Nâng cao nhân quyền tại các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Bảng xếp hạng công bố tháng 10-2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh Việt Nam, hiện đứng thứ 5 trong ASEAN, thứ 70 trên thế giới. Đây là cơ sở để có thêm nhiều giải pháp, chính sách mới thúc đẩy DN phát triển. Những vấn đề cụ thể liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, quyền con người được pháp luật bảo vệ, công nhận được xác định là tiêu chí ưu tiên để xác định DN đủ tiêu chí phát triển bền vững. Đây cũng là hướng đi của các nước phát triển ở châu Âu khi đánh giá, công nhận DN phát triển bền vững.


Quyền và lợi ích của người lao động, quyền con người luôn được pháp luật bảo vệ.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN với chủ đề: “Phát triển mạnh mẽ DN – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” năm 2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi mở 5 định hướng và giải pháp lớn để phát triển DN trong bối cảnh mới, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp; tận dụng nhiều hơn nữa mạng lưới tri thức cao người Việt trong và ngoài nước, đang sống và làm việc ở rất nhiều nước phát triển trên thế giới, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Cùng với đó là chính sách thu hút và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

Là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, các DN có nghĩa vụ tôn trọng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như các điều ước quốc tế về lao động và quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bao gồm các nguyên tắc chung và các quy định cụ thể liên quan đến các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Từ sớm, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước quốc tế về con người và về lao động (21 công ước của ILO), dẫu vậy, vấn đề DN và quyền con người vẫn là một chủ đề được quan tâm muộn hơn so với lĩnh vực trách nhiệm xã hội. Sự quan tâm chủ yếu đến từ giới nghiên cứu, giáo dục và một số tổ chức phi chính phủ.

Luật DN hiện hành (năm 2014) mặc dù chưa đề cập một cách đầy đủ, nhưng cũng đã tiến bộ hơn, nêu lên một số nghĩa vụ chính của DN đối với một số quyền con người. Cụ thể, tại Điều 8, về nghĩa vụ của DN, Luật yêu cầu DN phải “bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động, không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật...” (khoản 4); DN cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh” (khoản 8) và “thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng (khoản 9).

Các quyền căn bản về lao động cũng đã được pháp luật quốc gia quy định trong Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động... Trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người tiêu dùng, DN phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo...

Thực tế cho thấy các chính sách về BHYT, BHXH, BHTN, chính sách về tiền lương và thực hiện pháp luật về lao động đang thực hiện ngày một tốt hơn. Hội đồng tiền lương quốc gia đã được thành lập. Các mức lương tối thiểu và ngưỡng phân loại nghèo quốc gia, tỷ lệ người tham gia và được nhận BHXH, BHYT, BHTN, thời gian nghỉ ốm đau và sinh đẻ giữ nguyên lương không ngừng được nâng lên; trong khi thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN, tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên được giảm xuống, lợi ích và chất lượng sống của người lao động không ngừng được cải thiện.

Quyền lợi cho người lao động trong DN ngày càng cao nhờ liên tục tăng mức đóng hằng tháng cho đối tượng đồng thời tham gia cả BHXH, BHYT và BHTN. Tính đến tháng 5-2019, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 84,352 triệu người, đạt 98,5% so với kế hoạch giao. Trong đó, BHXH bắt buộc là 14,68 triệu người, đạt 95,9% kế hoạch giao; BHXH tự nguyện là 347 nghìn người, đạt 70,7% kế hoạch giao; BHTN 12,88 triệu người, đạt 96,5% kế hoạch giao. Riêng BHYT là 84,005 triệu người, đạt 98,6% kế hoạch giao; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 89%. Tổng số thu cùng thời điểm là 136.038 tỷ đồng. Trên 89% dân số cả nước đã có BHYT. Nhiều loại dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động đã được BHYT hỗ trợ thanh toán. Lương tối thiểu tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình với mục tiêu bằng với mức sống tối thiểu, góp phần giảm khó khăn, cải thiện đời sống của người lao động. Cơ chế tiền lương trong khu vực DN ngày càng gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.

Quyền và môi trường hoạt động của DN ở Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt nhờ được giảm thuế, mở rộng tự do hóa kinh doanh, nới trần khống chế sở hữu và phạm vi tham gia của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường. Các cấp chính quyền quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, ưu tiên DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động, bao gồm cả hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, lao động, tiền lương, vay vốn ngân hàng cho các DN bị thiệt hại do căng thẳng biển Đông...

Những cải thiện về nhân quyền trong DN là kết quả tổng hợp, hội tụ những nỗ lực lâu dài của Nhà nước và cả cộng đồng DN Việt Nam, thể hiện tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền. Những nỗ lực này được ghi nhận rộng rãi cả trong và ngoài nước, cũng như ở kết quả Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc xem xét và thông qua Báo cáo về tình hình bảo đảm quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 3 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) năm 2019; đồng thời, góp phần mang lại sự cải thiện khá tích cực các chỉ số niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng, niềm tin thị trường và tín nhiệm quốc gia mới được công bố theo đánh giá

Về mặt cơ cấu tổ chức chính trị, tổ chức công đoàn của người lao động đã được hình thành ở 100% các DN nhà nước và trong 60-70% số DN khu vực kinh tế ngoài nhà nước đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động. Đại diện của doanh nhân và người lao động tham gia rộng rãi trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII hiện nay có 4 người trúng cử trong số 15 người tự ứng cử, tăng 3 người so với khóa XII và có 3/4 số người này là doanh nhân.

Dẫu vậy, lĩnh vực doanh nghiệp và quyền con người tại Việt Nam hiện nay đang phải đối diện với nhiều rào cản, thách thức, cần chúng ta phải đương đầu giải quyết, cụ thể như nhận thức của xã hội, các cơ quan nhà nước và giới kinh doanh về quyền con người và nghĩa vụ của các chủ thể về quyền con người còn tương đối hạn chế; chưa có cơ quan nhân quyền quốc gia, trong khi Nhà nước vẫn chưa xác định cơ quan cụ thể nào là đầu mối chịu trách nhiệm về lĩnh vực DN và quyền con người; chế tài đối với các vi phạm chưa đủ nghiêm khắc; sự thiếu hụt, tính độc lập, hiệu quả của các cơ chế bảo vệ quyền của người lao động chống lại các vi phạm của DN; một số công chức, cơ quan nhà nước chưa thực sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Để giải quyết những thách thức về bảo đảm nhân quyền và hài hòa lợi ích trong hoạt động DN đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các bên liên quan trong tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế, đặc biệt là Công ước Nhân quyền của Liên hiệp quốc...

Trong thời gian tới, nội dung bảo đảm nhân quyền trong DN ở Việt Nam sẽ được triển khai trong tiến trình hoàn thành mục tiêu Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (được thông qua tháng 4 và tháng 9-2012), được cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (thông qua tháng 3-2014), Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 (thông qua tháng 2-2013), tăng cường hợp tác công - tư (PPP), hướng tới bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Theo đó, Việt Nam ngày càng đề cao yêu cầu buộc các DN tuân thủ pháp luật, các tập quán và chính sách quốc gia, các thỏa ước quốc tế có liên quan về nhân quyền, thường xuyên cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, bài học cũng như trao đổi, đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ để ngày càng cải thiện các quyền cho người dân nói chung, nhân quyền trong DN nói riêng, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên toàn thế giới.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất