Rời Hà Nội, xe chúng tôi bon bon hơn 160km ngắm “núi tiếp núi, mây liền mây/ Đây đèo gió, đó đèo mây/ Lần Sông Cầu ta đi về Bắc Kạn”.
Hơn 10 năm trước, Bắc Kạn là tỉnh nghèo nhất Tây Bắc, kinh tế chậm phát triển, quy mô nhỏ bé, kết cấu hạ tầng yếu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Về Bắc Kạn lần này, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nền sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thúc đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh khởi sắc. Tỉnh phát triển các sản phẩm chế biến đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và thay đổi rõ rệt cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các nghị quyết chuyên đề với nhiệm vụ xuyên suốt trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp là “tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiệm kỳ qua ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh tăng trưởng bình quân 2,4%/năm. Bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản và tổ chức sản xuất có liên kết.
Đảng bộ tỉnh xác định trồng rừng là một trong những trọng tâm để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh. Các cấp ủy đảng đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh tuyên truyền, người dân dần thay đổi nhận thức và đã chủ động đầu tư, chăm sóc, chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh trồng được 32,7 nghìn ha rừng, đạt 107% kế hoạch, là tỉnh có tỷ lệ rừng che phủ lớn nhất cả nước. Trong đó, diện tích trồng gỗ lớn đạt 17.619ha, đạt 117% so với kế hoạch; thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC cho 322 chủ rừng với tổng diện tích là 821ha. Công tác chăm sóc, giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng được thực hiện đúng quy định. Quản lý, bảo vệ rừng cơ bản được thực hiện tốt. Thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm quản lý, sử dụng, khai thác rừng theo đúng quy định của pháp luật đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 72,9%, vượt kế hoạch đề ra, tăng 15,1% so với năm 2010. Khai thác gỗ rừng trồng được thực hiện tốt, đúng quy định, cả tỉnh đã khai thác hơn 1,6 triệu m3 gỗ, đạt giá trị trên 700 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm đầu ra bước đầu đã có sự gắn kết với các nhà máy chế biến lâm sản, đồng thời tạo lợi thế để thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến lâm sản.
Ở huyện Bạch Thông, hằng năm có trên 10 nghìn ha rừng tự nhiên được giao khoán cho các cộng đồng dân cư và hộ gia đình bảo vệ bằng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, mang lại thu nhập cho người dân địa phương với tổng số tiền là 12 tỷ 777 triệu đồng, bình quân mỗi năm 2 tỷ 555 triệu đồng. Phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tổ chức 7 cuộc diễn tập, trong đó có 1 cuộc diễn tập cấp huyện.
Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh ưu tiên phát triển các cây trồng lợi thế. Giai đoạn 2011-2015, mở rộng diện tích cây đặc sản như cam, quýt, hồng không hạt (sau 5 năm diện tích tăng gần 2 lần); phát triển cây dong giềng, khoai môn thành cây thế mạnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung thực hiện các chính sách giúp thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, hình thành thương hiệu đặc trưng của sản phẩm nông sản Bắc Kạn gắn với chế biến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Một số diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 4.319ha. Các giống lúa đặc sản, chất lượng cao góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tỉnh đã hình thành một số vùng trồng rau chuyên canh; phát triển diện tích cây trồng gắn với chứng nhận VietGAP, điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ. Cả tỉnh có hơn 9% diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ. Hơn 6% diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, 7 mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) đã thu hút được hơn 90 tổ chức, cá nhân tham gia. Đến nay tỉnh đã có 107 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, vượt so với mục tiêu đề ra và là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về thực hiện Chương trình OCOP. 56 sản phẩm được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso…; 9 sản phẩm được ký kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị Big C, Vinmart và một số cửa hàng tiện ích trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ở nhiều tỉnh, thành phố của cả nước.
