Hợp tác giải quyết vấn đề an ninh con người Việt Nam - Căm-pu-chia
Ký kết hợp tác củng cố an ninh, trật tự trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Ký kết hợp tác củng cố an ninh, trật tự trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Thực trạng hợp tác

Một số vấn đề an ninh con người nổi cộm giữa Việt Nam - Căm-pu-chia như: lừa đảo xuyên biên giới bằng hình thức việc nhẹ lương cao đối với người Việt, di cư bất hợp pháp và tình trạng “vô quốc tịch” vùng biên giới, khan hiếm nguồn nước xuyên biên giới do tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn.

Đối với việc lừa người Việt sang Căm-pu-chia làm việc với chiêu bài “việc nhẹ lương cao” đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối trong vấn đề an ninh con người của hai nước. Theo đó, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Căm-pu-chia lao động trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp.

Thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat, Telegram..., các đối tượng ở Căm-pu-chia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc, với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được chi trả trước. Khi người tìm việc đồng ý, các đối tượng ở Căm-pu-chia móc nối với các “chân rết” ở Việt Nam để tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa họ xuất cảnh bằng các đường tiểu ngạch trái phép sang Căm-pu-chia. Khi sang nước bạn, người lao động bị mua bán qua lại. Các tội phạm này có nhiều dấu hiệu mua bán người, vì khi người lao động sang Căm-pu-chia làm việc, nếu chủ công ty thấy không đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ bán lại cho những ông chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi suất mà họ đã trả trước đó. Nếu nạn nhân muốn trở về thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Còn những trường hợp mà gia đình không có tiền chuộc, các nạn nhân đó sẽ bị trừng phạt theo kiểu xã hội đen.

Việc các quốc gia xây dựng các đập thủy điện phía thượng nguồn Mê-kông nhất là Trung Quốc và Lào cũng ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy Mê-kông, theo đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề an ninh nguồn nước khu vực hạ nguồn. Bên cạnh đó, kênh đào Funan Techo mà Căm-pu-chia dự kiến sẽ triển khai vào quý IV năm 2024 có thể ảnh hưởng rất lớn, khiến lượng nước từ dòng Mê-kông về miền Tây có thể giảm đi đáng kể. Điều này ảnh hưởng trầm trọng đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân hạ nguồn Mê-kông trong đó có khu vực biên giới hai nước.

Việc thiếu hụt nguồn nước do thiên nhiên (biến đổi khí hậu làm giảm lượng mưa) và do con người (như việc xây dựng đập, thay đổi dòng chảy do đào kênh) đã, đang và sẽ làm gia tăng sự thiếu hụt nước ngọt ở khu vực xuyên biên giới, làm gia tăng đói nghèo do sản xuất và sinh hoạt bị ảnh hưởng, bởi khu vực biên giới hai nước chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc ít người có điều kiện khó khăn so với các vùng khác. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi khu vực này…

Bên cạnh đó, tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia cũng có những diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, vấn đề di cư tự do và hôn nhân không giá thú giữa các đồng bào tộc người hai bên biên giới Việt Nam và Căm-pu-chia cũng đã giảm đi nhiều, nhưng vẫn còn hiện tượng người Căm-pu-chia kết hôn với người Việt gốc Khmer vùng biên giới, ảnh hưởng đến việc quản lý cư dân của chính quyền, cũng như chính đối với bản thân những người di cư tự do và hôn nhân không giá thú và những đứa con của họ.

Để ứng phó với các thách thức an ninh con người như trên, Việt Nam và Căm-pu-chia cũng tăng cường hợp tác, trong đó thành lập các cơ chế hợp tác như trao đổi lãnh đạo cấp cao hai nước, hợp tác giữa các bộ ngành và lĩnh vực liên quan. Trên tinh thần quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam - Căm-pu-chia, hai nước thường xuyên trao đổi ý kiến thông qua các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hằng năm, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh, huyện đến xã của hai bên thường xuyên tổ chức các đoàn đại biểu sang gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi thông tin, ký kết các biên bản hợp tác, tham dự Lễ, Tết và các sự kiện quan trọng của nhau; tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cũng như bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Căm-pu-chia nói chung, giữa Tây Ninh (Việt Nam) và các địa phương thuộc Căm-pu-chia nói riêng.

Bên cạnh đó, các lực lượng chấp pháp hai bên như công an và biên phòng cũng thường xuyên phối hợp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động tội phạm ảnh hưởng đối với an ninh con người. Mặt khác, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng thường xuyên trao đổi để giải quyết các vấn đề về thiếu hụt nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống của người dân hai bên, nhất là vùng biên giới.

Vấn đề đặt ra

Mặc dù hai nước cũng đã đạt được nhiều kết quả trong việc thúc đẩy hợp tác, thể hiện ở một số điểm chủ yếu như sau:

Thứ nhất, thách thức an ninh con người giữa Việt Nam - Căm-pu-chia diễn biến ngày càng phức tạp. Các vấn đề như thiếu hụt nguồn nước ngày càng trầm trọng và đang tác động ngày càng mạnh mẽ hơn đối với người dân biên giới hai nước. Mặt khác, các hoạt động tội phạm như lừa đảo việc làm tại Căm-pu-chia ngày càng tinh vi, các hoạt động di cư tự do và hôn nhân không giá thú giữa các tộc người ở biên giới hai nước vẫn còn diễn ra.  

