Vị thế ngày càng cao
Việc ban hành và triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò và vị thế tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Theo đó, đối ngoại đa phương trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Lễ khởi động năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020.
Năm 2019 là một năm sôi động với nhiều hoạt động quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu và khu vực về quyền con người. Tại các diễn đàn, Việt Nam không chỉ khẳng định được chính sách và thành tựu của Việt Nam về tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, mà còn đóng góp thực chất vào nỗ lực chung thúc đẩy các giá trị về quyền con người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng như về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, di cư…
Tại các diễn đàn toàn cầu của LHQ cũng như các diễn đàn khu vực: ASEAN, APEC, ASEM… Việt Nam luôn thể hiện cách tiếp cận xây dựng, cân bằng và toàn diện về quyền con người, từ những nội dung về quyền phát triển, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền nước sạch, quyền giáo dục, cho đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền tiếp cận y tế và các dịch vụ xã hội, cho tới các chủ đề về khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm ma túy, phòng, chống mua bán người…
Tháng 1-2019, Việt Nam tham gia trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ III. Tháng 7-2019, tại phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR, Việt Nam chính thức thông báo việc chấp thuận 241/291 khuyến nghị (chiếm 83%). Đây là tỷ lệ chấp thuận tương đối cao, so với nhiều nước đã thực hiện rà soát theo chu kỳ III. Các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận bao quát tất cả các lĩnh vực quyền con người, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người, bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của người lao động, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức và giáo dục quyền con người; xem xét gia nhập và thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã nhận được không ít đánh giá tích cực từ các nước và các tổ chức quốc tế đối với những nỗ lực về bảo đảm quyền con người, cũng như sự nghiêm túc trong thực thi các cam kết về quyền con người, trong đó có cam kết theo cơ chế UPR. Một số ý kiến đặc biệt hoan nghênh việc Việt Nam dự định xây dựng một kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR và tiến hành đánh giá giữa kỳ, xem đây là một ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy thực hiện các khuyến nghị UPR. Một số khác ca ngợi việc Việt Nam đã và đang lồng ghép việc thực hiện các khuyến nghị UPR với các chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia, qua đó bảo đảm tiến trình UPR đem lại những hiệu quả thực chất.
Trong năm 2019, Việt Nam cũng đã bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự, chính trị, một trong những Công ước được xem là “khó” và thu hút được sự quan tâm cao của dư luận quốc tế. Phiên bảo vệ diễn ra thành công trên tinh thần trao đổi thẳng thắn. Việt Nam đã giải đáp rõ ràng với lập luận thuyết phục về chính sách và pháp luật về quyền con người, cũng như thực tiễn triển khai các nghĩa vụ theo Công ước, giúp cho các thành viên Ủy ban Công ước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế Việt Nam, nhất là khi một số ủy viên còn tiếp cận với những thông tin không chính thống và không được kiểm chứng.
Luôn phát huy tính tích cực, trách nhiệm
Cũng theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư, mục tiêu đối ngoại đa phương trong thời gian tới của nước ta chính là “nỗ lực vươn lên đóng góp vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược với đất nước”.
Không chỉ ở các phiên đối thoại về các báo cáo quốc gia, tại các diễn đàn khác trong khuôn khổ LHQ, Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò chủ động, tích cực và đóng góp thực chất trong các cuộc thảo luận và tham vấn về nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền con người. Tại các diễn đàn từ Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Các vấn đề nhân quyền, xã hội (Uỷ ban 3), Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC), Việt Nam luôn phối hợp tích cực với các nước đang phát triển, các nước đồng quan điểm đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc cơ bản trong tiếp cận về quyền con người, đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không chính trị hóa vấn đề quyền con người. Với cách tiếp cận đó, Việt Nam không ủng hộ các nghị quyết về tình hình nhân quyền tại một nước cụ thể, ví dụ như nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Mi-an-ma, Triều Tiên, Phi-lí-pin, I-ran… Chúng ta tin rằng đối thoại và hợp tác mới là cách thức hiệu quả khi xem xét các vấn đề về quyền con người, chứ không phải chỉ trích lẫn nhau hay gây sức ép, chính trị hóa quyền con người.
Trong thảo luận về các nội dung chuyên đề tại các diễn đàn về quyền con người, Việt Nam ủng hộ bảo đảm cách tiếp cận toàn diện và cân bằng giữa các nhóm quyền, nhất là khi nhiều nước phương Tây luôn có xu hướng coi trọng hơn các quyền dân sự, chính trị so với các quyền khác. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước đang phát triển để thúc đẩy các nhóm quyền ưu tiên, đặc biệt liên quan đến quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; nhấn mạnh vấn đề quyền con người cần được xem xét trên cơ sở tôn trọng những yếu tố đặc thù của mỗi quốc gia về lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển. Từ sự tôn trọng đó, các quốc gia mới có thể thấu hiểu và không áp đặt các tiêu chuẩn lên quốc gia khác, dù đó là vấn đề xóa bỏ án tử hình, hôn nhân đồng giới hay tự do ngôn luận trên không gian mạng…
Cùng với việc bảo đảm các nguyên tắc trên, Việt Nam đang nỗ lực để có thể giữ vai trò nòng cốt và dẫn dắt trên nhiều nội dung tại các diễn đàn về quyền con người, nhất là với việc tiếp tục giới thiệu và duy trì các sáng kiến. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng là thành viên tích cực chủ trì nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN về quyền con người, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC). Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo AICHR về thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ thông qua công nghệ thông tin (tháng 11-2019), Hội nghị về thúc đẩy phát triển trẻ em châu Á - Thái Bình Dương (tháng 12-2019). Đặc biệt, chuẩn bị cho nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong năm 2019 Việt Nam tích cực nghiên cứu, chuẩn bị cho sự tham gia tại đề mục “Phụ nữ, hòa bình và an ninh” của HĐBA. Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 của HĐBA về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.