Những năm gần đây, huyện Chợ Đồn đã quy hoạch và phát triển được một số vùng trồng cây đặc sản như cam, quýt tại khu Đông (xã Đông Viên, Rã Bản, Phương Viên), hồng không hạt tại khu Bắc (xã Đồng Lạc, Tân Lập, Quảng Bạch), chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc… Huyện Chợ Đồn đã có 14 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh; một số sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước như gạo Japonica, cơm cháy gạo nếp nương, bún khô…
Năm 2019, huyện Chợ Mới đã chủ động mời Viện Sinh học nông nghiệp, Công ty ORION VINA và nhiều doanh nghiệp liên kết triển khai phát triển vùng nguyên liệu khoai tây hàng hóa với diện tích 40ha tại một số xã, thị trấn trên địa bàn, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Thực hiện thành công chuỗi bí xanh, bí hồ lô và rau, chuỗi liên kết phát triển cá nước ngọt; chuỗi ớt với diện tích 20ha được triển khai tại xã Cao Kỳ và các xã phía đông của huyện; chuỗi mơ với quy mô 170ha cung cấp nguyên liệu cho Công ty MISHAKY Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Thanh Bình để chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Mỗi năm Công ty tiêu thụ hơn 1.000 tấn mơ quả để chế biến sản phẩm xuất khẩu. Công ty đang tiếp tục mở rộng chế biến thêm nhiều loại rau, quả khác. Việc tiêu thụ thuận lợi vì nhà máy nằm ngay trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, đưa hàng về Hà Nội chỉ mất hơn một giờ xe chạy. Toàn huyện hiện có 15 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng 3 sao như: Chè Shan tuyết, măng khô, mật ong hoa rừng, trà mướp đắng, chuối sấy dẻo…
Đảng bộ huyện Na Rì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế địa phương, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi. Tính đến tháng 12-2019, huyện có 43 tổ hợp tác, 29 HTX. Tháng 8-2020, sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã được xuất khẩu sang châu Âu. Số thành viên tham gia HTX là 286, bình quân 10 thành viên/HTX; tổng số vốn điều lệ 18 tỷ 917 triệu đồng, bình quân 650 triệu/HTX. Thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động ước đạt trên 3,5 triệu đồng/tháng.
Cây nghệ ở Bắc Kạn dần trở thành cây trồng có giá trị, giúp hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa. Tỉnh ban hành Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị nghệ giai đoạn 2020-2022. Việc triển khai trồng nghệ ở tỉnh thuận lợi, nhất là tại các xã vùng cao huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông. Trồng nghệ hữu cơ đang là hướng đi bền vững giúp nhiều hộ dân có đời sống khá hơn, nhất là khi bà con nơi đây thành lập tổ hợp tác và tham gia mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Nghệ được tiêu thụ ổn định ngay trong tỉnh, là nguyên liệu cho sản xuất tinh bột nghệ, curcumin nghệ, nghệ sấy... Giống nghệ vàng của Bắc Kạn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất hơn 4 tấn/ha, thành phần curcumin cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
5 năm qua, các cấp ủy đảng tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thường xuyên chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng, tín nhiệm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực. Diện mạo của Bắc Kạn đã dần đổi thay.
Có được kết quả đó là do Đảng bộ tỉnh đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên từ nội lực trên cơ sở vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tranh thủ và phát huy mọi nguồn lực để tập trung phát triển; chủ động đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước, nhất là những địa phương, đơn vị có thế mạnh trong phát triển kinh tế. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng ở cơ sở. Đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu, là trung tâm đoàn kết, có khả năng tập hợp, quy tụ trí tuệ tập thể; dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Khi xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã làm tốt công tác dự tính, dự báo có căn cứ và phương pháp khoa học, khách quan, bám sát thực tiễn và được phản biện theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện luôn bảo đảm công khai, minh bạch nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Biết vận dụng sáng tạo khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; đồng thời nghiên cứu, đề ra những giải pháp khả thi để thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm kéo dài không để phát sinh thành điểm nóng. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình sáng tạo trong nhân dân.
Tự hào phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; tìm tòi, sáng tạo, quyết tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp, ấm no… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định một trong 4 chương trình trọng tâm là: Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Với hướng đi đúng, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, tin rằng Đảng bộ tỉnh sẽ lãnh đạo để Bắc Kạn vững bước đi lên, đem lại hạnh phúc, ấm no cho người dân.
Nhị Hà