Cơ Tu là một dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở phía Bắc dãy Trường Sơn, tập trung nhiều nhất là ba huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam và một số ít ở tỉnh Thừa Thiên Huế, nước bạn Lào, mà trong quá trình hình thành và phát triển vẫn còn lưu giữ được khá đầy đủ bản sắc văn hóa của mình. Chính việc gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc, được di truyền và thích ứng với cuộc sống mới, cùng tính cộng đồng chặt chẽ, đồng bào Cơ Tu đã dựng lên những bản làng văn hóa, an ninh, an toàn, không có tệ nạn xã hội.
|
Đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Quảng Nam dệt thổ cẩm tại làng Pơr’ning, xã Lăng, Tây Giang, Quảng Nam.
|
1. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe cho biết, theo tác giả Briu Liếc trong cuốn Pra Cơ Tu, người Cơ Tu đi vào vùng đất Quảng Nam cũng khoảng 600 năm. Chưa có có nghiên cứu nào kết luận về sự hình thành của người Cơ Tu, cũng không có truyền thuyết hay huyền thoại về sự xuất hiện của họ, nhưng họ lại có những huyền tích về sự hình thành của vũ trụ. Như vậy khái quát chung về văn hóa của người Cơ Tu là văn hóa của người miền núi miền tây Quảng Nam.
Theo số liệu thống kê năm 2004, riêng tỉnh Quảng Nam có 42.558 người Cơ Tu, đứng hàng thứ hai về dân số sau người Kinh, họ có vai trò rất quan trọng trong phát triển vùng chiến lược phía Tây của tỉnh.
Đồng chí Tào Viết Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam khi nói về văn hóa Cơ Tu cũng tỏ ra vô cùng phấn khởi: Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng đông nhất là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Điều đặc biệt ấn tượng đó chính là tính cộng đồng gắn bó trong cư trú của người Cơ Tu rất bền vững. Tâm lý của mỗi thành viên đều muốn cư trú gần nhau để "khi tối lửa, tắt đèn có nhau". Đặc tính này khiến cộng đồng người Cơ Tu có tính gắn bó, kỷ luật, kỷ cương vô cùng chặt chẽ. Họ có chữ viết, có ngôn ngữ, những nét văn hóa bản làng, cộng đồng rất riêng. Về nghệ thuật thì họ có điệu múa rất nổi bật “Tung tung, da dá”, đồng thời có làng nghề thổ cẩm, Gươl truyền thống. Đây là một nét đặc sắc như bao đồng bào khác tuy nhiên trong Gươl lại có những nét tinh tế riêng, được những người đi trước truyền lại cho con cháu nối tiếp.
2. Gươl - theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là nhà cộng đồng, là nét văn hóa đặc sắc nhất và là biểu tượng văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Già làng Bhriu Pố, từng là giảng viên đại học, người có uy tín trong đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng, huyện Tây Giang giải thích: Gươl theo định nghĩa của người Cơ Tu, đó là ngôi nhà chung của làng, do làng làm ra. Khi người Cơ Tu muốn lập làng ở một vùng đất nào đó, thì mỗi gia đình sẽ lập nhà riêng của mình, rồi tất cả sẽ họp làng, báo cáo già làng để tập trung toàn bộ lực lượng trong làng để xây Gươl của mình. Không gian nhà Gươl được bố trí hài hòa, thể hiện tính thẩm mỹ và đầy tính biểu tượng qua nghệ thuật điêu khắc tinh sảo hình thù các con vật, mặt nạ mà theo họ có khả năng xua đuổi thủ dữ, cái xấu, đem lại sự bình yên cho làng. Gươl cũng là nơi diễn ra những sinh hoạt chung của cộng đồng, đồng thời thể hiện rõ nhất thẩm mỹ và trình độ kiến trúc, điêu khắc của đồng bào. Đồng bào Cơ Tu điêu khắc lên nhà Gươl những gì mà họ thấy trong đời sống sinh hoạt của mình. “Mục đích để giáo dục con cái và bảo vệ môi trường vì mọi giá trị văn hóa người Cơ Tu đều gắn với mẹ rừng”, anh Pơloong Plenh, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam chia sẻ. Kết cấu của Gươl có một trụ to ở chính giữa (gọi là rmăng), xung quanh nhiều trụ nhỏ kết nối với nhau thành hệ thống vững chắc. Cây cột trụ này khẳng định uy quyền, sự lớn mạnh của bản làng này với bản làng khác. Nhìn vào cây cột trụ của Gươl chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của ngôi làng đó, đồng thời thể hiện sự đoàn kết của người Cơ Tu “trăm người như một”.
Leo lên một cầu thang gỗ, bước vào Gươl, là không gian mang đậm màu sắc núi rừng với những bức tượng điêu khắc gỗ hình các con vật, nhạc cụ… Sạp nhà làm bằng gỗ và tre nứa chắc chắn, đủ rộng để làm hội trường đón bà con cả làng những khi già làng công bố chuyện quan trọng, hội họp hay dịp cả làng chuẩn bị những lễ hội truyền thống.
Đối với đồng bào Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn huyền thoại trong đó có các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thì công trình Gươl như một bảo tàng sống. Ngồi trong không gian Gươl khang trang với nhiều hình điêu khắc tinh xảo, được coi như là độc bản, già làng Bh, riu Pố say sưa kể về giá trị của không gian cộng đồng đặc biệt của đồng bào mình. Theo già làng, trước đây mỗi Gươl còn là một đồn lũy, là nơi chứa nhiều vũ khí dân làng tự chế để làng chống lại thú dữ và kẻ xấu vào làng. Giờ thì Gươl không còn bó hẹp việc cúng Giàng, thờ Giàng, thờ cúng ông bà tổ tiên mà đã mở rộng cho các hoạt động cộng đồng, không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng đã được thoải mái sinh hoạt, hội họp ở Gươl. Gươl vừa là sân khấu để đồng bào nhảy múa, đánh đàn, hát hò; là nơi hòa giải giữa làng này với làng kia, hoặc bất đồng giữa các gia đình. Gươl cũng là chỗ tá túc cho những người già neo đơn không nơi nương tựa, những thanh niên chưa vợ cũng có thể đến tá túc ở đây.
|
Với người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên.
|
3. Người Cơ Tu quan niệm, trong làng có bao nhiêu người mất đi thì linh hồn vẫn còn ở lại trong làng, nên trong nhà họ thường có những điều kiêng kị kỹ lưỡng như không được chặt chém đồ vật, không được vệ sinh tầm bậy, tầm bạ; không được chửi bới… Điều này cũng khiến người Cơ Tu sinh hoạt nền nếp, nhà của đồng bào sạch sẽ, ngăn nắp và rất qui củ.
Thiếu tá Ngô Văn Thìn, Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết, với tính kỷ luật cao của đồng bào Cơ Tu, hiện Tây Giang đang là “vùng xanh” về ma túy, “xã biên giới sạch về ma túy”, “huyện biên giới sạch về ma túy”.
Nhận thức được rõ giá trị to lớn của việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ Tu, UBND huyện Tây Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/HU, ngày 10-9-2014 “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tây Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”. Từ đây, rất nhiều giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu đã được sưu tầm như dụng cụ lao động sản xuất, trang phục truyền thống, dụng cụ săn bắt, tượng điêu khác (nhà mồ, tượng người…); mô hình làng truyền thống: Gươl lớn, Nhà dài (di chuyển được căn nhà dài lớn nhất, trước là nơi ở của 150 khẩu với 30 bếp ăn nối liền với nhau về Làng truyền thống Cơ Tu tại trung tâm hành chính huyện), Nhà sàn, tượng người, bộ thuyết minh mô hình làng truyền thống… Đã khôi phục được 4 làng truyền thống Cơ Tu đó là: Làng Pơr’ning (xã Lăng); Làng truyền thống Cơ Tu tại Trung tâm Hành chính huyện; Làng truyền thống điểm dừng chân Azứt (xã Bhalêê); Làng sinh thái Di sản Pơmu; bảo quản và gìn giữ khu danh thắng Ruộng bậc thang Chuôr, Địa đạo Axoò, địa danh có giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống Làng truyền thống Cơ Tu…
Đặc biệt, Làng du lịch văn hoá cộng đồng Ta Lang xã Bhalêê được đưa vào hoạt động năm 2019 đã thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ giao lưu văn hoá truyền thống và lưu trú…
Văn hoá giữ rừng giữ làng của người Cơ Tu cũng được lưu giữ góp phần bảo vệ và gìn giữ diện tích rừng tự nhiên cũng như các loại cây cổ thụ lâu năm và đã vinh dự được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam như Pơmu, Đỗ Quyên, Giỗi, Đa và đang khảo sát và hoàn thiện các thủ tục công nhận rừng Lim…
Bên bếp lửa hồng, các già làng say sưa kể cho chúng tôi về những năm tháng trai trẻ, đi khắp mọi miền để trình diễn những nhạc cụ của người Cơ Tu với vẻ mặt hứng khởi. Nhưng sau những phút hứng khởi ấy, trên khuôn mặt các già làng là một chút đượm buồn. Các già làng ở đây tâm sự rằng, người Cơ Tu rất sợ thất truyền các nhạc cụ truyền thống. Nỗi lo ấy không phải là không có cơ sở, vì lớp trẻ Cơ Tu hiện nay phần lớn không biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ của dân tộc mình. Hơn nữa lại có sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại qua in-tơ-nét, mạng xã hội. Bởi vậy, cùng với chính quyền địa phương, các già làng vẫn cần mẫn kêu gọi và nỗ lực truyền dạy cho các thanh niên trai trẻ trong làng của mình cách chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào làm nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững.
Quang Minh