Tại các diễn đàn LHQ cũng như các diễn đàn khu vực liên quan đến quyền con người, sự tham gia của Việt Nam ngày nay không chỉ dừng lại ở mức độ thông tin đến cộng đồng quốc tế về chính sách, pháp luật và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chúng ta đã từng bước đóng góp thực chất hơn vào các diễn đàn, bằng cách chia sẻ cách tiếp cận và kinh nghiệm của Việt Nam, chủ động đóng góp trách nhiệm vào những vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm, cũng như sẵn sàng đóng vai trò nòng cốt, sẵn sàng làm cầu nối, trung gian hòa giải khi cần thiết.
Tiếp tục khẳng định dấu ấn
Những thành tựu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong nước chính là tiền đề để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế tại các diễn đàn đa phương về quyền con người. Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, trong đó nổi bật là việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, đồng thời gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về quyền thương lượng tập thể.
Các kết quả về bảo đảm các quyền con người trên thực tế cũng được minh chứng qua những con số thuyết phục. Theo Báo cáo của UNDP năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao về Chỉ số phát triển con người (đứng thứ 116/189 quốc gia) và Chỉ số bình đẳng giới (đứng thứ 67/160 quốc gia). Theo một báo cáo của World Bank, tỉ lệ đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số, với tỉ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Không dừng lại ở đó, Việt Nam đang thực sự hướng tới một chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân khi chất lượng dịch vụ công đang dần được cải thiện. Không khí đổi mới, sáng tạo đang lan tỏa trong từng người dân và mọi vùng miền. In-tơ-nét, công nghệ thông tin đã tiếp cận cả những vùng sâu, vùng xa. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang đạt mức kỷ lục, với 129.868 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019. Nhiều tổ chức quốc tế đang đánh giá Việt Nam như một hình mẫu thành công về phát triển năng động và cho rằng hiếm ở đâu mong muốn làm chủ cách mạng công nghệ 4.0 và khát vọng vươn lên lại rõ nét như ở Việt Nam.
Những thành quả bước đầu cho phép Việt Nam khẳng định được vai trò tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy hiệu quả của các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương giữa Việt Nam và các đối tác. Trong năm 2019, Việt Nam đã tiến hành Đối thoại nhân quyền với Liên minh châu Âu, Mỹ và Ô-xtrây-li-a, trong đó tại Đối thoại với Ô-xtrây-li-a (8-2019), lần đầu tiên, hai nước đã ra thông cáo báo chí chung.
Năm 2020, với vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội rộng mở. Đây là dịp để Việt Nam tận dụng phát huy hơn nữa vị thế quốc gia trên trường quốc tế, nắm lấy những cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tạo điều kiện để bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người dân. Tất nhiên, để biến những cơ hội này thành kết quả thực tế, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa, cả về hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền con người, cũng như trong triển khai những bước đi cụ thể. Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình then chốt. Để có những bước chuyển mình thành công và tiến lên một giai đoạn phát triển mới sẽ cần sự nỗ lực tổng lực của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hiệp hội và mỗi người dân.
Năm 2019, tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cùng Băng-la-đét và Phi-li-pin giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền của người khuyết tật với 49 nước đồng bảo trợ. Việt Nam cũng thay mặt ASEAN phát biểu tại Tọa đàm về biến đổi khí hậu và quyền phụ nữ tại Hội đồng Nhân quyền khóa 41 (tháng 6-2019), một cuộc tọa đàm được tổ chức trên cơ sở Nghị quyết do Việt Nam chủ trì giới thiệu tại Hội đồng Nhân quyền vào năm 2018. Với những hoạt động này, Việt Nam đang được xem là thành viên nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền trong thúc đẩy nội dung về biến đổi khí hậu và quyền con người. Ngày 9-1-2020, Việt Nam đã chủ trì phiên Thảo luận mở của HĐBA LHQ với chủ đề “Tuân thủ Hiến chương LHQ, bảo vệ hòa bình và an ninh”, thu hút sự quan tâm của tất cả các nước với số lượng kỷ lục 110 nước đăng ký phát biểu. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử LHQ đã có được một tuyên bố về thảo luận mở liên quan đến Hiến chương LHQ. Điều này nói lên tầm quan trọng cũng như sự thành công của phiên thảo luận mở; cho thấy sáng kiến của Việt Nam đã đi đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích của các nước ngay từ tháng đầu tiên với tư cách Ủy viên không thường trực HĐBA, cũng như là tháng đầu tiên đảm đương vai trò Chủ tịch HĐBA. |
Hoàng Thị Thanh Nga
Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao