|
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được khẳng định rõ ràng trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh minh họa.
|
Từ cơ sở pháp lý
Các quyền tự do ngôn luận, báo chí đã được khẳng định ngay trong Điều 10, Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) cũng như các bản Hiến pháp sau này của Việt Nam. Các quyền hiến định đó được thể chế hóa trong nhiều văn bản qui phạm pháp luật.
Cụ thể, Luật Báo chí có ghi rõ các điều khoản về bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí và Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí. Báo chí và nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức và cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình trong nước và thế giới; tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không phải kiểm duyệt; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, phát biểu ý kiến, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại.
Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc đăng, phát sóng các tác phẩm, ý kiến của công dân, trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời khiếu nại, tố cáo, ý kiến đóng góp…
Cần nhấn mạnh rằng, mỗi nước, do bản chất của chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, điều kiện lịch sử đặc thù, tình hình cụ thể trong nước và quốc tế, mà định ra các luật của mình tương thích với nhu cầu thực tế phát triển của đất nước. Do vậy, luật báo chí của các quốc gia, các khu vực khác nhau sẽ không giống nhau và trong các thời kỳ lịch sử khác nhau cũng khác biệt nhau. Chính vì vậy, nội hàm cụ thể của quyền tự do báo chí, xuất bản, thông tin cũng khác nhau ở các nước.
Tuy nhiên, tất cả các quyền này, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không phải là các quyền tuyệt đối, không giới hạn, mà là các quyền có giới hạn. Giống như ở nhiều nước, Luật Báo chí của Việt Nam cũng ghi rõ những điều không được thông tin trên báo chí.
Cụ thể, báo chí không được kích động nhân dân chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác; không được tiết lộ bí mật Nhà nước; không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Để quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc và toàn diện, các luật, văn bản dưới luật ngày càng được hoàn thiện để bảo đảm quyền này được thực hiện trên cơ sở luật pháp. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nghiêm cấm những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Đến thực tiễn sinh động
Những thành tích của Việt Nam về in-tơ-nét trong những năm qua rất ấn tượng.
Một là, chuyển đổi số theo hướng Chính phủ kiến tạo, tăng cường minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15-6-2021 ban hành Chiến lược Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.
Các văn bản trên đề ra giải pháp đột phá là sử dụng nền tảng và định hướng mở để thúc đẩy phát triển chính phủ số, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ thông tin giữa các vùng miền, giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý báo chí, thông tin trên in-tơ-nét.Triển khai quyết liệt, đúng tiến độ Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, hướng tới một nền báo chí lành mạnh, nền tảng cho việc đổi mới mô hình và tổ chức, quản lý nền báo chí nhằm phát triển xã hội thông tin, cũng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn báo chí trước sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay.
Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng, nhằm tránh tình trạng bát nháo, báo hóa trang thông tin điện tử, mạng xã hội (MXH), để quản lý tốt hơn các MXH và quản lý tốt hơn dịch vụ thông tin xuyên biên giới.
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành việc sơ kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí, Luật Xuất bản, trên cơ sở đó, sẽ báo cáo Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong giai đoạn 2023 - 2025 nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy phạm pháp luật, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí.
Ba là, bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 24-3-2020 về tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025” theo Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đóng vai trò như một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.
Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia được Liên hiệp quốc đánh giá cao về kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Bốn là, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đưa thông tin về cơ sở nhằm tăng cường hoạt động thông tin và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24-7-2015 phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020; Quyết định số 467/QĐ-TTg ngày 25-4-2019 về tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo kết hợp với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về thông tin, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20-1-2020 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin tăng tiếp cận thông tin ở cơ sở; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15-6-2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế… tới từng người dân để phục vụ quyền của người dân tốt hơn; tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tính đến năm 2020, Việt Nam đã hỗ trợ đầu thu số cho 1,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia để người dân được tiếp cận thông tin, tri thức trên mạng và sử dụng dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ người dân tộc thiểu số truy cập in-tơ-nét ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ gián tiếp tại các trường học, bệnh viện là 5.435 điểm. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia sẽ được miễn cước cho 1 thuê bao điện thoại cố định trả sau. Ngư dân Việt Nam trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển sử dụng dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống tổng đài thông tin duyên hải để phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn được áp dụng giá cước là 0 đồng/phút.
Năm là, tăng cường công tác quản lý, điều hướng thông tin trên mạng, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc trên môi trường mạng in-tơ-nét, làm việc yêu cầu với Facebook, Google loại bỏ thông tin xấu độc trên MXH có đông người dùng Việt Nam. Thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, xử phạt đối với các vi phạm của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản; chấn chỉnh tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, buông lỏng quản lý trong hoạt động liên kết trong báo chí và xuất bản; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật; yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí tự nâng cao trách nhiệm, phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Sau khi Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) được thành lập năm 2021, đến tháng 11-2022, đã tiếp nhận 5.007 phản ánh tin giả, công bố dán nhãn 50 tin giả, 2 website giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an và website tra cứu giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; 2 fanpage giả mạo báo VnExpress, báo Tuổi trẻ online; yêu cầu MXH nước ngoài xử lý gỡ bỏ 540 tin giả.
Tính đến tháng 9-2022, số lượng người dùng in-tơ-nét ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng MXH ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng in-tơ-nét cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. |