Xây dựng vùng quê đáng sống từ mô hình “Làng thông minh” ở huyện Long Thành
Khu dân cư Kiểu mẫu ấp An Bình.

Khu dân cư Kiểu mẫu ấp An Bình.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025

Huyện Long Thành đang nỗ lực về đích Chương trình xây dựng NTM nâng cao và một số xã đạt NTM kiểu mẫu trước năm 2025. Gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22-9-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp, các ngành của huyện đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025; ban hành các văn bản phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị. Cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực xây dựng kế hoạch, chương trình để triển khai phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị, địa phương. Ban Chỉ đạo Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Xây dựng NTM huyện, xã thường xuyên được kiện toàn, duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; ý thức, trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo được nâng cao. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp đã có nhiều chương trình hành động sôi nổi, thiết thực, góp phần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia chương trình xây dựng NTM; khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước; xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp.

Hiện nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đồng bộ, hoàn thiện; đường huyện có tổng chiều dài 121,015km đã được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 100%; đường xã có 687 tuyến với chiều dài 792,278km, trong đó, đường trục xã, liên xã có chiều dài 150,719km, đã được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 100%; đường trục thôn xóm, đường ngõ đã được bê tông hóa và cứng hóa đạt tỷ lệ 100%, không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Điện lưới quốc gia đã phủ kín đến các khu dân cư, khu sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn của ngành điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100% (có 51.327 hộ sử dụng điện). Số hộ đang sử dụng nước máy toàn huyện đạt khoảng 13,9%, các xã khu vực nông thôn đạt khoảng 8,5%. Dự kiến trong năm 2024, tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước máy tập trung bảo đảm đạt theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao là 65%. Đầu tư công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Các thiết chế văn hóa đã được sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Hiện nay tất cả các xã đã có Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng; 81/81 Nhà văn hóa ấp, khu dân cư đã đưa vào hoạt động, hầu hết các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở và các địa điểm công cộng đều có lắp đặt wifi phục vụ nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư, xây mới, nâng cấp, sửa chữa với số tiền hàng trăm tỷ đồng, thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển về quy mô, chất lượng được nâng lên, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển với nhiều hình thức, quy mô đa dạng, phong phú. Các hợp tác xã, các câu lạc bộ, tổ hợp tác, các trang trại thường xuyên phối hợp với địa phương, các cơ quan chuyên môn tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, mô hình hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức sinh hoạt định kỳ để trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi, chia sẻ các mô hình hay, tổ viên làm kinh tế giỏi; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, giải quyết những yêu cầu thực tế trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, củng cố tinh thần đoàn kết ở nông thôn làm cơ sở cho việc hình thành hợp tác xã tại địa phương. Các loại hình kinh tế, tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội như: tạo việc làm cho một lực lượng lao động lớn ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, chủ trang trại, sử dụng ngày càng hiệu quả đất đai, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.

Chương trình triển lãm, giới thiệu các giống cây trồng của doanh nghiệp tại huyện Long Thành.

Chương trình triển lãm, giới thiệu các giống cây trồng của doanh nghiệp tại huyện Long Thành.

Gần 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22-9-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn huyện có một số điểm nổi trội, diện mạo nông thôn của Long Thành có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, toàn huyện có 12/13 đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 7 khu dân cư đạt chuẩn kiểu mẫu. Dự kiến, đến cuối năm 2024, toàn huyện sẽ có 13/13 đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có từ 10 - 15 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu; ít nhất 3 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu và cơ bản đạt các tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện Long Thành mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng vùng quê đáng sống từ mô hình “làng thông minh”

Sau xây dựng NTM kiểu mẫu, Đồng Nai ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế nông thôn, hình thành những vùng quê thông minh, nâng cao chất lượng đời sống người dân hơn nữa. Vì thế, mỗi xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 có ít nhất 1 mô hình “ấp thông minh” do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. Xã Long Phước (huyện Long Thành) là một trong 3 xã trên địa bàn tỉnh được chọn thí điểm chuyển đổi số, sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Thực hiện xây dựng xã NTM thông minh năm 2024, đến thời điểm này, xã Long Thành đã đạt 6/7 tiêu chí. Nổi bật trong một số tiêu chí đạt được như:

Giao tiếp với người dân: Đài truyền thanh ứng dụng CNTT - VT phủ sóng đến 100% thôn, Bảng tin công cộng điện tử có kết nối in-tơ-nét, xã có kênh đối thoại với người dân trên cổng thông tin điện tử của xã. Ngoài ra, còn sử dụng các kênh giao tiếp khác thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook.... để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh kịp thời.

Thương mại điện tử: Hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ máy bay không người lái trong sản xuất. Hiện nay trên địa bàn xã đã chi trả lương cho cán bộ công chức đạt 100% và chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng đạt 100%;

Du lịch: Cổng thông tin điện tử của xã đã thiết lập Chuyên mục Du lịch cập nhật thông tin hình ảnh các di tích danh thắng trên địa bàn nhằm thu hút khách đến địa phương. Xã có 7 di tích lịch sử trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh. Tất cả các di tích đều có hệ thống Wifi và ca-me-ra an ninh, có mã Qr tài liệu nội dung về di tích lịch sử.

Dịch vụ xã hội: Xã có điểm bưu chính viễn thông, bưu điện văn hóa và các điểm phục vụ in-tơ-nét, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc đến 11/11 xóm, cơ quan xã, trạm Y tế và 3 trường học. Trong lĩnh vực giáo dục, đã triển khai sử dụng hệ thống phần mềm Kế toán Misa, phần mềm VNEDU giúp cập nhật quản lý lớp học tại cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.

Quảng bá thương hiệu: Đến nay, trên địa bàn Long Thành đã triển khai việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm Lươn (OCOP) và được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử được nhiều nơi trên cả nước, và nước ngoài biết đến. Hoạt động thương mại điện tử được phát triển và nhân rộng thông quan bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Faceboock, TikTok... Các kênh thông tin hiện có của xã như cổng thông tin điện tử, bảng điện tử công cộng, hệ thống đài truyền thanh thông minh, các nền tảng số… được phát huy tối đa để quảng bá, phán ánh tình hình kinh tế - xã hội, các sản phẩm đặc trưng, OCOP, sản phẩm du lịch của địa phương.

Về nội dung xây dựng mô hình thông minh nổi trội: Xã xây dựng mô hình thông minh nổi trội như mô hình hệ thống ca-me-ra giám sát thông minh đang phát huy tốt hiệu quả.

Theo lãnh đạo xã Long Phước, khi bắt tay triển khai chuyển đổi số vào thực tế đã gặp nhiều khó khăn. Người dân không dễ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cũng như e ngại vì tình trạng lừa đảo trên các kênh mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến ngày càng phức tạp. Xã đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ số; tiếp cận từng người dân, hướng dẫn họ cài đặt, sử dụng các phần mềm chuyển đổi số, phần mềm thanh toán điện tử... Lực lượng trẻ của địa phương đi tiên phong ứng dụng chuyển đổi số rồi lan tỏa dần ra cộng đồng. Trong đó, công tác vận động, tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, kiên trì.

Việc thực hiện chuyển đổi số ở xã Long Phước không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương mà thực sự có ý nghĩa lớn trong thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn đáng sống.

NTM thông minh là đưa công nghệ số vào cuộc sống ở nông thôn nhằm thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị. Chuyển đổi số gắn với NTM tập trung vào các nội dung: phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số gắn với xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có ứng dụng công nghệ số và xã hội số trong xây dựng NTM.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất