Hiện nay, không chỉ có các cuộc tấn công mạng mà những thông tin xấu, gây sốc được lan truyền trên mạng xã hội mới thực sự là hiểm hoạ lớn về an ninh, đe doạ cuộc sống của người dân.
Thủ phạm Brenton Harrison Tarrant phát trực tiếp lên mạng cảnh xả súng tại nhà thờ hồi giáo ở Niu Di-lân.
Hiểm họa khôn lườngCho đến giờ, người ta vẫn không khỏi rùng mình khi nhắc đến vụ xả súng đẫm máu tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của Niu Di-lân hồi giữa tháng 3-2019. Đáng sợ nhất là sự chuyển hoá tư tưởng cực đoan, thù hằn cùng sự cổ xuý cho hành động giết người của thủ phạm Brenton Harrison Tarrant đều xuất phát từ mạng xã hội. Theo tin từ hãng CNN của Mỹ, thủ phạm đã phát trực tiếp (livestream) toàn bộ quá trình giết người của mình trong 17 phút, bắt đầu từ khi hắn lái xe đến thánh đường Hồi giáo Al Noor ở đại lộ Deans, thành phố Christchurch, đỗ xe ở một lối đi gần đó. Chiếc xe màu be có chứa vũ khí và đạn dược cùng các hộp đựng xăng ở ghế hành khách phía trước và trong cốp. Sau đó, hắn mang theo vũ khí và bước vào nhà thờ và xả súng vào những người đang cầu nguyện mà đa số là những người nhập cư từ Băng-la-đét, Áp-ga-ni-xtan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Gióc-đan, Pa-kít-xtan... Trong một bản tuyên ngôn dài, đầy thù hận được đăng trên Facebook dưới tên mình vào thời điểm vụ xả súng, thủ phạm bày tỏ quan điểm của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Trong suốt 17 phút livestream, hắn liên tục câu chửi thề và kích động thù hằn, bạo lực.
“Cảnh sát Niu Di-lân cảnh báo chúng tôi về một video trên Facebook ngay sau đoạn livestream được thực hiện. Chúng tôi nhanh chóng xóa tài khoản Facebook, Instagram của tay súng và video đó”, Giám đốc chính sách Facebook tại Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, bà Mia Garlick cho hay. Tuy nhiên vài giờ sau vụ tấn công, các bản sao của đoạn video khủng khiếp này vẫn xuất hiện trên cả 5 nền tảng mảng xã hội Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram và Twitter. Nhưng khi những video này bị xoá thì có tới 1,2 triệu bản video khác đang trong quá trình tải lên và chưa kể đến hàng triệu video như thế hoặc được cắt ghép lại, vẫn xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, YouTube, WhatsApp, Instagram, đã gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới một bộ phận lớn người dùng in-tơ-nét đang bị lôi kéo vào những tư tưởng cực đoan.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các mạng xã hội bị tội phạm tận dụng, đăng video về tội ác của chúng và nhận được sự chia sẻ của người dùng. Việc này từng xảy ra ở Mỹ, Thái Lan, Đan Mạch và một số quốc gia khác. Năm 2017, một người cha ở Thái Lan đã livestream video giết hại chính con gái của mình lên Facebook. Sau đó hơn một ngày, video này - với khoảng 370.000 lượt xem - mới được Facebook xoá bỏ. Cùng năm, video một người đàn ông bắn chết một người khác ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ cũng được phát trực tiếp khiến nhiều người xem bị sốc. Tháng 8 năm ngoái, một vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại một giải thi đấu game trực tuyến ở Jacksonville, Florida, Mỹ cũng được quay và phát trực tuyến…
Những video bạo lực lan truyền với tốc độ chóng mặt này cùng các tài liệu liên quan cổ suý cho tư tưởng cực đoan đã tạo nên những chiếc bẫy vô hình cho người sử dụng in-tơ-nét. Đồng thời nó cũng dấy lên những lo ngại mới về việc liệu các doanh nghiệp kinh doanh mạng đã nỗ lực đủ để nắm bắt nội dung loại này hay chưa và họ nên được kỳ vọng gỡ nội dung xuống nhanh đến mức nào? Cố vấn Lucinda Creighton của hãng Counter Extremism Project cho hay: “Dù Google, YouTube, Facebook và Twitter đều cho biết họ đang hợp tác và hành động vì lợi ích tốt nhất của người dân và xóa dạng nội dung này, thực tế họ không như thế vì vẫn cho phép nội dung xuất hiện lại mọi lúc. Các hãng công nghệ cơ bản không xem đây là ưu tiên hàng đầu. Họ nói rằng chuyện này kinh khủng, nhưng không làm gì để ngăn chúng tái xuất hiện”. Nhà phân tích thực thi pháp luật Steve Moore