Lãnh đạo Công ty Yazaki Meguro tặng sách cho học sinh Trường THCS Dĩ An (Bình Dương).
Dân nguyện và dân quyền về giáo dục
Chưa mấy ai xác quyết được việc dạy học có từ bao giờ. Ý nguyện muốn hiểu biết, được khai minh có vẻ như đã được ra đời cùng lúc, hoặc là có trước hành động giáo dục. Nói theo cách hiện đại ngày nay, thì dân nguyện sinh ra giáo dục. Sự "sinh ra" này là tự nhiên, thoạt đầu là tự nhiên, hồn nhiên sau đó mới là do ý thức. Dẫu thế nào thì dân nguyện vẫn là thuộc tính bẩm sinh của giáo dục.
Càng về sau, những điều con người cần biết hay nói cách khác, khát vọng hiểu biết của họ càng sâu và rộng, mở sang cả một thế giới kiến thức về đời sống xã hội, quan hệ con người với tự nhiên, con người với con người… Bấy giờ, người dạy - người thực hành giáo dục không chỉ là ông bà, cha mẹ nữa mà còn là những người thông thái trong làng xã; và người học cũng không chỉ là con trẻ mà cả những người lao động lớn tuổi.
Trong hàng nghìn, hàng vạn năm ra đời và phát triển của giáo dục đã có hiện tượng không xuôi chèo mát mái. Xã hội loài người phát triển đến giai đoạn có phong tục, tập quán, tôn giáo, thần quyền rồi có cả nhà nước - người cai trị và kẻ bị trị, thì dần dần xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng lợi dụng đức tin và tôn giáo, lợi dụng quyền lực ở người thống lĩnh, cai trị để có lợi cho mình. Câu hỏi tại sao của muôn dân lúc này không dừng lại ở việc muốn được giải thích thực tại, mà hướng tới việc tìm ra căn nguyên xã hội. Từ đó, người ta nhận ra được lợi thế của tri thức, của hiểu biết một cách cụ thể hơn: Ai có hiểu biết nhiều và sâu sắc, thì người đó dễ có khả năng dẫn dắt chứ không chỉ nhà cầm quyền.
Việc giác ngộ ra chân lý này dẫn đến “hệ lụy” tày trời: Người cầm quyền muốn cho dân ngu tối đi để dễ cai trị; còn dân chúng thì cố nhiên, không chịu tăm tối mãi. Giáo dục trở thành chiến trường! Thời Trung cổ ở châu Âu đã chứng kiến cái chết thảm khốc đối với các nhà khai sáng, các thầy giáo, thầy thuốc tận tụy dưới những ngọn lửa thiêu hay lưỡi giáo, lưỡi gươm của các lãnh chúa với sự tiếp sức của Nhà thờ. Còn ở phương Đông thì hàng loạt những tài năng trên các lĩnh vực thường bị triều đình mua chuộc, mua chuộc không được thì hãm hại bằng đủ cách. Hơn thế, những gì họ viết ra trên thẻ tre, trên giấy hay tạc ở các đình, chùa đều bị thiêu rụi và đập nát.
Tuy nhiên, chưa có một thế lực nào đàn áp được quyền được học tập của con người. Dân chúng nơi nơi đòi được sống bình ổn, bình đẳng, đòi có việc làm để thoát nghèo, đòi có nơi ăn, chốn ở, phải chăng... giờ có thêm một đòi hỏi nữa, là đòi được học hành, đòi có một nền giáo dục có khả năng làm cho ai ai cũng được đến trường mà tiến bộ... Dân quyền trong giáo dục cũng là một sự phát triển của giáo dục, đồng thời, nó báo hiệu: giáo dục đã thoát ra khỏi khuôn khổ của gia đình, khuôn khổ làng xã... để trở thành một hoạt động có quy mô rộng lớn hơn, và đương nhiên, sẽ có hiệu ứng, hiệu quả to lớn và cơ bản hơn đối với mỗi nhà và toàn xã hội. Tìm hiểu lại lịch sử giáo dục trong lịch sử văn minh nhân loại, ta có dịp thấu hiểu rằng: nhà nước nào có các kế sách thích hợp đáp ứng được nguyện vọng học hành, quyền được mở mang hiểu biết của dân chúng (trong đó có những mầm mống tinh hoa), thì quốc gia đó dần dần hưng thịnh vững bền.
Động lực tạo ra đột phá
Từ xa xưa, dạy trẻ vốn là công việc của mỗi gia đình, ít lâu sau, mới thành việc của cộng đồng nhỏ là làng thôn. Đến khi các quan chức và bộ phận cấp tiến, tinh hoa của xã hội truyền đi lời của đại thần, hoàng đế, rằng "hiển tài là nguyên khí quốc gia" (hiền tài thời đó, chủ yếu - phần lớn, là người có học thức được cắt cử làm quan cai trị), thì công cuộc giáo dục như được bật đèn xanh mà phát triển. Tuy nhiên, từ ý tưởng đẹp đẽ đến thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa.
Nhân dân với một số người thức thời lại chủ động đứng ra. Họ tự nguyện góp ruộng, vườn nhà, bán bớt gia sản lập quỹ - ngày nay ta gọi là quỹ khuyến học. Một số hào phú và thợ giỏi có vốn, một số công thương gia cũng làm theo. Thiếu niên và thanh niên ở các tỉnh có tiếng là đất học như Hải Dương - Nam Định, Nghệ An - Hà Tĩnh, Quảng Nam - Quảng Ngãi, Gia Định - Đồng Nai... đã được nhờ. Nhiều người do được động viên và chu cấp mà học hành đến nơi, đến chốn, đỗ đạt chính danh, vừa thoát nghèo, lại được làm quan trong triều, ngoài hạt, lại giúp đỡ họ hàng, quê hương... Các tỉnh vừa kể trên và một số tỉnh, thành phố khác đã có thêm nhiều người phương trưởng, một phần đáng kể, là do bản thân cố gắng trui rèn, bên cạnh đó là được bà con góp tiền của, động viên, nhắc nhở.
