cá; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ, ngô - gia súc, gia cầm - cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trồng trọt - Thực phẩm - Chăn nuôi - Phân bón); mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa...
Việc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp thời gian qua đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi, trồng trọt, góp phần hạn chế sử dụng các loại vật tư nông nghiệp và tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, sạch.
Đặc biệt, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nắm bắt được các ưu điểm của nông nghiệp tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trên các địa phương đã triển khai các mô hình theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, cũng những kết quả đạt được thì vẫn chưa tương xứng với hiện trạng nguồn nguyên liệu và tiềm năng, dư địa phát triển, vẫn còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phế phụ phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn khá phổ biến.
“Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” tạo ra hạn chế của nông nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ là điều cản trở đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất sản phẩm mà còn chính là lực cản làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế.
Sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ nên quá trình triển khai thu mua nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, vì mang tính tự phát, chủ yếu tự thu hoạch nên năng suất thu hoạch còn hạn chế, đặc biệt là lúc vào chính vụ, không đủ năng lực, nhân lực nên gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tính tuân thủ quy trình trong sản xuất của bà con cũng là vấn đề hạn chế. Một số bà con chưa tuân thủ đồng đều các hướng dẫn nên có vườn đạt tiêu chuẩn, vườn chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến các rủi ro trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường.
Cũng chính sự manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm” dẫn đến người bán được hàng, người không. Đây cũng chính là vấn đề dẫn đến chưa tạo ra được nhiều vùng sản xuất lớn để có lợi thế xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân. Thực tế cho thấy, việc tập trung diện tích lớn đất, cùng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những kết quả nổi bật cho Ngành Nông nghiệp.
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thực tiễn, kinh nghiệm ở nước ta và trên thế giới ngày càng khẳng định, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn đang chứng thực là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Và quan trọng hơn nữa, thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn trên con đường mưu cầu no ấm và hạnh phúc của mình, trên quy mô toàn cầu.
|
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra. Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rời rạc; vấn đề nợ của hợp tác xã, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm.
Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít. Tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định. Nhiều hợp tác xã chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cơ hội, dư địa, tiềm năng sản xuất của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn rất lớn, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung tám nhiệm vụ trọng tâm: (1) Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách; (2) Tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; (4) Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công-tư; (5) Xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống; (6) Tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm; (7) Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo yêu cầu thị trường; (8) Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, Thủ tướng lưu ý các đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện các quy định và xác định rõ bản chất hợp tác xã; không can thiệp vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng hợp tác xã; tăng cường hậu kiểm, xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các hợp tác xã.
(Còn tiếp)
NCS. Cao Thị Phương