của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo: “Facebook có công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và đội kiểm duyệt nội dung song dường như không thể phát hiện đoạn livestream của vụ xả súng mà phải đợi đến khi cảnh sát Niu Di-lân cảnh báo mới hành động. Video cực đoan, khủng bố có thể truyền cảm hứng cho những kẻ muốn sao chép, bắt chước. Người dùng mạng xã hội tuyệt đối không chia sẻ nội dung bạo lực, khủng bố nếu không muốn tiếp tay cho chúng”. Trong khi đó, chuyên gia phân tích của Investing Clement Thibault nói: "Việc phát trực tiếp cảnh xả súng tại Niu Di-lân chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về quy định và việc kiểm soát của Facebook. Họ đã cung cấp nền tảng cho cuộc tấn công khủng khiếp và tạo điều kiện cho một số người lan truyền những nội dung cực đoan này. Tôi muốn nói là không chỉ thủ phạm Brenton Harrison Tarrant mà cả những người đã chia sẻ video này đều có lỗi lớn trước cái chết của nhiều người ở Christchurch”.
Cần biện pháp mạnh
Trên cương vị quản lý nhà nước, khi nói về hậu quả của việc phát tán và lan truyền tư tưởng cực đoan, bạo lực trên mạng xã hội, Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock từng tuyên bố, các mạng xã hội có thể sẽ bị cấm tại Anh quốc nếu không thể xử lý các nội dung độc hại. "Nếu chúng tôi nghĩ các mạng xã hội cần phải hành động trong những việc mà họ từ chối, chúng tôi sẽ phải đưa ra biện pháp mạnh bằng luật pháp. Nhưng đó không phải hoàn toàn là điều chúng tôi muốn", Bộ trưởng Matt Hancock nói sau khi xảy ra vụ việc một thiếu niên Anh tự tử vào cuối năm 2017 sau khi xem các hình ảnh có liên quan tới chủ đề trên. Đồng thời, ông Matt Hancook còn gửi thư tới Twitter, Snapchat, Pinterest, Apple, Google và Facebook, nhấn mạnh rằng các mạng xã hội cần phải có nhiều động thái mạnh mẽ hơn: "Thật đáng sợ khi nhìn thấy cách thức dễ dàng tìm kiếm các nội dung trực tuyến và tôi không hề nghi ngờ về tác hại của nhiều nội dung này có thể gây ra, đặc biệt với giới trẻ. Đã đến lúc các nhà cung cấp dịch vụ in-tơ-nét và mạng xã hội cần phải can thiệp và xử lý triệt để".
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Lao động Anh Jeremy Corbyn cho rằng, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Instagram và WhatsApp cần phải có những hệ thống kiểm duyệt nội dung để tránh những trường hợp tương tự xảy ra. Bên cạnh đó, ông Jeremy Corbyn khẳng định, Luật An ninh mạng của các nước khi đưa vào thực thi cũng sẽ giúp người dùng nhận thức rõ hơn trách nhiệm khi chia sẻ hoặc tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội. Thủ tướng Anh Theresa May thì tuyên bố đã đến lúc phải có biện pháp quản lý nghiêm khắc vì các công ty công nghệ không thể ngăn chặn thông tin độc hại và bảo vệ người dùng.
Trong khi đó tại Ô-xtrây-li-a, Quốc hội đã thông qua luật để "xóa sổ" video bạo lực, ghê rợn trên mạng xã hội, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ các công ty công nghệ. Mang tên Luật Chia sẻ nội dung bạo lực ghê rợn, Luật này được mô tả là "gần như lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới", quy định các tội mới đối với những nhà cung cấp dịch vụ nội dung cũng như dịch vụ máy chủ không báo cáo cho cảnh sát liên bang Ô-xtrây-li-a hoặc không nhanh chóng gỡ bỏ video mô tả "hành vi bạo lực ghê rợn". Luật tạo ra cơ chế cho thành viên Ủy ban An toàn mạng thông báo cho các công ty mạng xã hội rằng họ được cho là biết về việc họ đang đăng tải nội dung bạo lực ghê rợn và buộc phải gỡ bỏ. “Quãng thời gian được xem là "hợp lý" để một video tồn tại trước khi bị gỡ bỏ tùy thuộc vào từng trường hợp, nhưng "mọi người dân Ô-xtrây-li-a đều sẽ đồng ý rằng hoàn toàn vô lý nếu nó tồn tại hơn một tiếng mà họ không có bất cứ hành động nào", một quan chức Chính phủ Ô-xtrây-li-a nói. Mức phạt đối với các công ty có hành động vi phạm luật này có thể lên đến 10,5 triệu USD hoặc 10% doanh thu thường niên. Mức phạt đối với cá nhân "cung cấp dịch vụ máy chủ" và không gỡ bỏ nội dung có thể lên đến 3 năm tù giam hoặc 2,1 triệu USD, hoặc kết hợp cả hai.
Riêng châu Âu thì công bố một đạo luật mới liên quan đến việc kiểm soát an ninh mạng xã hội. Tờ The Guardian cho hay, Nghị viện châu Âu, một trong các cơ quan quyền lực nhất trên thế giới, đã phê chuẩn đạo luật này nhằm xử phạt tất cả những tập đoàn công nghệ kinh doanh tại đây (khoảng 4% tổng lợi nhuận kinh doanh) nếu như không gỡ các nội dung mang tính chất khủng bố trên nền tảng mạng xã hội của họ trong vòng một giờ đồng hồ. Các cơ quan giám sát và lực lượng an ninh tại châu Âu sẽ là người kiểm tra thông tin trên những nền tảng mạng xã hội và kiêm cả việc thông báo về nguồn tin độc hại đến những người quản lý. Dan Dalton, thành viên của Nghị viện châu Âu, cho biết đạo luật được đề ra sau khi ông và các đồng sự khác xem đoạn video đẫm máu ở trên Facebook do thủ phạm xả súng ở Christchurch, Niu Di-lân thực hiện. Điều khiến ông bàng hoàng là làm sao mà Facebook, một trong những nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới, lại có thể để một đoạn video kinh hoàng như thế này tràn lan không kiểm soát. Ông Dalton cũng thú nhận rằng, kể từ khi đoạn video về vụ thảm sát ở Niu Di-lân được lan truyền trên khắp các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Nghị viện châu Âu đã phải chịu rất nhiều chỉ trích từ công chúng vì sự bất lực trong khâu kiểm soát, ngăn ngừa thông tin độc hại trực tuyến.
Học tập EU, một số nước khác ở châu Á cũng có động thái xử lý tương tự đối với các tập đoàn công nghệ. Chẳng hạn ở Xin-ga-po, dự luật chống tin giả mang tên Luật Bảo vệ trước tin giả và thao túng thị trường mạng được trình trước Quốc hội hôm 8-4 đang cân nhắc trao quyền tuyệt đối cho Chính phủ nước này kiểm soát mọi thông tin trên mạng xã hội và trừng phạt nặng các cá nhân, tổ chức vi phạm. Khi các cá nhân vi phạm đạo luật sẽ đối mặt với mức phạt tiền hơn 36.000 đô-la và tối đa 5 năm tù; nếu "tin giả" được đăng bằng tài khoản nặc danh hoặc phần mềm tự động, mức phạt tăng lên 73.000 đô-la và tối đa 10 năm tù. Các công ty như Facebook nếu bị ghép tội lan truyền tin giả sẽ đối mặt mức phạt khoảng 735.000 đô-la. Còn tại Thái Lan, sau khi được đăng trên Công báo Hoàng gia (dự kiến vào tháng 5), Luật An ninh mạng được Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan thông qua hồi cuối tháng 2 sẽ cho phép các cơ quan có thẩm quyền bỏ qua các lệnh của tòa án trong các tình huống quan trọng và thành lập Ủy ban An ninh mạng quốc gia, do Thủ tướng chủ trì để soạn thảo chính sách và kế hoạch hành động củng cố an ninh mạng; thành lập một Ủy ban Giám sát an ninh mạng, do Bộ trưởng phụ trách kinh tế kỹ thuật số và xã hội chịu trách nhiệm điều hành. Luật mới cũng trao quyền người đứng đầu Ủy ban An ninh mạng quốc gia được phép tìm kiếm, tịch thu hệ thống máy tính mà không cần lệnh của tòa án để đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng. Tòa án và các bên liên quan sau đó có thể sẽ được thông báo về những hành động như vậy.
Ma Vĩnh Long