Đầu thế kỷ XX ở nước ta có phong trào Đông Du - Duy Tân do Phan Bội Châu (1867-1940) khởi xướng. Nhằm chấn hưng dân tộc, giải phóng đất nước, theo lời kêu gọi và tổ chức của nhà cách mạng này, nhiều thanh niên ở Nghệ An đang theo học ở trường tư thục Nguyễn Thức Tự (một trường được tổ chức theo cách xã hội hóa giáo dục) đã được họ hàng bí mật quyên góp tiền bạc để sang Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, trước là học kỹ nghệ, công thương, sau lại học cả binh pháp và lập căn cứ địa, lập đội quân chờ thời về Việt Nam đánh Pháp. Xã hội hóa giáo dục với Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du - Duy Tân - Quang Phục hội đã góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực cho cách mạng. Giáo dục trong phong trào yêu nước này đã có nội dung mới mẻ và có đóng góp thật quý giá.
Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, lại phải đương đầu với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, vận nước muôn vàn khó khăn… thì may thay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước này đã kịp thời phát động cuộc cách mạng nâng cao dân trí quốc gia bằng việc làm đầu tiên, thiết thực là mở ra phong trào Bình dân học vụ. Hàng triệu dân cày và thợ thuyền đã đua nhau học từ mỗi con chữ rồi ghép vần dần thành tên cha, tên mẹ, tên mình, tên làng, tên xóm rồi viết được thư cho người ra trận, đọc được công văn, chỉ thị của cấp trên…
Phong trào Bình dân học vụ này quả đã đáp ứng được quyền học tập để nâng cao hiểu biết ở mỗi người. Nền dân trí của cả quốc gia đã được nâng cao một bước. Lịch sử giáo dục Việt Nam và cuộc kháng chiến, kiến quốc của Việt Nam đã khẳng định rằng: Một khi dân quyền trong giáo dục được phát động và thực hiện thì vận mệnh của quốc gia đã trở nên vững bền.
Giờ đây, xã hội hóa giáo dục không còn là một phong trào, mà đã thực sự là đường lối và quốc sách. Đại hội VIII của Đảng nêu rõ: “Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội”. Đặc biệt, để cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Đại hội XI về xã hội hóa giáo dục, Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã ra đời, xác định rõ: “Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học... Đối với các ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến khích tài năng”. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội”.
Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã xác định rõ tại Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học: "Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học". Theo đó, đã có nhiều mô hình trường lớp được phát triển, nhiều công đoạn - lĩnh vực chuyên môn của ngành giáo dục cũng đã hoạt động theo hướng nhà nước và nhân dân (với các thành phần kinh tế khác nhau) cùng làm. Việc có thêm các đoàn thể như Hội Giáo chức, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... cùng tham gia công tác giáo dục đang đặt ra yêu cầu phối hợp sao cho nhịp nhàng.
Xã hội hóa giáo dục ngày nay đã tạo ra nhiều thành tựu mới cho ngành và cho cả xã hội. Xã hội hóa đã thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục theo nhiều hình thức, như: công nhận văn bằng, thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo theo hình thức liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc theo hình thức 100% vốn nước ngoài để thực hiện các hoạt động giáo dục cho người nước ngoài hiện đang công tác có thời hạn tại Việt Nam; giáo dục bậc THPT cho người nước ngoài và người Việt Nam… Hệ thống giáo dục quốc dân được đa dạng hóa, từng bước xây dựng được xã hội học tập. Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề và giáo dục đại học ngoài công lập trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả, phát triển loại hình trường, lớp chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Trong những năm gần đây, nhờ chính sách xã hội hóa giáo dục, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, xây dựng trường, cơ sở đào tạo đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành mình và góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực, xã hội hóa giáo dục cũng đang đặt ra cho Nhà nước và toàn dân nhiều vấn đề cần quan tâm tháo gỡ.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện vẫn còn tình trạng chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. Nhiều năm trở lại đây, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của xã hội hóa trong cải tạo cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (như gắn màn hình đa chức năng, bảng tương tác, phòng học ngoại ngữ…), hỗ trợ trả lương cho đội ngũ lao động không có hoặc có nhưng không đủ biên chế, không thể trả lương từ ngân sách nhà nước (như giám thị, giáo viên tư vấn tâm lý, giáo viên năng khiếu, giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, nhân viên phục vụ, bảo vệ…). Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng về xã hội hóa giáo dục bởi lẽ nếu không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp, thậm chí lạm thu khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục.
Làm thế nào để gỡ nút thắt?
Theo ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP. Hồ Chí Minh, cấp quản lý cần có thêm hướng dẫn để các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa nguồn thu xã hội hóa, bảo đảm sự công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm thu mỗi đầu năm học, làm xấu đi mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh. Trong đó, cần biểu dương những cách làm tốt, vận động tài trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội như doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hội cựu học sinh…
Để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 16 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có hiệu lực từ ngày 18-9-2018. Theo quy định mới, các trường học được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung như trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục hay hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, không được vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ… Tài trợ cho giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc tài trợ để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục tại đơn vị.
Tùng An, Ngọc Minh