Thứ hai, việc hợp tác ứng phó với thách thức của an ninh con người giữa hai nước hiệu quả chưa thực sự cao. Vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh con người chủ yếu vẫn ở trong trạng thái “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Việc củng cố nhận thức chung và phối hợp hành động giữa hai bên còn tương đối hạn chế.

Thứ ba, do việc phân giới cắm mốc giữa hai nước chưa hoàn thành, việc hợp tác quản lý biên giới, điều này tác động không nhỏ đối với việc hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh con người. Việt Nam và Căm-pu-chia đã hợp tác chặt chẽ, hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% chiều dài toàn tuyến đường biên giới trên đất liền, song 16% vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, hai bên đang nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc phần còn lại.

Khuyến nghị giải pháp

Đối với giải pháp ứng phó với thách thức an ninh con người Việt Nam – Căm-pu-chia, cần xác định rõ nhận thức về vấn đề an ninh phi quyền thống nói chung trong đó có an ninh con người là vấn đề xuyên quốc gia, vấn đề phi quân sự và có tính chất xuyên lĩnh vực. Cho nên, giải quyết những thách thức này thì cần phải nhìn nhận một cách có hệ thống, toàn diện, đa chiều. Đồng thời, cần phải có sự phối hợp của hai nước, và nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cấp khác nhau trong một quốc gia, tức là từ trung ương đến địa phương. Theo đó, để có thể có giải pháp hiệu quả chúng ta có thể cân nhắc đến một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, đây là vấn đề xuyên quốc gia, cho nên việc tăng cường hợp tác giữa hai nước là yếu tố then chốt. Khi quan hệ hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ thì việc hình thành các cơ chế, biện pháp cụ thể để ứng phó và giải quyết các thách thức an ninh con người mới có tính hiệu quả lâu dài, bền vững và toàn diện.

Do đó, việc củng cố nhận thức trong lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như việc đẩy mạnh trao đổi cấp cao hai nước trong lĩnh vực này là yếu tố nền tảng để giải quyết thách thức an ninh con người xuyên biên giới. Theo đó, hai nước cần nhận thức được mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng của vấn đề an ninh con người xuyên biên giới, bởi đây là vấn đề sẽ tác động toàn diện đến hợp tác an ninh hai nước.

Thứ hai, trên cơ sở thúc đẩy nhận thức và trao đổi của lãnh đạo cấp cao hai nước về vấn đề an ninh con người, các địa phương, các ngành và lĩnh vực liên quan hai bên cần chủ động thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn trên cơ sở các cơ chế, các cam kết, và nền tảng hợp tác có sẵn hai bên. Việc phối hợp thường xuyên mang ý nghĩa then chốt bởi đây là vấn đề xuyên biên giới không thể phụ thuộc vào ý chí và hành động từ một phía được.

Thứ ba, đối với các vấn đề cụ thể của an ninh con người như bị lừa đảo qua biên giới với hình thức “việc nhẹ lương cao”, hay di cư tự do và hôn nhân không hôn thú, thì việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân di cư tự do tại các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia, cần thực hiện một số giải pháp như tiếp tục giải quyết đăng ký, quản lý cư trú, cấp căn cước công dân đối với các trường hợp đã được giải quyết vấn đề về quốc tịch, hộ tịch... Then chốt nhất là tăng cường vai trò của công tác tuyên truyền đối với người dân, việc nâng cao nhận thức là yếu tố nền tảng để ngăn chặn đối với nguy cơ này.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước là biện pháp lâu dài và có tính bền vững đối với việc ngăn chặn nguy cơ đối với vấn đề an ninh con người khu vực biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia. Sự phát triển kinh tế biên giới góp phần nâng cao đời sống người dân hai bên biên giới, điều này cũng giúp họ ứng phó tốt hơn với các nguy cơ an ninh con người khác.

Thứ năm, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong việc đấu tranh với các thách thức an ninh phi truyền thống xuyên biên giới, trong đó có an ninh con người. Theo đó, việc phát huy vai trò của các cơ chế tại tiểu vùng sông Mê-kông, rộng hơn là ASEAN, cũng như Liên hiệp quốc là việc làm cần thiết.

Hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh con người khu vực biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia là một trong vấn đề quan trọng trong hợp tác an ninh toàn diện giữa hai nước hiện nay. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của vấn đề an ninh con người, Việt Nam và Căm-pu-chia cũng đã tích cực thúc đẩy hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức này. Cái gốc của giải pháp trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả từ thách thức an ninh con người vùng biên giới hai nước vẫn là hai bên cần tiến tới đạt được nhận thức chung thống nhất và gia tăng quyết tâm chính trị, cũng như sự phối hợp để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống thường xuyên và kịp thời.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất