|
Anh Lý A Di, Trưởng điểm nhóm sinh hoạt Hội thánh Tin Lành ở Pờ Ngài (Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ với bà con về tư tưởng kính Chúa, yêu nước, yêu thương lẫn nhau. Ảnh: Hữu Chánh.
|
Từ năm 1987 đến nay, đạo Tin lành, Công giáo, Phật giáo và một số tôn giáo khác xâm nhập vào vùng DTTS của tỉnh Lai Châu. Từ trước đến nay, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện và hướng dẫn chấp hành đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Cơ bản các tôn giáo hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo và chấp hành pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp khi các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”... để kích động, chống phá; tuyên truyền, lôi kéo đồng bào DTTS theo đạo Tin lành và các tà đạo, đạo lạ với mục đích tôn giáo hóa dân tộc; tuyên truyền lôi kéo một bộ phận người dân tộc Mông tham gia hoặc trốn ra nước ngoài tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông”; lợi dụng việc giải phóng mặt bằng, giải tỏa, di dân tái định cư... để kích động quần chúng khiếu kiện gây ảnh hưởng đến ANTT; lợi dụng đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn, hiểu biết còn hạn chế và nguồn gốc dân tộc, tâm lý dễ tin, dễ ngờ, nhẹ dạ cả tin để tuyên truyền, kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật...
Những kết quả tích cực
Thời gian qua, lực lượng Công an Lai Châu nói riêng, các cơ quan, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ có hiệu quả người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc tham gia bảo vệ ANTT vùng DTTS.
Theo đó, các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức hội nghị gặp mặt, tọa đàm, và các buổi họp bản, tiếp xúc, tranh thủ, phổ biến cho quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và bảo vệ môi trường; phổ biến về âm mưu “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo" của các thế lực thù địch; phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, kỹ năng hòa giải, phòng chống các loại tội phạm... đồng thời tuyên truyền, cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương, trong nước, thông tin một số tình hình thời sự quốc tế.
Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc để họ tích cực tham gia vận động người thân, gia đình, bản làng chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác; tham gia tố giác, đấu tranh lên án với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời duy trì các mô hình tự quản (gia đình, dòng họ tự quản; gia đình, bản văn hóa; bản không có ma túy, tệ nạn xã hội; tham gia tích cực chương trình nông thôn mới; xây dựng khu dân cư an toàn; điểm nhóm tôn giáo sinh hoạt thuần túy, chấp hành pháp luật...); tích cực hưởng ứng các phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, cảnh giác không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kể xấu, không tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông”, tuyên truyền vận động người dân không theo tà đạo, đạo lạ, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo ANTT ngay tại cơ sở.
Để động viên, khuyến khích số quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành quả của cách mạng Việt Nam vùng biên cương Tổ quốc, hằng năm lực lượng Công an đã phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, tặng quà cho số quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín và tổ chức cho họ đi học tập kinh nghiệm thực tiễn, tham quan tại các địa phương, qua đó đã rút ra được nhiều kinh nghiệm hay, áp dụng vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn ANTT.
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng Công an đã tham mưu mở 5 hội nghị gặp mặt 490 lượt người uy tín, trưởng các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo; tiếp xúc, gặp gỡ, tặng quà, động viên hơn 10.000 lượt quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín tham gia tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; tặng quà hơn 3.000 lượt quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín ở cơ sở để phục vụ công tác vận động quần chúng và bảo đảm ANTT ngay tại xã, bản.
|
Tại các điểm sinh hoạt tôn giáo, bà con tín đồ có nơi chốn sinh hoạt cộng đồng, vừa được nâng cao nhận thức về tư tưởng kính Chúa, yêu nước, yêu thương lẫn nhau, vừa được tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Hữu Chánh.
|
Các ban, ngành chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xác định những vấn đề nổi lên về ANTT để tham mưu định hướng với chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành công tác vận động, phát huy vai trò của quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm về ANTT có hiệu quả. Quá trình vận động, phát huy vai trò nên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhất là tham gia phản bác và tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”; không di cư tự do, không theo tà đạo, đạo lạ; hướng dẫn cá biệt một số người có uy tín nắm và cung cấp tình hình có liên quan đến ANTT cho lực lượng Công an.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, số quần chúng tốt, trưởng bản, trường dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 420 tin liên quan đến ANTT, tham gia giải quyết ổn định 16 vụ việc liên quan đến ANTT tại cơ sở; nắm, quản lý, giáo dục, cảm hóa trên 250 lượt người có hoạt động tôn giáo không tuân thủ pháp luật; tác động, chuyển hóa 62 lượt đối tượng bị ảnh hưởng luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông” và trên 200 vụ việc đến trật tự an toàn xã hội.
Có thể kể đến việc tuyên truyền, vận động quần chúng giữ gìn phong tục truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Qua tuyên truyền đã có 113 hộ/510 khẩu dân tộc La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè theo tà đạo “Xè A” tự nguyện quay về phong tục truyền thống; những người uy tín đã hỗ trợ lực lượng Công an trong giải quyết hoạt động liên quan đến vụ tụ tập đông người ở Núi Ao Rồng, bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, Mường Tè xảy ra vào ngày 3-1-2020; vận động 2 đối tượng trước đây hoạt động lập “Nhà nước Mông” lẩn trốn ở nước ngoài về trình diện với chính quyền; tham gia giải quyết tình hình phức tạp liên quan đến các vi phạm và tai nạn giao thông có liên quan đến người DTTS ở TP. Lai Châu và xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ; tuyên truyền, vận động 100% quần chúng tín đồ, phật tử theo các tôn giáo trên địa bàn treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ lớn của đất nước.
Bài học kinh nghiệm
Công tác vận động, phát huy vai trò của trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn phải được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất và toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng trong đó lực lượng Công an nhân dân, Ban Dân tộc, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc làm nòng cốt. Phải thống nhất nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành.
Công tác vận động, phát huy vai trò của trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; phải tích cực tìm hiểu, gặp gỡ, vận động họ để phát huy, tranh thủ tối đa khả năng, năng lực và uy tín của họ.
Cần xác định rõ nội dung, phương pháp vận động đối với từng cá nhân để phát huy năng lực, sở trường của họ trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; cần phát huy được vai trò, vị trí ảnh hưởng của họ trong từng vùng tôn giáo, từng dân tộc, từng dòng họ để có phương pháp tranh thủ, vận động phù hợp.
Công tác vận động, tranh thủ trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín phải được kết hợp giữa vận động cá biệt và vận động rộng rãi; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, những khúc mắc và gần gũi, động viên họ trong cuộc sống.
Quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm kịp thời động viên, khích lệ để họ tích cực tham gia các phong trào, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh, trật tự.
Nâng cao hiệu quả các giải pháp trọng tâm
Để nâng cao hiệu quả công tác phát huy vai trò của quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín trong thời gian tới, Lai Châu đề ra các nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những phản ánh của người uy tín trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ANTT để họ thấy rõ âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch, từ đó nâng cao ý thức chính trị, động viên họ tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để họ nâng cao nhận thức, vị thế, vai trò của mình trong cộng đồng dân cư, không để họ bị tác động bởi các luận điệu tuyên truyền thù địch; phải chủ động có các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn cho họ và gia đình, không để các phần tử xấu đe dọa, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Hai là, quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín, thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để số quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín nâng cao chất lượng cuộc sống, chủ động hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, cần kịp thời khen thưởng, động viên những người có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương để nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức, kinh nghiệm và bồi đắp, củng cố niềm tin của họ.
Ba là, tập trung nghiên cứu, tranh thủ những người có ảnh hưởng lớn, tác động đến việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; những người có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh, trật tự và phát triển kinh tế.
Bốn là, tập trung nâng cao hiệu quả công tác vận động cá biệt trong vận động quần chúng, nắm tình hình địa bàn, tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh trên địa bàn; quản lý, đấu tranh với các loại đối tượng, nhất là đối tượng hoạt động lập “Nhà nước Mông”, đối tượng lợi dụng tôn giáo tiến hành các hoạt động chống đối ở vùng DTTS...
Năm là, thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác vận động tranh thủ quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín.
Sáu là, tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa về chế độ, chính sách để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, chấp hành đầy đủ mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định địa phương, quy ước, hương ước của bản, dòng họ, góp phần nâng cao uy tín, vị trí, vai trò của họ, xứng đáng là tấm gương sáng cho quần chúng nhân dân trong xã, bản và gia đình, dòng họ noi theo.
|
Đoàn đại biểu người có uy tín trong dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu về thăm Bộ Công an.
|
Lưu Ly