Bảo đảm quyền tự do làm việc cho người lao động ở Việt Nam


               Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

Quyền tự do làm việc theo pháp luật quốc tế

Trong pháp luật quốc tế về quyền con người, hai công ước chủ chốt: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) chứa đựng những nội dung cơ bản, bao trùm về quyền con người trong lĩnh vực lao động, việc làm.

ICESCR có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lao động. Trong đó, Điều 6 ICESCR quy định: Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận, các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm quyền này. ICESCR yêu cầu các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện bảo đảm các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân.

Không chỉ quy định về quyền làm việc, ICESCR còn quy định về những quyền tối thiểu và căn bản của con người về việc làm như: bảo đảm tiền lương thoả đáng, có khả năng mang lại cuộc sống tương đối đầy đủ cho bản thân người lao động và gia đình họ; bảo đảm tiền công bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào; đặc biệt, phụ nữ phải được bảo đảm những điều kiện làm việc không kém hơn đàn ông, được trả công ngang nhau đối với những công việc có giá trị như giống nhau; được làm việc trong những điều kiện an toàn và lành mạnh; được đối xử bình đẳng, có cơ hội ngang nhau trong việc thăng tiến dựa trên thâm niên và năng lực làm việc; được bảo đảm sự nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, giới hạn hợp lý số giờ làm việc, những ngày nghỉ thường kỳ được hưởng lương cũng như thù lao cho những ngày nghỉ lễ; Được bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm cả bảo hiểm xã hội.

Cùng với ICESCR, Công ước ICCPR quy định 19 nhóm quyền, trong đó có nhóm quyền tự do không bị buộc làm nô lệ hay nô dịch (Điều 8). Điều 8 ICCPR nêu rõ: không được phép bắt giữ làm nô lệ bất cứ người nào; chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm; không được đòi hỏi bất kỳ người nào phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức.

Có thể nói, hầu hết các quyền con người trong lĩnh vực lao động, việc làm của ICCPR và ICESCR đều được tái khẳng định ở các công ước liên quan khác của Liên hiệp quốc hoặc đó là sự khái quát hóa các tiêu chuẩn tương ứng đã được thể hiện trong các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cụ thể là: Quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử được tái khẳng định trong Công ước CEDAW và là sự khái quát hóa các tiêu chuẩn đã được quy định tại Công ước ILO số 100 và Công ước ILO số 111; Quyền tự do hiệp hội là sự nhắc lại và khái quát hóa các tiêu chuẩn đã được quy định trong Công ước ILO số 87 và Công ước ILO số 98; Quyền tự do không bị buộc làm nô lệ hay nô dịch, trong đó có cả vấn đề lao động cưỡng bức là sự nhắc lại và khái quát hóa tiêu chuẩn của ILO về lao động cưỡng bức theo Công ước số 29 và Công ước số 105; Các quyền và sự bảo vệ đối với trẻ em được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Công ước CRC, Công ước ILO số 138 và Công ước ILO số 182.

Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền tự do làm việc

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tham gia phê chuẩn 21/189 công ước của ILO liên quan đến việc bảo đảm quyền của người lao động. Đây là mức độ cam kết rất cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Quyền có việc làm và được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng thù lao công bằng, hợp lý là một nhóm quyền cơ bản liên quan đến lĩnh vực lao động, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được bảo đảm điều kiện lao động hợp lý, được trả thù lao hợp lý, được đình công, quyền được nghỉ ngơi…

Từ Hiến pháp đến các đạo luật liên quan đến lao động như Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại... đều quy định về quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm của người lao động. 



Xuất khẩu lao động không chỉ mang lại công việc thu nhập cao mà còn giúp người lao động có nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi về nước.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam khẳng định công dân có quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. (Khoản 1, 2 Điều 35). Có thể nói, quy định mới trong Hiến pháp 2013 đã đề cao quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc. Đây là một trong những quyền con người quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động.

Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội làm việc là trách nhiệm của nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Trên tinh thần đó, Điều 57, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quyền được lao động của người dân, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp. Đồng thời, Bộ luật Lao động cũng là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà và ổn định.

Bộ luật Lao động cũng nêu rõ chính sách của Nhà nước là: Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc ít người để giải quyết việc làm; có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ cho vay ưu đãi tạo việc làm…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đề ra hàng loạt các chương trình kinh tế - xã hội như: Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm với những hoạt động: thực hiện quỹ quốc gia tạo việc làm; thành lập các ngân hàng người nghèo; giao quyền sử dụng ruộng đất để khuyến khích trồng rừng, chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ... Đồng thời, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh để tạo việc làm cho người lao động, Nhà nước cũng ban hành một hệ thống chủ trương, chính sách thông thoáng thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài nhằm tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho những người trong độ tuổi lao động đều có thể thực hiện quyền lao động của mình. Các công ty xuyên quốc gia, các công ty liên doanh xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động, giúp người lao động có thu nhập ổn định cuộc sống cho bản thân và đóng góp công sức cho sự phát triển kinh tế đất nước… Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ luật Lao động cũng đưa ra các quy định về hợp đồng lao động, hình thức hợp đồng lao động, nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động và phương thức giải quyết tranh chấp lao động…

Điều 194, Bộ luật Lao động quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động như sau: "(1) Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động; (2) Bảo đảm thực hiện hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật; (3) Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật; (4) Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động; (5) Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội…”. Như vậy, pháp luật lao động nước hoàn toàn tương thích và không mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và việc đảm bảo các quyền con người nói chung và quyền tự do việc làm nói riêng. Trên thực tế, quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp, thậm chí ở mức tiến bộ so với thông lệ quốc tế.

Cùng với việc khẳng định vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động thì pháp luật cũng khẳng định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Người lao động tham gia vào quan hệ lao động, có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào, làm bất cứ công việc gì mà pháp luật không cấm cũng như có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với điều kiện sinh sống. Người lao động có quyền chủ động nắm bắt công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe của mình. Người cần tìm việc làm có quyền trực tiếp liên hệ để tìm việc hoặc đăng ký tại các tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm công việc. Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và học nghề phù hợp với yêu cầu về việc làm của mình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất